Học viện Khoa học xã hội
  • VASS-70 năm (1953-2023)

Học viện Khoa học xã hội

11/10/2023

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Học viện Khoa học xã hội (tên giao dịch quốc tế: Graduate Academy of Social Sciences - viết tắt là GASS) được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Học viện Khoa học xã hội là cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là đơn vị sự nghiệp thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), có chức năng đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học về khoa học xã hội; tư vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Việc thành lập Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học được Đảng và Nhà nước chính thức giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ năm 1978, phúc đáp yêu cầu đòi hỏi cao hơn về việc phát huy năng lực của đội ngũ khoa học, cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, gắn kết tốt hơn giữa nghiên cứu với đào tạo và tư vấn cho Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kể từ năm 1978 cho đến khi thành lập Học viện Khoa học xã hội, 17 Viện nghiên cứu chuyên ngành và đa ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học ở bậc Tiến sĩ và Thạc sĩ; trong đó 06 Viện nghiên cứu được giao nhiệm vụ đào tạo cả Thạc sĩ lẫn Tiến sĩ, đó là: Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Triết học, Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; 11 Viện nghiên cứu được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sĩ, đó là: Viện Sử học, Viện Dân tộc học, Viện Khảo cổ học, Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ học, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Tâm lý học, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Con người. Các Đơn vị này đã đào tạo được cho cả nước 1.386 tiến sĩ và thạc sĩ về các chuyên ngành khoa học xã hội. Phần lớn đội ngũ cán bộ này hiện đang giữ các trọng trách tại cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương, địa phương, các Viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước, họ đã và đang phát huy khả năng nghiên cứu khoa học của mình vào các hoạt động thực tiễn của xã hội. Họ đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu chuyên môn và tham gia đào tạo nguồn nhân lực và đang từng bước trở thành những chuyên gia đầu ngành về khoa học xã hội ở khắp mọi miền đất nước.

Năm 2010, Học viện Khoa học xã hội được thành lập, đảm nhận thực hiện chức năng đào tạo và cấp bằng thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hiện nay, cơ cấu Học viện Khoa học xã hội gồm 7 phòng; 3 Trung tâm; 3 Cơ sở Học viện; 21 Khoa và 2 tổ Bộ môn và với tổng số cán bộ hiện đang công tác tại Học viện Khoa học xã hội gồm 90 cán bộ; đội ngũ cán bộ giảng dạy trên 400 nhà khoa học có trình độ từ tiến sĩ trở lên thuộc biên chế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và khoảng 200 cán bộ khoa học ở các học viện, các trường đại học tham gia công tác giảng dạy sau đại học tại Học viện Khoa học xã hội.

Đến nay, Học viện Khoa học xã hội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đào tạo 64 ngành tiến sĩ và thạc sĩ, trong đó có 31 ngành tiến sĩ và 33 ngành thạc sĩ. Học viện đang quản lý và đào tạo 3284 học viên cao học và nghiên cứu sinh, trong đó có 2044 học viên cao học và 1240 nghiên cứu sinh.

Học viện đang có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô tuyển sinh, chất lượng đào tạo; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng tăng; cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được đầu tư hiện đại, đáp ứng tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, uy tín và vị thế của Học viện ngày càng được nâng cao trong hệ thống các trường đại học khối ngành khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.

Cơ cấu của tổ chức của Học Viện Khoa học xã hội gồm:

              1. Hội đồng Học viện.

              2. Ban Giám đốc Học viện: Giám đốc Học viện và các Phó Giám đốc Học viện;

              3. Hội đồng Khoa học và đào tạo, các Hội đồng Tư vấn;

              4. Các đơn vị chức năng:

  • Văn phòng;
  • Phòng Tổ chức cán bộ;
  • Phòng Quản lý đào tạo;
  • Phòng Quản lý khoa học;
  • Phòng Tài chính - Kế toán;
  • Phòng Hợp tác quốc tế;
  • Phòng Công tác học viên.

              5. Các Khoa và Bộ môn : 

  • Khoa Triết học;
  • Khoa Luật;
  • Khoa Kinh tế học;
  • Khoa Xã hội học;
  • Khoa Văn học;
  • Khoa Sử học;
  • Khoa Văn hoá học;
  • Khoa Dân tộc học;
  • Khoa Ngôn ngữ học;
  • Khoa Tâm lý học;
  • Khoa Hán Nôm;
  • Khoa Tôn giáo học;
  • Khoa Khảo cổ học;
  • Khoa Quốc tế học;
  • Khoa Đông Nam Á học;
  • Khoa Việt Nam học;
  • Khoa Phát triển bền vững;
  • Khoa Chính sách công;
  • Khoa Công tác xã hội;
  • Khoa Phát triển Con người;
  • Khoa Quản trị doanh nghiệp;
  • Bộ môn Ngoại ngữ;
  • Bộ môn Phương pháp nghiên cứu liên ngành.

6. Các Tổ chức khoa học; tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức dịch vụ:

  • Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện;
  • Trung tâm Đào tào - Bồi dưỡng cán bộ;
  • Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ.

         7. Cơ sở của Học viện:

     - Cơ sở Học viện Khoa học xã hội tại Thành phố Đà Nẵng;

     - Cơ sở Học viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh;

     - Cơ sở Học viện Khoa học xã hội tại Thành phố Buôn Mê Thuột.

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHỦ YẾU

Trong những năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu, phát huy tính sáng tạo của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Học viện Khoa học xã hội, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm và trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện, Học viện Khoa học xã hội đã có những đóng góp chủ yếu sau đây:

1. Quy mô đào tạo phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo sau đại học của đất nước

Từ khi Học viện ra đời số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh học tập tại Học viện tăng lên một cách đáng kể (so với số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh học tập tại các Viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Điều đó được thể hiện cụ thể như sau: năm 2010, Học viện tiếp nhận tổng số nghiên cứu sinh và học viên cao học từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ 17 cơ sở đào tạo trực thuộc Viện KHXH Việt Nam chuyển về là 795 người, trong đó có 496 nghiên cứu sinh và 299 học viên cao học; tổng số nghiên cứu sinh và học viên cao học Học viện tuyển trong năm 2010 là 456 người, trong đó nghiên cứu sinh là 266, học viên cao học là 190 người; tổng số nghiên cứu sinh và học viên cao học được tuyển trong năm 2011 là 730 người, trong đó nghiên cứu sinh là 280, học viên cao học là 450; tổng số nghiên cứu sinh và học viên cao học được tuyển trong năm 2012 là 1123, trong đó nghiên cứu sinh là 272 và học viên cao học là 851. Đợt 1 năm 2013 Học viện tuyển được 105 nghiên cứu sinh và 526 học viên cao học. Đợt 2 năm 2013 Học viện tuyển được 183 nghiên cứu sinh và 738 học viên cao học. Tổng số nghiên cứu sinh và học viên cao học được tuyển trong năm 2013 là 1552, trong đó nghiên cứu sinh là 288 và học viên cao học là 1264. Công tác quản lý học viên từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Học viện đã được mở thêm và tiến hành đào tạo 23 mã ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sỹ. Đó là: Quyền con người; Phát triển bền vững; Quản lý giáo dục; Ngôn ngữ học; Chính sách công; Công tác xã hội; Quản trị doanh nghiệp; Tâm lý học; Kinh tế học; Văn học (gồm 4 chuyên ngành); Châu Âu học; Châu Á học; Việt Nam học; Quản lý kinh tế; Phát triển con người; Chính trị học; Khảo cổ học; Kinh tế quốc tế; Tôn giáo học; Quản lý khoa học và công nghệ. Trong 23 mã ngành, chuyên ngành được phép đào tạo đó, có 8 ngành, chuyên ngành được đào tạo thí điểm để sau 3 khóa đào tạo tổng kết và đưa vào các mã ngành đào tạo ở bậc thạc sỹ cho toàn quốc.

Trong năm 2012, Học viện đã tổ chức bảo vệ luận văn thạc sỹ cho 141 học viên cao học khóa thạc sỹ đầu tiên do Học viện tuyển sinh vào năm 2010, trong đó số luận văn thạc sỹ đạt kết quả xuất sắc chiếm 55%. Trong năm 2013, Học viện đã tổ chức bảo vệ luận văn thạc sỹ cho 420 Học viên cao học. Học viện đã tổ chức Lễ trao bằng thạc sỹ cho 234 tân thạc sĩ bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ năm 2011, 2012. Việc tổ chức trao bằng đúng thời hạn 2 năm cho các tân thạc sỹ khóa I do Học viện tổ chức tuyển sinh đã tạo tiếng vang, khẳng định uy tín của Học viện đối với xã hội về công tác đào tạo sau đại học.

2. Chất lượng đào tạo ở trình độ thạc sỹ và tiến sĩ được nâng lên một  bước

Trình độ hiểu biết, năng lực tiếp cận tri thức mới chuyên ngành, đa ngành, liên ngành của nghiên cứu sinh và học viên cao học được nâng lên một bước đáng kể. Năng lực nghiên cứu, tư vấn chính sách và giải quyết những vấn đề thực tiễn của số đông nghiên cứu sinh và học viên cao học đã tốt nghiệp được tăng cường. Hoạt động đào tạo sau đại học của Học viện đã chuyển theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội cho các vùng miền, đặc biệt các vùng miền còn thiếu nguồn nhân lực đó; đã mở thêm nhiều ngành, chuyên ngành đào tạo mới, góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

3. Hoàn thiện một cách cơ bản các chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sĩ và xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, các chương trình bổ sung kiến thức về khoa học xã hội

Học viện đã xác định thống nhất số lượng các tín chỉ đào tạo cho các ngành, chuyên ngành thạc sỹ được đào tạo tại Học viện (45 tín chỉ); xây dựng các chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sĩ theo hướng chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ.

Các chương trình đào tạo ở bậc thạc sỹ và tiến sĩ, đề cương chi tiết của các môn học tương ứng đã hoàn thành. Đến nay, Học viện đã hoàn thiện tất cả các chương trình đào tạo thạc sỹ cho 26 ngành, chuyên ngành và các chương trình đào tạo tiến sĩ cho 26 ngành, chuyên ngành; các chương trình bổ sung kiến thức từ thạc sỹ lên tiến sĩ; đã xây dựng một số chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về những lĩnh vực khoa học xã hội mà xã hội quan tâm như: Phát triển bền vững, Chính sách công, Công tác xã hội, Quyền con người; xây dựng các chương trình bổ sung kiến thức theo hướng liên thông từ bậc đại học đến bậc thạc sỹ; đã xây dựng kế hoạch tổng thể biên soạn giáo trình cho hai bậc đào tạo thạc sỹ và tiến sĩ; đã và đang tổ chức biên soạn và xuất bản một số giáo trình đào tạo sau đại học phục vụ hoạt động đào tạo tại Học viện. Tính đến 4/2013, Học viện đã tổ chức biên soạn và xuất bản được 06 cuốn giáo trình đào tạo sau đại học. Hiện tại đang tổ chức biên soạn 44 cuốn giáo trình đào tạo sau đại học.

4. Công tác quản lý đào tạo được hoàn thiện, có bước chuyển biến tích cực theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa

Công tác tuyển sinh được triển khai đúng quy định, theo kế hoạch tổng thể hàng năm và kế hoạch cụ thể cho từng đợt cả ở ba địa điểm, mang tính chủ động cao. Tổng số ứng viên dự thi tuyển thạc sỹ và dự xét tuyển nghiên cứu sinh ngày càng tăng thuộc các ngành, chuyên ngành đào tạo khác nhau đến từ tất cả các vùng miền trong cả nước.

Công tác quản lý giảng dạy, quản lý các khóa học và lớp học được cải tiến một bước đáng kể, được quy trình hóa, thực hiện theo đúng chương trình và kế hoạch đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy chế.

Từng bước phân cấp quản lý nội bộ trong Học viện giữa các khoa, bộ môn và  các phòng chức năng thuộc Học viện theo hướng bảo đảm tính liên tục, kế tiếp các giai đoạn, các khâu trong quá trình đào tạo; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động của Học viện; từng bước mở rộng môi trường đào tạo thân thiện, khuyến khích tính tích cực, chủ động của học viên.

5. Đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo và giảng viên từng bước được tăng cường về số lượng, nâng dần về chất lượng, từng bước được chuyên nghiệp hóa, khắc phục các bất hợp lý về cơ cấu

Số lượng cán bộ quản lý đào tạo và giảng viên của Học viện được tăng dần về số lượng. Cụ thể là ở các đơn vị chức năng cán bộ quản lý được tăng cường một cách đáng kể, ở các khoa và bộ môn đều có cán bộ quản lý; ở hầu hết các khoa và bộ môn của Học viện đều có giảng viên cơ hữu có khả năng thực hiện tốt các chương trình đào tạo.

Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm đã được nâng lên một cách đáng kể theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên của Học viện từng bước được hình thành một cách hợp lý hơn, gồm: cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý ở các đơn vị chức năng, ở các khoa, bộ môn và ở các cơ sở của Học viện, cơ cấu giữa đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm, cơ cấu giữa đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên.

Với những kết quả đã đạt được, năm 2012, Học viện Khoa học xã hội đã vinh dự được nhận danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”. Đây là niềm tự hào cũng là một thách thức, một cơ hội lớn đối với Học viện.

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN HỌC VIỆN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm chỉ đạo phát triển Học viện Khoa học xã hội

1. Phát triển Học viện Khoa học xã hội phải quán triệt và triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục ở nước ta nói chung, đó là: phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội bình đẳng để ai cũng được học, học suốt đời.

2. Phát triển Học viện Khoa học xã hội phải dựa trên cơ sở và gắn liền với phát triển toàn diện Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; thực hiện có chất lượng, hiệu quả chức năng cơ bản của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội cho đất nước; gắn kết chặt chẽ việc thực hiện chức năng đào tạo với chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, chức năng tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước, cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương.

3. Phát triển Học viện Khoa học xã hội thành cơ sở đào tạo theo định hướng nghiên cứu, đẩy mạnh nghiên cứu để phục vụ đào tạo tại Học viện; gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo, đào tạo với nghiên cứu, đưa kết quả nghiên cứu vào hoạt động đào tạo sau đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước; kết hợp ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn giữa chuyên ngành, đa ngành và liên ngành trong đào tạo sau đại học; gắn kết hài hòa việc trang bị kiến thức lý luận với kiến thức thực tiễn, kiến thức trong nước với kiến thức nước ngoài cho người học.

4. Đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo sau đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đặc biệt năng lực nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn chính sách, giải quyết những vấn đề thực tiễn, chú trọng thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi người học, những người có năng khiếu được phát triển tài năng.

5. Xây dựng Học viện Khoa học xã hội thành cơ sở đào tạo ngang tầm khu vực; hội nhập quốc tế sâu rộng về đào tạo sau đại học trên cơ sở bảo tồn và phát hy bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa; mở rộng giao lưu hợp tác với các nền giáo dục trên thế giới, nhất là với các nền giáo dục tiên tiến hiện đại; phát hiện và khai thác kịp thời các cơ hội thu hút nguồn lực có chất lượng.

2. Mục tiêu phát triển Học viện Khoa học xã hội

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển Học viện Khoa học xã hội đến năm 2020 trở thành cơ sở đào tạo  theo định hướng nghiên cứu có uy tín trong nước và khu vực chất lượng và hiệu quả đào tạo được nâng cao một cách toàn diện; đổi mới căn bản và toàn diện đào tạo sau đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong đào tạo sau đại học và cơ hội học tập suất đời cho người học, từng bước góp phần hình thành xã hội học tập.

2. Mục tiêu cụ thể

-  Phát triển Học viện Khoa học xã hội đến năm 2020 thành cơ sở đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong nước và khu vực; nâng cao chất lượng và hiệu quả một cách toàn diện: chất lượng của các nội dung đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng các giáo trình sau đại học, chất lượng quản lý đào tạo, chất lượng quản lý học viên, chất lượng kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, chất lượng hợp tác quốc tế, hiệu quả đầu tư cho Học viện.

-  Phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý dựa trên năng lực, khả năng phát triển của Học viện, đặc biệt tăng dần quy mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Đến năm 2015, Học viện có quy mô đào tạo khoảng 4500 học viên cao học và nghiên cứu sinh (khoảng 3300 học viên cao học, 1200 nghiên cứu sinh). Đến năm 2020, Học viện có quy mô đào tạo khoảng 6000 học viên cao học và nghiên cứu sinh (khoảng 4500 học viên cao học, 1500 nghiên cứu sinh).

-  Các chỉ tiêu cụ thể: hàng năm, các chương trình đào tạo ở bậc thạc sĩ và ở bậc tiến sĩ có khoảng 20% nội dung được đổi mới, bổ sung; đến năm 2015, Học viện có đội ngũ nhà giáo cơ hữu đủ điều kiện bảo đảm giảng dạy 20-30% chương trình đào tạo, đến năm 2020, bảo đảm giảng dạy 60-70% chương trình đào tạo tại Học viện; đến năm 2015, 100% giảng viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học; phấn đấu đến năm 2015 có một số khoa, chuyên ngành đào tạo của Học viện đạt chất lượng cao.

3. Định hướng phát triển Học viện Khoa học xã hội đến năm 2020

Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giai đoạn 2011 -2020 khẳng định: “kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo, đưa kết quả nghiên cứu vào hoạt động đào tạo sau đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước”. Chiến lược phát triển Học viện Khoa học xã hội giai đoạn 2011 - 2020 cụ thể hóa các chủ trương, định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo nói trên với việc cân nhắc các đặc thù về mọi mặt của Học viện Khoa học xã hội.

1. Xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành cơ sở đào tạo theo định hướng nghiên cứu, kết nối tính chuyên ngành, đa ngành và liên ngành.

2. Xây dựng mới các ngành, chuyên ngành đào tạo; đổi mới căn bản và toàn diện các chương trình đào tạo bảo đảm tính liên thông giữa các chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội cho đất nước; đảm bảo cho người học được học tập kiến thức chuyên môn hiện đại, được ứng dụng khoa học - công nghệ cao, được rèn luyện kỹ năng, phương pháp làm việc và trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

3. Phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp, có phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến, đủ sức thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện các chương trình đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và đánh giá giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đào tạo: trên cơ sở đánh giá chương trình đào tạo sau đại học hiện hành và tham khảo chương trình đào tạo tiên tiến của các nước, thực hiện đổi mới chương trình đào tạo và giáo trình đào tạo sau đại học theo định hướng phát triển năng lực học viên; đổi mới chương trình đào tạo, tài liệu đào tạo trong Học viện dựa trên nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, vận dụng có chọn lọc một số chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, phát huy vai trò của một số ngành trọng điểm trong từng khối ngành đào tạo để thiết kế các chương trình đào tạo liên thông; phát triển chương trình đào tạo sau đại học theo hai hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy  học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của học viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; biên soạn và sử dụng giáo trình điện tử.

4. Đổi mới quản lý đào tạo: xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý đồng bộ làm cơ sở triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện đào tạo tại Học viện; đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý về đào tạo trực thuộc Học viện; thực hiện đồng bộ phân cấp quản lý, hoàn thiện và triển khai cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Học viện trong quản lý về đào tạo theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền gắn với trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; bảo đảm dân chủ hóa, công khai, minh bạch trong đào tạo; thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá người dạy, giáo viên và giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý, cán bộ quản lý cấp dưới tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên; hoàn thiện cơ cấu đào tạo tại Học viện, xây dựng khung đào tạo thích ứng với các nước trong khu vực và trên thế giới; đa dạng hóa các phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội; thực hiện quản lý đào tạo theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội của từng ngành, địa phương trong từng giai đoạn tương ứng; tập trung vào quản lý chất lượng đào tạo: chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về khoa học giáo dục, khoa học công nghệ và khoa học quản lý, từng bước vận dụng chuẩn của các nước tiên tiến; công khai về chất lượng đào tạo, các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính của Học viện; thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả đào tạo; thực hiện kiểm định về chất lượng đào tạo và kiểm định các chương trình đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đào tạo tại Học viện.

5. Mở rộng và hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ để phục vụ tốt cho hoạt động đào tạo sau đại học có chất lượng, hiệu quả của Học viện. Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính cho đào tạo; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính đào tạo nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư cho đào tạo sau đại học; nâng cao tính tự chủ của Học viện, bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm đối với Nhà nước, người học và xã hội; bảo đảm nguồn lực tài chính cho Học viện đủ sức hội nhập và cạnh tranh khu vực, quốc tế; ngân sách nhà nước đầu tư cho đào tạo cần được tập trung ưu tiên cho đào tạo nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội, đặc biệt những ngành mà xã hội cần nhưng khó thu hút người học; tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho Học viện; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm đủ nguồn lực tài chính và phương tiện dạy học hiện đại của Học viện; ưu tiên đầu tư xây dựng Học viện thành cơ sở đào tạo xuất sắc, chất lượng trình độ quốc tế, khu vực; quy hoạch, bảo đảm quỹ đất để xây dựng cơ sở đào tạo của Học viện và ký túc xá cho học viên; xây dựng và thực hiện chế độ học phí mới nhằm bảo đảm sự chia sẻ hợp lý giữa Nhà nước, người học và các thành phần xã hội.

6. Xây dựng và phát triển cơ sở Thông tin - Thư viện - Tư liệu của Học viện trong sự kết nối với các cơ sở Thông tin - Thư viện - Tư liệu của các Viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, phát triển Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, đẩy mạnh hoạt động xuất bản phục vụ có chất lượng, hiệu quả đào tạo sau đại học tại Học viện.

7. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo sau đại học của Học viện theo hướng mở cửa hội nhập, khu vực hóa và quốc tế hóa các chương trình đào tạo sau đại học của Học viện; thúc đẩy liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ngoài nước; tăng cường đào tạo giảng viên ở nước ngoài; mở rộng việc đào tạo cán bộ khoa học xã hội cho nước ngoài tại Việt Nam; tăng cường trao đổi giảng viên của Học viện với các cơ sở đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, mở rộng hợp tác của Học viện với các cơ sở đào tạo nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ khoa học và quản lý đào tạo; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ cho đào tạo, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ đào tạo góp phần phát triển Học viện; xây dựng Học viện trở thành cơ sở đào tạo hiện đại thu hút các nhà khoa học trong nước, quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

4. Các giải pháp phát triển Học viện Khoa học xã hội đến năm 2020

Xây dựng và thực hiện các quy hoạch và kế hoạch phát triển Học viện Khoa học xã hội

1) Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển cơ cấu tổ chức của Học viện Khoa học xã hội theo hai hướng sau:

Thứ nhất, xây dựng quy hoạch và kế hoạch tổng thể phát triển cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc Học viện: các đơn vị chức năng; các khoa và kộ môn; các tổ chức khoa học; tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức dịch vụ; các cơ sở của Học viện; Hội đồng Học viện; Hội đồng khoa học và đào tạo; Hội đồng Tư vấn; và các cơ cấu tổ chức khác.

Thứ hai, kiện toàn lại các cơ cấu tổ chức trực thuộc Học viện Khoa học xã hội; phát triển một số khoa thành các khoa trọng điểm, chất lượng cao; xây dựng một số đơn vị nghiên cứu trực thuộc Học viện; phát triển các cơ sở của Học viện thành các Phân hiệu của Học viện.

2) Xây dựng quy hoạch và kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, đào tạo bồi dưỡng mang tính liên thông giữa các bậc đào tạo và chương trình đào tạo, đào tạo bồi dưỡng theo các hướng sau:

Thứ nhất, xây dựng mới theo hướng đa dạng hóa các ngành, chuyên ngành đào tạo sau đại học ở hai bậc: thạc sỹ và tiến sĩ về khoa học xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đặc biệt các ngành, chuyên ngành đào tạo mà các nước trong khu vực và trên thế giới đã đào tạo mà Việt Nam chưa tiến hành đào tạo.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể đổi mới chương trình, nội dung đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành, chuyên ngành đào tạo đang được Học viện tiến hành đào tạo.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể đổi mới chương trình, nội dung đào tạo trình độ thạc sỹ của các ngành, chuyên ngành đào tạo đang được Học viện tiến hành đào tạo.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, các chương trình đào tạo bổ sung kiến thức phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi ngành, chuyên ngành đào tạo.

Thứ năm, xây dựng  kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể biên soạn các giáo trình sau đại học và các tài liệu khác phục vụ đào tạo tại Học viện.

3) Xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển nguồn nhân lực của Học viện Khoa học xã hội theo các hướng sau:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển đội ngũ giảng viên của Học viện với cơ cấu hợp lý, đồng bộ, chuyên nghiệp, chất lượng, có sự tiếp nối giữa các thế hệ, ưu tiên phát triển đội ngũ giảng viên cho những ngành, chuyên ngành đào tạo mới, đội ngũ giảng viên trẻ.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo của Học viện với cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ quản lý đào tạo theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển đội ngũ cán bộ phục vụ đào tạo của Học viện với cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ có chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Học viện.

Thứ tư, cùng với việc xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển nguồn nhân lực của Học viện ở trong nước và ở nước ngoài, Học viện xây dựng và thực hiện cơ chế và chính sách cụ thể để thu hút các chuyên gia trong nước và ngoài nước tham gia đào tạo và nghiên cứu tại Học viện. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao đối với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cán bộ phục vụ đào tạo bằng những hình thức và phương pháp hiện đại, phù hợp với các đặc thù của Học viện Khoa học xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ của Học viện đi nghiên cứu, trao đổi khoa học, giảng dạy, làm việc có thời hạn tại các cơ sở đào tạo có danh tiếng ở nước ngoài để học hỏi, tiếp thu tri thức, tư duy, cách tiếp cận và phương pháp giảng dạy hiện đại.

Thứ năm, quan tâm đến điều kiện sống và làm việc của đội ngũ cán bộ của Học viện. Bảo đảm cho cán bộ của Học viện sống được bằng chính nguồn thu nhập chính đáng của mình, tạo điều kiện bảo đảm tái sản xuất sức lao động cho đội ngũ cán bộ của Học viện, khuyến khích những người lao động có trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả bằng những hình thức thích hợp.

4) Xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển cơ sở Thông tin - Thư viện - Tư liệu của Học viện Khoa học xã hội theo các hướng sau:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể để phát triển Trung tâm Thông tin - Thư viện - Tư liệu của Học viện theo hướng Thư viện điện tử, kỹ thuật số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về đào tạo sau đại học tại Học viện; gắn kết chặt chẽ Trung tâm Thông tin - Thư viện - Tư liệu của Học viện với các Trung tâm Thông tin - Thư viện - Tư liệu của Viện Thông tin Khoa học xã hội và các Viện trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch phát triển Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội thành diễn đàn khoa học, đào tạo đa ngành và liên ngành có chất lượng của đội ngũ giảng viên, học viên và những người quan tâm; tiến hành số hóa các hoạt động của Tạp chí.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch phát triển nâng cấp Website của Học viện thành Cổng thông tin điện tử của Học viện Khoa học xã hội và tiến hành nối mạng rộng rãi với các Cổng thông tin điện tử của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong nước, khu vực và thế giới. Tăng cường trao đổi, khai thác những thông tin về đào tạo của các nước trên thế giới, tổ chức quốc tế và trên mạng internet. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của hệ thống thông tin - thư viện phục vụ đào tạo có chất lượng, hiệu quả.

5. Xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển cơ sở vật chất của Học viện Khoa học xã hội theo các hướng sau:

Thứ nhất, quy hoạch, bảo đảm quỹ đất để xây dựng Học viện Khoa học xã hội thành cơ sở đào tạo hiện đại, chất lượng cao, bao gồm quy hoạch, bảo đảm quỹ đất để xây dựng khu làm việc của cán bộ Học viện, khu giảng đường, khu kí túc xá cho học viên.

Thứ hai, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng độc lập hoặc kết hợp cho Học viện Khoa học xã hội ở Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Buôn Ma Thuột, Thành phố Hồ Chí Minh và nơi khác.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của Học viện.

6. Xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo sau đại học của Học viện Khoa học xã hội theo các hướng sau:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch hội nhập, khu vực hóa, quốc tế hóa các chương trình đào tạo sau đại học của Học viện.

Thứ hai, thúc đẩy liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ngoài nước, đặc biệt với các cơ sở có danh tiếng.

Thứ ba, mở rộng việc đào tạo sau đại học về khoa học xã hội cho người nước ngoài tại Học viện.

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Các tin đã đưa ngày: