Nhà Xuất bản Khoa học xã hội
  • VASS-70 năm (1953-2023)

Nhà Xuất bản Khoa học xã hội

09/11/2023

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Nhà xuất bản Khoa học xã hội (tên giao dịch quốc tế là Social Sciences Publishing House - SSPH) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 01/VH-QĐ ngày 16 tháng 01 năm 1967 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa; và được khẳng định tại Nghị định số 109/NĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 

Tiền thân của Nhà xuất bản Khoa học xã hội là Tổ Xuất bản (1953) thuộc Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, do nhà văn Vũ Ngọc Phan phụ trách.

Từ giữa năm 1954, Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn được đổi tên thành Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa. Tháng 9 năm 1956, do yêu cầu phát triển các cơ quan khoa học, Đảng và Chính phủ quyết định chuyển Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa về trực thuộc Bộ Giáo dục, theo đó Tổ Xuất bản được nâng cấp và đổi tên thành Nhà xuất bản Văn - Sử - Địa, việc in ấn do Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách

Năm 1960, sau khi thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Nhà xuất bản Văn - Sử - Địa đổi tên thành Nhà xuất bản Sử học, do đồng chí Văn Tạo làm Chủ nhiệm.

Đến giữa năm 1963, Nhà xuất bản Khoa học được thành lập trên cơ sở của Nhà xuất bản Sử học và mảng sách khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Đầu năm 1967, Ban Khoa học xã hội tách ra từ Ủy ban Khoa học Nhà nước để thành lập Ủy ban Khoa học xã hội, theo đó, Nhà xuất bản Khoa học xã hội được thành lập (trên cơ sở bộ phận sách khoa học xã hội của Nhà xuất bản Khoa học) do Giáo sư, Viện sỹ Trần Huy Liệu làm Chủ nhiệm kiêm Tổng Biên tập.

60 năm xây dựng và phát triển của Nhà xuất bản Khoa học xã hội gắn với sự hình thành và phát triển của các tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những tư tưởng chiến lược và nhiệm vụ của Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã từng bước được cụ thể hóa phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Chức năng của Nhà xuất bản được xác định là: “… xuất bản, in ấn và phát hành các xuất bản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và phát triển công nghệ trong và ngoài nước để các cơ quan Đảng và Nhà nước tham khảo, sử dụng trong việc hoạch định  đường lối, chính sách, xây dựng và phát triển đất nước; phục vụ công tác nghiên cứu và phổ biến kiến thức cho nhân dân nhằm nâng cao dân trí, phục vụ nhân sinh”.

Theo đó, nhiệm vụ bao gồm:

1. Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm và các kế hoạch khác phù hợp với tôn chỉ mục đích của Nhà xuất bản và tổ chức thực hiện sau khi được Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt.

2. Xuất bản, in ấn và phát hành các xuất bản phẩm (kể cả xuất bản phẩm điện tử) chủ yếu, gồm: sách tài liệu chính trị, pháp luật về khoa học xã hội và nhân văn; sách văn hóa - xã hội; từ điển các loại (trừ từ điển khoa học tự nhiên); sách tham khảo; tài liệu nghiên cứu thuộc chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn dùng trong nhà trường. Các xuất bản phẩm khác phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của Nhà xuất bản.

3. Tham gia tổ chức biên soạn những công trình khoa học tiêu biểu, những bộ sách lớn, thể hiện tinh hoa của trí tuệ Việt Nam và thế giới, phục vụ công tác nghiên cứu và truyền bá tri thức về khoa học xã hội.

4. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên kết khai thác bản thảo, xây dựng chương trình, đề tài để xuất bản, in ấn và phát hành xuất bản phẩm (sách, bộ sách có giá trị khoa học, tủ sách chuyên đề, từ điển và sách công cụ tra cứu chuyên ngành, v.v…).

5. Tổ chức hợp tác quốc tế, thúc đẩy công tác xuất bản, biên soạn, biên dịch, phối hợp nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ phục vụ công tác xuất bản.

6. Tổ chức thẩm định và tham gia thẩm định các công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, đảm bảo chất lượng để xuất bản. Thực hiện các tư vấn về xuất bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản.

7. Thực hiện chế độ tài chính và quản lý nhân sự đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

8. Quản lý về tổ chức, bộ máy, tài sản và vốn của Nhà xuất bản theo các quy định, chế độ của Nhà nước và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

9. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao.”

Về cơ cấu tổ chức: Nhà xuất bản đã sắp xếp bộ máy, tổ chức và nhân sự  phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến nay, Nhà xuất bản có 19 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó có 01 phó giáo sư, tiến sĩ; 02 tiến sĩ, 03 thạc sỹ và các cử nhân.

Ngoài Lãnh đạo Nhà xuất bản, các đơn vị trực thuộc gồm:

  • Phòng Biên tập Khoa học xã hội
  • Phòng Biên tập Khoa học nhân văn
  • Phòng Sách dịch
  • Phòng Tổ chức - Hành chính
  • Phòng Kế hoạch - Sản xuất
  • Phòng Liên kết xuất bản
  • Phòng Hợp tác quốc tế và Quản lý khoa học
  • Trung tâm Phát hành Sách
  • Chi nhánh Nhà xuất bản KHXH tại Tp. Hồ Chí Minh

Đồng thời, Nhà xuất bản còn có Hội đồng Biên tập - Xuất bản với nhiệm vụ tư vấn cho Giám đốc - Tổng Biên tập.

II. NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU

60 năm qua, Nhà xuất bản Khoa học xã hội luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đó là việc giữ vững định hướng chính trị, lấy chất lượng khoa học trong từng ấn phẩm xuất bản làm mục tiêu phấn đấu để khẳng định vị trí, uy tín và thương hiệu của mình. Khi mới thành lập, các xuất bản phẩm ra đời là kết quả của những công trình nghiên cứu, tìm hiểu và giới thiệu về văn hóa truyền thống của dân tộc, giai đoạn này các sách tập trung phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học. Giai đoạn 1967 - 1975, các xuất bản phẩm chủ yếu nhằm nâng cao trình độ nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, nhân dân trong lĩnh vực khoa học xã hội góp phần vào việc xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau năm 1975, nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới đến nay, định hướng xuất bản được mở rộng ra các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác, như: Dân tộc học, Khảo cổ học, Kinh tế học, Xã hội học, Ngôn ngữ học, Triết học, Tâm lý học, Nghiên cứu Con người, Tôn giáo, Nhà nước và Pháp luật,… Trên cơ sở đó, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo cộng tác viên là các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng như: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai; và tiếp đó là: Văn Tân, Văn Tạo, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Đặng Nghiêm Vạn, Lã Văn Lô, Phạm Xuân Nam, Nguyễn Công Bình, Phan Đại Doãn, Hà Minh Đức… Tính đến nay, Nhà xuất bản đã công bố trên 3.000 ấn phẩm với chất lượng đảm bảo, hình thức đẹp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và đông đảo bạn đọc. Qua từng thời kỳ phát triển, số lượng sách xuất bản của Nhà xuất bản Khoa học xã hội ngày càng tăng, giai đoạn 1953 - 1966 đã xuất bản 230 đầu sách (trong đó, từ tháng 12 - 1953 đến tháng 3 - 1959, Tổ xuất bản xuất bản 36 đầu sách). Giai đoạn 1967 - 1986 xuất bản 452 đầu sách; giai đoạn 1987 - 2012 xuất bản 2.536 đầu sách, riêng từ năm 2003 đến nay đã xuất bản trên 1.200 đầu sách. Nhìn chung, các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Khoa học xã hội đa số là sách nghiên cứu (chiếm khoảng 60%) với các đề tài đa dạng, phong phú, bao quát hầu hết các chuyên ngành của khoa học xã hội và khoa học nhân văn.

 Các xuất bản phẩm gắn trực tiếp với nhiệm vụ cung cấp cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn, đóng góp lý luận, phương pháp luận cho việc hoạch định và xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Có thể thấy rõ sự liên quan chặt chẽ giữa sách khoa học xã hội với các kỳ Đại hội Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các sự kiện lớn của đất nước. Mặt khác, nó còn đóng góp vào cuộc đấu tranh chống lại ý thức, tư tưởng lạc hậu, thù địch, góp phần xây dựng hệ tư tưởng mới, nền văn hoá mới, phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Các xuất bản phẩm nghiên cứu về Triết học, Tâm lý học, Luật học, Kinh tế học, Xã hội học, Địa lý nhân văn, Gia đình và Phụ nữ, Con người… ngày càng phát triển. Có thể kể đến một số tên sách như: Đổi mới phong cách tư duy; Nhận thức thế giới vi mô; Vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội; Lịch sử kinh tế Việt Nam; Kinh tế nguyên thuỷ ở Việt Nam; Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa: Con đường và bước đi; Độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới; 5 năm Việt Nam gia nhập WTO; Tài phán hành chính trong bối cảnh Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay; Tâm lý học xã hội: mấy vấn đề lý luận; Địa lý Việt Nam; Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi,

Bên cạnh đó, các loại từ điển và sách tra cứu phục vụ nghiên cứu của Nhà xuất bản Khoa học xã hội chiếm khoảng 30% tổng đầu sách, bao gồm: các loại từ điển một, hai và ba thứ tiếng; từ điển chuyên ngành; từ điển giải nghĩa phục vụ cho một tác phẩm. Những cuốn từ điển này phục vụ cho các dịch giả trong việc dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và ngược lại; phục vụ việc học tập, nghiên cứu ngôn ngữ, phục vụ nghiên cứu chuyên ngành hẹp của khoa học xã hội… Nhà xuất bản còn xuất bản loại sách tra cứu dành cho các chuyên ngành khác nhau của khoa học xã hội và nhân văn. Đây là công cụ không thể thiếu của các nhà nghiên cứu, đóng góp một cách tích cực vào quá trình sáng tạo và có vị trí xứng đáng trong các công trình khoa học, như: Từ điển chính tả phổ thông; Từ điển Anh - Việt; Từ điển Việt - Bồ La; Các loại từ điển thuật ngữ Nga - Pháp - Việt, Nga - Pháp - Hán - Việt, Nga - Anh Pháp; Thành ngữ tiếng Việt; Bảng tra chữ Nôm; Điển cố văn học; Từ điển Khơme - Việt; Từ điển Việt - Tày - Nùng; Từ điển Mường - Việt; Niên biểu Việt Nam; Việt Nam những sự kiện lịch sử; Thư mục văn bia, v.v…

Cùng với các xuất bản phẩm nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khoa học xã hội, các loại sách mang tính phổ thông, phổ cập tri thức khoa học xã hội phục vụ đông đảo nhân dân cũng được ấn hành. Các xuất bản phẩm thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn chiếm vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống sách của Nhà xuất bản, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của công cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước, chứng minh cội nguồn dân tộc, khẳng định nước Việt Nam là một, Nam - Bắc một nhà, dân tộc ta có nền văn hoá riêng, bản sắc riêng.

Xuất bản phẩm về Dân tộc học tập trung nghiên cứu tổng quát, tương đối toàn diện, có hệ thống về các dân tộc thiểu số ở các địa phương trên cả nước. Các xuất bản phẩm nghiên cứu về khảo cổ học không chỉ góp phần làm rõ di sản văn hoá, văn minh của người Việt, mà còn của các tộc người khác trong cộng đồng các dân tộc anh em ở nước ta. Các xuất bản phẩm trong lĩnh vực sử học tập trung nghiên cứu thành tựu đấu tranh giữ nước nhằm cung cấp những bài học lịch sử góp phần vào công cuộc xây dựng sự nghiệp chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Việc đánh giá các nhân vật lịch sử được dựa trên quan điểm khoa học, biện chứng và quan điểm lịch sử cụ thể mang cái nhìn tổng quát, khách quan về vị trí, vai trò của họ trong lịch sử dân tộc. Nhiều công trình có giá trị về phong trào cách mạng trước khi có Đảng cũng như những giai đoạn lịch sử oanh liệt, oai hùng của cha ông ta trước đây và của nhân dân ta ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng được ra mắt bạn đọc. Tiêu biểu cho loại sách này có thể kể đến bộ Lịch sử Việt Nam; bộ Tài liệu tham khảo Lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam; Lịch sử 80 năm chống Pháp; Lịch sử Cách mạng tháng Tám; Lịch sử thủ đô Hà Nội; Việt sử thông giám cương mục (dịch); Hùng Vương dựng nước; Ba lần đánh thắng quân Nguyên; Sử học và hiện thực; Khảo cổ học Việt Nam; Các dân tộc ít người ở Việt Nam…

 Xuất bản phẩm về khoa học ngữ văn nhằm công bố kết quả biên khảo và giới thiệu các di sản văn học quý của cha ông ta để lại; nghiên cứu lịch sử văn học; giới thiệu danh nhân văn hoá của dân tộc; sưu tầm giới thiệu văn học dân gian Việt Nam. Sách nghiên cứu lý luận cơ bản của văn học và văn hoá dân gian; sách Hán - Nôm, khai thác kho thư tịch Hán - Nôm; sách ngôn ngữ góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; công bố kết quả điều tra nghiên cứu ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số,…

Mảng sách này không chỉ góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, mà còn là công cụ giáo dục tư tưởng, là bộ phận không thể thiếu trong quá trình xây dựng nền văn hoá vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung mà các xuất bản phẩm đề cập đã chứng minh đây là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chống lại kẻ thù của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng con người ở Việt Nam. Có thể kể ra một số tên sách như: Bộ Tổng tập văn học; Bộ Lịch sử văn học Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại; Bộ Tổng tập văn học dân gian; Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá; Khoa học xã hội và nhân văn; Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam; Văn hoá dân gian - những phương pháp nghiên cứu; Thơ văn Nguyễn Trãi; Ngữ pháp tiếng Việt; Quy luật ngôn ngữ, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và chính sách ngôn ngữ

Các xuất bản phẩm nghiên cứu quốc tế rất phong phú và đa dạng đề cập đến những vấn đề toàn cầu, các khối, các khu vực và các quốc gia, với nội dung: Một là, phản ánh toàn bộ hay từng lĩnh vực văn hoá, kinh tế, chính trị… nhằm cung cấp thông tin về đất nước, con người, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng đất nước. Hai là, phản ánh mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá giữa Việt Nam với các nước, các khu vực, tìm ra những điểm yếu, mạnh của mỗi bên để tăng cường quan hệ hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Ngoài ra còn có nhiều công trình đi sâu nghiên cứu từng khu vực như: khu vực các nước phát triển, khu vực châu Âu, châu Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi - Trung Đông, Ấn Độ và Tây Nam Á,… Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ với Việt Nam đều có những đầu sách nghiên cứu, nếu không toàn diện thì cũng nghiên cứu từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Ví dụ như các cuốn: Kinh tế và chính trị thế giới (báo cáo thường niên); Đông Nam Á trên đường phát triển; Liên bang Nga và Đông Âu trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI; Bắc Mỹ ngày nay: những xu hướng chính; Những nền kinh tế thần kỳ châu Á; Kinh tế Mỹ: vấn đề và triển vọng; Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ; Lịch sử cách mạng Cuba; Lịch sử nước Lào; Quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga; Canađa sức mạnh tiềm ẩn; Mỹ - Nhật - Tây Âu: đặc điểm kinh tế so sánh…

Một trong những thành tựu quan trọng khác của Nhà xuất bản Khoa học xã hội 60 năm qua là đã xuất bản những bộ sách lớn, có giá trị về tư tưởng và khoa học như: Thơ văn Lý - Trần, Văn học - sử thời Lê, Thơ văn Nguyễn Trãi, Thơ văn Ngô Thì Nhậm (5 tập), Đại Việt sử ký toàn thư (4 tập), Đại Nam thực lục (38 tập), Tổng tập văn học Việt Nam - từ thế kỷ X đến 1945 (42 tập), Tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh (22 tập), Sử thi Tây Nguyên (91 tập), Tổng tập văn học dân gian người Việt (19 tập), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (23 tập)... Đặc biệt, trong gần 20 năm gần đây Nhà xuất bản đã hoàn thành việc biên tập và xuất bản bộ Tổng tập văn học Việt Nam (52 tập). Tiếp đến, trong khoảng 10 năm, bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau), bộ Sử thi Tây Nguyên, đã lần lượt đến tay bạn đọc, khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong đời sống xã hội. Ngoài ra, Nhà xuất bản cũng tập hợp và tái bản các tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn. Đây không chỉ là sự tôn vinh giá trị của những công trình khoa học, mà còn là niềm vinh dự của tác giả, của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Theo thời gian, có thể khẳng định, các xuất bản phẩm tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội có “hàm lượng chất xám cao” - kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng của tập thể, cá nhân các nhà khoa học, được chắt lọc từ các chương trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các Học viện, Viện nghiên cứu, Trường Đại học trên phạm vi cả nước. Đây là kết quả của sự trăn trở và những nghiên cứu khổ luyện của các nhà khoa học. Những tri thức đỉnh cao ấy lại tiếp tục đồng hành, làm nên những giá trị không ngừng thay đổi của cuộc sống hôm nay. 

Gần đây, Nhà xuất bản đã từng bước điều chỉnh hoạt động theo hướng tích cực, cải tiến lề lối làm việc, áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý để nâng cao hiệu quả. Quy trình xuất bản sách thường xuyên được bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn, nhất là công tác thẩm định, biên tập đối với các bản thảo sách có nội dung “nhạy cảm”, công tác chế bản, thiết kế, trình bày bìa,… được đổi mới, đảm bảo xuất bản phẩm ra đời chính xác về nội dung, trang nhã về hình thức, thời gian xuất bản được rút ngắn. Các xuất bản phẩm từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Với nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, các ấn phẩm của Nhà xuất bản Khoa học xã hội không chỉ tăng về số lượng, mà còn được nâng cao về chất lượng. Để huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động xuất bản, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã mở rộng hình thức liên kết xuất bản với các đối tác bên ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội. Mặc dù đây là bài toán khó vì vừa phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Xuất bản vừa phải cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường. Nhưng kết quả cho thấy, đến nay tất cả các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Khoa học xã hội đều đảm bảo giữ vững quan điểm tư tưởng, chính trị của Đảng và có nội dung khoa học tốt, được bạn đọc hoan nghênh, dư luận xã hội đánh giá cao, không có cuốn sách nào phải thu hồi sau khi phát hành, kể cả bị “nhắc nhở” bởi các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng Ba (2011); Huân chương Lao động hạng Nhất (1992); Bằng khen của Chính phủ (2007, 2011); Cờ thi đua (2009, 2010, 2011) và Bằng khen (2003 - 2011) của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông (1995, 1999 - 2010); và 26 giải thưởng Sách Việt Nam của Hội Xuất bản Việt Nam (2007 - 2012); Giải thưởng của Ban Chỉ đạo cuộc vận động, sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu nêu trên, hiệu quả của hoạt động xuất bản chưa cao; thiếu tính chuyên nghiệp; quy mô nhỏ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn vốn, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế … chưa tương xứng với đòi hỏi của yêu cầu nhiệm vụ và vị thế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

Ngày nay, trước xu hướng bùng nổ thông tin và hội nhập quốc tế, thị trường xuất bản Việt Nam ngày càng xã hội hóa mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều thành phần, tổ chức kinh tế - xã hội có các lĩnh vực xuất bản đan xen lẫn nhau. Cả nước hiện có 64 nhà xuất bản, trong đó nhiều nhà xuất bản có chức năng, nhiệm vụ như Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Thị trường xuất bản vốn đã biến động, ngày càng trở nên phức tạp, cạnh tranh quyết liệt, có những biểu hiện tiêu cực, không bình đẳng. Mặt khác, với đặc trưng của các ấn phẩm khoa học xã hội, phổ người đọc hẹp, lượng in hạn chế nhưng rất cần được xuất bản để lưu giữ những kết tinh giá trị quý giá cho xã hội và phục vụ lâu dài công tác nghiên cứu khoa học. 

Đặc biệt, trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời để góp phần thực hiện chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2020, và phát triển Nhà xuất bản Khoa học xã hội theo hướng hiện đại và bền vững, Nhà xuất bản tập trung vào các mục tiêu cơ bản sau:

Một là, phát triển Nhà xuất bản Khoa học xã hội trở thành nhà xuất bản mang tính chuyên nghiệp hơn với "thương hiệu" bền vững về lĩnh vực khoa học xã hội. Nâng cao và mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhà xuất bản Khoa học xã hội nói riêng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói chung đến bạn đọc trong nước và quốc tế qua các xuất bản phẩm.   

Hai là, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ biên tập - xuất bản sách khoa học xã hội có uy tín, cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao và thực tiễn của đất nước.

Ba là, xuất bản và công bố các công trình nghiên cứu trọng điểm có giá trị để khẳng định vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam góp phần phục vụ việc luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước, làm rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong 60 năm xây dựng và phát triển, để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, đẩy mạnh đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ biên tập - xuất bản để các xuất bản phẩm ngày càng có chất lượng tốt.

Thứ hai, triển khai việc xuất bản và phát hành sách điện tử về khoa học xã hội; đẩy mạnh giới thiệu và quảng bá các xuất bản phẩm khoa học xã hội trên trang thông tin điện tử (Website) của Nhà xuất bản Khoa học xã hội cũng như của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Thứ ba, tham gia tổ chức biên soạn những công trình khoa học tiêu biểu, những bộ sách lớn, thể hiện tinh hoa của trí tuệ Việt Nam và thế giới, phục vụ công tác nghiên cứu và truyền bá tri thức về khoa học xã hội.

*

*           *

Những thành tựu của Nhà xuất bản Khoa học xã hội trong 60 năm qua rất đáng trân trọng và tự hào. Mặc dù, trong những điều kiện đầy khó khăn thách thức nhưng Nhà xuất bản vẫn luôn chú trọng đến tính tư tưởng và chất lượng khoa học trong từng xuất bản phẩm, lấy công tác phục vụ nghiên cứu khoa học và lưu giữ những kết tinh trí tuệ quý giá cho xã hội làm mục tiêu hoạt động, không chạy theo xu hướng thương mại hóa của thị trường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và sự cố gắng không mệt mỏi, Nhà xuất bản đã khẳng định được vị trí quan trọng của một Nhà xuất bản hàng đầu trong nước về khoa học xã hội. Nơi đây đã chiếm được lòng tin của các thế hệ học giả gửi gắm, cho ra đời những đứa con tinh thần mà họ đã dành bao tâm huyết, sức lực và thời gian, có khi là cả cuộc đời để tạo ra. Với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, Nhà xuất bản Khoa học xã hội là “Thương hiệu” và là địa chỉ tin cậy về chất lượng của các ấn phẩm do đơn vị ấn hành.

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Các tin đã đưa ngày: