Phỏng vấn PGS.TS. Đinh Quang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử trước thềm kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • VASS-70 năm (1953-2023)

Phỏng vấn PGS.TS. Đinh Quang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử trước thềm kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

18/11/2023

Viện Sử học là đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được biết đến là viện nghiên cứu có bề dày truyền thống 70 năm, đồng hành cùng tiến trình, xây dựng và trưởng thành của Viện Hàn lâm trong 70 năm qua. Nhân dịp hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (1953-2023), Phóng viên Cổng TTĐT Viện Hàn lâm đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn PGS.TS. Đinh Quang Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.

 Viện Sử học là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của Việt Nam, nghiên cứu, giải quyết những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần nâng cao vị thế của ngành sử học trong và ngoài nước. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Sử học trong quá trình 70 năm xây dựng và phát triển vừa qua, Viện Sử học đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

PGS.TS. Đinh Quang Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử

PV: Xin Ông cho biết những đóng góp nổi bật của Viện Sử học qua các dự án nghiên cứu trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, theo Ông kết quả nghiên cứu nào đạt được hiệu quả tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước?

PGS.TS. Đinh Quang Hải: Thực hiện các chức năng và nhiệm vụ được giao, Viện Sử học là một trong những cơ quan đi đầu trong việc nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Chính phủ những vấn đề về lịch sử đất nước và lịch sử dân tộc. Trước đây Viện Sử học đã có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu một số vấn đề về cải cách ruộng đất và hợp tác hóa nông nghiệp, về các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, về đấu tranh thống nhất nước nhà.

Trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong vòng 10 năm trở lại đây, thông qua các dự án nghiên cứu do Đảng, Chính phủ và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao, Viện Sử học tiếp tục  có những đóng góp nổi bật, có giá trị về chính sách xã hội, về vai trò của văn hóa trong việc phát triển đất nước, về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, về phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Trong nghiên cứu về di sản lịch sử và xuất phát điểm của Việt Nam khi đi lên chủ nghĩa xã hội, Viện Sử học được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề Quy luật và đặc điểm lịch sử xã hội Việt Nam - Cái mạnh, cái yếu của Việt Nam do lịch sử để lại khi tiến lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề Những bài học dựng nước, giữ nước đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Nhất là trước các vấn đề cấp bách của đất nước, Viện Sử học đã trực tiếp nghiên cứu, tư vấn khoa học cho Đảng và Nhà nước xử lý các vấn đề về “"Nhà nước Đề ga", Nhà nước "Khmer Krom" ...

Trong những năm qua, Viện Sử học được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiều chương trình, đề tài quan trọng cấp nhà nước như: Xây dựng và phát triển văn hóa của giai cấp công nhân Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ; Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ; Tổ chức chủ trì nghiên cứu, biên soạn 8 tập trong bộ Lịch sử Việt Nam (gồm 30 tập, còn gọi là Quốc sử) đây là công trình khoa học trọng điểm cấp Quốc gia do Ban Bí thư trực tiếp giao. Cùng với đó, Viện Sử học được tham gia thực hiện các đề tài khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước như bổ sung, chỉnh sửa và biên soạn mới công trình Lịch sử Chính phủ tập II (1955-1976) và tập IV (2007-2016) và Biên niên lịch sử Chính phủ. Cùng với đó, các kết quả nghiên cứu của Viện Sử học  về lịch sử đường biên giới, quan hệ biên giới, về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đã khẳng định những đóng góp có giá trị khoa học và rất nổi bật như: Những biến đổi của đường biên giới Việt - Lào trong thế kỷ XIX; Quan hệ biên giới lãnh thổ trên đất liền giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với các quốc gia láng giềng”;  Sự phân định biên giới Việt Nam - Campuchia, Quá trình hình thành đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia; Quản lý và khai thác vùng biển đảo của triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884.

Các dự án, đề tài nghiên cứu thuộc chương trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ ngành do Viện Sử học thực hiện đã được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn và có giá trị thực tiễn, các công trình nghiên cứu đã được xuất bản, phổ biến rộng rãi trong xã hội. Các kết quả nghiên cứu đó đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc tư vấn chính sách giúp cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay.

PV: Những đóng góp của Viện Sử học đối với các địa phương và các ngành như thế nào?

PGS.TS. Đinh Quang Hải: Với mục tiêu phát triển khoa học lịch sử và đáp ứng yêu cầu hiểu biết lịch sử dân tộc của nhân dân, ngay từ đầu năm 1961, trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử GS.VS. Trần Huy Liệu đã viết một loạt bài như:  Một vài ý kiến về việc viết Lịch sử xí nghiệp; Việc xây dựng lịch sử các ngành, các xí nghiệp và các địa phương; Việc xây dựng lịch sử các ngành, các xí nghiệp và các địa phương cần đi vào tổ chức. Tiếp theo sau đó, Viện Sử học tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề về công tác sử học,  lịch sử địa phương và chuyên ngành; tổ chức các lớp bồi dưỡng về phương pháp luận và phương pháp cụ thể cho việc xây dựng các công trình lịch sử địa phương, lịch sử ngành.

Viện Sử học đã phối hợp tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử địa phương, lịch sử ngành trên địa bàn cả nước. Kết quả đã có nhiều công trình được xuất bản như: Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Địa chí Hà Bắc, Lịch sử Vĩnh Phú, Lịch sử phong trào công nhân vùng mỏ Quảng Ninh, Lịch sử nhà máy xi măng Hải Phòng, Địa chí Hòa Bình, Địa chí Ninh Bình, Địa chí Hà Tây, Địa chí Thái Nguyên, Lịch sử tỉnh Cao Bằng, Lịch sử tỉnh Bắc Kạn, Lịch sử tỉnh Hải Dương, Lịch sử Hưng Yên, Lịch sử và Biên niên những sự kiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Bên cạnh đó, Viện Sử học còn phối hợp với các địa phương, các ngành (như Sở Văn hóa Thông tin, Ban Tuyên giáo các tỉnh, Ban liên lạc các dòng họ...)  tổ chức hội thảo khoa học về các danh nhân lịch sử, kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước. Đây chính là mảng hoạt động vô cùng phong phú, ghi nhận sự đóng góp to lớn của các cán bộ nghiên cứu của Viện Sử học trong suốt 70 năm qua như:  Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Vụ Quang trong khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng, Kỷ niệm Anh hùng dân tộc Tây Nguyên N’Trang Lơng; Kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Kỷ niệm 970 năm sinh của Anh hùng Dân tộc Lý Thường Kiệt, Bác Hồ với công tác Thanh tra và ngành Thanh tra với Bác Hồ, Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Chúa Trịnh - Vị trí và vai trò lịch sử, Danh nhân Phạm Thận Duật, Khởi nghĩa Thái Nguyên - 80 năm nhìn lại, Khởi nghĩa Yên Bái,  Một số vấn đề lịch sử, Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng, Buôn Ma Thuột - Lịch sử hình thành và phát triển, … Ngoài ra, nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện Sử học còn tích cực tham gia các Hội thảo khoa học kỷ niệm về các danh nhân, sự kiện và địa danh lịch sử ở Trung ương, địa phương và các dòng họ trong cả nước.

Những đóng góp của Viện Sử học đã góp phần quan trọng trong việc làm rõ hơn về những sự kiện, những vấn đề lịch sử và nhân vật lịch sử,  phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa –xã hội của các địa phương , các ngành, giúp  nâng cao tinh thần yêu nước,  lòng tự hào của nhân dân, phát huy truyền thống quý báu và những giá trị lịch sử và văn hóa của các địa phương và các  ngành phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay.

PV:  Ông có thể đánh giá quá trình triển khai biên soạn và tác động đối với xã hội của Bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập do Viện Sử học biên soạn?

PGS.TS. Đinh Quang Hải: Viện Sử học đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, 15 tập, từ khởi thủy đến năm 2000. Bộ sách này được thực hiện trên cơ sở kết quả Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, do Viện Sử học là cơ quan chủ trì, với sự tham gia của tập thể 29 nhà khoa học, gồm các GS, PGS, TS, Ths. của Viện Sử học, thực hiện trong vòng 10 năm, triển khai từ năm 2003, nghiệm thu qua nhiều năm và kết thúc toàn bộ vào năm 2013. Bộ sách này được xuất bản 4 tập đầu tiên vào năm 2007 và đã xuất bản trọn bộ 15 tập vào năm 2013 và năm 2014.

Năm 2017, để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của xã hội, bộ Lịch sử Việt Nam, 15 tập, đã được Nxb. Khoa học xã hội và Công ty Vinabook tái bản lần thứ nhất, có chỉnh sửa, bổ sung. Đây là bộ sách thông sử về Lịch sử Việt Nam, gồm hơn 10 nghìn trang, có quy mô đồ sộ, lớn nhất  kể từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945) đến nay. Bộ Lịch sử Việt Nam, 15 tập, được thực hiện công phu, nghiêm túc, là sự kế thừa các kết quả nghiên cứu từ nhiều năm trước đó của nhiều thế hệ các nhà sử học, khảo cổ học, dân tộc học, chính trị học, kinh tế học, văn hóa học… ở trong và ngoài Viện và có sự tham khảo các kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu ở nước ngoài. Bộ Lịch sử Việt Nam, 15 tập, có bổ sung , sử dụng nhiều tư liệu mới được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau và dựa trên cơ sở của những  nhận định, đánh giá mới  mang tính khách quan hơn so với những công trình lịch sử trước. Đây là bộ lịch sử rất có giá trị về chuyên môn khoa học và ý nghĩa thực tiễn, góp phần trong quan trọng trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá kiến thức lịch sử Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Sau khi tái bản năm 2017, bộ Lịch sử Việt Nam,15 tập,  đã nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Không chỉ độc giả ở trong nước mà cả ở ngoài nước cũng rất quan tâm. Trước hết là vì quy mô và sự đồ sộ của bộ lịch sử gồm 15 tập, dài hơn 10 nghìn trang; về phạm vi thời gian nghiên cứu kéo dài từ khởi thủy đến năm 2000; và điều quan tâm hơn nữa là bộ sử này có những điểm mới về tài liệu và nội dung nghiên cứu. Bộ lịch sử này đã khai thác, sử dụng nhiều tài liệu thư tịch cổ, nhiều tài liệu lưu trữ, có tư liệu mới được công bố lần đầu ; đặc biệt là có những vấn đề , sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử được nhìn nhận, đánh giá một cách  khách quan, khoa học hơn. Trong đó có thể kể đến như : Các triều đại Ngô-Đinh -Tiền Lê và Nhà nước Đại Cồ Việt; những đánh giá mới về họ Khúc; về nhà Mạc; về những cuộc Cải cách và Đổi mới trong lịch sử; nhận định, đánh giá khách quan hơn về những sai lầm, hạn chế và những mặt tích cực của  nhà Nguyễn và một số nhân vật thời Nguyễn; có sự tăng hơn về dung lượng số trang từ 8 dòng trong sách giáo khoa trước đây, nay tăng lên dài 8 trang trong bộ Lịch sử Việt Nam, 15 tập, viết về chiến tranh biên giới phía Bắc từ năm 1979 đến năm 1989…,  nhất là việc sử  dụng một số danh xưng, một số câu và một số từ ngữ thay đổi cho khách quan hơn so với những câu, những từ ngữ rước đây vẫn quen dùng. Chính sự quan tâm của toàn xã hội như vậy đã nói lên sự hấp dẫn và sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đối với bộ Lịch sử Việt Nam, 15 tập, nói riêng, với lịch sử dân tộc nói chung. Đó cũng chính là sự tác động tích cực đối với vấn đề dạy sử, học sử và nhu cầu hiểu biết lịch sử của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ là vấn đề đã và đang rất “nóng’ trong xã hội hiện nay.

PV: Ông cho biết khái quát về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu lịch sử và đào tạo nguồn nhân lực của Viện Sử học?

PGS.TS. Đinh Quang Hải: Viện Sử học thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành về lịch sử; đồng thời xây dựng và ngày càng mở rộng hơn quan hệ hợp tác quốc tế.  Các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và xuất bản của Viện đều gắn chặt chẽ với hoạt động hợp tác quốc tế. Ngay từ khi thành lập đến nay,  Viện Sử học đã xây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác với các nhà nghiên cứu của các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Liên bang  Nga, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Ucraina, Ba Lan, Bungari, Lào, Campuchia, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Ốtxtrâylia, Canada, Thụy Điển, Na Uy,… Nhiều công trình, dự án hợp tác nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học giữa Viện Sử học Việt Nam với các trường Đại học, Viện nghiên cứu của các nước đã thực hiện thành công, có nhiều đóng góp mới về chuyên môn.  Trong đó có thể kể đến như phối hợp với Hội Hữu nghị Nhật - Việt do GS.TS Noritake Yasuo, TS. Phuruta Motoo chủ trì cùng hợp tác, xây dựng chương trình nghiên cứu về “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 1940-1945” trong đó có vấn đề về nạn đói năm 1945; phối hợp với Viện Lịch sử Lào bổ sung, chỉnh lý cuốn Lịch sử Lào; phối hợp với Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga biên soạn bộ sách Lịch sử Việt Nam (6 tập), và cùng trường Đại học Thành Công (Đài Loan) tổ chức nhiều nghiên cứu, đào tạo, và các hoạt động hội nghị, hội thảo khoa học chuyên đề có ý nghĩa, góp phần vào sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với vùng lãnh thổ Đài Loan. Thành tựu đạt được trong hoạt động  hợp tác quốc tế của Viện Sử học thời gian qua rất có ý nghĩa, góp phần thiết thực vào việc nghiên cứu và phổ biến lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Qua đó góp phần nâng cao vị thế của nền sử học Việt Nam và phổ biến lịch sử Việt Nam ra  thế giới; đồng thời góp phần vào việc củng cố và phát triển nền ngoại giao Việt Nam, đưa quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng phát triển

Sự trưởng thành và những thành tựu của Viện Sử học còn gắn liền với những đóng góp trong công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực.

Trong đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp của Viện Sử học thể hiện trên một số mặt như đã có một số cán bộ được đào tạo, trưởng thành lên từ Viện Sử học về các chuyên ngành  thông tin, dân tộc học, khảo cổ, lịch sử thế giới… được điều chuyển sang làm việc và giữ những cương vị quản lý lãnh đạo, hoặc là những nhà nghiên cứu chuyên môn nòng cốt cho các Viện khác mới thành lập trong Ủy ban KHXH (nay làViện Hàn lâm KHXH Việt Nam) như Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Viện Đông Nam Á, Viện Đông Bắc Á,  Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Bên cạnh việc cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, từ năm 1978, Viện Sử học được Thủ tướng Chính phủ công nhận là cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh ngành lịch sử. Từ đó đến nay, Viện đã mở các khóa nghiên cứu sinh cho cán bộ trong Viện và ngoài Viện nhằm góp phần bổ sung cán bộ có trình độ cao cho đất nước. Chỉ tính từ năm 1991 đến 1998, số lượng nghiên cứu sinh theo học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại cơ sở đào tạo của Viện tăng lên, đã có 22 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án, trong đó có 12 cán bộ của Viện.  Từ năm 2000 - 2010, số lượng nghiên cứu sinh đăng ký theo học tại cơ sở đào tạo của Viện tiếp tục tăng đáng kể, đã có 32 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trong đó có 8 cán bộ của Viện. Như vậy trong giai đoạn 1991-2010, Viện Sử học đã tiếp nhận 68 nghiên cứu sinh theo học, có 55 người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trong đó có 20 cán bộ của Viện. Hầu hết luận án tiến sĩ được bảo vệ đều đạt chất lượng khoa học cao. Một số nghiên cứu sinh ngoài Viện sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ đã giữ những cương vị chủ chốt ở các ngành, các lĩnh vực và các địa phương.

Từ năm 2010, khi thành lập Học viện Khoa học xã hội, Viện Sử học không còn là một cơ sở đào tạo sau đại học độc lập nữa, nhưng các chuyên gia có trình độ cao của Viện vẫn liên tục tham gia giảng dạy, đào tạo và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ tại Khoa Sử học của Học viện Khoa học xã hội và nhiều cơ sở đào tạo khác trong cả nước. Có thể khẳng định rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực toàn diện của Viện Sử học đã tạo nên một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Điểm nổi bật là tạo nên một đội ngũ cốt cán trong khoa học của Viện với những công trình khoa học có giá trị về lý luận, phương pháp luận sử học và những vấn đề của lịch sử đất nước.

PV: Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay, Viện Sử học có đóng góp như thế nào đối với sự phát triển và nâng cao vị thế của ngành Sử học trong và ngoài nước, thưa Ông?

PGS.TS. Đinh Quang Hải: Những kết quả to lớn mà Viện Sử học đã đạt được trong thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ là quan trọng, mang tính quyết định nhất; cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ Viện Sử học và sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các nhà nghiên cứu, các cơ quan hữu quan trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, những thành tựu Viện Sử học đã đạt được là toàn diện, có ý nghĩa cả về nghiên cứu khoa học và chuyên môn nghiệp vụ, cũng như về tổ chức, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao. Những thành tựu ấy là niềm tự hào to lớn của các thế hệ cán bộ Viện Sử học trong suốt 70 năm qua (1953-2023).

Trong bối cảnh tình hình đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay , đứng trước những cơ hội mới và yêu cầu của nhiệm vụ mới, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, với lòng hăng say học tập và lao động, toàn thể cán bộ Viện Sử học tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, quyết tâm phấn đấu vươn lên, tích cực xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị và chuyên  môn được giao để xứng đáng với những thành tựu trong quá khứ và đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế, góp phần ngày càng nâng cao hơn nữa vị thế của nền sử học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

 

Viện Sử học, ngày 12-11-2023

Người thực hiện: Nguyễn Thu Trang

 

 

 

Các tin đã đưa ngày: