I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Trong lịch sử cổ trung đại, các trung tâm hành chính lớn của quốc gia được gọi là Kinh đô hay Kinh thành. Đây là những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc, được xem là đại diện tiêu biểu, sáng giá của nền văn hóa, văn minh hay sự sinh thành của quốc gia, dân tộc đó trong tiến trình lịch sử nhân loại.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam vốn tồn tại rất nhiều kinh thành như Cổ Loa (Đông Anh) thời An Dương Vương, thế kỷ I-III trước Công nguyên; Hoa Lư (Ninh Bình) thời Đinh - Tiền Lê, thế kỷ X-XI; Thăng Long - Đông Đô - Đông Quan (Hà Nội) thời Lý - Trần - Lê, thế kỷ XI-XIII; Tây Đô (Thanh Hoá) thời Hồ, đầu thế kỷ XV; Huế (Huế) thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Tại khu vực miền Trung và miền Nam còn có những kinh đô cổ xưa, gắn liền với sự phát triển của các nền văn hoá nổi tiếng như Champa, Phù Nam, Chân Lạp.
Các di tích kinh thành cổ nói trên là một bộ phận cốt yếu quan trọng, là cơ sở nền tảng của lịch sử dân tộc Việt Nam, là minh chứng sinh động về sự phát triển của các nền văn hoá, văn minh Việt Nam trong lịch sử với những sắc thái độc đáo, riêng biệt.
Nhưng do những biến cố thăng trầm của lịch sử, phần lớn các kinh thành của Việt Nam đều đã bị phá hủy, không còn tồn tại đến ngày nay, ngoại trừ kinh thành Huế. Do đó, nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử, văn hóa kinh thành được xác định là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc trong việc nghiên cứu lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Để đáp ứng nhiệm vụ này cần phải có một cơ quan khoa học chuyên sâu nghiên cứu về lĩnh vực khảo cổ học đô thị. Vì vậy, trước yêu cầu cấp thiết của ngành khảo cổ đô thị ở Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu khách quan của nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long và chiến lược phát triển chung của ngành khoa học xã hội ở Việt Nam, ngày 28 tháng 4 năm 2011, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành trực thuộc Viện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trên nền tảng Ban Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long, được hình thành từ năm 2002 - 2010.
Sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành nhằm đáp ứng nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu chuyên sâu về khảo cổ học đô thị và các vấn đề về lịch sử, văn hóa các di tích kinh thành cổ Việt Nam trong lịch sử dân tộc. Đồng thời, thông qua đó sẽ góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của các nền văn hóa, văn minh Việt Nam, minh chứng vị thế, vai trò của Việt Nam trong lịch sử khu vực Đông Nam Á và châu Á. Đây cũng chính là cơ sở khoa học góp phần vào việc hoạch định chiến lược qui hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc Việt Nam.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành có trụ sở chính đặt tại tầng 3 toà nhà 109 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội; tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Research Center for Imperial City, viết tắt là: RCIC.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành được qui định tại Quyết định số 260/QĐ-KHXH ngày 26 tháng 2 năm 2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như sau:
Vị trí và chức năng:
Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu về khảo cổ học đô thị và các vấn đề về lịch sử, văn hóa các di tích kinh thành cổ nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc Việt Nam; tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khảo cổ học đô thị, bảo quản di vật, bảo tồn di tích.
Nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
b) Điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, văn hoá các di tích Kinh thành cổ và các di tích liên quan đến các vương triều trong lịch sử Việt Nam; nghiên cứu các vấn đề về lý luận và phương pháp luận nghiên cứu Kinh thành; ứng dụng các phương pháp khoa học tiên tiến trong việc nghiên cứu lịch sử Kinh thành, cập nhật và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của khảo cổ học đô thị trên thế giới phục vụ cho việc nghiên cứu khảo cổ học đô thị ở Việt Nam cũng như các vấn đề liên quan đến Kinh thành Việt Nam trong lịch sử.
c) Kếp hợp nghiên cứu bảo quản, bảo tồn và trưng bày di tích, di vật nhằm phát huy giá trị di sản văn hoá với đào tạo đại học và sau đại học theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các tổ chức khác ở trong và ngoài nước.
d) Thực hiện công tác tư vấn, giám định niên đại, nguồn gốc các loại hình di vật khảo cổ học lịch sử; tư vấn lập và thẩm định các chương trình, dự án về khai quật, chỉnh lý, nghiên cứu khảo cổ học và về qui hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.
e) Nghiên cứu phục dựng di vật và tái tạo mặt bằng di tích kiến trúc bằng công nghệ hiện đại.
f) Tổ chức hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử Kinh thành, lĩnh vực bảo quản, bảo tồn, bảo tàng và kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn về khảo cổ học đô thị trong khuôn khổ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
g) Quản lý về tổ chức, bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị; tài sản và kinh phí của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Cơ cấu tổ chức:
a) Các phòng nghiên cứu và ứng dụng khoa học:
1. Phòng Nghiên cứu Nghệ thuật - Kiến trúc
2. Phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hoá
3. Phòng Khoa học bảo tồn
4. Phòng Kỹ thuật - Công nghệ.
b) Các Phòng chức năng, nghiệp vụ:
1. Phòng Tổ chức - Hành chính
2. Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế
3. Phòng Thông tin - Thư viện.
II. NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU
Từ khi thành lập, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã từng bước chuyển giao nhiệm vụ của Dự án Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (gọi tắt là Dự án Chỉnh lý) cho Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện. Đây là Dự án lớn thuộc nhiệm vụ trọng điểm cấp Bộ, có nhiều nội dung khoa học phức tạp, có khối lượng công việc rất lớn và được thực hiện theo kế hoạch, lộ trình hàng năm.
Trong hai năm qua, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng kế thừa thành quả và kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã sớm ổn định tổ chức, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã hoàn thành xuất sắc ba nhiệm vụ quan trọng nêu dưới đây.
Thứ nhất, hoàn thành nhiệm vụ của Dự án Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu năm 2011 theo nội dung được phê duyệt.
Một trong những thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học năm đầu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành là lần đầu tiên đã nghiên cứu áp dụng thành công việc đưa hệ thống mã số kí hiệu khảo cổ học mang tính quy chuẩn quốc tế vào từng di tích, từng bộ phận cấu thành của di tích, góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác tổ chức tái điều tra nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học tổng thể về các loại hình di tích thời Lý, Trần, Lê ở khu A-B của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Đồng thời, trên cơ sở hệ thống mã số kí hiệu được thiết lập, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức thành công việc nghiên cứu đánh giá phân định mặt bằng, loại hình di tích và đã hoàn thành việc lập phiếu hồ sơ các loại hình di tích giai đoạn I với số lượng 126 phiếu khoa học.
Thứ hai, hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ và các điều kiện cho công tác bàn giao di tích khu A - B khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho UBND Thành phố Hà Nội quản lý vào ngày 28/12/2011.
Để đáp ứng nhiệm vụ bàn giao ngay khu A - B trong bối cảnh công tác nghiên cứu và bảo tồn di tích còn đang có rất nhiều dang dở, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã phải huy động tối đa nguồn lực và dành toàn bộ tâm sức để đáp ứng tiến độ. Trong đó, tập trung cao cho công tác tái điều tra khai quật, nghiên cứu đánh giá giá trị di tích tại khu A - B, đo vẽ bổ sung di tích, chụp ảnh, quay phim, ghi chép tư liệu và các công việc khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học về di tích trong năm 2012 - 2013.
Với sự quyết tâm cao, nên trong thời gian rất ngắn (hơn 60 ngày đêm), Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã hoàn thành công tác đo vẽ bổ sung và hoàn thiện hệ thống bản vẽ mặt bằng, mặt cắt di tích ở khu A - B với số lượng lớn: 576 bản vẽ khổ A2; Tiến hành chụp ảnh tổng thể và chi tiết các loại hình di tích kiến trúc ở khu A - B sau khi được mã số kí hiệu di tích với số lượng trên 10.000 ảnh kỹ thuật số chất lượng cao; Thực hiện công tác quay phim tư liệu tổng thể và chi tiết các loại hình di tích kiến trúc ở khu A - B với số lượng 10 cuộn băng từ, thời lượng 60 phút/băng, đảm bảo cho công tác lưu trữ hồ sơ tư liệu nghiên cứu khoa học lâu dài cũng như phục vụ ngay cho nhiệm vụ bàn giao di tích khu A - B như kế hoạch đề ra.
Thứ ba, hoàn thành công tác tôn tạo và xử lý bảo tồn di tích khu A - B, đảm bảo tốt các điều kiện cho công tác bàn giao. Đồng thời, tổ chức di chuyển, sắp xếp bảo quản an toàn hệ thống tư liệu, tài sản, hiện vật và hoàn thành công tác bàn giao di tích khu A - B đúng yêu cầu về tiến độ.
Năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành được Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao 2 nhiệm vụ quan trọng:
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long, năm 2012”;
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng nội dung của Đề án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”.
Dưới đây là kết quả thực hiện cụ thể của hai nhiệm vụ nêu trên.
(1) Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, năm 2012”.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã hoàn thành cơ bản các nội dung công việc của Dự án và được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá suất xắc, cụ thể:
a) Về công tác nghiên cứu, đánh giá và lập hồ sơ khoa học di tích:
- Hoàn thành công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập Phiếu mô tả di tích khảo cổ học với số lượng là 21 di tích kiến trúc thời Trần ở khu B. Đồng thời, chỉnh sửa, bổ sung 126 Phiếu di tích kiến trúc ở khu A - B đã được thực hiện trong những năm 2010 - 2011.
- Hoàn thành việc nghiên cứu, tổng hợp số liệu và viết Báo cáo chuyên đề về kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học di tích kiến trúc thời Lý ở hố A25 thực hiện năm 2011.
- Hoàn thành bước đầu công tác nghiên cứu phân định niên đại từng di tích và phân kỳ giai đoạn của di tích kiến trúc thời Lý ở khu A - B.
Các công việc khác như tập hợp, hệ thống tư liệu ảnh, bản vẽ của từng di tích trong từng thời kỳ để tiến hành xây dựng Phụ lục hồ sơ của 143 Phiếu di tích theo qui chuẩn cũng như công tác hệ thống hoá hồ sơ tư liệu phục vụ cho việc viết báo cáo kết quả nghiên cứu di tích theo giai đoạn lịch sử và theo loại hình di tích phục vụ cho công tác lập Hồ sơ khoa học di tích của khu A - B trong năm 2013.
b) Về công tác nghiên cứu so sánh, phân loại chỉnh lý di vật:
- Hoàn thành công tác rà soát đánh giá tổng thể công tác phân loại chỉnh lý các loại hình di vật thực hiện từ trước năm 2011, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo tính khoa học và điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, quản lý và bảo vệ di vật trong các năm tiếp theo. Đồng thời, tiến hành công tác điều chỉnh mặt bằng, di chuyển, sắp xếp lại hiện vật với số lượng rất lớn 7.111 két tại các kho và nhà chỉnh lý ở khu C - D, phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu lâu dài.
- Hoàn thành công tác tổ chức nghiên cứu, phân loại chỉnh lý các loại hình di vật (vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sành) theo đúng kế hoạch và đạt chất lượng như mục tiêu đặt ra.
c) Về công tác nghiên cứu bảo tồn di tích, di vật:
Từ kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn, Phòng Khoa học bảo tồn của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã thực hiện tốt công tác nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đến bảo tồn di tích, thực hiện thường xuyên công tác thu thập dữ liệu từ các thiết bị bảo tồn, tiến hành xử lý, phân tích, lập đồ thị hoá về dữ liệu bảo tồn di tích theo qui chuẩn quốc tế và hoàn thành các báo cáo đánh giá về tình trạng bảo tồn theo qui định.
Năm 2010, để có cơ sở khoa học đánh giá tác động môi trường đến bảo tồn di tích, lần đầu tiên Trung tâm đã đưa ra sáng kiến triển khai làm 17 vị trí thí điểm nghiên cứu đánh giá tình trạng bảo tồn di tích ở khu C và D, gọi là Test Conservation. Công việc này đang mở ra hướng nghiên cứu mới với phương pháp tiếp cận mới trong công tác bảo tồn di tích khảo cổ học.
Một trong những thành tựu nổi bật trong năm 2012 của Trung tâm là đã nghiên cứu xây dựng thành công Phương pháp và qui trình nghiên cứu, chỉnh lý và lập hồ sơ khoa học về di vật trong khảo cổ học đô thị. Kết quả nghiên cứu này được đánh giá là rất quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, mở ra hướng nghiên cứu mới và tạo nền tảng cho công tác nghiên cứu, đào tạo phương pháp, kỹ năng nghiên cứu khoa học về khảo cổ học đô thị ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành cũng đang đầu tư chiều sâu cho công tác nghiên cứu so sánh, phân định niên đại, nguồn gốc nhằm xây dựng tiêu chí chuẩn cho các loại hình di vật mẫu, đồng thời nghiên cứu xác định loại hình, chức năng cũng như vai trò và tính xã hội của đồ gốm từ các mảnh vỡ. Đây là những cơ sở dữ liệu khoa học cho công tác nghiên cứu, chỉnh lý di vật và công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp của Trung tâm trong tương lai.
(2) Nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Đề án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”.
Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng do Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện trong năm 2012 và sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm 2014.
Với nhiệm vụ được giao là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện, trong năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu xây dựng nội dung Đề án và đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Đề án Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội đã được xây dựng rất công phu, có độ dày 88 trang, đã trình Thủ tướng Chính phủ, xin ý kiến góp ý của các Bộ ngành, Hội đồng khoa học và nhận được sự đánh giá cao về chất lượng cũng như ý tưởng khoa học trưng bày.
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, năm 2012 cũng là năm khởi sắc của các chương trình hợp tác với các cơ quan trung ương, địa phương và quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành. Kết quả thực hiện của các chương trình này không những góp phần nâng cao năng lực, uy tín của Trung tâm mà còn mở ra những triển vọng phát triển hợp tác của Trung tâm trong tương lai.
Thành tựu nổi bật của các chương trình hợp tác có thể thấy rõ qua các chương trình sau:
- Hợp tác điều tra, nghiên cứu mô hình kiến trúc với Viện Nghiên cứu bảo tồn di sản văn hoá quốc gia Tokyo (Tobunken - Nhật Bản) tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam;
- Tư vấn khoa học cho công tác thi công phục dựng tháp đá cổ thời Lê trung hưng tại di tích Thông Đàn (huyện Đông Triều, Quảng Ninh);
- Hợp tác khai quật thăm dò di tích Phụ Sơn lăng và Nguyên lăng - lăng mộ các vua nhà Trần ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh;
- Tổ chức thực hiện thành công Dự án trưng bày “Di sản văn hoá nhà Trần ở Đông Triều” tại di tích đền An Sinh, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) trong tháng 9/ 10/ 2012, thu hút hàng ngàn khách tham quan, góp phần quảng bá hiệu quả giá trị di sản văn hoá nhà Trần ở huyện Đông Triều tới đông đảo công chúng.
Năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành chủ yếu tiếp tục tổ chức thực hiện 2 nhiệm vụ chính như năm 2012, cụ thể:
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Dự án Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long, năm 2013 theo kế hoạch và lộ trình;
- Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội;
- Tham gia phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức thực hiện Dự án Khai quật khảo cổ học và xử lý di dời di tích, di vật khu xây dựng đường hầm và bãi đỗ xe của công trình Nhà Quốc hội;
- Tổ chức thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện:
a) Kinh đô Cổ Loa - Tư liệu lịch sử và khảo cổ học, kết quả nghiên cứu và những vấn đề khoa học đặt ra;
b) Kinh đô Hoa Lư - Tư liệu lịch sử và khảo cổ học, kết quả nghiên cứu và những vấn đề khoa học đặt ra;
c) Hệ thống lăng tẩm của các vua nhà Trần - Tư liệu lịch sử và khảo cổ học, kết quả nghiên cứu và những vấn đề khoa học đặt ra.
III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020
Với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản, chuyên sâu về khảo cổ học đô thị và những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hoá các di tích kinh thành cổ của Việt Nam trong lịch sử, chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành được xác định rõ với hai giai đoạn chính sau đây.
1. Chiến lược phát triển Giai đoạn I (từ năm 2011 - 2015)
Kế thừa Viện Khảo cổ học trực tiếp là Ban Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long, từ năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành giữ vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tái điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu so sánh đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng long theo kế hoạch và lộ trình từ nay cho đến năm 2025.
Từ yêu cầu của nhiệm vụ nói trên, chiến lược hoạt động của Trung tâm đến năm 2020 sẽ chủ yếu tập trung thực hiện các nhiệm vụ của Dự án “ Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu Hoàng thành Thăng Long”, Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Khảo cổ học đô thị là một ngành khoa học còn rất mới mẻ ở Việt Nam, do đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đang rất chú trọng đến công tác nghiên cứu xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp nghiên cứu cơ bản, mang tính định hướng nhằm tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ hiện nay, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển của Trung tâm trong tương lai. Trong đó, Trung tâm đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng nghiên cứu kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn, phương pháp nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ trẻ theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.
Mục tiêu 5 năm đầu sẽ phấn đấu hoàn thành việc đào tạo cơ bản các phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học theo yêu cầu chuyên ngành, đồng thời nâng cao trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng về khoa học công nghệ. Đây là những cơ sở quan trọng tạo nên sự thành công cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ hiện nay, đồng thời là bước đệm cho công tác đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ trẻ ở giai đoạn II.
2. Chiến lược phát triển Giai đoạn II (từ năm 2016 - 2020)
Tập trung đẩy mạnh và hoàn thiện và công tác nghiên cứu xây dựng hệ thống phương pháp, qui trình và kỹ năng nghiên cứu cơ bản về khảo cổ học đô thị gắn liền với công tác đào tạo sau đại học, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Tăng cường công tác nghiên cứu so sánh và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học về các loại hình di tích, di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long theo đúng kế hoạch và lộ trình. Đồng thời, tổ chức tổng kết đánh giá các thành tựu nghiên cứu, đánh giá giá trị về di tích, di vật và chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành tốt công tác lập hồ sơ khoa học tổng thể về khu di tích Hoàng thành Thăng Long vào năm 2025.
Đầu tư chiều sâu cho công tác điều tra, nghiên cứu cơ bản, thu thập, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về các di tích kinh thành cổ Việt Nam nhằm phục vụ ngay cho công tác nghiên cứu so sánh, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long và tạo cơ sở cho việc hoạch định chiến lược nghiên cứu lâu dài về di tích kinh thành Việt Nam trong lịch sử. Đồng thời, từng bước tổ chức triển khai chiến lược nghiên cứu hệ thống về các di tích kinh thành cổ của Việt Nam theo kế hoạch dựa trên thành tựu và kinh nghiệm nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Mục tiêu chính của Giai đoạn II là đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời từng bước hoàn thiện công tác nghiên cứu đánh giá giá trị, lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long theo kế hoạch.
*
* *
Tuy là cơ quan mới thành lập, có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã luôn luôn chủ động, sáng tạo, khắc phục các hạn chế, khó khăn, vừa từng bước củng cố, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, vừa quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra, đảm bảo yêu cầu cao về chất lượng.
Bên cạnh nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long và các nhiệm vụ khác, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đang từng bước nghiên cứu xây dựng kế hoạch, nội dung và chiến lược nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về khảo cổ học đô thị, tạo dựng nền tảng cho việc nghiên cứu về các di tích kinh thành cổ Việt Nam trong tương lai, góp phần vào sự nghiệp phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN