Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin
  • VASS-70 năm (1953-2023)

Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin

14/11/2023

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (tên giao dịch quốc tế: Center for Information Technology Application, viết tắt là CITA) được thành lập theo Quyết định số 2202/QĐ-TTg ngày 29/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chính thức có hiệu lực, ngày 27/02/2013, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-KHXH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, theo đó, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các lĩnh vực công tác; quản lý thống nhất mọi hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước đáp ứng nhu cầu của các tổ chức khác trong và ngoài nước.

Nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Chủ trì và phối hợp với các đơn vị trực thuộc xây dựng và ban hành các quy định về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin để áp dụng thống nhất trong toàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

3. Thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, phát triển các giải pháp, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

4. Tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin dùng chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bao gồm:

- Tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống mạng cục bộ (LAN); mạng diện rộng (WAN) của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;

- Quản lý và khai thác việc sử dụng Internet từ hệ thống mạng máy tính của của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc, tổ chức liên quan thực hiện công tác bảo đảm an toàn và bảo mật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;

 - Tổ chức thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục sự cố kỹ thuật của hệ thống mạng máy tính và các thiết bị công nghệ thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; thực hiện công tác hỗ trợ sử dụng phần cứng, phần mềm cho các cán bộ, công chức, viên chức của Viện;

- Làm đầu mối kết nối mạng thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với mạng thông tin của các cơ quan liên quan.

5. Chủ trì tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành Cổng thông tin điện tử Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; phối hợp trong việc thu thập, lưu trữ, xử lý, biên tập và cung cấp thông tin điện tử phục vụ các lĩnh vực công tác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; làm đầu mối liên kết các Cổng thông tin điện tử thành viên của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

6. Chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành và duy trì hoạt động, bảo đảm an ninh của các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bao gồm:

- Quản lý và vận hành Phầm mềm Quản lý văn bản và Điều hành tác nghiệp, Hệ thống thư điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;

- Chủ trì xây dựng và quản trị các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung, phần mềm dùng chung phục vụ công tác quản lý, điều hành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;

- Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp các cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ các lĩnh vực công tác của Viện.

7. Tham gia góp ý và phản biện về mặt kỹ thuật và công nghệ đối với các dự án, đề án ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị trực thuộc theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

8. Thực hiện tư vấn và các dịch vụ về ứng dụng công nghệ thông tin theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí.

9. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin cho các cán bộ, công chức, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

10. Thực hiện các công tác hợp tác quốc tế liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khoa học xã hội; trao đổi thông tin với các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Phối hợp với các cơ quan giúp việc Chủ tịch Viện tiếp nhận, tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin.

11. Quản lý về tổ chức, bộ máy, biên chế, tài sản và kinh phí của Trung tâm theo các quy định, quy chế của Nhà nước và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao.

Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định số 341/QĐ-KHXH ngày 29 tháng 3 năm 2010 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiên cứu và quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Có thể chia thành 2 giai đoạn phát triển của Trung tâm: Giai đoạn 2010 - 2011 là giai đoạn hình thành; Giai đoạn từ năm 2012 đến nay là giai đoạn tạo tiền đề bứt phá phát triển. Sau đây, xin điểm lại một cách tổng quát về quá trình hình thành và phát triển của Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin.

Giai đoạn 2010 - 2011 (giai đoạn hình thành):

Đây là giai đoạn có những nét đặc thù quan trọng, với các điều kiện hoạt động ban đầu từ nhân lực cho đến cơ sở vật chất - kỹ thuật còn rất hạn chế, công tác tổ chức cán bộ và bộ máy hoạt động của Trung tâm đang ở giai đoạn đầu mới hình thành. Sau khi Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam điều động và bổ nhiệm TS. Đặng Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội về đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm, Trung tâm đã tập trung xác định nhiệm vụ cũng như cách thức thực hiện nhiệm vụ được giao, hình thành bộ máy tổ chức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Tính đến cuối năm 2011, 5/7 phòng của Trung tâm chính thức đi vào hoạt động, với đội ngũ cán bộ gồm 12 cán bộ có chuyên môn, năng lực phù hợp đảm nhiệm các vị trí công việc được giao. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tập trung xây dựng và kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội: Chi bộ, Công đoàn, Chi đoàn.

Giai đoạn 2012 - nay (giai đoạn tạo tiền đề bứt phá phát triển):

Từ năm 2012, hoạt động của Trung tâm đã bước đầu đi vào ổn định. Nắm bắt được nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu khoa học xã hội, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã giao cho Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin làm chủ đầu tư Dự án “Đầu tư nâng cấp hệ thống cổng thông tin điện tử Viện Hàn lâmKhoa học xã hội Việt Nam” với mục tiêu đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý, tra cứu, phục vụ nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh và những thành tựu nổi bật của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với các tổ chức, các nhà khoa học cũng như đông đảo độc giả trong nước và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục thực hiện kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động. Tháng 11 năm 2012, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã điều động và bổ nhiệm TS. Vũ Hùng Cường, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khoa học Viện Khoa học xã hội Việt Nam giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm thay TS. Đặng Thị Thanh Hà đến tuổi nghỉ quản lý. Quyết định số 242/QĐ-KHXH ngày 27/02/2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chuyển chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm từ một đơn vị sự nghiệp sang đơn vị nghiên cứu khoa học là bước chuyển hết sức quan trọng, giúp cho Trung tâm có điều kiện đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các công tác quản lý, tra cứu và phục vụ nghiên cứu khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đáp ứng chức năng và nhiệm vụ mới của Trung tâm và sự phát triển của Cổng thông tin điện tử, Trung tâm đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức, các phòng của Trung tâm có những điều chỉnh về tên gọi, chức năng và nhiệm vụ phù hợp yêu cầu phát triển mới. Theo đó, các phòng của Trung tâm chia ra theo 2 khối: khối nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học (gồm Phòng Nghiên cứu và Phát triển, Phòng Hệ thống mạng, Phòng Thông tin điện tử, Phòng Tích hợp dữ liệu, Phòng Tư vấn và Dịch vụ Ứng dụng Công nghệ thông tin); và khối chức năng, nghiệp vụ (gồm Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Phòng Thông tin - Thư viện). Tính đến tháng 4 năm 2013, Trung tâm có 18 cán bộ, gồm 17 cán bộ thuộc biên chế và 01 cán bộ hợp đồng, trong đó có 01 tiến sĩ, 04 thạc sĩ (1 NCS), 04 học viên cao học. Các cán bộ Trung tâm chủ yếu có tuổi đời còn trẻ, được đào tạo chuyên môn về công nghệ thông tin, nhiệt tình và có trách nhiệm trong công việc.

Những thay đổi quan trọng về chức năng và nhiệm vụ, về bộ máy tổ chức và nhân sự đã đem đến động lực phát triển mới cho Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin. Trung tâm đã rất khẩn trương tập trung vào những công việc quan trọng mang tính đột phá, cụ thể là:

- Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin cho giai đoạn đến năm 2025, cụ thể hoá các mục tiêu giai đoạn 2013 - 2017 để Chủ tịch Viện Hàn lâm phê duyệt, làm căn cứ mục tiêu phấn đấu đưa Trung tâm phát triển ngày càng lớn mạnh;

- Tiếp tục tìm kiếm, bổ sung nhân sự có trình độ và chuyên môn phù hợp; khuyến khích đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tại chỗ; tiếp tục nghiên cứu tái cấu trúc các phòng của Trung tâm, phân bổ lại nguồn lực một cách hợp lý để nhằm mục tiêu đáp ứng được yêu cầu công việc được giao trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo;

- Tích cực triển khai Dự án “Đầu tư nâng cấp hệ thống Cổng thông tin điện tử Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng, đồng thời xây dựng các đề xuất dự án tiền khả thi để tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Viện Hàn lâm.

II. NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU

- Hoàn thành nghiệm thu nhiệm vụ cấp Bộ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015. Đề tài đã xây dựng được những nội dung quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020, và là tiền đề chuẩn bị cơ sở lý luận khoa học cho việc đề ra các quyết sách phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

- Nghiên cứu, hoàn thành dịch và hiệu đính phần mềm số hóa DSpace. Có kế hoạch triển khai chuyển giao đưa vào áp dụng cho Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào và từng bước tiến tới trang bị thương mại hóa cho các sản phẩm dịch vụ thư viện.

- Nghiên cứu, xây dựng thành công Hệ thống tra cứu dữ liệu thư viện trên nền WebIsis; Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu về chuyên gia khoa học; Xây dựng Website Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ tư do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì tổ chức.

- Về cơ bản hoàn thành Dự án Đầu tư nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và 35 Cổng thành viên của các đơn vị trực thuộc, phục vụ hoạt động quảng bá, giới thiệu toàn diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu phát triển mới của Viện Hàn lâm theo 3 trọng tâm là nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, tư vấn chính sách, phối hợp hoạt động hiệu quả trong môi trường mạng với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan Đảng và các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng và kết nối mạng thông tin điện tử nội bộ với các cổng thành viên của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm (hệ thống Cổng thông tin nội bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Đây là hệ thống quản lý nội dung tổng thể các nguồn tài nguyên thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhằm phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Viện trên mạng, tạo môi trường làm việc cộng tác và thực hiện tác nghiệp giữa các bộ phận và cán bộ trên mạng, quản lý văn bản hành chính - tổ chức, cung cấp và chia sẻ thông tin trong nội bộ Viện Hàn lâm nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Viện Hàn lâm và của từng cán bộ quản lý, nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu.

- Triển khai xây dựng hoàn thiện phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và bước đầu đưa vào sử dụng thử nghiệm tại một số đơn vị trực thuộc.

- Phụ trách cung cấp thông tin và quản lý nội dung thông tin trên Website, nay là Cổng thông tin điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kịp thời và hiệu quả (tại địa chỉ: http://www.vass.gov.vn).

- Chịu trách nhiệm vận hành và bảo trì hệ thống mạng máy tính của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Trong các năm qua, các hoạt động vận hành hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đảm bảo được đường truyền thông suốt, ít để xảy ra sự cố kỹ thuật làm ảnh hưởng đến các hoạt động chung của Viện trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn, chưa đủ đảm bảo hoàn toàn  về điều kiện kỹ thuật tiêu chuẩn.

- Hỗ trợ triển khai và cài đặt hệ thống mạng Chính phủ tại Văn thư hành chính Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Hỗ trợ triển khai hệ thống đường cáp quang của Bộ Tài chính tại Ban Kế hoạch - Tài chính.

- Quản trị hệ thống thư điện tử Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và xây dựng Qui chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống thư điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, v.v...

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

1. Mục tiêu và phương châm của chiến lược:

1. Mục tiêu tổng quát

Trên cơ sở tiếp tục chú trọng đầu tư hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, lấy phát triển nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao làm khâu đột phá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, tra cứu, phục vụ nghiên cứu và đào tạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển chung của quốc gia, khu vực và quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển hạ tầng mạng thông tin đủ các điều kiện về năng lực thiết bị và các giải pháp công nghệ để lưu giữ, xử lí thông tin; triển khai các loại hình dịch vụ chủ yếu phục vụ các lĩnh vực hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có khả năng liên kết với mạng thông tin của Chính phủ và các mạng thông tin khoa học xã hội trong và ngoài nước:

- 100% các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được kết nối vào mạng truyền dẫn tốc độ cao, an toàn, bảo mật của Viện.

- Bảo đảm hạ tầng kết nối với các hệ thống thông tin của Chính phủ và các mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội trong và ngoài nước.

- Đảm bảo cho cán bộ, công chức có thể thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc.

- Xây dựng Phòng Máy chủ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tiêu chuẩn.

- Xây dựng hệ thống Hội nghị, hội thảo trực tuyến (video conference).

b) Vận hành và khai thác hiệu quả Cổng thông tin điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có khả năng cung cấp các dịch vụ thông tin chủ yếu cho các lĩnh vực hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:

- 100% thông tin về các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách và hoạt động quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử.

- Đảm bảo kênh thông tin trực tuyến hoạt động hiệu quả và liên tục.

c) Xây dựng một số hệ thống thông tin/CSDL dùng chung chủ yếu trên hạ tầng mạng của Viện Hàn lâm, tổ chức và phát triển theo một hệ thống chính sách thống nhất, đủ khả năng đáp ứng các loại nhu cầu tin cơ bản của các tổ chức, cá nhân tại Viện Hàn lâm và sẵn sàng tích hợp với các loại nguồn tin của các tổ chức nghiên cứu, đào tạo về khoa học xã hội trong nước:

- 80% hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có thể thực hiện trên môi trường mạng thông qua các hệ thống thông tin hỗ trợ.

- 70% cơ sở dữ liệu chuyên ngành KHXH được lưu trữ và khai thác trên hệ thống mạng máy tính.

- Kết nối chia sẻ thông tin với các mạng nghiên cứu và đào tạo trong nước và quốc tế thông qua mạng VinaREN, TEIN3…

d) Triển khai xây dựng hệ thống tin học hóa quản lý hành chính tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo mô hình vận hành của Chính phủ điện tử:

- 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các đơn vị trong Viện Hàn lâm và giữa Viện Hàn lâm, các đơn vị trực thuộc với các cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp.

- 100% các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện áp dụng các phần mềm trong quản trị dữ liệu và phục vụ công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp.

e) Triển khai các hoạt động đào tạo, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hỗ trợ và từng bước làm chủ công nghệ cho việc triển khai hiệu quả các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Viện:

- 100% đội ngũ cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được trang bị kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản, kỹ năng sử dụng thư điện tử, khai thác các hệ thống CSDL được xây dựng, tìm kiếm thông tin trên mạng.

- Tổ chức đào tạo và cử đi đào tạo tại các cơ sở trong và ngoài nước trình độ nâng cao về ứng dụng công nghệ thông tin cho các đối tượng cán bộ quản lý, quản trị, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại các đơn vị. Đảm bảo duy trì đội ngũ nhân sự chuyên trách có trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin đầy đủ và phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển của Viện.

f) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ khoa học xã hội và nhân văn để nâng cao chất lượng viết và biên tập thông tin trên Cổng thông tin điện tử.

2. Nội dung cụ thể của chiến lược

1. Phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin

a) Xây dựng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho Trung tâm vận hành mạng và mạng LAN tại các tòa nhà Liễu Giai đạt trình độ tiên tiến so với các cơ quan bộ ngành, đảm bảo hạ tầng Công nghệ thông tin đạt các chỉ tiêu về mức độ sử dụng triển khai các dịch vụ, đủ các điều kiện về năng lực thiết bị và các giải pháp công nghệ để lưu giữ, xử lí thông tin; triển khai các loại hình dịch vụ chủ yếu phục vụ các lĩnh vực hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đạt trình độ trung bình khá trong trong khu vực ASEAN, có khả năng liên kết với mạng thông tin của Chính phủ, mạng VinaREN, TEIN2 và các mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo trong và ngoài nước.

b) Phát triển mô hình kết nối các hệ thống mạng của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hướng tới bảo đảm liên thông giữa các hệ thống thông tin của các đơn vị, hỗ trợ hiệu quả, linh hoạt cho công tác quản lý tại Viện.

- Nâng cấp/trang bị máy chủ và máy tính cho mạng LAN của tất cả các đơn vị trực thuộc Viện.

- Thực hiện kết nối mạng của các đơn vị với hạ tầng mạng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hướng tới đảm bảo liên thông giữa các hệ thống thông tin của các đơn vị, thực hiện kết nối với các hệ thống thông tin của Chính phủ và các mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội trong và ngoài nước.

c) Xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, hướng tới làm đầu mối quốc gia về dữ liệu KHXH.

d) Từng bước triển khai ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động nghiệp vụ nội bộ, tiến tới triển khai trong các giao dịch với các cơ quan của Chính phủ khi điều kiện cho phép.

- Xây dựng Phòng Máy chủ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tiêu chuẩn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, ổn định và bảo mật trong hoạt động của Cổng thông tin điện tử. Quản lý và vận hành thống nhất hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho Cổng thông tin điện tử Viện Hàn lâm và các cổng thành viên.

- Xây dựng hệ thống Hội nghị, hội thảo trực tuyến (video conference) nhằm nâng cao năng lực hội nhập và hợp tác với quốc tế và trong nước, giảm chi phí tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo của Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc.

2. Phát triển các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu

a) Nghiên cứu phương án và xây dựng hệ thống thông tin quản lý đồng bộ tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trên cơ sở xây dựng hệ thống thông tin quản lý tại các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện và nâng cấp Hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành và tác nghiệp đã được triển khai.

b) Xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành khoa học xã hội, tích hợp các CSDL về KHXH dùng chung trên hạ tầng mạng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

c) Xây dựng Hệ thống thư viện điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tích hợp các nguồn thông tin tư liệu khoa học xã hội trong và ngoài nước phục vụ các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Viện.

3. Phát triển ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ

a) Hoàn thành giai đoạn đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống Cổng thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đảm bảo:

- Cung cấp các dịch vụ thông tin cơ bản phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách và phục vụ cộng đồng người dùng tin KHXH: dịch vụ tra cứu thông tin tư liệu thư viện, tra cứu tìm kiếm thông tin về các kết quả nghiên cứu, báo cáo tư vấn và luận văn, luận án của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, truy cập tạp chí khoa học xã hội trực tuyến …

- Cung cấp một số dịch vụ giao tiếp trực tuyến đối với các hoạt động quản lý của các ban chức năng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến của Viện Hàn lâm và các viện chuyên ngành cũng như kết nối với bên ngoài.

- Tích hợp các hệ thống thông tin phục vụ quản lý điều hành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tạo lập môi trường quản lý điều hành qua mạng.

b) Thực hiện chuẩn hóa quy trình nghiệp cung cấp các dịch vụ thông tin; Xây dựng quy chế quản trị và cung cấp thông tin; Tổ chức tuyên truyền, quảng bá sử dụng dịch vụ.

c) Phát triển nội dung số: thu thập, biên soạn, tổ chức công bố thông tin giới thiệu về hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam …

4. Phát triển nguồn nhân lực

a) Tiếp tục xây dựng và củng cố nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ làm nòng cốt cho kế hoạch phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:

- Tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý, quản trị công nghệ thông tin được đi đào tạo nâng cao trình độ tại các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin có uy tín trong và ngoài nước về quản trị mạng, an toàn an ninh mạng, xây dựng và thiết kế hệ thống thông tin,…

- Tiếp tục tìm kiếm, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin về làm việc và cộng tác với Trung tâm.

b) Tích cực tìm kiếm, thu hút nguồn nhân lực có trình độ về KHXH, có năng lực trong viết và biên tập thông tin để đảm bảo vận hành Cổng thông tin điện tử đạt chất lượng và hiệu quả.

c) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: 

- Tổ chức các khoá đào tạo theo các nội dung như: kỹ năng sử dụng thư điện tử, khai thác các hệ thống CSDL, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, kỹ năng sử dụng và khai thác hạ tầng thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phục vụ các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.

- Tổ chức các khoá đào tạo nâng cao, tập trung vào công tác xây dựng CSDL, xây dựng và khai thác các hệ thống thông tin chuyên ngành, khai thác vận hành các dịch vụ hệ thống ./.

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Các tin đã đưa ngày: