Viện Địa lý nhân văn
  • VASS-70 năm (1953-2023)

Viện Địa lý nhân văn

03/08/2023

I. SƠ LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Viện Địa lí Nhân văn là tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng.

Tiền thân của Viện Địa lí Nhân văn là Ban Địa lý Kinh tế do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam thành lập năm 1979, trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với xây dựng và phát triển chuyên ngành khoa học địa lý kinh tế trong cơ cấu của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.

Do sự phát triển của chuyên ngành khoa học này, cũng như  xuất phát từ yêu cầu của thực tế xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ngày 21/3/1988, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 81/KHXH-QĐ, quyết định đổi tên và chuyển Ban Địa lý Kinh tế thành Trung tâm Địa lí kinh tế - xã hội trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo Quyết định trên, nhiệm vụ chính trị của Trung tâm Địa lý Kinh tế - Xã hội được quy định là: “Nghiên cứu các vấn đề địa lý kinh tế - xã hội các vùng lãnh thổ trong cả nước nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, cụ thể là nghiên cứu địa lí kinh tế - chính trị và địa lí dân cư trên phạm vi lãnh thổ trong nước và thế giới; biên soạn các công trình nghiên cứu về địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam, bao gồm cả địa lí kinh tế - xã hội của các địa phương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ sau đại học và trên đại học trong lĩnh vực địa lí kinh tế - xã hội và những công việc liên quan khác”.

Đến năm 1994, Trung tâm Địa lí Kinh tế - Xã hội được Chính phủ ra quyết định chuyển thành Trung tâm Địa lí Nhân văn, trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (theo Quyết định số 330-TTg ngày 21/6/1994 của Thủ tướng Chính phủ). Việc Chính phủ ra quyết định thành lập Trung tâm Địa lí Nhân văn là sự khẳng định thành tích về mọi mặt của cán bộ, viên chức Trung tâm Địa lí Kinh tế - Xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển, đồng thời là sự gửi gắm niềm tin của Chính phủ, của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia vào sự nỗ lực phấn đấu của Trung tâm Địa lí Nhân văn, nhằm phát triển hơn nữa lĩnh vực khoa học này, đóng góp lớn hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Sau 10 năm hoạt động, Trung tâm Địa lí Nhân văn tiếp tục thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời mở rộng các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiên cứu ứng dụng, tư vấn và cung cấp các dịch vụ khoa học làm cơ sở cho việc quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và quản lý tài nguyên, môi trường của các bộ, ngành và nhiều địa phương trong cả nước.

Năm 2004, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra cho khoa học xã hội trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển nền kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời căn cứ vào thực tế phát triển và kết quả hoạt động của Trung tâm Địa lí Nhân văn, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã ra Quyết định số 171/ QĐ-KHXHVN ngày 20/02/2004, chuyển Trung tâm Địa lí Nhân văn thành Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Việc chuyển Trung tâm Địa lí Nhân văn thành Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững không chỉ là mốc đánh dấu sự phát triển của Trung tâm Địa lí Nhân văn, mà còn là bước ngoặt quan trọng trong việc mở rộng cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững.

Theo Quyết định số 1619/KHXHVN-TC ngày 24/10/2005 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Quyết định số 934/QĐ-KHXH ngày 8/7/2009 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam về việc phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững có chức năng: “Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về môi trường và phát triển bền vững dưới góc độ khoa học xã hội nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, xây dựng thể chế phát triển nhanh và bền vững kinh tế, xã hội, môi trường ở Việt Nam; tổ chức tư vấn và đào tạo cán bộ trình độ trên đại học về phát triển bền vững; cung cấp thông tin về phát triển bền vững ở Việt Nam cho độc giả trong và ngoài nước”.

Ngày 26/02/2013, cùng với việc Viện Khoa học xã hội Việt Nam được đổi tên là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững cũng được đổi tên thành Viện Địa lí Nhân văn theo Quyết định số 238/QĐ-KHXH với chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về địa lí nhân văn, nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách tổ chức lãnh thổ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; tổ chức tư vấn và đào tạo về lĩnh vực địa lí nhân văn; tham gia phát triển về khoa học địa lí nhân văn và các khoa học có liên quan.

Viện Địa lí Nhân văn có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội; tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là Institute of Human Geography, viết tắt: IHGeo.

Viện Địa lí Nhân văn có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển 5 năm, hàng năm của Viện Địa lí Nhân văn và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

- Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về địa lí nhân văn, địa lí chính trị - xã hội, địa lí kinh tế, địa lí dân cư, địa lí văn hoá, địa sinh thái và môi trường, địa lí vùng; xây dựng hệ thống thông tin địa lí và phát triển phần mềm GIS và bản đồ phục vụ mục tiêu phát triển các vùng và địa phương; nghiên cứu những vấn đề môi trường và phát triển bền vững trong nước và quốc tế; nghiên cứu và viết địa chí (thu thập, viết địa chí các tỉnh và các cấp địa phương, xây dựng hệ thống tư liệu về địa chí).

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo sau đại học phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các tổ chức khác ở trong và ngoài nước, góp phần xây dựng và phát triển khoa học địa lí nhân văn ở Việt Nam.

- Phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách tổ chức lãnh thổ quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

- Tổ chức tư vấn, chuyển giao và ứng dụng khoa học địa lí nhân văn và các khoa học có liên quan; thực hiện cung cấp dịch vụ công về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Địa lí Nhân văn.

- Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đào tạo theo quy định hiện hành.

- Căn cứ vào nguồn lực và khả năng điều phối, ký kết thực hiện các hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài nước; các hợp đồng cung cấp các dịch vụ tư vấn, giám sát độc lập với cơ quan, tổ chức, các ban quản lý dự án, các tổ chức phi chính phủ theo quy định của pháp luật và các quy chế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

- Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định; quản lý tư liệu, thư viện của Viện Địa lí Nhân văn; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức khoa học địa lí nhân văn.

- Quản lý về tổ chức nhân sự, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị; quản lý tài sản và kinh phí của Viện Địa lí Nhân văn theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Trong 34 năm qua, từ Ban Địa lí Kinh tế, Trung tâm Địa lí Kinh tế - Xã hội, Trung tâm Địa lí Nhân văn đến Viện Địa lí Nhân văn ngày nay, đơn vị đã có sự trưởng thành về mọi mặt, trở thành một trong những viện nghiên cứu khoa học phát triển toàn diện của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Hiện nay, tổng số cán bộ, viên chức của Viện có 41 người, trong đó có 35 cán bộ trong biên chế và 04 cán bộ hợp đồng (trong quỹ lương). Đa số cán bộ, viên chức của Viện có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 07 người có trình độ tiến sĩ, 16 thạc sĩ; 04 người đang được đào tạo tiến sĩ, 03 người đang được đào tạo thạc sĩ.

Cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý của Viện gồm: Ban lãnh đạo Viện, 02 phòng giúp việc Viện trưởng, 08 phòng nghiên cứu khoa học, 02 bộ phận trực thuộc (Thư viện, Tạp chí Nghiên cứu). Các phòng và bộ phận trực thuộc có 13 trưởng, phó phòng và chức danh tương đương.

Ngoài ra, Viện còn có Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia có uy tín khoa học cao trong các lĩnh vực địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường làm tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Viện trong việc định hướng và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học của đơn vị.

Trong Viện có Chi bộ Đảng, tổ chức Công đoàn, Chi đoàn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ, và Chi hội Hội cựu chiến binh. 

II. NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC

1. Về công tác tổ chức cán bộ và đào tạo     

Khi mới thành lập (1979), Ban Địa lý Kinh tế là một bộ phận trực thuộc Văn phòng Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Khi đó Ban mới chỉ có 4 cán bộ nghiên cứu khoa học, do GS. Trần Đình Gián – một trong những nhà khoa học hàng đầu của ngành địa lí kinh tế ở Việt Nam, làm Trưởng ban. Mặc dù cơ sở vật chất và điều kiện làm việc lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của Ủy ban KHXH Việt Nam, Ban Địa lí Kinh tế vừa xây dựng định hướng nghiên cứu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học, vừa coi trọng việc xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học lâu dài cho đơn vị. Trong thời gian này, Ban đã tiếp nhận và tiếp tục đào tạo hàng chục cán bộ được đào tạo từ các trường đại học trong nước và nước ngoài về lĩnh vực địa lí kinh tế - xã hội. Đến năm 1988, đội ngũ cán bộ khoa học của Ban Địa lí Kinh tế đã có 24 người, trong đó có 1 Giáo sư, 1 Phó giáo sư,  4 Tiến sĩ và 19 cán bộ nghiên cứu có trình độ đại học.

Thời kỳ từ 1988 đến 1994, sau khi đổi tên thành Trung tâm Địa lí Kinh tế - Xã hội, cơ cấu tổ chức của Trung tâm từng bước được hình thành. Giám đốc Trung tâm là GS. Vũ Tự Lập là một trong những nhà khoa học hàng đầu về địa lí kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Trung tâm có 2 phòng chức năng là Phòng Hành chính - Quản trị - Tài vụ và Phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện, 3 phòng nghiên cứu khoa học: Phòng Địa lí chính trị, phòng Địa lí kinh tế, phòng Địa lí dân cư. Đến năm 1994, đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm có 24 người; trong đó có 1 giáo sư, 4 tiến sĩ, 18 cán bộ có trình độ đại học. Cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, Trung tâm Địa lí Kinh tế - Xã hội đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ cốt cán trong đơn vị, cử một số cán bộ đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài.

Thời kỳ từ 1994 đến 2003, sau khi đổi thành Trung tâm Địa lí Nhân văn, cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ của Trung tâm tiếp tục được củng cố, tăng cường. Cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý của Trung tâm gồm có Giám đốc, 1 Phó giám đốc, 7 phòng và bộ phận trực thuộc. Bên cạnh việc tiếp tục củng cố các phòng ban, Trung tâm thành lập thêm Phòng Bản đồ, và từ năm 2001 thành lập Tạp chí Địa lí nhân văn - một tạp chí khoa học chuyên ngành và là cơ quan ngôn luận, trao đổi, thông tin khoa học của Trung tâm. Trong thời kỳ này, Trung tâm tiếp tục bổ sung đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác đào tạo, cử 6 cán bộ đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ tại các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài.

Đến năm 2004, khi chuyển thành Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, tổng số cán bộ, công chức của Viện có 31 người; trong đó có 1 Phó giáo sư, 9 cán bộ có trình độ tiến sĩ, 2 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 15 cán bộ có trình độ đại học.

Từ năm 2005, công tác tổ chức, cán bộ của Viện có những thay đổi đáng kể: Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra, Viện đã tiến hành tổ chức, xắp xếp lại đội ngũ cán bộ, thành lập các phòng và bộ phận trực thuộc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; nhanh chóng ổn định tư tưởng cán bộ, viên chức và từng bước củng cố, tăng cường bộ máy quản lý lãnh đạo của Viện cũng như của các phòng ban và bộ phận trực thuộc.

Trong 7 năm (2005-2012), được sự quan tâm của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 1 Viện trưởng, 2 Phó Viện trưởng, 1 Tổng biên tập, 1 Phó tổng biên tập Tạp chí, 13 Trưởng, Phó phòng và chức danh tương đương. 

Năm 2012, cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý, lãnh đạo Viện và các phòng, bộ phận trực thuộc đã cơ bản ổn định và hoạt động có hiệu quả. Đồng thời với việc củng cố, hoàn thiện về tổ chức, Viện tiếp tục bổ sung lực lượng cán bộ và đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức. Tổng số cán bộ, viên chức của Viện đã có 44 người, trong đó có 8 người có trình độ tiến sĩ, 6 thạc sĩ; 4 người đang được đào tạo tiến sĩ, 6 người đang được đào tạo thạc sĩ. Viện đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định về tổ chức quản lý và hoạt động để đưa hoạt động của Viện đi vào nề nếp.

Hội đồng khoa học của Viện được củng cố và tham mưu, tư vấn đắc lực cho lãnh đạo viện trong việc định hướng và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học nói chung.

Năm 2013, cùng với việc đổi tên thành Viện Địa lí Nhân văn, công tác tổ chức, cán bộ của Viện có những thay đổi đáng kể. Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra, Viện lại tiếp tục tiến hành tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, thành lập các phòng và bộ phận trực thuộc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; nhanh chóng ổn định tư tưởng cán bộ, viên chức và từng bước củng cố, tăng cường bộ máy quản lý lãnh đạo, hội đồng khoa học của Viện cũng như của các phòng ban và bộ phận trực thuộc.

2. Những thành tựu trong hoạt động khoa học

1) Tổ chức và thực hiện có kết quả các dự án, chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản của đơn vị trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Trong 34 năm qua, đơn vị đã chủ trì, tổ chức thực hiện và tham gia tổ chức, thực hiện có kết quả hàng trăm chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu chính sách, tư vấn và dịch vụ tư vấn khoa học; các dự án, chương trình hợp tác quốc tế và hợp tác khoa học với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Trong số các chương trình, đề tài khoa học thuộc nhiệm vụ chính trị được giao, nhiều chương trình, đề tài có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn đã được thực hiện có kết quả, như:

- Chương trình: Điều tra tổng hợp kinh tế - xã hội các huyện ven biển miền Trung (1986); Địa phương chí 44 tỉnh thành Việt Nam (1988 - 1990);

- Các đề tài cấp Nhà nước: Phân công lao động theo lãnh thổ (1988-1990); Tổ chức lãnh thổ đồng bằng sông Hồng và tuyến trọng điểm (1994);

- Các đề tài cấp Bộ: Phân kiểu nông nghiệp Việt Nam (1991-1993); Đánh giá tác động kinh tế - xã hội - môi trường của quá trình đô thị hoá vùng ven các đô thị lớn của Việt Nam (1997 - 1999); Định canh, định cư và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững (2000-2002); Xây dựng tập bản đồ dân cư và sử dụng đất đai các tỉnh, thành phố Việt Nam (2001 - 2003); Xây dựng bộ bản đồ 54 dân tộc Việt Nam (2004);

- Chương trình khoa học cấp Bộ: Điều tra cơ bản môi trường xã hội nhân văn và xây dựng luận cứ khoa học hoàn thiện các chính sách tái định cư, phục vụ xây dựng thuỷ điện Sơn La (2001 - 2003)…

Riêng trong 5 năm gần đây (từ 2008 đến nay), Viện đã và đang chủ trì và tổ chức thực hiện 03 đề tài khoa học cấp nhà nước, 18 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ và nhiều đề tài khoa học cấp viện. Có thể kể đến một số đề tài, dự án tiêu biểu như:

- Đề tài khoa học cấp Nhà nước: Vấn đề môi trường trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta đến năm 2020; (2009 - 2010).

- Đề tài khoa học cấp Nhà nước: Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam; (2012- 2015).

- Đề tài khoa học cấp Nhà nước (Quỹ Nafosted): Khung chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; (2012 - 2014).

- Các đề tài và chương trình cấp Bộ: tập trung nghiên cứu về những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới trong nghiên cứu phát triển bền vững; những vấn đề cơ bản về môi trường nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam và những giải pháp cơ bản nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Cùng với việc thực hiện các chương trình, đề tài khoa học thuộc nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ khoa học được giao trên đây, đơn vị và các cán bộ trong đơn vị cũng đã chủ trì và tham gia tổ chức thực hiện hàng trăm chương trình, đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng, tư vấn và cung cấp dịch vụ khoa học của các bộ, ngành và địa phương trong cả nước, tiêu biểu như:

- Đề tài: Xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho việc xác lập đường biên giới và tăng cường quản lý nhà nước tuyến biên giới Việt Trung (Ban Biên giới - Bộ Ngoại Giao, 2001-2002);

- Các dự án: “Dự án di dân và tái định cư (trong Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A)”; (WB - Bộ GTVT, 1994-2000, 2001, 2002); “Dự án nâng cấp thuỷ lợi các tỉnh miền trung và TP. Hồ Chí Minh” (WB - Bộ NN&PTNT, 1998-2002); “Dự án cải tạo hệ thống thuỷ lợi các tỉnh miền Trung và miền Nam” (WB - Bộ NN&PTNT, 2000-2002); “Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội” (2001-2002),…

Trong 5 năm gần đây, Viện đã chủ trì, tổ chức thực hiện nhiều dự án nghiên cứu, tư vấn của các bộ, ngành, địa phương và tham gia 5 chương trình nghiên cứu, biên soạn địa chí của các tỉnh, tiêu biểu như:

 - “Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 18 tỉnh miền núi phía Bắc” (ADB - Bộ GTVT, 2003 - 2005).

- Dự án Điều tra, phân tích hiện trạng môi trường nông thôn Bắc miền Trung nước ta trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; Bộ TN&MT, (2007 -2008).

- Nhiệm vụ bảo vệ môi trường: “Một số biện pháp chủ yếu nâng cao nhận thức về môi trường của nông dân nhằm phát triển bền vững nền nông nghiệp sinh thái vùng đồng bằng Bắc Bộ giai đoạn 2011 - 2020”; Bộ TN&MT, 2009.

- Nhiệm vụ bảo vệ môi trường: Tác động kinh tế - xã hội và môi trường của phát triển nông nghiệp xanh ở nước ta; (2011 - 2013).

- Dự án “Quản lý rủi ro thiên tai” (WB - Bộ NN&PTNT, 2009 - 2010); Dự án “Giám sát tái định cư của Dự án thuỷ lợi miền Trung” (ADB - Bộ NN&PTNT, 2009 - 2011).

- Chương trình nghiên cứu, biên soạn Địa chí các tỉnh: Hoà Bình (2004 - 2005); Thái Nguyên (2003 - 2008); Ninh Bình (2004 - 2009); Bắc Ninh; Bắc Kạn...

Các nghiên cứu ứng dụng và tư vấn, dịch vụ khoa học trên đây đã đóng góp tích cực vào việc triển khai, thực hiện nhiều dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm cấp quốc gia, cấp vùng và ở nhiều địa phương trong nước cũng như khẳng định vị trí của Viện trong các hoạt động nghiên cứu và tư vấn, dịch vụ khoa học. 

2) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động khoa học nói chung của đơn vị. Trong 34 năm qua, Ban Địa lí Kinh tế - Trung tâm Địa lý Kinh tế Xã hội - Trung tâm Địa lí Nhân văn, Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững cũng như Viện Địa lí Nhân văn hiện nay, đã không ngừng mở rộng, phát triển các mối quan hệ hợp tác này. Trong đó, đã hợp tác xây dựng, chủ trì và tổ chức thực hiện có kết quả nhiều chương trình, dự án hợp tác với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, với Pháp, Canada, Hà Lan, v.v…

Một số chương trình, dự án hợp tác cấp quốc gia đã được thực hiện có kết quả cao như: Dự án hợp tác Việt - Pháp về xây dựng “Atlat Việt Nam” (1989 - 1992); Dự án hợp tác Việt Nam - Hà Lan về “Nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương trong việc quản lý và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam - giai đoạn 2” (2006 - 2007).

Cũng trong khuôn khổ mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học, đơn vị đã cử hàng chục đoàn/ cán bộ khoa học của Viện đi khảo sát, nghiên cứu, trao đổi khoa học tại nhiều nước trên thế giới (như các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô, Pháp, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, Ôxtrâylia, New Zealand, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc…), và hàng năm, đơn vị đã tiếp đón, trao đổi khoa học với nhiều học giả, nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới. Các cán bộ khoa học của Viện (qua các thời kỳ) cũng tham gia và đóng góp kết quả nghiên cứu của mình trong nhiều hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế quan trọng như Hội nghị Địa lí quốc tế lần thứ 5 (tại Paris, Pháp, 1984); Hội nghị quốc tế Giáo viên Sử - Địa (tại Lille, Pháp, 1989); Hội thảo quốc tế về Địa lí (tại Paris, Pháp, 1990), gần đây các cán bộ của Viện đã tham gia tích cực các Hội nghị về môi trường và phát triển bền vững, Hội nghị về tăng trưởng xanh được tổ chức ở trong nước và quốc tế…       

3) Công bố, xuất bản các công trình khoa học

Từ kết quả của các hoạt động khoa học trên đây, trong 34 năm qua, Ban Địa lí Kinh tế - Trung tâm Địa lí Kinh tế - Xã hội - Trung tâm Địa lí Nhân văn - Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Địa lí Nhân văn và cán bộ nghiên cứu trong đơn vị đã công bố, xuất bản hàng chục cuốn sách, các công trình Atlat, công trình địa chí và hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.

Nhiều công trình khoa học, sách và ấn phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn, đóng góp thiết thực cho nghiên cứu khoa học, cho quản lý và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển bền vững của đất nước, của các vùng và địa phương; phục vụ cho giảng dạy, đào tạo trong các trường đại học và đào tạo sau đại học, và đặc biệt là, phục vụ cho việc phổ biến tri thức khoa học, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, luật pháp của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường và thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong đó, có các công trình khoa học tiêu biểu như: 

- Cuốn Địa lý Việt Nam do GS. Trần Đình Gián chủ trì biên soạn, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1990.

Cuốn sách là công trình khoa học được nghiên cứu, biên soạn từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, khi nền kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, quan hệ quốc tế và quan hệ với các nước trong khu vực còn nhiều phức tạp. Dựa trên quan điểm, phương pháp luận và cách tiếp cận của khoa học địa lí hiện đại, đồng thời dựa vào những tư liệu khoa học và thực tiễn phong phú, cuốn sách đã không chỉ góp phần khẳng định vị trí địa lí tự nhiên, địa chính trị, địa kinh tế - xã hội của Việt Nam trên bản đồ thế giới và khu vực, cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý về biên giới và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền cũng như trên các vùng biển, đảo và hải đảo, mà còn nghiên cứu một cách có hệ thống và tổng hợp những vấn đề cơ bản về địa lí của Việt Nam, cung cấp những tri thức cơ bản về địa lí tự nhiên, tài nguyên, sinh thái, địa lí dân cư, dân tộc, địa lí kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam; về lịch sử và quá trình hình thành của hệ thống các ngành địa lí kinh tế, các vùng kinh tế - xã hội và các vùng kinh tế lớn ở nước ta.

Cuốn Địa lý Việt Nam cho đến nay vẫn là một trong những công trình có giá trị khoa học và thực tiễn đối với công tác quy hoạch và tổ chức phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng và cả nước cũng như đối với việc phát triển quan hệ hợp tác quốc tế và bảo vệ an ninh, quốc phòng toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đây cũng là một trong những cuốn “cẩm nang” cho việc biên soạn tài liệu, giáo trình phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo về khoa học địa lí nói chung, địa lí kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói riêng trong nhiều thập kỷ qua.

- Cuốn ATLAT Việt Nam - ATLAS du Viet Nam - An ATLAS of Vietnam do GS. Vũ Tự Lập và Christian Taillard đồng chủ biên, Nxb Reclus - La Documentation Francaise, Paris, 1994. Đây là kết quả của công trình khoa học hợp tác Việt -  Pháp về địa lí, được xuất bản bằng 3 thứ tiếng Việt - Pháp - Anh, tại Paris, 1994. ATLAT thể hiện những đặc điểm tự nhiên, tình hình về dân cư, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, truyền thông, thương nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá, du lịch toàn đất nước Việt Nam, trên nền tảng các tư liệu nghiên cứu và thống kê đến hệ thống tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

Kết quả đáng chú ý nhất là các bản đồ có tính chất tổng hợp cao về cấu trúc lãnh thổ Việt Nam theo cấp tỉnh, về mô hình không gian lãnh thổ quốc gia, từ đó đề xuất địa - chiến lược kiến thiết đất nước. Những phát hiện quan trọng ở đây là: Sự phát triển theo hai cực Bắc - Nam và tính chất ngoại vi của miền Trung là một trở ngại cho sự phát triển tổng thể nền kinh tế - xã hội của đất nước. Vì thế, Trung bộ cần chiếm một vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Việt Nam sẽ phát huy được thế mạnh là nằm trên những trục đường biển tấp nập nhất nối châu Âu, Trung Đông với Trung Quốc, Nhật Bản. Việc phát triển miền Trung phải được hiểu theo sự gắn bó duyên hải Trung Bộ với Tây Nguyên trong một tổng thể lãnh thổ thống nhất. Sự phân phối vốn đầu tư trong và ngoài nước theo những quy hoạch lãnh thổ đúng đắn sẽ đảm bảo cho một tổ chức lãnh thổ hài hoà trong một nhà nước - quốc gia có cấu trúc dọc theo kinh tuyến như Việt Nam.

- Cuốn sách Địa lý tự nhiên Việt Nam, do GS. Vũ Tự Lập biên soạn, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1999. Đây là một chuyên khảo về địa lý tự nhiên Việt Nam tổng hợp nhất, đầy đủ nhất, đến nay đã được tái bản 4 lần sau khi xuất bản.

Cuốn sách được biên soạn trên quan điểm và phương pháp của bộ môn địa lí tự nhiên tổng hợp còn gọi là cảnh quan học, lấy các thể tổng hợp địa lí tự nhiên lớn nhỏ nhiều cấp làm đối tượng nghiên cứu và giảng dạy, đồng thời để vận dụng vào việc phát triển kinh tế bền vững, không huỷ hoại và làm ô nhiễm môi trường. Trọng tâm là phát hiện các mối quan hệ cấu trúc hợp phần và cấu trúc lãnh thổ của toàn bộ đất nước Việt Nam, cả trên đất liền lẫn trên biển Đông, từ đó phát hiện ra các đặc điểm chung của toàn Việt Nam, của các miền, vùng cũng như đặc điểm từng hợp phần địa chất - kiến tạo, địa hình, khí hậu, thuỷ văn, thổ nhưỡng, động - thực vật và đề xuất các biện pháp bảo vệ và cải tạo môi trường qua các giải pháp kinh tế - sinh thái.

Cuốn sách đã thâu tóm, rút ra những đặc điểm đáng chú ý nhất của địa lý tự nhiên Việt Nam: (1) Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, gắn với Hoa Nam và Đông Nam Á lục địa, qua biển Đông thông với Đông Nam Á hải đảo và Tây Thái Bình Dương. Vị trí địa lý đó được hình thành từ một lịch sử địa chất lâu dài và phức tạp khiến cho tự nhiên Việt Nam cực kỳ phong phú, đa dạng, vừa giàu, vừa đẹp, tuy diện tích không lớn nhưng có đủ các điều kiện và tài nguyên từ bốn phương hội tụ lại; (2) Hình thế Việt Nam có tính bán đảo, diện tích lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng hơn lãnh thổ gần 3 lần. Trên đất liền, đồng bằng châu thổ và duyên hải chỉ chiếm 1/4 diện tích nhưng lại rất phì nhiêu, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, và cho đến nay vẫn là vùng trọng điểm của cả nước; (3) Tuy nằm trong vòng đai nội chí tuyến, sát với đường chí tuyến bắc và gần xích đạo, với khí hậu nóng ẩm là chính, nhưng gió mùa đông bắc lạnh và đồi núi có nhiều nơi cao trên 1000m đã khiến cho sắc thái á nhiệt đới và ôn đới chiếm một phần quan trọng trong cảnh quan Việt Nam; (4) Sự giàu đẹp vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, nhưng sự tàn phá và làm ô nhiễm môi trường do sự thiếu hiểu biết về kinh tế sinh thái đã đến mức báo động, đòi hỏi chúng ta phải ra sức bảo vệ và phục hồi môi trường mà thiên nhiên đã ưu đãi, thông qua những quy hoạch và kế hoạch khai thác và quản lý lãnh thổ cũng như lãnh hải trên nhãn quan địa - chiến lược đúng đắn.

- Cuốn sách Sự phát triển của khoa học địa lí trong thế kỷ XX do GS. Vũ Tự Lập biên soạn, Nxb Giáo dục, Hà nội, 2004.

Đây là một trong số ít những công trình nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam về khoa học địa lí, về lịch sử hình thành và quá trình phát triển của bộ môn khoa học này. Cho đến thế kỷ XVIII, địa lí còn là một bộ môn mô tả, liệt kê các hiện tượng và sự vật trên bề mặt trái đất. Chỉ từ thế kỷ XIX, địa lí mới mang tính chuyên nghiệp, được đào tạo tại các trường đại học và được giảng dạy ở các trường phổ thông. Lúc này khoa học địa lí thiên về khoa học tự nhiên với nhiều chuyên ngành hẹp. Phải đến nửa sau thế kỷ XX, sự thống nhất ngành địa lí theo một hệ thống quan điểm chung và toàn diện, với nhiệm vụ cơ bản là nghiên cứu không gian địa lí hoàn chỉnh bao gồm cả tự nhiên - kinh tế - xã hội - nhân văn mới trở thành hiện thực.

Đây là thời kỳ phát triển của khoa học địa lí hiện đại thiên về khoa học xã hội, xuất phát từ những thay đổi lớn lao của thế giới, với sự ra đời của rất nhiều nước độc lập sau khi hệ thống thuộc địa của các đế quốc phương Tây bị sụp đổ, sự hình thành các khối liên hiệp, liên kết quy mô toàn cầu và khu vực, nền kinh tế thế giới phát triển rất nhanh và đạt mức rất cao về mọi mặt sản xuất, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, thương mại, dịch vụ, mức tiêu thụ xã hội, do áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ cao. Song, mặt trái của sự phát triển này là sự tàn phá và làm ô nhiễm môi trường tới mức báo động ở nhiều nơi, nhiều nước và cả ở quy mô toàn trái đất, là sự gia tăng cách biệt giàu nghèo...

Tình hình trên làm xuất hiện hai yêu cầu cơ bản có liên quan đến khoa học địa lí, đó là sự cần thiết phải quy hoạch hợp lý việc quản lý và sử dụng đất đai tại từng vùng, miền, từng quốc gia và toàn thế giới, yêu cầu bảo vệ và cải tạo môi trường để phát triển bền vững vì hôm nay và mai sau. Khoa học địa lí có ưu thế tiếp cận từ quan điểm hệ thống, phân tích hệ thống và lấy hệ thống không gian địa lí hoàn chỉnh tự nhiên - kinh tế - xã hội - nhân văn làm cơ sở để giải quyết các vấn đề nói trên.

- Công trình Tập bản đồ địa lý địa phương, Nxb KHXH, 1996 là công trình khoa học nghiên cứu ứng dụng của Trung tâm Địa lí Nhân văn có đóng góp thiết thực cho công tác quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội được nhiều bộ, ngành, địa phương đánh giá cao và sử dụng rộng rãi trong thực tế.

- Cuốn sách Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Hồng, GS. Vũ Tự Lập chủ biên, Nxb KHXH, 1991 đã đi sâu nghiên cứu văn hoá đồng bằng sông Hồng như một vùng văn hoá đặc thù của đất nước, với những sắc thái văn hoá riêng có của các địa phương trong vùng; cắt nghĩa sự phân hoá không gian của văn hoá trong vùng, đồng thời gắn văn hoá với cư dân và môi trường tự nhiên trong quá trình phát triển của toàn vùng.

Cuốn sách được biên soạn trên quan điểm địa lí văn hóa, viết về văn hóa theo nghĩa rộng, nói lên đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân cư trong vùng, bao gồm toàn bộ lối sống chung của dân tộc Việt đa số ở đấy, thể hiện ở ngôn ngữ, tín ngưỡng, ý thức hệ, cách quần cư, các hoạt động kinh tế, cách ăn, mặc, ở, sinh hoạt văn hoá, lễ hội... Nội dung cuốn sách vừa bao hàm sự phân hóa không gian của văn hóa toàn đồng bằng theo 3 vùng địa - văn hóa lớn, chia nhỏ thành mười tiểu vùng, vừa theo dòng lịch sử văn hóa bao gồm văn hóa dân gian cổ truyền từ thời dựng nước và văn hóa đương đại của thời kỳ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa đến giai đoạn đầu của sự mở cửa và hội nhập quốc tế. Đó là một tiếp cận mới của khoa học địa lí nhân văn, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống và xây dựng văn hoá mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Hồng và cả nước.    

- Ở mảng nghiên cứu địa lí quốc tế, có các cuốn sách: Thủ đô các nước trên thế giới TS. Nguyễn Thế Hoa chủ biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998 và Địa lý Kinh tế - Xã hội các nước ASEAN, TS. Phạm Mộng Hoa chủ biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1999 được xuất bản trong bối cảnh Việt Nam đang xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế, đặc biệt là với các nước Đông Nam Á và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là những cuốn sách chuyên khảo, cung cấp nhiều tài liệu phong phú về địa lý tự nhiên, địa chính trị, địa kinh tế - văn hoá - xã hội của các nước trong khu vực và thủ đô của 194 quốc gia trên khắp các châu lục, góp phần tìm hiểu và xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam. 

Trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững, mặc dù đây là lĩnh vực còn nhiều mới mẻ và mới được nghiên cứu trong những năm gần đây, song Viện cũng đã công bố, xuất bản các công trình khoa học có giá trị như:

- Cuốn Phát triển bền vững: Từ quan niệm đến hành động, PGS.TS. Hà Huy Thành - PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khánh đồng chủ biên, Nxb KHXH, 2009.

Với công trình này tập thể tác giả đã có sự đóng góp khoa học trên hai khía cạnh. Một là, đã làm sáng tỏ thêm cơ sở khoa học của khái niệm “phát triển bền vững” và tiến trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia và khu vực trên thế giới; hai là, trên cơ sở (lý luận và thực tiễn) đó đã rút ra một số bài học bổ ích cho việc thực hiện Định hướng chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).

Để làm sáng tỏ cơ sở khoa học của phát triển bền vững, cuốn sách đã trình bày rõ ràng và khúc chiết tiến trình thay đổi tư duy của con người trong quá trình phát triển, từ tư duy lấy hàng hoá, của cải vật chất làm trung tâm sang tư duy lấy con người - chủ thể của phát triển làm trung tâm, từ tư duy coi khai thác tài nguyên thiên nhiên là điều kiện cơ bản và tiên quyết cho tăng trưởng và phát triển sang tư duy nuôi dưỡng tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển bền vững.

Để rút ra những bài học hữu ích cho Việt Nam, các tác giả đã nghiên cứu sâu quá trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững của nhiều nước phát triển và đang phát triển trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuỳ thuộc vào điều kiện và trình độ phát triển của mình trong từng giai đoạn phát triển cụ thể mà các nước trên thế giới có thể lựa chọn một hoặc có sự kết hợp giữa các chiến lược phát triển bền vững khác nhau để thực hiện nhất quán hoặc thay đổi chiến lược cho phù hợp và có hiệu quả. Vấn đề thứ hai là thiết lập thể chế hợp lý, có hiệu lực cho việc thực thi chiến lược phát triển đó. Đây là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững quốc gia thành công.

Đối với Việt Nam, chiến lược phát triển bền vững đặt ra chưa lâu. Vì thế, cho đến nay không phải mọi người đã hiểu một cách sâu sắc và đầy đủ về mối quan hệ phức tạp, nhiều chiều cạnh giữa 3 trụ cột của phương thức phát triển bền vững. Do đó, các tác giả của công trình kiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai cũng như tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phương thức phát triển bền vững.

Công trình này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của nước ta trong quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) và hội nhập quốc tế.

- Cuốn sách Cơ sở xã hội nhân văn trong quản lý nhà nước đối với tài nguyên, môi trường trong quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam, PGS. TS. Hà Huy Thành - PGS.TS. Lê Cao Đoàn đồng chủ biên, Nxb KHXH, 2008.

Trong cuốn sách này, bằng phương pháp tiếp cận duy vật lịch sử, phương pháp phân tích, so sánh tổng quát và phương pháp nghiên cứu liên ngành, các tác giả đã trình bày một cách tổng quát mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên trong quá trình phát triển, về vai trò của nền kinh tế thị trường và về những cơ sở xã hội, văn hoá và nhân tố con người trong quá trình quản lý nhà nước đối với tài nguyên và môi trường.

Trên cơ sở kết quả phân tích làm rõ vai trò của các cơ sở kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân tố con người trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như thực trạng những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất là việc chưa sử dụng tốt các cơ sở văn hoá, xã hội, chưa tác động mạnh vào ý thức, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường của các tầng lớp xã hội… các tác giả đã phác thảo một mô thức quản lý mới đối với tài nguyên môi trường trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

Mô thức quản lý mới được phác thảo này có những điều chỉnh bổ sung so với mô thức hiện tại cả về hệ thống tổ chức, phương thức quản lý, cả về cơ chế và hệ thống các biện pháp, công cụ quản lý… Nó huy động được sự tham gia của các tổ chức, đơn vị kinh tế, xã hội, của từng cộng đồng và từng người dân trên cơ sở gắn kết các quyền, lợi ích và trách nhiệm của cả hệ thống xã hội, phát huy tối đa vai trò tích cực của các yếu tố và các quan hệ xã hội, văn hoá, đạo đức… của con người vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước. Mô thức quản lý nhà nước này vừa mang tính pháp lý cao, vừa phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường vừa mang đậm tính xã hội, nhân văn sâu sắc. Đây là đóng góp khoa học quan trọng của công trình này.

- Cuốn sách Vấn đề môi trường trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta đến năm 2020, PGS. TS. Hà Huy Thành - PGS.TS. Lê Cao Đoàn đồng chủ biên, Nxb.KHXH, 2011, với các mục tiêu cơ bản: Xem xét, luận giải vai trò của môi trường (chủ yếu là môi trường tự nhiên) trong phát triển xã hội và quản lý xã hội; nhận diện thực trạng sự tác động của sự biến đổi môi trường đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta; dự báo các xu hướng biến đổi của môi trường và tác động của những biến đổi đó đến phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta đến năm 2020 và đề xuất các giải pháp thích ứng với những biến đổi của môi trường nhằm mục tiêu đạt được sự phát triển xã hội bền vững ở nước ta là có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.

- Cuốn sách Phát triển nông thôn bền vững: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới, TS. Trần Ngọc Ngoạn chủ biên, Nxb.KHXH, 2008 với nội dung chủ yếu là tổng hợp những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới nhằm đóng góp cho việc xây dựng mô thức phát triển bền vững nông thôn ở nước ta.

Những nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tế của thế giới qua các quá trình phát triển đã khẳng định mô thức “phát triển bền vững nói chung mà phát triển bền vững nông thôn là một nội dung” là con đường phát triển duy nhất đưa nhân loại thoát khỏi sự suy thoái về môi trường sống (cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội). Từ những nghiên cứu trên, cuốn sách đưa ra một số gợi mở nhằm chuyển nông thôn nước ta theo hướng phát triển bền vững. Trong đó có quan điểm nhấn mạnh là “chúng ta không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá”, sự trả giá về môi trường sẽ kéo lùi sự phát triển về xã hội và nhân văn, đặc biệt thể hiện rõ trong xã hội nông thôn.

- Cuốn sách Phát triển bền vững đô thị: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới, TS. Đào Hoàng Tuấn chủ biên, Nxb.KHXH, 2008. Cuốn sách trình bày sơ lược quá trình hình thành và phát triển đô thị trên thế giới; những vấn đề về cơ sở lý luận phát triển bền vững đô thị và phát triển đô thị bền vững; khái quát những bài học kinh nghiệm của thế giới về phát triển đô thị bền vững thông qua chỉ tiêu bền vững của châu Âu; chương trình quản lý đô thị của UNDP, UN - HABITAT, WB; kinh nghiệm về phát triển bền vững của Singapore và những bài học kinh nghiệm khác. Trên cơ sở đó, cuốn sách đưa ra những bài học gợi mở đối với sự phát triển bền vững hệ thống đô thị ở Việt Nam. Cuốn sách cung cấp nhiều thông tin khoa học bổ ích khi nghiên cứu vấn đề này.

- Cuốn sách Những vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường vùng ven các đô thị lớn trong quá trình phát triển bền vững, TS. Nguyễn Ngọc Tuấn chủ biên, Nxb KHXH, 2003 là công trình nghiên cứu dựa trên kết quả điều tra, khảo sát thực tế quá trình đô thị hoá ở các đô thị lớn của Việt Nam và những tác động của quá trình này đến đời sống kinh tế, xã hội và môi trường ở các vùng ven đô.

Từ phân tích, đánh giá thực trạng của quá trình đô thị hoá, cuốn sách đã cho thấy những tác động tích cực của đô thị hoá đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội ở các vùng ven, thúc đẩy sản xuất và đời sống của dân cư ở các vùng này; đồng thời phân tích, đánh giá những tác động tiêu cực, những mâu thuẫn và vấn đề nảy sinh về mặt xã hội và môi trường trong quá trình CNH, đô thị hoá ở các vùng ven đô thị lớn hiện nay. Các đề xuất, khuyến nghị về giải pháp, chính sách được đề cập trong cuốn sách là những gợi mở khoa học hữu ích cho việc hoạch định chính sách, giải pháp và tổ chức quản lý phát triển kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng phát triển bền vững ở các đô thị Việt Nam nói chung trong quá trình đẩy mạnh CNH, đô thị hoá.

- Cuốn sách Khung thể chế phát triển bền vững một số nước Đông Nam Á và bài học cho Việt Nam, TS. Lưu Bách Dũng chủ biên, Nxb.KHXH, 2011. Cuốn sách đi từ một số vấn đề lý luận về khung thể chế phát triển bền vững đến việc tìm hiểu cấu trúc và hoạt động của khung thể chế phát triển bền vững ở bốn quốc gia Đông Nam Á, nêu rõ các thành công và chưa thành công, tìm ra nguyên nhân từ đó rút ra bài học thiết thực cho Việt Nam.

- Cuốn sách Môi trường và Phát triển bền vững, nhóm tác giả: Lê Văn Khoa, Nguyễn Song Tùng, Đoàn Văn Tiến, Nguyễn Quốc Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010. Dựa trên nhiều nguồn tài liệu tham khảo được công bố trên thế giới và trong nước, cuốn sách này được biên soạn để làm tài liệu giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học và cao đẳng, các viện nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực môi trường và phát triển. Nội dung cuốn sách tập trung vào hiện trạng những vấn đề tài nguyên và môi trường, mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, các nội dung của phát triển bền vững và nhiệm vụ phát triển bền vững ở các địa phương nhằm thực hiện thành công định hướng chiến lược phát triển bền vững ở nước ta.      

Cùng với việc công bố, xuất bản những công trình khoa học trên đây, Viện và cán bộ trong Viện (qua các thời kỳ) đã tham gia biên soạn, xuất bản nhiều công trình hợp tác khoa học với các cơ quan, bộ, ngành và địa phương, như: 

- Các công trình địa chí của các tỉnh gồm: Địa chí tỉnh Lạng Sơn, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000; Địa chí tỉnh Hà Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2005; Địa chí tỉnh Hoà Bình, Nxb Chính trị quốc gia, 2005; Địa chí tỉnh Nam Định, Nxb Chính trị quốc gia, 2003; Địa chí tỉnh Thái Nguyên, Nxb Chính trị quốc gia, 2008…

Các công trình địa chí trên đây là những công trình khoa học có tính “bách khoa thư” cung cấp cho độc giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và nhân dân các địa phương những tri thức vừa có tính tổng quát vừa có tính chuyên sâu về địa lý, tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội, dân cư, dân tộc, về hệ thống chính trị, an ninh - quốc phòng của các địa phương. Đây cũng là những công trình có giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc cho các thế hệ mai sau.

- Cuốn Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: Những vấn đề môi trường và phát triển bền vững vùng Đông Bắc dưới tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ CNH, HĐH (2007), là kết quả của sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững với Khoa Khoa học tự nhiên và xã hội (nay là Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên) trong việc tổ chức hội thảo khoa học, biên tập và công bố gần 60 bài viết - công trình nghiên cứu của hơn 80 học giả, các nhà nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ quan khoa học, các trường đại học trong cả nước, các nhà quản lý, hoạch định chính sách của các bộ, ngành ở trung ương và các tỉnh vùng Đông Bắc. Trong đó, có nhiều công trình có giá trị cao cả về khoa học và thực tiễn đối với việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững của vùng Đông Bắc nói chung cũng như của các địa phương trong vùng.

3. Thành tựu trong việc thực hiện các nhiệm vụ khác

1) Công tác Tạp chí

Tạp chí Nghiên cứu Địa lí Nhân văn (tên tiếng Anh là: Human Geography Review) là cơ quan ngôn luận của Viện Địa lí Nhân văn, là diễn đàn khoa học của các chuyên gia và các lĩnh vực có liên quan quan tâm đến những tiến bộ và các kết quả nghiên cứu trong khoa học địa lí nhân văn và lĩnh vực nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững trong nước và quốc tế. Tạp chí được thành lập năm 2001 đến năm 2006 được đổi tên thành Tạp chí Nghiên cứu Phát triển bền vững, đến năm 2013 cùng với sự đổi tên của Viện, thì Tạp chí Nghiên cứu Phát triển bền vững lại được đổi tên như hiện nay.

Sau 12 năm thành lập và phát triển, hoạt động của Tạp chí ngày càng ổn định và từng bước nâng cao chất lượng khoa học. Đến nay, Tạp chí đã đăng tải, công bố hơn 400 bài nghiên cứu và thông tin khoa học phục vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, luật pháp của Nhà nước; trao đổi, cung cấp thông tin và tri thức khoa học về các lĩnh vực địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường và phát triển bền vững phục vụ cho nghiên cứu, đào tạo, nâng cao nhận thức cho xã hội và phục vụ cho việc quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Trong 8 năm gần đây, từ 2005 đến nay, Tạp chí đã công bố gần 300 bài báo, công trình khoa học, trong đó có nhiều bài có chất lượng khoa học cao, thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả và các nhà hoạch định chính sách.

2) Công tác thông tin, tư liệu, thư viện

Trong suốt 34 năm xây dựng và phát triển, Viện luôn quan tâm mạnh mẽ đến công tác thông tin, tư liệu và thư viện cả về cơ sở vật chất - kỹ thuật và nhân lực; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin khoa học chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghiên cứu khoa học và đào tạo trong đơn vị. 

Đến nay, Thư viện Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững đã có trên 10.000 đầu sách, báo, tư liệu, tạp chí, ấn phẩm khoa học trong nước và nước ngoài, chủ yếu thuộc các lĩnh vực khoa học: địa lý tự nhiên, địa chính trị, địa sinh thái, địa lý kinh tế - xã hội và các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó có hàng nghìn tư liệu, tài liệu, bản đồ và thông tin khoa học có giá trị phục vụ hữu ích cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo NCS, học viên cao học và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trong và ngoài viện.

Trong 5 năm gần đây, cùng với việc tăng cường nhân lực và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thư viện, công tác tin học hoá thư viện và tin học hoá hệ thống thông tin tư liệu cũng đã và đang được đẩy mạnh nhằm từng bước tiến tới xây dựng thư viện điện tử của Viện. Trang thông tin điện tử (Website) của Viện trên mạng Internet đã được xây dựng và tổ chức hoạt động có kết quả.

3) Công tác đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội

Công tác đoàn thể và phát triển các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được đơn vị quan tâm, xây dựng trong suốt quá trình thành lập và phát triển. Đến nay, trong Viện đã có các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Chi bộ Đảng, tổ chức Công Đoàn, Chi đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ…

Chi bộ Đảng trong đơn vị ngày càng phát triển, phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện, vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động của cơ quan. Hiện nay, Chi bộ Đảng của Viện có 15 đảng viên. Hàng năm, Chi bộ luôn được công nhận là Chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh; 100% đảng viên trong Chi bộ được công nhận là đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong 5 năm gần đây, Chi bộ đã kết nạp 07 đảng viên mới, trong đó có 4 đồng chí là đoàn viên ưu tú.

Hoạt động của Công đoàn luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Chi bộ, lãnh đạo viện và các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong đơn vị; động viên cán bộ, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát huy dân chủ, tính chủ động và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong mọi lĩnh vực công tác. Công đoàn Viện cũng phát huy vai trò tích cực trong công tác thanh tra, giám sát các hoạt động của viện, quan tâm đến quyền lợi và đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của cán bộ, viên chức. Hằng năm, Công đoàn Viện luôn được công nhận là công đoàn cơ sở vững mạnh của Công đoàn Viện Hàn lâmKhoa học xã hội Việt Nam. 

Đoàn Thanh niên: Trong quá trình xây dựng và phát triển, đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh niên trong việc đào tạo, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cũng như tham gia các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, các hoạt động văn hoá, xã hội và các hoạt động phong trào của tổ chức Đoàn thanh niên trong và ngoài đơn vị.

Hiện nay, Chi đoàn Viện có 16 đoàn viên. Chi đoàn tham gia tích cực vào hầu hết các hoạt động của đơn vị, là nòng cốt của lực lượng tự vệ, phòng cháy chữa cháy, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao… Hàng năm, 100% đoàn viên được xếp loại đoàn viên khá và xuất sắc, 100% được xếp loại lao động tiên tiến. Trong 5 năm gần đây, Chi đoàn đã bồi dưỡng, giới thiệu được 04 đoàn viên ưu tú để Chi bộ kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

Cùng với chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên, hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ, của Hội Cựu chiến binh… cũng góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị.

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

Để tiếp tục triển khai nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội,  nhằm tập trung nghiên cứu các vấn đề địa lí nhân văn trên phạm vi toàn quốc, cũng như trong khu vực và trên thế giới đáp ứng nhiệm vụ, chức năng của Viện, Chiến lược của Viện từ nay đến 2020 là:

- Về nghiên cứu khoa học: Viện sẽ tập trung xây dựng các chương trình nghiên cứu cho từng giai đoạn, kết hợp nghiên cứu lý luận và thực tiễn về địa lí nhân văn, nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển không gian lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao trong lĩnh vực địa lí nhân văn, góp phần xây dựng và phát triển khoa học địa lí nhân văn ở Việt Nam; cung cấp, trao đổi thông tin về khoa học địa lí nhân văn ở Việt Nam cho độc giả trong và ngoài nước; tiếp tục kế thừa các kết quả nghiên cứu trong những năm qua lĩnh vực nghiên cứu môi trường về phát triển bền vững nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, xây dựng thể chế phát triển nhanh và bền vững kinh tế, xã hội, môi trường ở Việt Nam.

- Về tổ chức cán bộ: Tiếp tục củng cố công tác tổ chức, đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ theo hướng đào tạo chuyên gia để đến năm 2020, Viện trở thành một viện có một đội ngũ chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực nghiên cứu địa lí nhân văn và lĩnh vực nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững.

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Các tin đã đưa ngày: