I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Ngày 12/9/1975, Viện Khoa học xã hội, sau này là Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (1978 - 2003), Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (2003 - 2008), Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ (2008 - 2013) và nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (2013), được thành lập(1). Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học về khoa học xã hội đầu tiên ở miền Nam sau năm 1975 của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
1. Các giai đoạn phát triển
1. Giai đoạn 1975 - 1977
Viện Khoa học xã hội ở miền Nam được thành lập ngay trong giai đoạn đầu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đã là một viện đa ngành, có tính tổng hợp liên ngành; đồng thời đây là đầu mối duy nhất của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam trong triển khai thực hiện nhiện vụ nghiên cứu, đào tạo và phổ biến kiến thức về khoa học xã hội ở các tỉnh phía Nam lúc bấy giờ.
Nhiệm vụ của Viện Khoa học xã hội ở miền Nam được quy định cụ thể theo Quyết định số 13/QĐ.75 của Trung ương Cục miền Nam(2), đó là: 1) Phổ biến rộng rãi những quan điểm Mác - Lênin về khoa học xã hội, đấu tranh chống những sai lầm và phản động trên lĩnh vực này; 2) Tổ chức nghiên cứu một số vấn đề khoa học xã hội có khía cạnh địa phương, trong khuôn khổ chung của toàn quốc; 3) Tập hợp, sử dụng và bồi dưỡng người làm công tác khoa học xã hội hiện có ở vùng mới giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em có thể cống hiến tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước; 4) Góp phần đào tạo cán bộ khoa học xã hội mới ở miền Nam.
Ngoài ra, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (cuối năm 1975) và Ban Khoa giáo Trung ương (đầu năm 1976) đã giao cho Viện những nhiệm vụ cấp bách là nghiên cứu chủ nghĩa thực dân mới và hậu quả của nó ở miền Nam, nghiên cứu và phổ biến học thuyết Mác - Lênin một cách rộng rãi ở miền Nam, và những nhiệm vụ cơ bản lâu dài là nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học, tập trung nghiên cứu đặc điểm con người, xã hội và thiên nhiên ở miền Nam; tham gia công tác trí thức vận và giảng dạy đại học để góp phần “thay đổi nội dung các môn khoa học xã hội của các chương trình cũ ở các trường đại học” ở miền Nam(1).
Cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội ở miền Nam có 6 đơn vị nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, và 2 đơn vị chức năng, nghiệp vụ. Các đơn vị đó là: 1) Ban Triết học; 2) Ban Kinh tế học và Luật học; 3) Ban Sử học và Khảo cổ học; 4) Ban Dân tộc học; 5) Ban Văn học, 6) Ban Ngôn ngữ học; 7) Phòng Hành chính - Quản trị và Tài vụ và; 8) Thư viện Khoa học xã hội. Đến ngày 23/7/1977, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ra quyết định đổi tên Viện thành “Cơ sở nghiên cứu của Ủy ban Khoa học xã hội Viện Nam” ở phía Nam. Các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành của Viện trước đây, nay trực thuộc các Viện chuyên ngành của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tại Hà Nội.
Nguồn nhân lực của Viện Khoa học xã hội ở miền Nam có 97 cán bộ nhân viên (trong đó: 53 cán bộ nghiên cúu) vào năm 1975 và 150 cán bộ nhân viên (trong đó: 94 cán bộ nghiên cứu) vào năm 1977. Đặc biệt là, vào thời điểm cuối năm 1975 và đầu năm 1976, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam đã cử một đoàn cán bộ 50 người, trong đó nhiều người có kinh nghiệm và uy tín khoa học, từ Hà Nội vào làm nòng cốt cho các đơn vị nghiên cứu của Viện(2).
2. Giai đoạn 1978 - 1995
Theo Quyết định số 95/CP ngày 27/4/1978 của Hội đồng Chính phủ, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập thay thế Quyết định số 13/QĐ-75 của Trung ương Cục miền Nam về việc thành lập Viện Khoa học xã hội và Quyết định của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam về việc thành lập Cơ sở nghiên cứu của Ủy ban, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học xã hội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam ở các tỉnh phía Nam trong giai đoạn này.
Nhiệm vụ của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh được quy định cụ thể theo Quyết định số 95/CP của Hội đồng Chính phủ(3), đó là: 1) Tổ chức nghiên cứu những chuyên đề có tính chất địa phương góp phần vào công tác nghiên cứu khoa học xã hội cả nước và trực tiếp phục vụ sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các tỉnh phía Nam; 2) Tập hợp, đoàn kết và bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ trí thức trên lĩnh vực khoa học xã hội đã phục vụ dưới chế độ cũ, đồng thời đào tạo cán bộ mới, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội tại chỗ; 3) Xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết, nhất là hệ thống tư liệu, thư viện về khoa học xã hội để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học xã hội và tiếp nhận những cán bộ từ các Viện ở Trung ương được phái vào cùng nghiên cứu ở miền Nam.
Song song với những nhiệm vụ trên đây, ngày 5/4/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã giao cho các trường đại học và viện nghiên cứu, trong đó có Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh nhiệm vụ đào tạo sau đại học(1). Sau đó, ngày 23/4/1985, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp giao cho Viện 5 chuyên ngành đào tạo nghiên cứu sinh, đó là: 1) Khảo cổ học; 2) Dân tộc học; 3) Lịch sử Việt Nam; 4) Ngôn ngữ học so sánh và; 5) Ngôn ngữ học lịch sử(2). Đến giữa năm 1992, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Viện 2 chuyên ngành đào tạo cao học, đó là: 1) Dân tộc học và 2) Lịch sử Việt Nam(3).
Như vậy, từ ngày 5/4/1985, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nghiên cứu khoa học và là cơ sở đào tạo sau đại học về khoa học xã hội ở miền Nam. Hỗ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học về khoa học xã hội của Viện có Thư viện Khoa học xã hội được thành lập vào năm 1976, Tạp chí Khoa học xã hội và Phòng Tổ chức - Đào tạo được thành lập vào năm 1988. Các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành của Viện cũng được tăng cường hơn, từ 6 đơn vị nghiên cứu vào năm 1977, lên 8 đơn vị nghiên cứu vào năm 1988, gồm có: 1) Ban Xã hội học; 2) Ban Kinh tế học và Luật học; 3) Ban Sử học; 4) Ban Dân tộc học; 5) Ban Khảo cổ học, 6) Ban Văn học; 7) Ban Ngôn ngữ học và; 8) Ban Tôn giáo (1982 - 1986). Nguồn nhân lực của Viện lúc này có 162 cán bộ nhân viên, trong đó có 104 cán bộ nghiên cứu vào năm 1978 và 140 cán bộ nhân viên, trong đó có 94 cán bộ nghiên cứu vào năm 1988.
Đến năm 1989, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp lại các đơn vị nghiên cứu đã được thành lập trước đó, thành 3 đơn vị nghiên cứu có tổng hợp liên ngành, đó là: 1) Ban Kinh tế - Xã hội, gồm Ban Xã hội học, Ban Kinh tế học và Luật học nhập lại; 2) Ban Khoa học Lịch sử, gồm Ban Sử học, Ban Dân tộc học và Ban Khảo cổ học nhập lại và; 3) Ban Ngữ văn, gồm Ban Văn học và Ban Ngôn ngữ học nhập lại. Toàn Viện có 132 cán bộ nhân viên, trong đó có 94 cán bộ nghiên cứu vào năm 1989 và 121 cán bộ nhân viên, trong đó có 91 cán bộ nghiên cứu vào năm 1994. Đến cuối năm 1994, Cơ sở đào tạo sau đại học của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã có 22 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, tức tiến sĩ sau này, trong đó 50% (11/22 nghiên cứu sinh) là cán bộ nghiên cứu của Viện.
3. Giai đoạn 1995 - 2003
Ngày 17/10/1995, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia đã ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 95/CP ngày 27/4/1978 của Hội đồng Chính phủ và được khẳng định lại tại Nghị định số 23/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ(1). Theo Điều lệ này, Viện có chức năng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn khu vực (các tỉnh phía Nam). Qua đó rút ra các kết luận có căn cứ khoa học phục vụ việc xác định chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các tỉnh phía Nam, góp phần vào sự phát triền của ngành khoa học xã hội và nhân văn cả nước(2).
Nhiệm vụ của Viện cũng được quy định là: 1) Xác định phương hướng và chương trình nghiên cứu cụ thể về khoa học xã hội và nhân văn tại các tỉnh phía Nam, chương trình nghiên cứu các nước có liên hệ với miền Nam Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, tổ chức thực hiện các chương trình đó; 2) Kiến nghị với Đảng và Nhà nước, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và dự báo xu hướng phát triển tại các tỉnh phía Nam; 3) Đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học, phổ biến kiến thức khoa học xã hội và nhân văn, tham gia giảng dạy đại học; 4) Tổ chức trao đổi và hợp tác khoa học với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. 5) Hợp tác và giúp đỡ các địa phương tăng cường các hoạt động khoa học xã hội và nhân văn. 6) Xây dựng hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu trước mắt và lâu dài của Viện.
Với chức năng, nhiệm vụ được quy định trên đây, cho đến năm 2000, cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh gồm có 13 đơn vị nghiên cứu và 4 đơn vị chức năng, nghiệp vụ. Các đơn vị đó là: 1) Trung tâm Nghiên cứu Triết học và Chính trị học; 2) Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế học và Phát triển; 3) Trung tâm Nghiên cứu Xã hội học và Phát triển; 4) Trung tâm Nghiên cứu Sử học; 5) Trung tâm Nghiên cứu Dân tộc học và Tôn giáo; 6) Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học; 7) Trung tâm Nghiên cứu Văn học; 8) Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ học; 9) Trung tâm Nghiên cứu Hán - Nôm; 10) Trung tâm Nghiên cứu Giới và Gia đình; 11) Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực; 12) Tổ Nghiên cứu Đồng bằng sông Cửu Long; 13) Tổ Nghiên cứu Tây Nguyên; 14) Phòng Hành chính - Đối ngoại; 15) Phòng Tổ chức cán bộ và Đào tạo; 16) Phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện (Thư viện Khoa học xã hội trước đây); và 17) Phòng Thư ký - Tòa soạn và Trị sự của Tạp chí Khoa học xã hội.
Nguồn nhân lực của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh có 130 cán bộ nhân viên, trong đó có 94 cán bộ nghiên cứu vào năm 1995 và 123 cán bộ nhân viên, trong đó có 83 cán bộ nghiên cứu vào năm 2000. Tính đến cuối năm 1999, toàn Viện có 3 giáo sư, 10 phó giáo sư, 33 tiến sĩ (phó tiến sĩ trước đây), 8 thạc sĩ và các cán bộ nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu đã quen nghề, thạo việc.
4. Giai đoạn 2004 - 2008
Theo Nghị định 26/2004/NĐ-CP ngày 15/01/2004 của Chính phủ về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Quyết định số 460/QĐ-KHXH ngày 19/5/2006 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Như vậy, đến thời điểm đầu năm 2004, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ được khẳng định là một viện đa ngành và liên ngành, nghiên cứu vùng. Viện có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn của vùng Nam Bộ nói chung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nói riêng trong mối liên hệ với cả nước dưới tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và khu vực; nhằm luận giải những vấn đề phát triển của vùng dưới góc độ khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển nhanh và bền vững của vùng; gắn nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách; tổ chức đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của vùng(1).
Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu cơ bản về lý luận và thực tiễn của vùng trong mối liên hệ với các vùng khác ở trong và ngoài vùng Nam Bộ, cơ cấu tổ chức các đơn vị thuộc Viện được thành lập, gồm có: 1) Trung tâm Nghiên cứu Chính trị; 2) Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế; 3) Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Con người; 4) Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử; 5) Trung tâm Nghiên cứu Dân tộc và Tôn giáo; 6) Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ; 7) Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa; 7) Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ; 8) Trung tâm Nghiên cứu Giới và Gia đình; 9) Trung tâm Nghiên cứu Đồng bằng sông Cửu Long; 10) Trung tâm Nghiên cứu Tây Nguyên; 11) Phòng Hành chính - Tổng hợp; 12) Trung tâm Đào tạo; 13) Trung tâm Tư vấn phát triển; 14) Thư viện Khoa học xã hội; và 15) Phòng Biên tập - Trị sự của Tạp chí Khoa học xã hội.
Trong giai đoạn này, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ có 115 cán bộ nhân viên, trong đó có 83 cán bộ nghiên cứu vào năm 2003 và 115 cán bộ viên chức, trong đó có 82 cán bộ nghiên cứu vào năm 2008.
5. Giai đoạn 2008 - 2012
Theo Nghị định 53/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Sau đó, Quyết định số 732/QĐ-KHXH ngày 17/7/20068 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ. Viện có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về phát triển bền vững vùng Nam Bộ dưới góc độ khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững vùng; tổ chức đào tạo sau đại học về khoa học xã hội và tư vấn về phát triển bền vững; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của vùng.
Từ yêu cầu nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản vế phát triển bền vững vùng dưới góc độ khoa học xã hội, cơ cấu tổ chức của Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ gồm có 9 đơn vị nghiên cứu và 7 đơn vị chức năng, nghiệp vụ. Các đơn vị đó là: 1) Trung tâm Nghiên cứu Chính trị; 2) Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế; 3) Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Con người; 4) Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa; 5) Trung tâm Nghiên cứu Môi trường; 6) Trung tâm Nghiên cứu Giới và Gia Đình; 7) Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử; 8) Trung tâm Nghiên cứu Dân tộc và Tôn giáo; 9) Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ; 10) Phòng Quản lý Khoa học; 11) Phòng Hành chính - Tổng hợp; 12) Phòng Hợp tác Quốc tế; 13) Phòng Tổ chức cán bộ và Đào tạo (2011-2012); 14) Trung tâm Tư vấn Phát triển; 15) Trung tâm Đào tạo (2008-2010); 13) Thư viện Khoa học xã hội và; 14) Phòng Biên tập - Trị sự của Tạp chí Khoa học xã hội. Trong giai đoạn này, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ có 115 cán bộ viên chức, trong đó có 78 cán bộ nghiên cứu vào năm 2009 và 108 cán bộ viên chức, trong đó có 72 cán bộ nghiên cứu vào năm 2012.
6. Giai đoạn từ 2013
Theo Nghị định 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012 của Chính phủ về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Phát triền bền vững vùng Nam Bộ. Sau đó, Quyết định số 537/QĐ-KHXH ngày 10/4/2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Theo Quyết định này, Viện có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội của vùng Nam Bộ; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững vùng; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của vùng.
Trên cơ sở đó, cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ gồm có 11 đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và 6 đơn vị chức năng nghiệp vụ với 108 cán bộ viên chức, trong đó có 72 cán bộ nghiên cứu vào năm 2013 (trong đó: 1 giáo sư, 3 phó giáo sư, 17 tiến sĩ và 36 thạc sĩ). Các đơn vị đó là: 1) Trung tâm Triết học và Chính trị học; 2) Trung tâm Kinh tế học; 3) Trung tâm Xã hội học; 4) Trung tâm Dân tộc học; 5) Trung tâm Sử học; 6) Trung tâm Khảo cổ học; 7) Trung tâm Văn học và Ngôn ngữ học; 8) Trung tâm Nghiên cứu Môi trường; 9) Trung tâm Nghiên cứu Giới và Gia đình; 10) Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo; 11) Trung tâm Tư vấn Phát triển; 12) Phòng Hành chính - Tổng hợp; 13) Phòng Tổ chức cán bộ; 14) Phòng Quản lý khoa học; 15) Phòng Hợp tác quốc tế; 16) Thư viện Khoa học xã hội và; 17) Phòng Biên tập - Trị sự của Tạp chí Khoa học xã hội.
2. Các thế hệ Lãnh đạo Viện và Tạp chí Khoa học xã hội
1. Lãnh đạo Viện của Viện Khoa học xã hội ở miền Nam trong thời gian đầu sau năm 1975 (1975 - 1977), gồm có: GS. Ca Văn Thỉnh, Viện trưởng và các Phó Viện trưởng, đó là: GS. Vũ Khiêu, GS.VS. Hồ Tôn Trinh và PGS.TS. Lâm Quang Huyên.
2. Lãnh đạo Viện và Tạp chí Khoa học xã hội của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 1978 - 1990, gồm có: GS. Nguyễn Công Bình, Phó Viện trưởng thứ nhất (1978), Quyền Viện trưởng (1989) Viện trưởng (1980 - 1990) kiêm Tổng biên tập Tạp chí (1988 - 1992) và các Phó Viện trưởng, đó là: PGS.TS. Lâm Quang Huyên (1975 - 1980 và 1985 - 1986), PGS.TS. Mạc Đường (1978 - 1990), PGS. Hồ Lê (1980 - 1984), PGS. Lê Xuân Diệm (1986 - 1991), NCVCC. Nguyễn Quang Vinh (1986 - 1991) và PGS.TS. Trần Trọng Đăng Đàn, Phó Tổng biên tập Tạp chí (1988 - 1992).
3. Lãnh đạo Viện và Tạp chí Khoa học xã hội của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 1990 - 1998, gồm có: PGS.TS. Mạc Đường, Quyền Viện trưởng (1990 - 1992), Viện trưởng (1992 - 1998) và các Phó Viện trưởng, đó là: TS. Huỳnh Văn Vân (1991 - 2000), PGS.TS. Phan Xuân Biên (1995 - 1997) và PGS.TS. Trần Trọng Đăng Đàn, Quyến Tổng biên tập Tạp chí (1992 - 1996).
4. Lãnh đạo Viện và Tạp chí Khoa học xã hội của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trong thời gian 1998 - 2005, gồm có: PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí (1998 - 2005) và các Phó Viện trưởng, đó là: TS. Huỳnh Văn Vân (1991 - 2000), TS. Trương Thị Minh Sâm (1999 - 2004), TS. Võ Công Nguyện (2005), TS. Lê Thanh Sang (2005) và PGS.TS. Trần Trọng Đăng Đàn, Tổng biên tập Tạp chí (1996 - 2000).
5. Lãnh đạo Viện và Tạp chí Khoa học xã hội của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, sau này là Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ trong thời gian 2005 - 2012, gồm có: GS.TS. Bùi Thế Cường, Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí (2005 - 2013) và các Phó Viện trưởng, đó là: TS. Võ Công Nguyện (2005 - 2012), PGS.TS. Lê Thanh Sang (2005 - 2013) và PGS.TS. Bùi Chí Hoàng (2011 - 2013).
6. Lãnh đạo Viện và Tạp chí Khoa học xã hội trong giai đoạn từ tháng 8/2012 đến nay, gồm có: TS. Võ Công Nguyện, Quyền Viện trưởng (8/2012 - 6/2013), Viện trưởng (7/2013) và các Phó Viện trưởng, đó là: PGS.TS. Lê Thanh Sang, kiêm Tổng biên tập Tạp chí (từ 9/2013), PGS.TS. Bùi Chí Hoàng, TS. Trịnh Quốc Trung (từ 7/2013) và TS. Trần Thị Nhung, Phó Tổng biên tập Tạp chí (2012 - 2013).
II. NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU
1. Về hoạt động khoa học
Ngay sau khi được thành lập ( 12/9/1975), Viện Khoa học xã hội, sau là Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa những nhiệm vụ do Trung ương Cục miền Nam và Hội đồng Chính phủ lúc bấy giờ giao cho trong việc vận động lực lượng trí thức tại chỗ, mở các lớp học về chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối chính sách của Đảng, phổ biến tri thức khoa học xã hội cho cán bộ và nhân dân. Đặc biệt là, Viện đã tổ chức lớp học cho gần 200 trí thức tại thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn là các viên chức cao cấp của chế độ cũ trước năm 1975, và kết thúc khóa học này là một hội nghị khoa học nghiên cứu về tư tưởng văn hóa ở miền Nam trong thời kỳ thực dân mới(1). Thành tựu nổi bật của Viện lúc này là đã tập hợp, sử dụng và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ từ nhiều nguồn khác nhau: Đội ngũ cán bộ nghiên cứu nòng cốt từ các viện nghiên cứu, trường đại học ở miền Bắc và từ căn cứ cách mạng ở miền Nam; đội ngũ cán bộ nghiên cứu là trí thức tại chỗ được đào tạo ở miền Nam trước năm 1975 và đội ngũ cán bộ nghiên cứu mới được đào tạo ở các trường đại học sau năm 1975. Sự đa dạng của nguồn nhân lực này đã góp phần bổ sung cho nhau những kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học về khoa học xã hội nói chung ở miền Nam trong giai đoạn đầu sau năm 1975.
Đồng thời, Viện Khoa học xã hội ở miền Nam, sau là Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai và hoàn thành 5 chương trình nghiên cứu khoa học có tính cấp bách lúc bấy giờ: 1) Khắc phục hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới; 2) Sự biến đổi kinh tế - xã hội ở các tỉnh phía Nam; 3) Các dân tộc ít người trong tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội; 4) Tình hình và xu hướng chính trị của các tôn giáo và; 5) Lịch sử và văn hóa ở các tỉnh phía Nam trong mối quan hệ với các nước lên chủ nghĩa xã hội. Việc thực hiện các chương trình khoa học có tính cấp bách trên đây đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phổ biến tri thức khoa học xã hội, cung cấp những luận cứ khoa học nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng xã hội chủ nghĩa và đặt nền móng phát triển khoa học xã hội và nhân văn ở các tỉnh phía Nam. Các Ban chuyên ngành và liên ngành của Viện cũng đã cụ thể hóa những nhiệm vụ của Viện bằng các hội thảo khoa học, các chương trình nghiên cứu và điều tra, khảo sát thực địa trong các vùng nông thôn, miền núi ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về chính sách khoa học - kỹ thuật và Nghị quyết 148 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, từ thập niên 80 đến thập niên 90 của thế kỷ XX, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai thực hiện 5 chương trình khoa học trọng điểm mang tính liên ngành được định hướng theo vùng lãnh thổ: 1) Chương trình khoa học thành phố Hồ Chí Minh; 2) Chương trình khoa học Nam Trung Bộ; 3) Chương trình khoa học Tây Nguyên; 4) Chương trình khoa học Đồng bằng sông Cửu Long và; 5) Chương trình khoa học Đông Nam Bộ. Đồng thời, Viện đã tham gia Chương trình 60.02, sau này là Chương trình 60B: Điều tra cơ bản cấp Nhà nước về Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song đó, Viện đã triển khai thực hiện hệ thống đề tài nghiên cứu các cấp (cơ sở, Bộ và Nhà nước) được giao theo kế hoạch và nhiều đề tài hợp tác nghiên cứu với các địa phương ở miền Nam, với các tổ chức khác ở trong nước và nước ngoài. Đến thời điểm năm 2005, Viện đã triển khai tổ chức thực hiện và hoàn thành hơn 500 công trình nghiên cứu khoa học các loại (cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện, hợp tác trong nước và quốc tế, hợp tác với địa phương). Nội dung của các công trình này một phần được công bố trên 300 đầu sách đã xuất bản và hàng trăm bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước(1).
Kết quả và kinh nghiệm nghiên cứu có tính liên ngành của Viện Khoa học xã hội, sau là Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trong 30 năm qua (1975 - 2005) đã đặt nền móng vững chắc và mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy công tác nghiên cứu về khoa học xã hội và phát triển bền vững vùng Nam Bộ trong thời kỳ tiếp tục Đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay.
Từ đầu năm 2006, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, sau là Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã đề ra phương hướng “Phấn đấu trở thành một cơ quan nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách, phổ biến và ứng dụng tri thức khoa học xã hội có vị trí quan trọng ở vùng Nam Bộ, một tổ chức học thuật mang tính hiện đại và chuyên nghiệp, hướng tới trình độ khu vực”(2). Về hoạt động khoa học, ngoài hệ thống đề tài cấp cơ sở được thực hiện theo kế hoạch năm, Viện đã triển khai thực hiện và hoàn thành có chất lượng các chương trình cấp Bộ, gồm có: 1) Chương trình nghiên cứu về Tây Nam Bộ (CT06-22, 2006 - 2008)(3), 2) Chương trình nghiên cứu về Nam Bộ (CT09-22, 2009 - 2010)(4), 3) Chương trình CT11-22, 2011- 2012 (1). Trong giai đoạn 2006 - 2013, Viện đã thực hiện 1 đề tài cấp Nhà nước(2), 39 đề tài, dự án, nhiệm vụ cấp Bộ, 177 đề tài cấp cơ sở, và 32 đề tài hợp tác với các địa phương và các tổ chức khác ở trong nước và nước ngoài. Đáng chú ý là Dự án điều tra cơ bản và hệ thống hóa tư liệu khảo cổ vùng Nam Bộ từ 1975 - 2005, Dự án điều tra cơ bản các dân tộc vùng Tây Nam Bộ, đề tài Giá trị văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ qua tư liệu hiện có, và nhiệm vụ: Khảo sát doanh nghiệp ở vùng Nam Bộ theo hướng phát triển bền vững… Các chương trình, dự án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu này tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản và cấp bách về chính trị và dân chủ ở cơ sở, về kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu; về xã hội, cơ cầu xã hội và phúc lợi xã hội; về văn hóa, văn học và ngôn ngữ; về dân tộc và tôn giáo, quan hệ dân tộc và tôn giáo, về giới và gia đình, về lịch sử và khảo cổ ở Nam Bộ trong mối liên hệ với cả nước, khu vực và thế giới.
Những thành tựu trong nghiên cứu tiêu biểu là, Viện đã tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu từ kết quả điều tra định lượng về Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh, cùng với các nghiên cứu thực nghiệm về di dân, công nhân, sức khỏe, xã hội dân sự, phúc lợi xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu; các nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ; các nghiên cứu lý luận, phương pháp, tổng quan trong những ngành học truyền thống cũng như một số hướng nghiên cứu mới(3). Dựa trên các kết quả nghiên cứu này, cán bộ nghiên cứu trong Viện đã đăng 237 bài tạp chí khoa học, 97 bài trong các cuốn sách được xuất bản chung và 29 cuốn sách. Tạp chí của Viện đã công bố 612 bài viết khoa học. Viện đã tổ chức 97 hội thảo tọa đàm khoa học trong nước và 89 hội thảo tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài. Đặc biệt là từ năm 2008 đến nay, theo định kỳ 2 năm, Viện tổ chức Hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu khoa học xã hội Nam Bộ 2008, Hội nghị khoa học xã hội và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2010 và Hội nghị khoa học xã hội và phát triển bền vững vùng Đông nam Bộ 2012, đã thu hút đông đảo các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn chủ yếu ở vùng Nam Bộ, tham gia.
2. Về đào tạo sau đại học và phát triển nguồn nhân lực
Về đào tạo sau đại học, từ năm 1985 đến năm 2010, mỗi năm, Viện đã mở các khóa đào tạo trình độ tiến sĩ (nghiên cứu sinh) cho các ngành triết học, kinh tế học, văn học, ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học, khảo cổ học và trình độ thạc sĩ (học viên cao học) cho các ngành sử học và dân tộc học. Tính đến năm 2010, khi Cơ sở đào tạo sau đại học của Viện chuyển giao cho Học viện Khoa học xã hội, Viện đã đào tạo được 105 tiến sĩ (trong đó có 23 cán bộ của Viện) và 61 thạc sĩ (trong đó có 5 cán bộ của Viện) thuộc các chuyên ngành trên đây. Nhiều luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ của Viện có chất lượng tốt, làm cơ sở khoa học góp phần lý giải những vấn đề lý luận và thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong vùng. Nhiều tiến sĩ và thạc sĩ do Viện đào tạo đã trở thành những cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành tại các tỉnh/thành phố ở phía Nam, đặc biệt là ở các địa phương trong vùng Nam Bộ.
Từ năm 2007, Viện cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện thành công Chương trình đào tạo liên ngành về khoa học xã hội, với mục tiêu là góp phần nâng cao chất lượng và chuẩn hóa trình độ theo thông lệ quốc tế cho nghiên cứu sinh, các viên chức trẻ trong Viện, và những người quan tâm ở ngoài Viện. Chương trình này kéo dài trong 2 năm với 120 lượt học viên, trong đó có 40 lượt viên chức nghiên cứu trẻ của Viện tham gia học tập, nghiên cứu các môn học: 1) Từ đọc sách đến tổng luận; 2) Xây dựng đề cương nghiên cứu; 3) Phương pháp luận nghiên cứu xã hội; 4) Phương pháp lịch sử; 5) Các lý thuyết xã hội; 6) Nghiên cứu định lượng; 7) Nghiên cứu định tính và; 8) Khoa học xã hội trong tiếng Anh. Đây là một đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo nghiên cứu sinh và cán bộ nghiên cứu của Viện, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực theo hướng cập nhật với tiến bộ quốc tế(1). Từ năm 2011 đến nay, Viện xúc tiến việc chuẩn hóa đội ngũ viên chức có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư và quy hoạch cán bộ quản lý các cấp để đảm bảo yêu cầu kế thừa và phát triển trong công tác nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu của một viện đa ngành nghiên cứu vùng.
3. Về hợp tác quốc tế
Trong thời kỳ Đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế từ 1986, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, sau này là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế. Từ năm 1997 đến nay đã có 21 chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế. Tiêu biểu là: Chương trình nghiên cứu Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa ở thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp nghiên cứu với Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ và do Quỹ Ford tài trợ; Văn hóa Óc Eo - Những khám phá mới, phối hợp nghiên cứu với Trường Viễn đông Bác cổ, Pháp; Nghiên cứu di dân, sinh sản và tình trạng sống: Tìm hiểu các chiến lược sinh sản của người di dân có thu nhập thấp ở Việt Nam, phối hợp nghiên cứu với Đại học East-Anglia, Anh; Vấn đề giới ở Nam Bộ trong sự biến đổi xã hội qua nghiên cứu, giáo dục và cuộc sống cộng đồng, phối hợp nghiên cứu với tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung; Xuất cư và ảnh hưởng của việc xuất cư đến an sinh của gia đình và cộng đồng ở nông thôn, phối hợp nghiên cứu với Đại học Toronto, Canada; Biến đổi khí hậu và di dân: Tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống dân cư và di dân khu vực tiểu vùng sông Mekong, phối hợp nghiên cứu với Trung tâm di dân châu Á,…
Hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và trao đổi khoa học về khoa học xã hội với các tổ chức và chuyên gia nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ học thuật, phương pháp nghiên cứu liên ngành cho viên chức, đặc biệt là đối với viên chức nghiên cứu trẻ của Viện.
Nhìn chung, trong thời gian 38 năm xây dựng và phát triển (1975 - 2013), Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã thực hiện kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản, triển khai và ứng dụng, giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và phân tích chính sách, và đã xây dựng các chương trình, dự án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu có tính hệ thống, phản ảnh tính đa ngành và phối hợp liên ngành. Đồng thời, với sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học ở các tỉnh phía Nam (1986 - 2003), trong vùng Nam Bộ (2003 - 2013) và hợp tác quốc tế về khoa học xã hội, đã góp phần vào việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng và ở mỗi địa phương trong toàn vùng Nam Bộ.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020
Từ nay đến năm 2020, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tập trung vào việc xây dựng và phát triển công tác nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu khoa học về khoa học xã hội và phát triển bền vững của Vùng như sau:
1. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội và nhân văn của vùng trong mối quan hệ với cả nước, khu vực và quốc tế; góp phần làm sáng rõ những vấn đề cơ bản và cấp bách về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, văn học, ngôn ngữ, dân tộc, tôn giáo, lịch sử và khảo cổ; sưu tầm, khai quật, nghiên cứu, phát huy giá trị di sản văn hoá của vùng; điều tra cơ bản, liên ngành về khoa học xã hội, phân tích và dự báo kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển của vùng và cả nước.
2. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực khoa học xã hội; tham gia đào tạo đại học và sau đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và các tổ chức khác ở trong và ngoài nước; tập trung đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cho viên chức để đảm đương nhiệm vụ, chức trách được giao và chuẩn bị đội ngũ kế thừa trong giai đoạn 2016 - 2021.
3. Thực hiện hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội với các địa phương trong vùng Nam Bộ, các tổ chức khác ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
4. Thẩm định và phản biện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của các bộ, ban ngành, địa phương, và theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Thực hiện các hoạt động tư vấn và dịch vụ khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện.
5. Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học xã hội; trao đổi thông tin khoa học xã hội với các tổ chức trong và ngoài nước; từng bước xây dựng Thư viện Khoa học xã hội thành một thư viện điện tử có tầm cỡ cấp vùng, đạt trình độ khu vực và thế giới; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu và kiến thức khoa học xã hội.
6. Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các đơn vị, nhất là đối với các đơn vị nghiên cứu thuộc Viện theo Quyết định số 537/QĐ-KHXH ngày 10/4/2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện; từng bước chuẩn hoá đội ngũ viên chức và bố trí, sắp xếp vị trí công tác của từng viên chức phù hợp theo chuyên môn, nghiệp vụ theo đề án vị trí việc làm của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho viên chức theo luật định.
7. Củng cố các đơn vị phục vụ nghiên cứu bảo đảm công tác nghiệp vụ thường xuyên, các hoạt động tài chính, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công khai, minh bạch. Hoàn thiện quy chế hoạt động tài chính, hành chính, tổ chức, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu theo kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và đến năm 2020.
Trên cơ sở định hướng nghiên cứu của Viện trong giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020, Viện Khoa học xã hội đề ra một số kế hoạch nghiên cứu cụ thể sau đây:
- Nghiên cứu cơ bản về ngành học (lịch sử, lý thuyết, phương pháp) và tổng quan hiện trạng nghiên cứu của các ngành học hoặc của các hướng nghiên cứu chủ yếu, định hướng vào phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
- Hình thành một tập hợp những nghiên cứu đo lường xã hội thông qua các khảo sát định lượng kinh tế - xã hội có hệ thống và các nghiên cứu định tính bổ sung, bao gồm 4 kiểu khảo sát đối với hộ gia đình, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan Nhà nước, và các công ty.
- Những vấn đề cơ bản và nổi bật trong sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường và phát triển bền vững ở Nam Bộ.
- Tôn giáo và phát triển: lý luận, hiện thực và chính sách.
- Các dân tộc thiểu số trong tiến trình phát triển quốc gia chung: Vấn đề ngôn ngữ, hội nhập và phát triển ở các vùng dân tộc thiểu số Nam Bộ - Lý luận, hiện thực, chính sách.
- Cơ sở lịch sử vùng, tiểu vùng và các địa phương Nam Bộ (lịch sử vùng đất Nam Bộ, lịch sử cách mạng và chiến tranh, lịch sử xã hội).
- Cơ sở văn hóa Nam Bộ (văn hóa, văn học, ngôn ngữ, tinh thần).
- Hợp tác kinh tế, khoa học - đào tạo và văn hoá - xã hội Nam Bộ -Campuchia.
Đặc biệt, Viện dự định phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện hai ý tưởng nghiên cứu mới.
Thứ nhất, đó là Chương trình nghiên cứu Những xu hướng cơ bản trong lịch sử xã hội Nam Bộ hiện đại (Thế kỷ XX đến hiện nay). Hiện tại và tương lai được định hình một phần căn bản từ quá khứ. Nam Bộ hôm nay đã hình thành một phần dựa trên cơ sở lịch sử - văn hóa của vùng. Những đặc trưng và xu hướng mang tính dài hạn trong cơ cấu xã hội và văn hóa ở Nam Bộ vẫn còn hiện diện, góp phần tạo nên và chi phối những gì diễn ra ngày hôm nay. Do đó, để hiểu được hiện tại và đề ra những giải pháp phát triển cho tương lai của vùng cần phải hiểu rõ những động lực xã hội tác động trong thời gian dài. Chương trình này có mục đích khái quát những đặc trưng cơ bản và xu hướng dài hạn trong cơ sở kinh tế, cơ cấu xã hội và văn hóa Nam Bộ trong thế kỷ XX cho đến gần đây, góp phần làm rõ tác động của chúng đến quá trình hiện đại hóa hôm nay và trong tương lai.
Thứ hai, đó là Chương trình Nghiên cứu các cộng đồng ở Nam Bộ: Phát triển kinh tế, cơ cấu xã hội và văn hóa trong bối cảnh hiện đại hóa - Lịch sử, hiện tại và triển vọng. Trong thời kỳ 2006-2010, Viện đã có được một cơ sở dữ liệu định lượng có hệ thống về Nam Bộ và đã có được những kết quả nghiên cứu bước đầu trong nhiều chủ đề khác nhau. Những cơ sở dữ liệu và kết quả nghiên cứu này cần được mở rộng và đào sâu thêm, thông qua những nghiên cứu định tính ở cấp vi mô (xã phường, ấp, hộ gia đình). Chương trình này có mục đích tiến hành thu thập dữ liệu định tính nhằm giải thích các dữ liệu định lượng và những kết quả nghiên cứu đã có trong thời kỳ trước và mở rộng thêm các chủ đề nghiên cứu. Nghiên cứu có hệ thống để xây dựng một cơ sở dữ liệu của Viện về một số cộng đồng nông thôn và đô thị điển hình ở Nam Bộ; mô tả tiến trình đời sống của những cộng đồng đó trong sự gắn bó mật thiết với tiến trình lịch sử và hiện đại hóa của địa phương, vùng Nam Bộ và cả nước; tìm ra các mối liên hệ tương tác giữa những biến đổi vĩ mô và vi mô. Nghiên cứu lịch sử đời sống của các gia đình Nam Bộ trong một số cộng đồng điển hình Nam Bộ; mô tả đời sống của những gia đình đó trong bối cảnh chịu sự chi phối và thích ứng với những tiến trình dài hạn và những biến cố của lịch sử; tìm ra các mối quan hệ tác động qua lại giữa những biến đổi vĩ mô và vi mô. Tạo ra một số địa bàn nghiên cứu trường hợp mang tính nhân học (điền dã dân tộc học) lâu dài của Viện để đo lường và theo dõi sự biến đổi qua các thời kỳ. Tổng hợp kết quả của các địa bàn nghiên cứu để tạo nên bức tranh chung về biến đổi xã hội của cả vùng (kết nối nghiên cứu định lượng và định tính, nghiên cứu vĩ mô và vi mô).(1)
(*) TS. Võ Công Nguyện, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, viết.
(1) Theo Nghị quyết số 13/QĐ.75 của Trung ương Cục miền Nam về việc thành lập Viện Khoa học xã hội. Tiếp theo là Nghị quyết số 17-QĐ/75 ngày 2/10/1975, bổ nhiệm Viện trưởng: GS. Ca Văn Thỉnh, các Phó Viện trưởng: Vũ Khiêu, Hồ Tôn Trinh, Lâm Quang Huyên, Vũ Khiêu là Phó Viện trưởng thứ nhất. Giám đốc Thư viện: GS. Phạm Thiều, Tổng thư ký: Phan Gia Bền. Các Trưởng ban Ban Triết học (Vũ Khiêu kiêm nhiệm), Ban Văn học (Hồ Tôn Trinh kiêm nhiệm), Ban Kinh tế học và Luật học (Lâm Quang Huyên kiêm nhiệm), Ban Sử học và Khảo cổ học (Nguyễn Công Bình), Ban Ngôn ngữ học (Hồ Lê) và Ban Dân tộc học (PTS. Mạc Đường).
(2) Theo Điều 2, Quyết định số 13/QĐ.75 ngày 12/9/1975 của Trung ương Cục miền Nam về việc thành lập Viện Khoa học xã hội.
(1) PGS.PTS. Mạc Đường, Hai mươi năm xây dựng và phát triển Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (Báo cáo tổng kết), trong tập sách “Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh 20 năm xây dựng và phát triển” (1975 - 1995), tr. 8.
(2) GS. Nguyễn Công Bình, Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng và hoạt động khoa học 1975 - 1985 của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Bản in roneo, 1985, tr. 3.
(3) Theo Điều 2, Quyết định số 95/CP ngày 27/4/1978 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh.
(1) Theo Quyết định số 127/CT ngày 5/4/1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giao nhiệm vụ cho các trường đại học và viện nghiên cứu đào tạo cán bộ sau đại học, gồm có: Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Luật học và Trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Theo Quyết định số 353/QĐ-QLKH ngày 23/4/1985 của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp về việc giao các chuyên ngành đào tạo nghiên cứu sinh cho các cơ sở đào tạo, trong đó có Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh.
(3) Theo Quyết định số 1303 ngày 30/6/1992 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao nhiệm vụ đào tạo cao học cho Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh.
(1) Theo Quyết định số 781/KHXH-TC ngày 17/10/1995 của Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia về việc ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Theo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (Ban hành theo Quyết định số 781/KHXH-TC ngày 17/10/1995).
(1) Theo Quyết định số 460/QĐ-KHXH ngày 19/5/2006 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
(1) PGS.TS. Mạc Đường, Sđd, tr.11.
(1) Về các công trình nghiên cứu và đầu sách xuất bản đã được ghi nhận trong sách: Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh 20 năm xây dựng và phát triển 1975 - 1995 (lưu hành nội bộ); Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh 25 năm xây dựng và phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
(2) Bùi Thế Cường, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ tuổi 35, Bài phát biểu kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Viện 1997 - 2010, Tài liệu đánh máy vi tính của tác giả, tr. 2.
(3) Chương trình này gồm có 6 đề tài: 1) Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc phát triển nhanh và bền vững vùng Tây Nam Bộ; 2)Những vấn đề cơ bản trong sự phát triển vùng Tây Nam Bộ; 3) Phát triển kinh tế Tây Nam Bộ dưới tác động của hội nhập quốc tế; 4) Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội ở vùng Tây Nam Bộ; 5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Tây nam Bộ và; 6) Dân tộc và tôn giáo ở vùng Tây Nam Bộ.
(4) Chương trình này gồm có 6 đề tài: 1) Một số vấn đề cơ bản của sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2020; 2) Một số vấn đề cơ bản về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội nhằm phát triển bền vững vùng Nam Bộ; 3) Một số vấn đề cơ bản về phát triển văn hóa nhằm phát triển bền vững vùng Nam Bộ; 4) Một số vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững vùng Nam Bộ; 5) Một số vấn đề cơ bản về dân tộc nhằm phát triển bền vững vùng Nam Bộ; 6) Một số vấn đề cơ bản về tôn giáo nhằm phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
(1) Chương trình này gồm có 7 đề tài: 1) Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020; 2) Một số vấn đề dân chủ cơ sở ở nông thôn Nam Bộ trong sự phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020; 4) Cộng đồng xã ấp trong sự phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2020; 5) Cộng đồng xã ấp trong sự phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2020; 6) Một số vấn đề chính sách ngôn ngữ đối vối cộng đồng người Chăm trong phát triển bền vững vùng Nam Bộ; 7) Một số vấn đề chính sách ngôn ngữ đối vối cộng đồng người Khmer trong phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
(2) Tộc người và quan hệ tộc người ở Nam Bộ thuộc đề án cấp Nhà nước: Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ).
(3) Bùi Thế Cường, Tlđd, tr.3.
(1) Bùi Thế Cường, Tlđd, tr.3.
(1) Bùi Thế Cường, Tlđd, tr. 4, 5.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN