I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Trung Bộ là cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - tên giao dịch quốc tế Institute of Social Sciences of the Central Region (viết tắt ISSCR), có chức năng nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề cơ bản về KHXH vùng Trung Bộ; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển nhanh, bền vững Vùng; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; tham gia đào tạo đại học, sau đại học và phát triển tiềm lực KHXH của Vùng.
Ra đời từ năm 2005 theo Nghị định số 26/2004/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi ban đầu là Viện KHXH vùng Trung Bộ và Tây Nguyên, đến nay đã trải qua một chặng đường 8 năm xây dựng - phát triển và đang tiến trên con đường khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm nghiên cứu KHXH tại vùng Trung Bộ.
Viện KHXH vùng Trung Bộ có trụ sở tại tổ 39 Khối Phố Khái Tây 2, phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, toạ lạc trên khu vực quy hoạch làng Đại học của thành phố Đà Nẵng, gồm 5 phòng nghiên cứu, 1 Trung tâm nghiên cứu, 3 phòng chức năng, nghiệp vụ giúp việc cho Viện trưởng với tổng số 55 cán bộ công chức, viên chức, trong đó, có 2 giáo sư, 3 tiến sĩ, 22 thạc sĩ, 5 NCS, 20 cử nhân.
Năm 2003, xuất phát từ những yêu cầu cấp bách về lý luận và thực tiễn phát triển khoa học tại một số vùng, lãnh thổ và yêu cầu cấp thiết mở rộng mạng lưới nghiên cứu KHXH tại các địa phương, Viện KHXH Việt Nam đã đề xuất Chính phủ thành lập Viện KHXH vùng Trung Bộ và Tây Nguyên. Trên cơ sở đề xuất này, ngày 15 tháng 1 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2004/NĐ-CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện KHXH Việt Nam, trong đó đồng ý thành lập Viện KHXH vùng Trung Bộ và Tây Nguyên - đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện KHXH Việt Nam với chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững; tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về khoa học xã hội, tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của Vùng.
Đầu năm 2005, thực hiện Nghị định 26 của Chính phủ, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam đã ký Quyết định bổ nhiệm PGS.TS. Khổng Diễn làm Viện trưởng. Ông đã dành nhiều thời gian, trí tuệ của mình từng bước xây dựng - phát triển Viện, đáp lại sự kỳ vọng của lãnh đạo Viện KHXH Việt Nam.
Sau 3 năm đi vào hoạt động (2005 - 2008), nhờ vào những nỗ lực của bản thân và một số cộng sự như TS. Bùi Đức Hùng – Phó Viện trưởng, TS. Bùi Văn Đạo – Phó Viện trưởng,... cùng với sự quan tâm ủng hộ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo Viện KHXH Việt Nam, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Viện KHXH vùng Trung Bộ và Tây Nguyên từng bước đi vào phát triển ổn định và đạt được một số thành tựu nhất định trên nhiều phương diện.
Về tổ chức, Viện đã xây dựng được 3 phòng nghiên cứu (Dân tộc học -Nhân học, Sinh thái cộng đồng, Văn hoá), 1 phòng phục vụ nghiên cứu (phòng Thông tin - Thư viện), 1 phòng giúp việc Viện trưởng (phòng Hành chính - Tổng hợp). Đặc biệt, Tạp chí KHXH miền Trung và Tây Nguyên - cơ quan ngôn luận của Viện đã nhanh chóng đi vào hoạt động và xuất bản được 2 số đầu tiên.
Về xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyên viên, đến giữa năm 2008, số lượng cán bộ của Viện là 27 người, trong đó có 2 Phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 9 thạc sĩ, 8 cử nhân, kỹ sư.
Về cơ sở hạ tầng, Viện đã tiến hành xây dựng trụ sở làm việc tại thành phố Đà Nẵng trên diện tích 10.3ha mà Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng giao sử dụng.
Về nghiên cứu khoa học, Viện đã tiến hành đề xuất, xây dựng và triển khai 4 đề tài khoa học cấp Bộ, 1 dự án điều tra cơ bản các dân tộc thiểu số vùng Trung Bộ và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học với các địa phương trong và ngoài vùng Trung Bộ và Tây Nguyên.
Về đào tạo lực lượng KHXH, nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện tích cực tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu.
Ngày 22 tháng 4 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2008/NĐ-CP về việc qui định chức năng nhiệm vụ của Viện KHXH Việt Nam. Theo Nghị định này, Viện KHXH vùng Trung Bộ và Tây Nguyên được đổi tên thành Viện Phát triển bền vững vùng Trung Bộ, với chức năng nhiệm vụ được qui định tại Quyết định số 670/QĐ-KHXH ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam, đó là: Tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch được Viện KHXH Việt Nam phê duyệt và các kế hoạch nghiên cứu khác được Đảng và Nhà nước giao liên quan đến vùng Trung Bộ; nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về phát triển bền vững vùng Trung Bộ; tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện KHXH Việt Nam và các tỉnh trong Vùng; thực hiện các tư vấn khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện; phối hợp với các Viện nghiên cứu thuộc Viện KHXH Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu khoa học của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn...
Cuối năm 2008, TS. Dương Bá Phượng được bổ nhiệm làm Viện trưởng. Ông đã cùng tập thể lãnh đạo cũng như viên chức của Viện tiếp tục xây dựng và phát triển Viện.
Đồng thời trong thời gian này, một số cán bộ gồm cả lãnh đạo và viên chức của Viện được điều động sang Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên (Viện mới được thành lập theo Nghị định 53 của Chính phủ). Vì thế, số lượng cán bộ, viên chức của Viện giảm xuống chỉ còn 19 người, phân tán ở 2 trụ sở Hà Nội và Đà Nẵng.
Năm 2011, sau 3 năm trên cương vị Viện trưởng, TS. Dương Bá Phượng đã xây dựng được một lực lượng nghiên cứu gồm 34 người, có khả năng đảm đương nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Viện đã thực hiện thành công 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 2 chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 1 đề tài với quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, 6 đề tài hợp tác với các địa phương trong và ngoài vùng Trung Bộ.
Cuối năm 2011, trụ sở làm việc tại thành phố Đà Nẵng sau hơn 5 năm xây dựng đã hoàn thành. Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam đã chỉ thị cho Viện lên kế hoạch di chuyển toàn bộ cán bộ, viên chức đang làm việc tại Hà Nội vào làm việc tại trụ sở mới ở phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Gần một năm thương thảo, lên kế hoạch, lãnh đạo Viện đã quyết định chọn ngày 17 tháng 9 năm 2012 là ngày di chuyển chính thức của Viện. Hơn 20 cán bộ, viên chức của Viện trong đợt di chuyển này đã tạm gác lại những khó khăn, những băn khoăn của cá nhân lên đường vào thành phố Đà Nẵng nhận nhiệm vụ.
Khi vào Đà Nẵng, lãnh đạo Viện từng bước sắp xếp chỗ ở cho cán bộ, viên chức để họ yên tâm hơn tại nơi ở mới; giao cho công đoàn, đoàn thanh niên từng bước nắm bắt tinh thần, động viên các cán bộ, viên chức ổn định tinh thần để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Tháng 12 năm 2012, trên cơ sở chiến lược phát triển KHXH Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 109/2012/NĐ-CP đổi tên Viện KHXH Việt Nam thành Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Theo Nghị định này, Viện được đổi tên thành Viện KHXH vùng Trung Bộ với chức năng, nhiệm vụ mới đã qui định tại Quyết định số 538/QĐ-KHXH ngày 10 tháng 4 năm 2013 là nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về KHXH vùng Trung Bộ; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển bền vững Vùng; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; tham gia đào tạo đại học, sau đại học và phát triển tiềm lực KHXH của Vùng.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện
- Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chiến lược, qui hoạch, kế hoạch 5 năm về phát triển của Viện KHXH vùng Trung Bộ và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về KHXH vùng Trung Bộ; góp phần làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về phát triển nhanh và bền vững vùng Trung Bộ trong quá trình phát triển ở nước ta;
- Kết hợp nghiên cứu với đào tạo đội ngũ chuyên gia về chuyên ngành KHXH vùng; tham gia đào tạo đại học và sau đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các tổ chức khác ở trong và ngoài nước;
- Góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo phân công của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
- Tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ công về những vấn đề phát triển phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện KHXH vùng Trung Bộ;
- Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo theo quy định hiện hành;
- Ký kết thực hiện các hợp đồng nghiên cứu và ứng dụng khoa học với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và các quy chế của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
- Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và ngoài nước theo quy định; quản lý tư liệu, thư viện của Viện KHXH vùng Trung Bộ; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức khoa học;
- Quản lý về tổ chức, bộ máy, vị trí làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị; tài sản và kinh phí của Viện KHXH vùng Trung Bộ theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Cơ cấu - tổ chức
- Viện KHXH vùng Trung Bộ được tổ chức thành 07 phòng (trung tâm) nghiên cứu, 04 phòng (ban) chức năng, nghiệp vụ giúp Viện trưởng.
- Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung là cơ quan ngôn luận của Viện, là diễn đàn khoa học của ngành và của bạn đọc quan tâm đến khoa học xã hội vùng Trung Bộ. Tạp chí được tổ chức và hoạt động theo giấy phép hoạt động Báo chí, Luật Báo chí, các văn bản pháp quy khác về báo chí và Quy chế về tổ chức và hoạt động của các Tạp chí thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Tạp chí có phòng Biên tập - Trị sự.
- Hội đồng khoa học có nhiệm vụ tư vấn cho Viện trưởng. Các thành viên trong Hội đồng khoa học của Viện do Viện trưởng quyết định sau khi có sự thoả thuận với Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Hội đồng hoạt động theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học do Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ban hành.
Ngoài các phòng chuyên môn, phòng giúp việc Viện trưởng, Viện có các tổ chức đoàn thể như Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh,...
Ngày 19 tháng 07 năm 2013, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã ký Quyết định bổ nhiệm TS. Bùi Đức Hùng làm Viện trưởng, tiếp tục công việc từ những người tiền nhiệm trên con đường đưa Viện KHXH vùng Trung Bộ trở thành một trung tâm nghiên cứu KHXH có uy tín hàng đầu ở vùng Trung Bộ.
III. NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC
1. Nghiên cứu khoa học
Qua 8 năm xây dựng và trưởng thành, Viện đã chủ trì và hoàn thành nhiều chương trình, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp Bộ, đề tài quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, đề tài phối hợp với các địa phương trong và ngoài vùng Trung Bộ. Các Chương trình, đề tài này đều đạt chất lượng từ loại Khá trở lên, được xuất bản thành sách và có những đóng góp kịp thời, tích cực vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch địch chính sách phát triển nhanh và bền vững cấp Vùng, địa phương, như:
Chương trình, đề tài cấp Bộ
1. Thực trạng đói nghèo và giải pháp xoá đói giảm nghèo ở một số tỉnh ven biển miền Trung (2007);
2. Vai trò và tác động của cộng đồng dân tộc Gia Rai trong đời sống chính trị hiện nay ở tỉnh Gia Lai (2008);
3. Vai trò và tác động của cộng đồng dân tộc Ê Đê trong đời sống chính trị hiện nay ở tỉnh Đắk Lắk (2008);
4. Đời sống văn hóa buôn làng các dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Lắk hiện nay - Thực trạng và giải pháp (2008);
5. Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2009 - 2010: Một số vấn đề phát triển bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011-2020, gồm 06 đề tài, 2 báo cáo thường niên 2009, 2010:
- Đề tài tổng quan Chương trình Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020;
- Đề tài: Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ trong quá trình đô thị hoá giai đoạn 2011 - 2020;
- Đề tài: Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững vùng Nam Trung Bộ trong quá trình đô thị hoá giai đoạn 2011 - 2020;
- Đề tài: Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững nông thôn vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020;
- Đề tài: Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững nông thôn vùng Nam Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020;
- Đề tài: Một số vấn đề cơ bản về môi trường và phát triển bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020;
- Nhiệm vụ: Báo cáo thường niên năm 2009;
- Nhiệm vụ: Báo cáo thường niên năm 2010.
6. Chương trình cấp Bộ 2011 - 2012: Quan điểm và giải pháp phát triển bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020, gồm 6 đề tài cấp Bộ, 05 nhiệm vụ độc lập, 02 báo cáo thường niên:
- Đề tài: Lợi thế, bất lợi thế, cơ hội, thách thức phát triển bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020;
- Đề tài: Quan điểm và giải pháp phát triển bền vững về kinh tế vùng Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020;
- Đề tài: Quan điểm và giải pháp phát triển bền vững về xã hội vùng Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020;
- Đề tài: Quan điểm và giải pháp phát triển bền vững về văn hóa vùng Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020;
- Đề tài: Tác động của môi trường và biến đổi khí hậu đến phát triển bền vững vùng Trung Bộ;
- Đề tài: Tổng quan về quan điểm và giải pháp phát triển bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020;
- Báo cáo thường niên 2011: “Vượt qua khó khăn thách thức, duy trì tăng trưởng và phát triển con người”;
- Nhiệm vụ báo cáo thường niên 2012: “Tăng cường quản lý môi trường cho phát triển bền vững”;
- Nhiệm vụ: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành vùng Bắc Trung Bộ;
- Nhiệm vụ: Phát triển làng nghề truyền thống thành phố Đà Nẵng - Thực trạng và giải pháp giai đoạn 2011 - 2020;
- Nhiệm vụ: Nghiên cứu, đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp ở tỉnh Quảng Nam;
- Nhiệm vụ: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa một số lễ hội truyền thống vùng Duyên hải Nam Trung Bộ;
- Nhiệm vụ: Tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ cá Ông của cư dân vùng Duyên hải Nam Trung Bộ;
Các đề tài, dự án, Hội thảo phối hợp với các địa phương
1. Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Liên Chiểu đến năm 2020 (2010);
2. Qui hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ quận Liên Chiểu;
3. Qui hoạch tổng thể phát triển ngành Y tế thành phố Đà Nẵng;
4. Qui hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể thao, du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 (2010);
5. Qui hoạch thiết chế văn hoá, thể thao xã phường thành phố Đà Nẵng;
6. Qui hoạch phát triển ngành văn hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (phần di tích, di chỉ các công trình văn hoá);
7. Biên soạn địa chí huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá (2009 - 2010);
8. Xây dựng mô hình làng văn hóa tỉnh Hòa Bình (2009);
9. Nghiên cứu xây dựng mô hình làng xã sống chung với lũ lụt vùng ven sông Lam, tỉnh Nghệ An (2012);
10. Hội thảo quốc gia: “Khai thác tiềm năng biển đảo vì sự phát triển của Quảng Ngãi và miền Trung” phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tháng 5 năm 2011.
Đề tài quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia
Nghiên cứu mối quan hệ giữa đa dạng văn hóa tộc người và đa dạng tự nhiên vùng Bắc Trung Bộ phục vụ phát triển bền vững (Tháng 3/2011-3/2013).
Các đề tài cấp Bộ và cấp Viện đang triển khai nghiên cứu trong năm 2013
Đề tài cấp Bộ
1. Đề tài: Tái cấu trúc vùng kinh tế Nam Trung Bộ nhằm phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (2013 - 2014);
2. Đề tài: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng xanh ở vùng Nam Trung Bộ đến năm 2020 (2013 - 2014);
3. Đề tài: Một số định hướng về quản lý theo hướng bền vững tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (2013 - 2014);
4. Đề tài: Văn hóa biển và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển của cư dân vùng ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (2013 - 2014).
Ngoài ra, Viện còn có hệ thống đề tài khoa học cấp Viện phong phú, trải ra nhiều trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu về khoa học xã hội vùng Trung Bộ, đó là:
1. Lao động nữ ở khu kinh tế Vũng Áng và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
2. Phát triển ngành thủy sản tỉnh Nghệ An theo hướng bền vững;
3. Hiện trạng sinh kế của đồng bào dân cư vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững;
4. Thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục Tiểu học ở miền núi tỉnh Bình Định;
5. Biến đổi văn hóa truyền thống dân tộc Cơtu ở Đà Nẵng và Quảng Nam trong quá trình đô thị hóa;
6. Các nghi lễ trong chu kỳ đời người của người Vân Kiều (dân tộc Bru- Vân Kiều) ở miền núi tỉnh Quảng Trị;
7. Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay;
8. Tính cách người xứ Nghệ trong phát triển văn hoá - xã hội hiện nay;
9. Vấn đề ứng dụng năng lượng sạch vào phát triển kinh tế vùng Nam Trung Bộ;
10. Từ ngữ nghề nghiệp của một số làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Quảng Nam - Đà Nẵng;
11. Phát triển du lịch Quảng Nam theo hướng bền vững;
12. Tính cách người xứ Huế trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay;
13. Tác động của biến đổi khí hậu đến di sản văn hóa ở Hội An và một số giải pháp thích ứng;
14. Biến đổi về tôn giáo tín ngưỡng của người Kinh vùng tái định cư Khu kinh tế Dung Quất;
15. Bước đầu tìm hiểu về trang phục của người Chăm;
16. Tín ngưỡng của người Tà Ôi trong lao động sản xuất (Nghiên cứu trường hợp ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).
2. Hợp tác quốc tế
Là một Viện mới thành lập nhưng Viện luôn nỗ lực xúc tiến mở rộng hợp tác quốc tế. Trong 8 năm qua, trong hoạt động hợp tác quốc tế, Viện đã đạt được một số thành tựu nổi bật:
- Cử các đoàn cán bộ sang học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu về phát triển bền vững cấp vùng và đặt vấn đề hợp tác nghiên cứu tại một số Viện nghiên cứu và trường Đại học trong khu vực như: Viện nghiên cứu Môi trường Hàn Quốc và Đại học Quốc gia Inđônêxia.
- Lãnh đạo Viện đã tham gia đoàn công tác của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thăm và làm việc với Viện Hàn lâm Liên bang Nga và Viện Hàn lâm Mông Cổ. Thông qua chuyến công tác này, Viện đã đặt mối quan hệ hợp tác với Viện nghiên cứu phát triển Mông Cổ. Năm 2012, tại khán phòng Trung tâm Hội nghị quốc gia, lãnh đạo Viện và lãnh đạo Viện nghiên cứu Phát triển Mông Cổ đã ký Bản ghi nhớ (MoU) với Viện nghiên cứu phát triển Mông Cổ thuộc Viện Hàn lâm Mông Cổ về một số hoạt động như: liên kết nghiên cứu về những vấn đề cấp thiết và cơ hội hợp tác kinh tế giữa Mông Cổ và Việt Nam; tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, hội nghị hội thảo về vấn đề hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mông Cổ; xây dựng các chiến lược phát triển vùng trung hạn và dài hạn ở cả Việt Nam và Mông Cổ; trao đổi các nhà nghiên cứu: trao đổi các học giả và chuyên gia; trao đổi tài liệu và các ấn bản phẩm hàng năm,...
- Đón 02 đoàn vào là cán bộ và chuyên gia thuộc Đại học Chiangmai, Thái Lan; Đại học Oslo (Na-uy), với mục đích trao đổi về các vấn đề tiểu vùng sông Mêkông, đề xuất các dự án hợp tác về các lĩnh vực phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và hợp tác trong đào tạo cán bộ.
3. Thành tựu xuất bản ấn phẩm khoa học và Tạp chí
Bên cạnh những thành tựu đạt được về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, trong công tác xuất bản ấn phẩm khoa học và Tạp chí, Viện đã có nhiều ấn phẩm được bạn đọc đón nhận và đánh giá tích cực:
+ Xuất bản phẩm khoa học
1. Địa chí huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá do TS. Dương Bá Phượng chủ biên, Nxb Từ điển Bách khoa, 2010.
2. Phát triển bền vững vùng Trung Bộ: Thực trạng, vấn đề và giải pháp do TS. Dương Bá Phương chủ biên, Nxb.KHXH, 2012.
3. Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững vùng Duyên hải Nam Trung Bộ do TS. Bùi Đức Hùng chủ biên, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2012.
4. Những vấn đề cơ bản về môi trường và phát triển bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011 - 2020 do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khánh chủ biên, Nxb Từ điển Bách khoa, 2012.
5. Cộng đồng dân tộc Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay, PGS.TS. Hà Đình Thành, Nxb Từ điển Bách khoa, 2012.
6. Kỷ yếu hội thảo quốc gia Khai thác tiềm năng biển, đảo vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung, Nxb Từ điển Bách khoa, 2012.
+ Công tác xuất bản Tạp chí
Kể từ năm 2008 đến nay, Viện đã xuất bản được 22 số tạp chí với hơn 170 bài nghiên cứu đã được đăng tải, trải đều trên các lĩnh vực nghiên cứu kinh tế - xã hội, văn hoá học, nhân học - dân tộc học, ngôn ngữ học, môi trường và phát triển bền vững, khảo cổ - lịch sử,… Tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết có chất lượng chuyên môn tốt, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đúng mục đích, tôn chỉ theo giấy phép được cấp của Tạp chí, đúng thời gian qui định 3 tháng 1 số. Tạp chí của Viện đang tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng trên nhiều phương diện, từ chất lượng bài viết, cho đến cách thức trình bày để nâng cao uy tín của Tạp chí.
Năm 2011, tạp chí của Viện đã chính thức được Hội đồng chức danh Giáo sư, Phó giáo sư đưa vào danh sách tạp chí được tính điểm khi xét Giáo sư, Phó giáo sư cho một số chuyên ngành ngôn ngữ, lịch sử - khảo cổ, dân tộc học, văn học,... Từ năm 2013, Tạp chí của Viện đã tăng số lượt xuất bản 6 số trên 1 năm (2 tháng 1 số).
4. Một số công tác khác
- Về công tác tổ chức - cán bộ: Khi mới thành lập năm 2005, Viện có 1 Viện trưởng, 2 Phó Viện trưởng và 5 cán bộ viên chức. Đến nay, sau 8 năm phát triển, Viện đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, chuyên gia khoa học tương đối toàn diện về mọi mặt, gồm 55 người, trong đó có 34 cán bộ trực tiếp nghiên cứu, 21 cán bộ phục vụ gián tiếp, 2 phó giáo sư, 3 tiến sĩ, 20 thạc sĩ (5 thạc sĩ đang tiếp tục đào tạo nghiên cứu sinh), 20 cử nhân (10 cử nhân đang tiếp tục đào tạo bậc thạc sĩ). Về độ tuổi, gần 60% cán bộ nghiên cứu của Viện có độ tuổi dưới 35 tuổi, 36% có độ tuổi từ 36 - 50 tuổi. Mặc dù đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện khá trẻ nhưng đang trong quá trình đào tạo trở thành đội ngũ chuyên gia có đủ khả năng đảm đương các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao trong tương lai gần.
Trong công tác Tổ chức - Hành chính, Viện đã tập trung ổn định tổ chức và kiện toàn các phòng chuyên môn và phục vụ; tập trung hoàn thiện và đưa trụ sở làm việc tại Đà Nẵng vào sử dụng chính thức từ tháng 9 năm 2012; tiếp tục đầu tư mua sắm trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, đảm bảo kinh phí hoạt động, thu chi tài chính theo kế hoạch, đúng quy định của Nhà nước.
- Công tác đảng, đoàn thể: Ngay từ khi mới thành lập, lãnh đạo Viện đã sớm quan tâm tới việc xây dựng và kiện toàn tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội. Từ những ngày đầu thành lập, lúc đó Chi bộ Viện chỉ có 3 đảng viên, Công đoàn chỉ có khoảng hơn 10 đồng chí. Đến nay, Chi bộ Viện đã có 19 đảng viên, trong đó 18 đảng viên chính thức, 01 đảng viên đang trong giai đoạn dự bị. Trong nhiều năm liền kể từ khi thành lập Chi bộ Đảng đến nay, liên tục đạt danh hiệu là Chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh, 100% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều đồng chí đảng viên đạt danh hiệu là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Về công tác phát triển Đảng, kể từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm Chi bộ kết nạp được thêm 2 đảng viên mới.
Các tổ chức Đoàn thanh niên, Công đoàn dần đi vào hoạt động ổn định và phát triển, phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp quần chúng, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đến nay, Công đoàn Viện đã có 55 công đoàn viên.
IV. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆN GIAI ĐOẠN 2013 - 2020, TẦM NHÌN 2030
1. Quan điểm và mục tiêu phát triển
a) Quan điểm phát triển
- Chiến lược phát triển Viện KHXH vùng Trung Bộ đến năm 2020 phải tạo ra bước đột phá trong xây dựng đội ngũ chuyên gia khoa học đầu ngành trên tất cả các lĩnh vực KHXH và nhân văn, đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh tư vấn, phản biện chính sách phát triển vùng và địa phương.
- Lấy thực tiễn và nhu cầu phát triển vùng trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế làm đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất của Viện KHXH vùng Trung Bộ.
- Chiến lược phát triển Viện KHXH vùng Trung Bộ đến năm 2020 phải gắn kết, là bộ phận cấu thành trong chiến lược phát triển của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
- Phát triển Viện KHXH vùng Trung Bộ đến năm 2020 phải nhằm tăng cường, thúc đẩy phát triển năng lực sáng tạo của từng cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển năng lực nội sinh của Viện.
- Tiếp tục đổi mới trong quản lý, nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để các nhà khoa học phát huy và cống hiến khả năng, trí tuệ, nhiệt huyết, góp phần phát triển đội ngũ chuyên gia KHXH đầu ngành cho vùng Trung Bộ.
b) Mục tiêu
- Phát triển Viện KHXH vùng Trung Bộ thành một trung tâm nghiên cứu KHXH có uy tín hàng đầu của vùng Trung Bộ và một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, tiến tới xây dựng Viện trở thành Viện nghiên cứu KHXH có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
- Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực, nhất là các chuyên gia khoa học đầu ngành như dân tộc học - nhân học, lịch sử - khảo cổ, văn hoá, kinh tế, địa lý, môi trường, khoa học phát triển, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng làm việc theo nhóm, có trình độ ngoại ngữ tốt, có năng lực giải quyết tốt những vấn đề lý thuyết, thực tiễn, những vấn đề ở tầm chiến lược cấp vùng và địa phương trên nhiều phương diện.
- Nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu để khẳng định uy tín, vai trò và ảnh hưởng của Viện đối với Nhà nước, các địa phương trong vùng; đóng góp tích cực trong việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển; tư vấn, phản biện chính sách cấp vùng và địa phương trong vùng Trung Bộ.
- Tham gia đào tạo nguồn nhân lực KHXH và nhân văn chất lượng cao cho vùng Trung Bộ.
- Xây dựng, liên kết, hợp nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách cho 14 tỉnh thuộc vùng Trung Bộ.
2. Một số định hướng và nhiệm vụ nghiên cứu
a) Định hướng nghiên cứu
- Tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản về KHXH, nhân văn vùng Trung Bộ để giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của vùng Trung Bộ theo định hướng phát triển bền vững trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn và hội nhập quốc tế.
- Đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, từ kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội, môi trường, trong đó đi sâu nghiên cứu mối quan hệ giữa các trụ cột phát triển bền vững, giữa tăng trưởng kinh tế với các vấn đề văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường vùng Trung Bộ.
b) Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu các vấn đề cơ bản về lịch sử, khảo cổ học, văn hoá học, dân tộc học, ngôn ngữ học, tôn giáo học của vùng Trung Bộ;
- Nghiên cứu những vấn đề biến đổi văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vùng Trung Bộ và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại dưới tác động của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế;
- Nghiên cứu xây dựng, đề xuất các giải pháp quản lý văn hoá; xây dựng các chuẩn mực văn hoá mới trong bối cảnh phát triển và hội nhập;
- Nghiên cứu đề xã hội, giải pháp quản lý xã hội trong bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế;
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển bền vững; về công nghiệp hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, về tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của vùng đặt trong bối cảnh đất nước và trên thế giới hiện nay;
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh trên thế giới và vận dụng vào thực tiễn phát triển vùng Trung Bộ;
- Nghiên cứu những vấn đề phát triển bền vững vùng, liên kết nội vùng, liên vùng;
- Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong bối cảnh mới;
- Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách xóa đói, giảm nghèo của vùng đặt trong bối cảnh gia tăng mức độ tổn thưởng do biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và môi trường và khủng hoảng kinh tế;
- Nghiên cứu những vấn đề cơ bản về đô thị, quản lý đô thị, xây dựng mô hình đô thị xanh, đô thị sinh thái phù hợp với xu thế của thời đại cho vùng Trung Bộ;
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc và tôn giáo ở vùng Trung Bộ;
- Tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện con người miền Trung nhằm phát huy yếu tố tích cực của con người miền Trung trong phát triển;
- Nghiên cứu những đặc điểm cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển vùng và của từng địa phương;
- Nghiên cứu đề xuất các luận cứ khoa học về tổ chức sản xuất theo lãnh thổ; tổ chức phân bố dân cư hợp lý dải ven biển, hải đảo miền Trung;
- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, mô hình quản lý hợp lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường;
- Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên vùng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
3. Các giải pháp phát triển
Để thực hiện các mục tiêu trên, trong thời gian tới, Viện thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Viện, đó là nghiên cứu những vấn đề cơ bản về KHXH vùng Trung Bộ, trong đó kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, tư vấn chính sách và cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ khoa học theo chức năng, nhiệm vụ của Viện; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu và các hoạt động khoa học do Viện chủ trì, tiến tới đảm nhiệm các đề tài cấp Nhà nước và đề xuất các hướng nghiên cứu mới.
- Tăng cường nguồn lực nghiên cứu khoa học trên cơ sở đa dạng hoá các nguồn kinh phí thông qua mở rộng các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
- Nghiên cứu, đề xuất với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có những cơ chế đặc thù để Viện thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao về Viện làm việc. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ của Viện để họ nhanh chóng trưởng thành thông qua nhiều hình thức đào tạo, như đào tạo thông qua giao chủ trì thực hiện các đề tài, dự án nhỏ, cử đi học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn, học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước từ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước hoặc nguồn học bổng tài trợ từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.
- Tăng cường hợp tác, gắn kết với các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam qua việc phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học, hợp tác nghiên cứu để nâng cao năng lực và trình độ nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ trong Viện, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ.
- Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học liên quan tới lĩnh vực KHXH, đặc biệt là các nước có tiềm lực trong nghiên cứu KHXH để nâng cao trình độ của các chuyên gia của Viện.
- Tăng cường hợp tác với Học viện KHXH cơ sở tại Đà Nẵng trong việc đào tạo nguồn nhân lực KHXH chất lượng cao cho vùng Trung Bộ.
- Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh Viện KHXH vùng Trung Bộ qua nhiều kênh thông tin khác nhau, như Website, Tạp chí, qua các ấn phẩm khoa học và công trình công bố, thông qua các hội thảo khoa học do Viện tổ chức…
- Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức các phòng, trung tâm nghiên cứu theo Quyết định phê duyệt của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, theo đó trong những năm tới Viện sẽ đưa phòng Lịch sử - Khảo cổ đi vào hoạt động và tiếp tục bổ sung nhân sự cho các phòng chuyên môn. Gắn qui hoạch đội ngũ cán bộ các cấp với công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn. Hướng dài hạn hơn, Viện sẽ lấy phương châm chất lượng, thiết thực và hiệu quả làm chính, kiên quyết đưa những trường hợp không đủ điều kiện sức khoẻ và năng lực nghiên cứu ra khỏi biên chế và sẽ tổ chức và chuyển đổi các phòng nghiên cứu thành các Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành chuyên sâu.
- Rà soát lại đội ngũ cán bộ trong biên chế và hợp đồng để giảm tải bộ máy, nâng cao hiệu suất và hiệu lực đội ngũ cán bộ ở cả hai khu vực chuyên môn và nghiệp vụ; thực hiện chế độ quản lý hành chính mới trong cơ quan; tạo cơ chế năng động, hiệu quả hơn trong quản lý đề tài khoa học.
- Khai thác tốt, hiệu quả các nguồn kinh phí từ đề tài nhà nước, đề tài hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.
- Có quy chế hoạt động, quản lý chi tiêu chặt chẽ để tiết kiệm chi kinh phí.
- Tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội của Viện; giữ vững đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, phát huy năng lực và tính chủ động, sáng tạo của cán bộ công chức để xây dựng Viện ngày càng phát triển vững mạnh. Đặc biệt, trong giai đoạn tới cần quan tâm sâu sắc hơn nữa tới đời sống của cán bộ, viên chức của Viện, trong đó, chú ý hơn đối với các cán bộ công chức chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng để họ ổn định chỗ ở và tinh thần.
- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của Viện, đáp ứng được với các yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.
- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án của Viện theo phương án qui hoạch đã được phê duyệt đến năm 2020.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
(*) TS. Bùi Đức Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, viết.