I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Ngày 5/7/2011, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã chính thức ra đời bằng Quyết định số 1063/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc “Thành lập Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á” – một thành viên mới trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, hoạt động từ ngân sách nhà nước; là đơn vị kế hoạch tài chính của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội (Tầng 7, số 01, Liễu Giai - Ba Đình - Hà Nội). Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Vietnam Institute of Indian and Southwest Asian Studies, viết tắt: VIISAS”.
Ngay sau khi có quyết định thành lập, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tạo mọi điều kiện cho Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á sớm đi vào hoạt động. Theo đó, Viện là một cơ quan khoa học, đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề cơ bản về đất nước Ấn Độ và các quốc gia thuộc khu vực Tây Nam Á, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng các luận chứng khoa học làm căn cứ cho việc đề ra các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, góp phần thúc đẩy các mối quan hệ thân thiện giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Viện đã từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ. Đến nay, Viện có 5 phòng nghiên cứu chuyên môn (gồm Phòng Nghiên cứu Chính trị và An ninh, Phòng Nghiên cứu Kinh tế và Hội nhập, Phòng Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa, Phòng Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, Phòng Nghiên cứu Quan hệ quốc tế) và 3 phòng chức năng, nghiệp vụ (Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Phòng Thông tin - Thư viện). Bên cạnh đó, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á cũng đã nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8/2012, đến nay đã xuất bản được 5 số (hai tháng/kỳ).
Từ một vài cán bộ ban đầu, đến nay đội ngũ cán bộ, viên chức của Viện đã từng bước được kiện toàn và lớn mạnh. Đa số cán bộ, viên chức của Viện còn trẻ, có trình độ và năng lực phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu, có triển vọng đóng góp nhiều cho lĩnh vực khoa học xã hội của đất nước.
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á có các chức năng, nhiệm vụ sau đây:
- Chức năng
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về Ấn Độ và khu vực Tây Nam Á; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức tư vấn và đào tạo về những vấn đề cơ bản của khu vực; phát triển ngành nghiên cứu khoa học và giảng dạy về Ấn Độ và khu vực Tây Nam Á; tham gia thúc đẩy việc mở rộng các quan hệ hợp tác khoa học và các lĩnh vực khác với Ấn Độ và khu vực Tây Nam Á.
- Nhiệm vụ và quyền hạn
+ Nghiên cứu cơ bản về Ấn Độ và khu vực Tây Nam Á.
+ Nghiên cứu những vấn đề lý luận, chính sách và thực tiễn cơ bản về sự phát triển của Ấn Độ và khu vực Tây Nam Á.
+ Xây dựng kế hoạch nghiên cứu dài hạn, trung hạn và hàng năm; tổ chức, triển khai thực hiện các kế hoạch được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt và các nhiệm vụ nghiên cứu khác được Đảng và Nhà nước giao cho, có liên quan đến sự phát triển của Ấn Độ và khu vực Tây Nam Á.
+ Kết hợp nghiên cứu với đào tạo, tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và các lĩnh vực khác có liên quan đến sự phát triển của Ấn Độ và khu vực Tây Nam Á.
+ Thẩm định hoặc tham gia thẩm định về mặt khoa học các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo sự ủy quyền của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
+ Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
+ Thực hiện các tư vấn khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện.
+ Tổ chức, thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo theo quy định hiện hành.
+ Trao đổi thông tin khoa học với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài theo qui định của pháp luật; xây dựng và quản lý tư liệu, thư viện của Viện; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức khoa học.
+ Ký kết, thực hiện các hợp đồng nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
+ Quản lý về tổ chức, bộ máy, viên chức, tài chính, tài sản của Viện theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHỦ YẾU
1. Về công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Là một viện mới thành lập nhưng Viện đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng như hợp tác quốc tế và đã đạt được một số kết quả ban đầu. Điển hình là Viện đã tiến hành những hoạt động và công trình nghiên cứu tiêu biểu dưới đây:
- Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế chủ đề Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh quốc tế mới đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ Việt Nam - Ấn Độ (7/01/1972 - 7/01/2012). Đã xuất bản cuốn Kỷ yếu của Hội thảo gồm 25 bài viết, tham luận khoa học của các học giả trong và ngoài nước.
- Tích cực tham gia các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ do Đại sứ quán Ấn Độ và Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tổ chức (Tham gia triển lãm tranh của các họa sĩ Ấn Độ và Việt Nam tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ và tại Việt Phủ Thành Chương; lễ ra sách Những dấu ấn văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam của Geetesh Sharma tại Đại sứ quán Ấn Độ, tham gia hội thảo quốc tế về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ do Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Học viện Ngoại giao và Hội đồng Đối ngoại Ấn Độ tổ chức tại khách sạn Melia, Hà Nội…).
- Ký kết 01 Bản ghi nhớ (MOU) với Viện nghiên cứu Châu Á Maulana Abul Kalam Azad, Kolkata, Ấn Độ ngày 14 tháng 2 năm 2012.
- Lãnh đạo Viện tham gia phái đoàn của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 25/3 đến ngày 2/4/2012. Trong chuyến thăm này, Lãnh đạo Viện đã tham gia thỏa thuận và ký kết các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo; cụ thể đã ký kết chương trình hợp tác với các Trường đại học Jawaharlal Nehru và Đại học Delhi, Ấn Độ.
- Mời các diễn giả nước ngoài nói chuyện chuyên đề về Ấn Độ và khu vực Tây Nam Á như GS. Armajiva Lochan nói chuyện về Những con đường thương mại giữa Ấn Độ và Đông Nam Á ngày 8/6/2012; TS. Sreeradha Dutta nói chuyện về Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh gia tăng hội nhập ở châu Á - Thái Bình Dương ngày 20/7/2012; GS. Mathew Chandrankunnel nói chuyện về Ấn Độ và các tôn giáo Ấn Độ ngày 7/9/2012; TS. Ranvijay Sinha nói chuyện về Sự tiến thoái lưỡng nan trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ ngày 10/10/2012).
- Cử cán bộ nghiên cứu, học giả của Viện tham gia các hội thảo quốc tế như Hội thảo về Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được tổ chức tại Delhi, Ấn Độ vào tháng 2/2012; Hội thảo về Rabindranath Tagore tại Perth, Australia vào tháng 5/2012; Hội thảo về biến đổi khí hậu tại Huế vào tháng 6/2012; Hội thảo về văn minh Chăm tại Đà Nẵng vào tháng 6/2012, Hội thảo về đối thoại văn minh giữa Ấn Độ và ASEAN tại Patna, Ấn Độ vào tháng 7/2012; Hội thảo về Mahatma Gandhi tại New Delhi, Ấn Độ vào tháng 8.
- Cử cán bộ tham gia Đại hội đại biểu và Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt - Ấn khóa 3 (nhiệm kỳ 2012 - 2017).
- Đón đoàn vào: Phái đoàn Viện Nghiên cứu châu Á Maulana Abul Kalam Azad vào làm việc với Viện từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 2012: Ký kết thư thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và lên kế hoạch phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế trong năm 2013. Làm việc với Hội đồng Đối ngoại Ấn Độ ICWA (Indian Council of World Affairs) ngày 18 tháng 7.
- Đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã đến thăm và làm việc tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi từ ngày 22 đến 27 tháng 10 năm 2012, xúc tiến việc ký kết 01 MOU với Khoa Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Jawaharlal Nehru.
- Thực hiện đề tài cấp Bộ: Một số vấn đề kinh tế và chính trị cơ bản của Ấn Độ thập niên đầu thế kỷ XXI và dự báo xu hướng phát triển đến năm 2020.
- Tổ chức thành công hội thảo quốc tế chủ đề Ấn Độ và Tây Nam Á: những mối liên hệ trong lịch sử và hiện tại vào ngày 18/12/2012.
- Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm khoa học với những chủ đề, khía cạnh khác nhau về kinh tế Ấn Độ; Tổ chức sinh hoạt khoa học hàng tuần cho nhóm cán bộ nghiên cứu của Viện, tập trung vào việc trao đổi kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu khoa học và nâng cao ngoại ngữ phục vụ nghiên cứu.
- Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á được thành lập và đi vào hoạt động, là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi thông tin, công bố các công trình khoa học thuộc lĩnh vực nghiên cứu.
2. Một số công tác khác
- Về công tác tổ chức - cán bộ: Viện đã quan tâm tuyển dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ toàn diện về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ của Viện được tuyển dụng, hợp đồng từ nhiều nguồn khác nhau, cơ bản đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Toàn Viện hiện có 17 cán bộ, viên chức và lao động, trong đó có 10 cán bộ trong biên chế, còn lại là hợp đồng. Về học hàm, Phó giáo sư: 01; Học vị, Tiến sĩ: 01; Thạc sỹ: 4. Còn lại một số cán bộ nghiên cứu đang làm nghiên cứu sinh, theo học Thạc sỹ trong hoặc ngoài nước. Công tác tổ chức - hành chính đã tập trung vào các công việc ổn định tổ chức và hoạt động đối nội, đối ngoại; mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, đảm bảo kinh phí hoạt động, thu chi tài chính theo kế hoạch, đúng quy định…
- Công tác Đảng, đoàn thể: Viện đã quan tâm kiện toàn các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội. Chi bộ hiện gồm 06 đồng chí (05 đảng viên chính thức, 01 đảng viên dự bị), năm 2012 được Đảng ủy cấp trên công nhận là chi bộ “Trong sạch, vững mạnh”. Các tổ chức chi đoàn thanh niên, công đoàn cơ sở cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động, phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp quần chúng, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020
Tập trung triển khai có chất lượng và hiệu quả cao công tác nghiên cứu cơ bản về đất nước Ấn Độ và khu vực Tây Nam Á, thực hiện những đề tài, công trình nghiên cứu có giá trị nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách đối ngoại; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và các hoạt động khoa học khác; kiện toàn cơ cấu tổ chức, xây dựng và nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thực hiện phương châm “Chất lượng - Đồng bộ - Đổi mới và Đột phá phát triển”, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á phát huy tối đa các nguồn lực, quyết tâm xây dựng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thành một đơn vị hàng đầu trong hệ thống các cơ quan, đơn vị nghiên cứu về Ấn Độ và Tây Nam Á trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát như trên, trong thời gian tới, Viện tiến hành các giải pháp sau:
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và các hoạt động khoa học theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Viện, trước mắt tập trung nghiên cứu về Ấn Độ trên các lĩnh vực chủ yếu, từng bước mở rộng phạm vi vấn đề và khu vực nghiên cứu ra các nước thuộc khu vực Tây Nam Á, châu Á và toàn cầu. Đảm nhận và hoàn thành tốt các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cơ sở. Đề xuất các hướng nghiên cứu và đề tài mới.
- Đẩy mạnh hoạt động của Tạp chí và Website, nâng cao chất lượng tin, bài, thực sự tạo được diễn đàn quan trọng, hữu ích của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước.
- Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác với các cá nhân và tổ chức khoa học trong và ngoài nước. Chủ trì và phối hợp tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo quốc tế về các chủ đề trong phạm vi nghiên cứu.
Đề xuất cử các đoàn cán bộ, nhà khoa học sang Ấn Độ và các nước thuộc khu vực nghiên cứu; mời các đoàn, nhà khoa học các nước trong khu vực sang Việt Nam trao đổi, hợp tác. Huy động các học bổng, các khoá đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, học sinh, sinh viên về Ấn Độ và tại Ấn Độ cũng như các nước khác thuộc khu vực Tây Nam Á.
- Lập kế hoạch nghiên cứu, kế hoạch thu chi tài chính - sử dụng ngân sách từng năm. Đề xuất và huy động các nguồn lực và kinh phí trang bị phòng làm việc, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, đảm bảo các hoạt động của Viện ổn định và ngày càng mở rộng, phát triển. Xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện chế độ dân chủ, công khai và minh bạch về tài chính; phòng chống với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
- Tiếp tục tuyển dụng biên chế và hợp đồng cán bộ; kiện toàn tổ chức và hoạt động của các phòng ban nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Quan tâm đào tạo, bồi đưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đạo đức lối sống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ kế cận. Phấn đấu đến năm 2020, biên chế toàn Viện đạt 25 cán bộ nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu.
- Đảm bảo vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ đối với các hoạt động của Viện và tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở; quan tâm công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới cho chi bộ. Phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, chi đoàn thanh niên tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức đảng và đoàn thể quần chúng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chi bộ và chi đoàn thanh niên, công đoàn cơ sở hoạt động có hiệu quả nhằm phát huy dân chủ, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, triển khai tốt các cuộc vận động của Đảng, các phong trào của quần chúng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cả đơn vị. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức và người lao động trong cơ quan./.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
(*) PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, và Lê Chí Nam, viết.