I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Năm 1973, ngay trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra hết sức ác liệt, được sự cho phép của Chính phủ, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam đã ký quyết định thành lập Ban Đông Nam Á. Mười năm sau, theo đề nghị của Ủy ban Khoa Xã hội Việt Nam, ngày 09 tháng 9 năm 1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Nghị định số 96/HĐBT thành lập Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ngày 22 tháng 5 năm 1993 Chính phủ đã có Nghị định số 23/CP và ngày 26 tháng 12 năm 2012 Thủ tướng chính phủ đã ký nghị định số 109/2012/NĐ-CP để khẳng định lại.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (tên giao dịch tiếng Anh là Institute for Southeast Asian Studies viết tắt ISEAN) là một Viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ (Theo quyết định số 384/QĐ-KHXH ngày 27/2/2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):
1. Là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về khu vực Đông Nam Á dưới góc độ khu vực và đất nước học, nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước đối với khu vực; phục vụ nghiên cứu giảng dạy, truyền bá kiến thức về Đông Nam Á; tổ chức tư vấn và tham gia đào tạo đại học và sau đại học về Đông Nam Á, phát triển tiềm lực về nghiên cứu Đông Nam Á của cả nước.
2. Có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, hoạt động từ ngân sách nhà nước; là đơn vị kế hoạch tài chính của Viện Hàm lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
3. Ngoài việc thực hiện theo chức năng trên Viện còn có nhiệm vụ nghiên cứu quan hệ giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á và với bên ngoài, phản biện các chương trình dự án theo yêu cầu của bộ, ngành, địa phương và sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, trao đổi, phổ biến thông tin, kết quả nghiên cứu, quản lý tổ chức bộ máy và tài sản theo quy định của nhà nước.
Các thế hệ Lãnh đạo qua các thời kỳ
1) Người sáng lập Viện: GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn
2) Từ 1973 - 1975:
- Trưởng ban: Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh.
- Phó trưởng ban: Nhà nghiên cứu Phan Gia Bền.
3) Từ 1975 - 1983:
- Trưởng ban: GS.TS. Phạm Đức Dương.
- Phó trưởng ban: GS. Nguyễn Tấn Đắc.
4)Từ 1983 - 1994:
- Viện trưởng: GS.TS. Phạm Đức Dương.
- Các Phó Viện trưởng:
GS. Nguyễn Tấn Đắc (1983 - 1992).
TS. Phạm Đức Thành (1991 - 1994).
5)Từ 1994 đến 03-2006:
- Viện trưởng: PGS.TS. Phạm Đức Thành.
- Các Phó Viện trưởng:
PGS.TS. Nguyễn Thu Mỹ (1994 -1999).
PGS.TS. Ngô Văn Doanh (1999 -2006).
TS. Nguyễn Sỹ Tuấn (1999 - 2007).
6) Từ 3/2006 - 8/2007:
- Viện trưởng: PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh.
- Phó Viện trưởng: TS. Nguyễn Sỹ Tuấn.
7) Từ 9/2007 - 12/2011:
- Viện trưởng: PGS.TS. Nguyễn Sỹ Tuấn.
- Các Phó Viện trưởng: PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng.
Cơ cấu tổ chức
Tổ chức (cấp phòng) nghiên cứu:
- Phòng Nghiên cứu Chính trị và Quan hệ quốc tế.
- Phòng Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội.
- Phòng Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa.
- Phòng Nghiên cứu Lào.
- Phòng Nghiên cứu Campuchia.
- Phòng Nghiên cứu Thái Lan và Myanma.
- Phòng Nghiên cứu các nước Hải đảo ( Indonesia, Malaysia, Bruney,
Philippin, Singapore, Leste Timor).
- Trung tâm ASEAN - Nhật Bản.
Tổ chức ( cấp phòng) chức năng, nghiệp vụ:
- Phòng Tổ chức - Hành chính.
- Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế.
- Phòng Thông tin - Thư viện.
III. NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ KHOA HỌC
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là Viện nghiên cứu liên ngành và đa ngành, do vậy những đóng góp khoa học được nêu ra ở đây cũng phản ánh tính liên ngành, đa ngành.
A. Đông Nam Á là một khu vực lịch sử, văn hóa
1. Nhận thức
Trong những năm trước thập niên 70, ở Việt Nam khi nói về Đông Nam Á, giới tri thức hiểu rất mơ hồ về khu vực này. Kể từ sau khi thành lập Viện Nghiên cứu Đông Nam Á mà tiền thân là Ban Đông Nam Á (1973-1983) đã định hướng hệ thống đề tài nghiên cứu, về mặt lịch sử, văn hóa là:
+ Có một nền văn minh cổ Đông Nam Á, khu biệt với nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Đó là nền văn minh lúa nước có nguồn gốc bản địa với những đặc trưng văn hóa dân tộc người, những cốt cách bản lĩnh của các dân tộc riêng của mình.
+ Sự hình thành các Quốc gia - Dân tộc cổ đại ở Đông Nam Á và sự xuất hiện những nền văn hóa khác nhau ở Châu Á, trước hết là Ấn Độ và Trung Hoa.
Hai vấn đề lớn trên cho phép hình dung được một bức tranh toàn cảnh về phương diện lịch sử, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, trong đó lịch sử không chỉ là một nội dung khoa học cơ bản cần phải nghiên cứu mà còn là khung phân tích để hiểu sâu sắc về văn hóa.
2. Đóng góp khoa học
a/ Về lịch sử
Trong lĩnh vực nghiên cứu sử học, đóng góp đầu tiên phải kể đến lĩnh vực khảo cổ học tiền sử. Có thể nói cho đến nay ở trong nước và quốc tế chưa có một công trình nào trình bày một cách tổng hợp và toàn diện về tiền sử Đông Nam Á. Chính vì vậy ngay từ khi thành lập, Viện đã tập trung nghiên cứu về khảo cổ học khu vực và đã hoàn thành công trình về khảo cổ học tiền sử Đông Nam Á.
Qua bản thảo công trình Khảo cổ học tiền sử Đông Nam Á, nhóm tác giả Cao Xuân Phổ, Vũ Công Quý, Ngô Thế Phong và Trịnh Năng Chung đã nêu lên những nhận xét có giá trị khoa học. Đó là:
+ Trước khi tiếp xúc với nền văn minh Trung Hoa ở phía Bắc và văn minh Ấn Độ ở phía Nam, Đông Nam Á đã có nền văn minh bản địa phát triển liên tục từ sơ kỳ thời đại đá cũ đến hậu kỳ đồng thau - sơ kỳ sắt.
+ Qua lịch sử hình thành các vùng đất khác nhau và sự biến đổi của môi trường tự nhiên Đông Nam Á, chúng ta có thể khẳng định trong suốt thời Cánh tân điều kiện tự nhiên ở Đông Nam Á không thay đổi nhiều so với hiện nay. Môi trường tự nhiên này rất thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển con người ở đây và đã hình thành nên những đặc điểm của văn hóa. Đồng thời qua những phát hiện về cổ nhân ở Đông Nam Á đã khẳng định khu vực này là nơi chứng kiến buổi bình minh của loài người và là một trong những trung tâm hình thành các chủng tộc cũng như những đặc điểm con đường phát triển thời đại đá cũ ở Đông Nam Á.
+ Kế tiếp sau hậu kỳ đá mới, cư dân tiền sử Đông Nam Á bước vào thời đại kim khí với kỹ nghệ luyện kim đồng thau - sắt phát triển, cư dân Đông Nam Á dần dần hình thành những trung tâm kim khí lớn như trung tâm Đông Sơn (Bắc Việt Nam), Trung tâm Sa Huỳnh (Trung Việt Nam), Trung tâm Bắc Chùa (Nam Việt Nam), Trung tâm Non Noktha - Bản Chiêng (Đông Bắc Thái Lan) Trung tâm Đôntaphet - Lopburi (Trung Thái Lan) Trung tâm Mluprei - SamroomSen (Campuchia) Trung tâm Luổng Phabang (Lào)… Các trung tâm kim khí này có quan hệ mật thiết với nhau. Các trung tâm kim khí trên là tiền đề kinh tế - xã hội cho sự ra đời các quốc gia cổ đại Đông Nam Á vào những thế kỷ sau đầu Công nguyên.
Bên cạnh những đóng góp về khảo cổ học tiền sử là những đóng góp về nghiên cứu hình thành, phát triền và suy vong của các quốc gia cổ đại Đông Nam Á. Các nhà nghiên cứu của Viện cho rằng các vương quốc cổ trong khu vực này đã ra đời trong các vùng lưu vực các con sông. Cư dân ở đây đã sớm biết trồng lúa là cây lương thực chính, đã biết thuần dưỡng trâu bò làm sức kéo. Họ là những người thạo nghề đi biển và sông nước. Họ đã biết làm đồ gốm, chặt cây làm nhà, chăn nuôi gia cầm, dệt vải.
Trước đây người ta chủ yếu nói đến giao thương Ấn Độ - Đông Nam Á, Trung Quốc - Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu của Viện như Ngô Văn Doanh, Nguyễn Thị Thi cho rằng bên cạnh các con đường giao thương ấy còn có con đường tơ lụa trên biển không chỉ nối liền Ấn Độ với Đông Nam Á mà còn nối liền Trung Quốc - Đông Nam Á - Ấn Độ - Thế giới Ả Rập và phương Tây. Chính sự phát triển của những con đường tơ lụa trên biển đó đã là một trong những yếu tố chính tạo nên những nhà nước phong kiến hùng mạnh, những đô thị, thương điếm, hải cảng sầm uất ở Đông Nam Á mà trong đó những người di trú Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập đóng vai trò không nhỏ; đồng thời tạo ra những bước chuyển văn hóa và xuất hiện những tôn giáo mới, tư tưởng mới trong khu vực.
Ngoài những bài viết về các vấn đề lịch sử Đông Nam Á đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, gần đây các nhà khoa học của Viện và bên ngoài đã đã hoàn thành Bộ Lịch sử Đông Á gồm 6 tập do PGS.TSKH. Trần Khánh làm Tổng chủ biên. Đến nay, công trình đã ra mắt được 3 tập: Tập IV, V, VI.
- Tập IV Đông Nam Á trong thời kỳ thuộc địa và phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc (từ thế kỷ XVI đến 1945) do PGS.TSKH. Trần Khánh chủ biên, Nxb.KHXH 2012, với các đóng góp mới:
+ Xác định rõ hơn thời điểm thiết lập chế độ thực dân phương Tây tại khu vực Đông Nam Á, nêu lên tính phổ quát và yếu tố đặc thù, các dạng khác nhau của chế độ cai trị thuộc địa và sự phát triển của CNTB ở khu vực này.
+ Làm rõ hơn quá trình di trú, biến đổi dân cư và sự hình thành các cộng đồng dân nhập cư như người Hoa, người Ấn Độ, người lai Á - Âu và vai trò của họ trong phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa của Đông Nam Á dưới thời thuộc địa.
+ Góp phần làm rõ hơn các mối quan hệ quốc tế trong khu vực, trong đó chú trọng nhiều hơn ảnh hưởng của văn hóa pháp luật phương Tây đối với các biến đổi của Đông Nam Á.
+ Phân tích hai xu hướng tư sản và vô sản trong phong trào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á diễn ra từ những thập niên đầu thế kỷ XX…chỉ rõ thêm tính quyết liệt và nét độc đáo của phong trào và góp phần lý giải các con đường khác nhau đi đến độc lập và sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội chính trị của các nước này sau khi giành được độc lập.
- Tập V Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và xây dựng đất nước (từ năm 1945 đến 1990) do PGS.TS. Phạm Đức Thành làm chủ biên, Nxb.KHXH năm 2012 với các đóng góp mới:
+ Tập trung làm rõ Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước (1945-1975).
+ Không chỉ xem xét những biến đổi chung về kinh tế - chính trị, văn hóa, an ninh của khu vực mà kết quả nghiên cứu còn chỉ ra những thành công và hạn chế của từng nước Đông Nam Á giai đoạn 1945 đến 1990. Nhờ đó, đã góp phần khắc họa rõ nét hơn diện mạo lịch sử, tính đa dạng và phong phú của Đông Nam Á trong giai đoan này.
- Tập VI Đông Nam Á trong thời kỳ hòa bình, phát triển và hội nhập (1991-2010) do PGS.TS. Nguyễn Thu Mỹ làm chủ biên với các đóng góp mới:
+ Phân tích và làm rõ quá trình phấn đấu vì hòa bình, an ninh, phát triển và hội nhập của Đông Nam Á từ năm 1991 tới 2010 với tư cách là một giai đoạn khá nhiều biến động phức tạp và luôn biến đổi đầy bất ngờ.
+ Chỉ ra những biểu hiện mới trong sự phát triển của chủ nghĩa khu vực, canh tranh ảnh hưởng và quyền lợi giữa các nước lớn ở Đông Nam Á thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, vai trò và vị thế của ASEAN trong hợp tác Đông Á…
+ Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các chiến lược phát triển mới của các quốc gia Đông Nam Á sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998 và các vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng các giá trị văn hóa dân tộc, hiện đại và giữ gìn bản sắc dân tộc, khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa…
b/ Về văn hóa
Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, trước hết phải kể đến những công trình của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, người trưởng ban đầu tiên của Đông Nam Á. Ông đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ba tác phẩm của ông Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam; Người anh hùng làng Dóng; Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ. (Đây là những công trình đã được hoàn thành trước khi ông trở thành người lãnh đạo đầu tiên của Ban Đông Nam Á). Theo ông, người ta áp dụng phương pháp tiếp cận của việc nghiên cứu văn học thành văn vào nghiên cứu văn học dân gian, còn ông đã đưa văn học dân gian trở về với sinh hoạt văn hóa dân gian, từ đó thực hiện những luận đề nghiên cứu nó.
Một trong những đóng góp khác về nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á là các nhà nghiên cứu văn hóa của Viện đã làm rõ quá trình tiếp xúc văn hóa thể hiện qua độ khúc xạ của các hiện tượng ngoại lai. Độ khúc xạ đó thể hiện việc bản địa hóa các yếu tố vay mượn tùy theo cách ứng xử và sự lựa chọn của mỗi dân tộc.
Nếu như trước đây sự tiếp xúc giữa Đông Nam Á với Trung Hoa và Ấn Độ đã góp phần hình thành các quốc gia cổ đại với những nền văn hóa truyền thống, thì trong thời cận, hiện đại sự tiếp xúc với phương Tây đã khẳng định ý thức độc lập dân tộc và con đường đi vào xã hội hiện đại của cư dân Đông Nam Á. Những chặng đường tiếp xúc đó làm cho xã hội Đông Nam Á vốn đã đa dạng càng đa dạng hơn.
Xin nêu ra một số lĩnh vực chủ yếu phản ánh quan điểm học thuật trên.
-
Tiếp xúc ngôn ngữ là một đóng góp quan trọng của hai nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc và Phạm Đức Dương. Trong công trình Tiếp xúc ngôn ngữ, hai tác giả, bằng quan điểm tiếp xúc ngôn ngữ, và xét trên hai bình diện cơ tầng và cơ chế, đã đưa ra những kết luận quan trọng: Quá trình tiếp xúc của Đông Nam Á với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ diễn ra khoảng hai thế kỷ nhưng không làm thay đổi được cấu trúc văn hóa Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á chỉ vay mượn văn tự của Ấn Độ và Trung Hoa để xây dựng ngôn ngữ văn tự Quốc gia. Dù vay mượn bao nhiêu đi chăng nữa văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa không thể phá vỡ được cấu trúc ngôn ngữ Đông Nam Á. Trái lại chỉ tiếp xúc với văn hóa phương Tây trong vòng nửa thế kỷ nhưng văn hóa Đông Nam Á đã được cấu trúc lại theo hướng hiện đại hóa. Họ vay mượn chữ viết Latinh để xây dựng lại chữ viết của mình và đi theo cấu trúc cú pháp của ngôn ngữ Châu Âu.
-
Từ quan điểm tiếp xúc văn hóa, các nhà nghiên cứu văn học của Viện như Nguyễn Tấn Đắc, Nguyễn Đức Ninh, Vũ Tuyết Loan… đã đưa ra giả thiết để làm rõ về sự khác biệt trong sự phát triển văn học thành văn ở các nước Đông Nam Á. Giả thiết cho rằng những quốc gia nào chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa (như Việt Nam) thì quốc gia đó có nhiều thành tựu về văn học thành văn; còn những quốc gia nào chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ (như Campuchia, Indonexia) thì nghệ thuật kiến trúc lại có nhiều thành tựu hơn.
Cũng từ nhận thức như vậy nên các nhà nghiên cứu văn học của Viện cho rằng Văn học Đông Nam Á còn được “hòa” trong văn hóa, đan xen và liên kết chặt chẽ với các loại hình nghệ thuật khác để thể hiện cảm xúc tình cảm, tư tưởng con người và xã hội. Phải dùng phương pháp đa ngành liên ngành để lý giải các hiện tượng và quá trình văn học Đông Nam Á. PGS.TS. Ngô Văn Doanh đã để lại nhiều dấu ấn với các công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm. Đây cũng là mảng nghiên cứu mà tác giả đã theo đuổi suốt nhiều thập niên qua và có nhiều đóng góp vào nghiên cứu văn hóa của Viện nói chung, văn hóa Chăm nói riêng.
-
Trong lĩnh vực dân tộc học, các nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Duy Thiệu… đã có những đóng góp đáng kể:
- Quan điểm nghiên cứu về văn hóa - tộc người. Trong lĩnh vực này các Nghiên cứu đi theo hướng nghiên cứu mới – cảnh quan môi trường. Trong công trình Cảnh quan đồng bằng, các nhà dân tộc học của Viện, đã đưa ra nhận xét về: cảnh quan biển và ven biển; cảnh quan đồng bằng; cảnh quan trung du; cảnh quan núi (bao gồm thung lũng chân núi, sườn núi dốc và các mặt bằng trên núi cao). Mỗi loại cảnh quan như thế quy định một dạng thức văn hóa khác nhau. Cảnh quan đa dạng dẫn tới văn hóa đa dạng và theo đó là tộc người đa dạng. Tuy nhiên trong cái đa dạng của cảnh quan ấy, bức tranh văn hóa - tộc người vẫn nổi lên những đặc điểm chung. Đó là các cư dân trong khu vực đều nói các ngôn ngữ tiền Nam đảo; có nền văn hóa (thuộc văn minh nông nghiệp) giống nhau; vị thế của người phụ nữ trong xã hội được đề cao.
- Quan điểm nghiên cứu xã hội - tộc người với ba dạng tổ chức xã hội (1) Thiết chế xã hội kiểu làng xã vùng đồng bằng; (2) Thiết chế xã hội vùng thung lũng chân núi kiểu các Mường tiền Nhà nước, (3) Thiết chế chế độ tù trưởng trên các vùng nông nghiệp khô.
Có thể nói thành công nổi bật nhất của nghiên cứu dân tộc, một thành tố quan trọng của nghiên cứu văn hóa là đã dấy lên trong giới nghiên cứu một tinh thần nghiên cứu theo kiểu mô tả, phân tích, so sánh, nhận thức các vấn đề về văn hóa - xã hội cụ thể của các dân tộc người ở Việt Nam trong bối cảnh của khu vực Đông Nam Á. Bởi lẽ các nhà nghiên cứu dân tộc của Viện đã làm rõ một sự thật là từ cổ đại cho đến nay, các quốc gia Đông Nam Á đều là các quốc gia đa dân tộc, trong đó có các dân tộc chủ thể, đồng thời một cộng đồng tộc người lại có thể sinh sống trên lãnh thổ nhiều quốc gia.
Về nghiên cứu Thái Lan trong những năm qua Viện đã hợp tác nghiên cứu với các nhà Thái học của Thái Lan nghiên cứu đề tài Thái ngoài Thái Lan và đã thu được một số kết quả cụ thể sau:
Thái ngoài Thái Lan (Thai outside Thailand) thực ra phải được hiểu là nhóm các tộc người nói tiếng Thái - kadai mà không phải là người Xiêm. Khái niệm này xuất hiện ở Thái Lan vào những năm đầu thập niên 70, bao hàm trong đó có cả tộc người nói tiếng Thái - Kadai cư trú ở Thái Lan như Lào, Lự, San, Phu Thay… Ở bên ngoài lãnh thổ Thái Lan, chỉ trừ người Lào cố kết đến trình độ quốc gia dân tộc còn lại nhóm các tộc người thuộc nhóm này chỉ cố kết ở cấp độ bang (như bang Shan ở Myanma) và đại đa số chỉ ở cấp độ nào thì nhìn chung về đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng này còn ở trình độ thấp hơn nhiểu so với nhiều người Thái (Xiêm) ở Thái Lan, chính vì vậy mà các đặc điểm văn hóa cổ truyền ở họ còn được bảo lưu. Bởi thế để tìm hiểu nguồn gốc về mặt văn hóa và tộc người của mình thì các nhà nghiên cứu Thái Lan buộc phải nghiên cứu người Thái ngoài Thái Lan. Nhóm này đã hợp tác nghiên cứu trên diện rộng tại tất cả các khu vực có các tộc người nói tiếng Thái - Kadai cư trú như nam Trung Quốc, Myanma, Lào, bang Ahom ở Ấn Độ… Trong nhiều năm, nhóm này đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á để tìm hiểu các tộc người nói ngôn ngữ Thái - Kadai ở Việt Nam. Về mặt chuyên môn có thể ghi nhận các nhà nghiên cứu trong nhóm hợp tác đã thu nhận được một số kết quả rất khả quan:
+ Trước hết nhờ vào việc nghiên cứu so sánh trên diện rộng nên các nhà nghiên cứu đã có chung nhận xét: các đặc điểm văn hóa truyền thống Thái (như trồng trọt, kiến trúc nhà ở, trang phục, các dạng thức ăn, cách chữa bệnh, cấu trúc bản mường, các nghi thức công nghiệp cũng như hội lễ, cách thức thờ phụng tổ tiên, các dạng văn bản ghi về quá trình lập dựng bản Mường.v.v…) của người Thái nói chung được bảo lưu tốt nhất ở Việt Nam. Và với một số ấn phẩm bước đầu (sách và phim) bằng tiếng Thái và tiếng Anh được phát hành rộng rãi ở trong và ngoài Thái Lan, đoàn nghiên cứu đã góp phần quảng bá cho ngành du lịch Việt Nam.
+ Cũng nhờ nghiên cứu trên diện rộng mà các nhà nghiên cứu đã nhận thức sâu hơn về quá trình thiên di từ Nam Trung Quốc cũng đồng thời là quá trình chia tách tộc người của các tộc người thuộc nhóm Thái - Kadai ở Việt Nam. Bởi vậy mà giữa các tộc người hiện nay có quan hệ nguồn gốc rất đa dạng. Ví như quan hệ giữa người Tày và người Nùng, quan hệ giữa người Tày và người Thái, quan hệ giữa các nhóm Cao Lan với Sán Chay.v.v…
+ Thứ nữa có thể nói đến vấn đề Thái đỏ. Trong khi các nhà Thái học ở Việt Nam đều phủ nhận sự tồn tại của nhóm Thái đỏ, thì bằng việc nghiên cứu so sánh trên diện rộng và kết hợp nghiên cứu đồng đại với nghiên cứu lịch đại, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm hợp tác này lại cho rằng Thái đỏ đã từng tồn tại phổ biến ở Thanh, Nghệ và ở Lào. Bởi các điều kiện bắt buộc của lịch sử mà sau này nhóm Thái đỏ đã thay đổi tên gọi tộc người, hòa vào trong cộng đồng Thái nói chung (Thái đen, Thái trắng), dẫu vậy đến nay nếu các nhà nghiên cứu tinh ý vẫn có thể nhận ra, trên thực địa, những nét khu biệt về văn hóa của nhóm Thái đỏ. Để đi tới kết luận cuối cùng còn cần phải khảo sát sâu hơn, nhưng hiện tại có thể coi nhận xét của nhóm này như một hướng mới để tiếp tục nghiên cứu.
-
Lĩnh vực tôn giáo, các nhà nghiên cứu của Viện nhận ra rằng tôn giáo và tín ngưỡng ở Đông Nam Á luôn là những thành tố quan trọng nếu không muốn nói có tính quyết định hình thành nên những đặc trưng văn hóa khu vực. Tuy nhiên trong phạm vi tôn giáo hiện đại, bên cạnh việc nghiên cứu Phật giáo, Viện tập trung nghiên cứu Islam và đã có những đóng góp bước đầu. Nhà nghiên cứu Islam Phạm Thị Vinh với một số bài viết và đặc biệt là luận án TS của mình Vai trò của Islam (Hồi giáo) trong đời sống chính trị và văn hóa ở Malaysia, đã đưa ra những nhận xét có giá trị về 1) Sự du nhập hồi giáo vào Đông Nam Á. Theo Phạm Thị Vinh, trước đây người ta nói nhiều đến Islam vào Đông Nam Á qua con đường Ấn Độ (Ả rập - Ấn Độ - Đông Nam Á). Do vậy Islam Đông Nam Á mang đậm bản sắc thái Islam Ấn Độ. Qua nghiên cứu chúng ta thấy Islam còn vào Đông Nam Á trực tiếp từ Ả rập. Chính vì thế các thương gia Ả rập đã có đóng góp to lớn đối với sự phát triển của Islam ở Đông Nam Á. 2) Về vai trò của Islam trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội, các nhà nghiên cứu Islam của Viện cho rằng đối với các quốc gia Islam như Malaysia, Indonesia thì chính phủ các nước đó đã thay đổi chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp với chính sách bảo vệ và hỗ trợ sự phát triển của Islam. 3) Các nhà nghiên cứu Islam của Viện còn cho rằng Islam ở Đông Nam Á là yếu tố liên kết dân tộc, vừa là yếu tố gây chia rẽ và có nguy cơ dẫn đến xung đột tôn giáo và sắc tộc, gây bất ổn định về chính trị và vẹn toàn lãnh thổ. Các nghiên cứu gần đây về tôn giáo Đông Nam Á của TS. Phạm Thị Vinh, PGS.TS. Trương Sỹ Hùng… tiếp tục làm sáng tỏ hơn những đặc điểm và biến đổi mới của tôn giáo trong dòng chảy phát triển chung của khu vực.
-
Dù mảng xã hội nói chung của Đông Nam Á chưa được nghiên cứu nhiều, song các nhà khoa học của Viện đã để lại dấu ấn với nhiều công trình khá tiêu biểu. Đó là: Một số vấn đề về xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Đông Nam Á, do TS. Phạm Thị Vinh chủ biên, Nxb.KHXH 2008, hoặc công trình Xã hội dân sự ở Malaisia và Thái Lan, do TS. Lê Thị Thanh Hương chủ biên, Nxb.KHXH 2009... và nhiều công trình khác đã phân tích và chỉ rõ nguồn gốc, thực chất, diễn biến và nguyên nhân của các xung đột sắc tộc ở một số nước Đông Nam Á: Vấn đề Aceh ở Indonesia, sắc tộc ở Myanma, Thái Lan… Các đặc điểm chung, riêng về xã hội dân sự của Đông Nam Á và ở một số nước như Malaisia, Thái Lan,…
+ Đóng góp quan trọng trong lĩnh vực văn hóa là các công trình về “Từ điển lịch sử và văn hóa”.
Đây là chương trình được đầu tư công phu với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài viện nhằm nghiên cứu, biên soạn một số từ điển lịch sử và văn hóa của các nước Đông Nam Á. Cho đến nay đã xuất bản được 2 cuốn: PGS.TS. Nguyễn Thị Thi: Từ điển lịch sử và văn hóa Lào Nxb.KHXH, Hà Nội năm 2012 và cuốn Từ điển lịch sử và văn hóa Malaisia của GS.TS. Nguyễn Đức Ninh, Nxb.KHXH, Hà Nội năm 2012 với các đóng góp mới:
+ Đây là loại từ điển chuyên ngành mang tính chất thông tin bách khoa. Tuy là từ điển chuyên ngành nhưng kiến thức về một quốc gia lại là sự tổng hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau. Do vậy, xét ở phạm vi khu vực thì nó thuộc loại từ điển chuyên về một nước (đất nước học), nhưng trong lĩnh vực về đất nước học thì từ điển lại mang tính đa ngành.
+ Về mặt văn hóa từ điển dung chứa văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng, tổ chức đời sống cá nhân, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
+ Đóng góp quan trọng của công trình từ điển lịch sử văn hóa chính là góp phần vào chương trình hành động xây dựng cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN. Dự kiến hoàn thành vào năm 2015.
B. Đông Nam Á là khu vực chiến lược, phát triển hiện đại
1. Nhận thức
Có thể nhận ra rằng mảng nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại ở đầu thập kỷ 70 chưa có nhiều thành tựu đáng kể. Ngay sau khi Viện thành lập, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã tập trung vào ba hướng nghiên cứu sau:
+ Sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây và phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á.
+ Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến lên xã hội hiện đại; Triển vọng về một Đông Nam Á trong thế kỷ XXI.
+ Quan hệ Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Những bài học lịch sử và hiện đại.
2. Những đóng góp
-
Về phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á
Qua nghiên cứu về Phong trào dân tộc, các nhà nghiên cứu trong Viện như Nguyễn Huy Hồng, Nguyễn Hào Hùng đã nêu ra những đặc điểm chung của phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực là 1) Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX xu hướng chủ đạo trong phong trào giải phóng dân tộc là trào lưu dân chủ tư sản; 2) Sự song song tồn tại hai khuynh hướng dân chủ tư sản và vô sản trong phong trào giải phóng dân tộc; 3) Các con đường khác nhau đi tới độc lập dân tộc. Trong đó con đường đấu tranh bằng bạo lực cách mạng đã có tác động quan trọng đến các con đường đấu tranh khác như nghị trường, đòi trao trả độc lập…
Một đóng góp quan trọng của Viện là đề xuất về sự hòa hợp các dân tộc ở Đông Nam Á. Trong công trình “Hòa hợp dân tộc ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia…” ba tác giả Phạm Nguyên Long, Phạm Đức Thành, Nguyễn Hào Hùng đã cho rằng hòa hợp dân tộc là xu hướng chủ đạo của các nước trong khu vực. Ngày nay, các nước Đông Nam Á vẫn là nơi mà hòa hợp dân tộc đã và đang góp phần vào quá trình liên kết hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực bằng những biện pháp hòa bình.
-
Các con đường đi lên xã hội hiện đại
Một trong những yêu cầu của nhà nước là nghiên cứu những kinh nghiệm thành công và thất bại của các nước ASEAN trong quá trình phát triển, hiện đại hóa đất nước, Viện đã nghiên cứu con đường phát triển của các nước ASEAN trong chương trình nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Từ kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước KHXH 06.04 Về chủ nghĩa tư bản và công trình xuất bản Đặc điểm con đường phát triển của các nước ASEAN,các tác giả đã rút ra kết luận về chủ nghĩa tư bản ở các nước Đông Nam Á như sau: chủ nghĩa tư bản ở các nước ASEAN là chủ nghĩa tư bản ngoại vi - phụ thuộc, thân quen, quan liêu, quân phiệt, đang tiến dần đến chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Tận dụng được lợi thế của người đi sau, các nước ASEAN không trải qua các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản cổ điển mà đi ngay vào thực hiện công nghiệp hóa, và theo đó, từng bước hình thành nên các nhà tư bản công nghiệp. Phần lớn các nhà tư bản công nghiệp này được nâng đỡ bằng chính sách bảo hộ và ưu đãi tài chính từ phía chính phủ và phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Mặt khác, Chính phủ các nước Đông Nam Á ít có chính sách khuyến khích vì sự tiến bộ của khoa học, công nghệ mà chỉ muốn kiếm lời ngay từ thành quả công nghệ của các nước tiên tiến. Chính vì thế các nhà tư bản công nghiệp ASEAN đều là những nhà tư bản non trẻ, phụ thuộc vào các công ty nước ngoài về công nghệ, vốn và thị trường tiêu thụ. Do sự lệ thuộc vào vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm của nước ngoài, sự yếu kém của đội ngũ các nhà công nghệ người địa phương nên chủ nghĩa tư bản của các nước ASEAN là thứ chủ nghĩa tư bản lệ thuộc, một bộ phận cấy ghép của chủ nghĩa tư bản các nước phát triển và vì thế chủ nghĩa tư bản các nước ASEAN mang đặc điểm là chủ nghĩa tư bản ngoại vi.
Một đặc điểm nữa của chủ nghĩa tư bản ASEAN là tính trội của các hoạt động dịch vụ thương mại và kinh doanh xuất nhập khẩu trong nền kinh tế quốc dân cùng với hệ thống kinh doanh mạng của người Hoa và sự liên kết chặt chẽ giữa giới cầm quyền bản địa với tư bản người Hoa và tư bản nước ngoài và tính chất gia đình của hoạt động kinh doanh, đã tạo dựng nên tính thân quen và bạn hàng của chủ nghĩa tư bản ở các nước ASEAN.
Một nét nổi bật khác của chủ nghĩa tư bản ở các nước ASEAN là chủ nghĩa tư bản nhà nước nắm vai trò chủ chốt trong nền kinh tế. Chủ nghĩa tư bản ở các nước ASEAN còn mang trong mình tính chất quan liêu phân biệt, độc đoán, tập trung quyền lực cao vào một nhóm cầm quyền mà thường là tập đoàn quân phiệt trên hai lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Một nét khá điển hình nữa của chủ nghĩa tư bản ở ASEAN là mang nặng ý thức dân tộc hẹp hòi trong kinh tế và chính trị. Trong quá trình phát triển đi lên, chủ nghĩa tư bản ở các nước ASEAN đã đi từ sự hẹp hòi, đóng kín đến cởi mở, hội nhập với khu vực và quốc tế. Trải qua cơn khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998, các nước ASEAN tư bản chủ nghĩa càng buộc phải tìm kiếm những biện pháp tích cực để tự đổi mới mình theo hướng chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Về đặc trưng phát triển chung của các nước ASEAN cũ các công trình đã nêu ra 6 điểm phát triển. Đây là những đóng góp có giá trị của Viện về nghiên cứu phát triển ở các nước ASEAN cũ: 1) Các nước ASEAN đều đi lên từ nông nghiệp; 2) Đều đi từ sử dụng nhiều lao động đến sử dụng nhiều tư bản và kỹ thuật cao; 3) Đều đi từ chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu đến công nghiệp hóa hướng ra xuất khẩu; 4) Đều phụ thuộc vào vốn, công nghệ và thị trường nước ngoài; 5) Vai trò quan trọng của nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội; 6) Mở rộng và đa dạng các lĩnh vực hợp tác trong nội khối và nhất là với ngoài khối.
Về mô hình phát triển, các công trình đã chứng minh rằng mô hình phát triển của ASEAN là một biến thể của mô hình Đông Á. Khi được áp dụng vào các nước ASEAN, mô hình Đông Á đã kích ứng được với môi trường kinh tế - xã hội, văn hóa và chính trị ở Đông Nam Á. Mô hình đó có nhiều ưu điểm nhưng cũng có chứa đựng nhiều khuyết điểm.
Một đóng góp khoa học khác trong lĩnh vực nghiên cứu về người Hoa là những kết luận khoa học của hai nhà nghiên cứu Châu Thị Hải và Trần Khánh. Đó là:
1) Tư bản người Hoa là một số bộ phận quan trọng cấu thành cơ cấu kinh tế và chủ nghĩa tư bản ở Đông Nam Á. Hoạt động của họ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, quan hệ dân tộc và bang giao quốc tế của từng nước và cả khu vực.
2) Cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á là những nhóm dân tộc người - xã hội đang trong quá trình liên kết hóa dân tộc, vừa có xu hướng bảo lưu bản sắc Trung Hoa lại có nhu cầu hội nhập vào xã hội người bản địa. Hai quá trình này vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất đang diễn ra đồng thời bên trong cộng đồng của họ và bị chi phối bởi nhiều yếu tố mà trong đó chính sách xây dựng nhà nước Quốc gia - Dân tộc của các chính phủ các nước Đông Nam Á và mối quan hệ giữa Trung Quốc và người Hoa là quan trọng nhất.
-
Đóng vai trò chủ yếu về nghiên cứu ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính: Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa - xã hội.
1. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Viện là nghiên cứu về ASEAN. Tập thể các nhà nghiên cứu về ASEAN đã đưa ra những khuyến nghị có giá trị về bản sắc ASEAN, về những bài học thành công và những khiếm khuyết của các nước ASEAN.
Những người nghiên cứu có nhiều đóng góp về ASEAN là Phạm Nguyên Long, Trần Khánh, Nguyễn Thu Mỹ… đã cùng các đồng nghiệp đưa ra những nhận xét có giá trị:
+ Đã phân tích được một cách khá sâu sắc quá trình thành lập ASEAN và làm sáng tỏ nguyên nhân ra đời của ASEAN chính là kết quả của quá trình tìm kiếm, thể nghiệm để thiết lập một cơ chế hợp tác khu vực có thể giúp tăng cường khả năng tự cường của toàn khu vực nói chung và từng quốc gia thành viên nói riêng nhằm ứng phó một cách có hiệu quả với những vấn đề nảy sinh, biến đổi trong môi trường chiến lược đang diễn ra ở khu vực Đông Nam Á ở những thời điểm đó.
+ Tìm ra được những đặc điểm của ASEAN. Đó là một Hiệp hội ra đời bằng một bản tuyên bố, không phải bằng một Hiệp ước; Cơ chế tổ chức của Hiệp hội lỏng lẻo; Nguyên tắc hoạt động dựa trên sự đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi… Các công trình khoa học cũng đã chứng minh rẳng tiến trình Hội nhập khu vực ở Đông Nam Á có nhiều nét khác biệt với các quá trình hội nhập của các tổ chức khác như EU, NAFTA, SAARC, MECOSUR, Hội nhập ở Châu Phi… Đó là sự hội nhập tự nguyện, từng phần chứ không phải là Hội nhập tức thời, toàn diện. Cho đến nay trụ chính của hội nhập ASEAN bắt đầu từ chính trị đã dần dần chuyển sang kinh tế và các lĩnh vực khác.
+ Dựng lại quá trình phát triển của ASEAN từ khi thành lập tới nay là phân tích khá sâu sắc những nguyên nhân khiến ASEAN phải có bước đột phá để phát triển ở kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh. (Từng bước nâng hợp tác kinh tế khu vực lên một tầm cao mới, trở thành liên kết kinh tế phù hợp với xu thế liên kết kinh tế toàn cầu; đưa hợp tác an ninh vào chương trình nghị sự của ASEAN).
+ Nghiên cứu về hợp tác an ninh khu vực ở Đông Nam Á, đặc biệt là về Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các nhà khoa học của Viện đã làm sáng tỏ rằng ARF là hình thức hợp tác an ninh đa phương thích hợp nhất đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực quá đa dạng về tôn giáo, dân tộc, văn hóa, lợi ích dân tộc và có cảnh quan chiến lược khác với châu Âu.
+ Ngoài ARF, Viện còn tập trung nghiên cứu những vấn đề có ảnh hưởng tới an ninh khu vực ở thời kì hậu chiến tranh lạnh như vấn đề tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ, nguồn tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề an ninh phi truyền thống (di cư bất hợp pháp, buôn bán vũ khí, nạn mại dâm, ma túy…). Các kết quả nghiên cứu của Viện đã chứng minh rằng các xung đột tôn giáo, sắc tộc ở Đông Nam Á hiện nay chủ yếu là hậu quả của một quá trình phát triển không đồng đều giữa các vùng, các khu vực trong mỗi quốc gia chứ không phải là do mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc. Muốn giải quyết triệt để các xung đột đó, các nước ASEAN cần phải lôi cuốn cư dân ở các vùng sâu, vùng xa vào luồng phát triển chung của đất nước và phân phối công bằng hơn các lợi ích của sự phát triển.
2. Phân tích và chỉ rõ hợp tác nội khối và bên ngoài của ASEAN.
+ Với nội dung trên các công trình đã công bố của tập thể các tác giả trong viện đã chỉ rõ quá trình phát triển hợp tác nội khối trong các lĩnh vực: kinh tế, chính trị văn hóa xã hội và an ninh. Điều quan trọng được rút ra là chính lợi ích của từng quốc gia và của cả khối ASEAN đã tạo nên động lực để hợp tác bên trong tiếp tục phát triển.
+ Các công trình của Viện nghiên cứu Đông Nam Á cũng đã chỉ rõ sự cần thiết, tác động, kết quả hạn chế của việc mở rộng hợp tác của ASEAN với bên ngoài. Các nghiên cứu đã chỉ rõ quá trình hợp tác ASEAN+3, ASEAN+6 và các đối tác lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU… đồng thời phân tích triển vọng của sự hợp tác này. Điểm nổi bật là trong các nghiên cứu về ASEAN, Việt Nam luôn là đối tượng mà các nhà khoa học của Viện hết sức quan tâm và nhờ đó đã chỉ rõ vị trí, vai trò của nước ta trong hội nhập nói chung, ASEAN nói riêng.
3. Tập trung phân tích sự hình thành, những vấn đề đặt ra và hiện thực hóa cộng đồng ASEAN là nội dung quan trọng được Viện tập trung nghiên cứu với 3 chương trình cấp Bộ từ 2006 đến nay.
Đó là chương trình cấp Bộ: 1. Cộng đồng ASEAN: Cơ sở hình thành, triển vọng và phản ứng chính sách của các nước trong khu vực do PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh làm chủ nhiệm (2006-2008), 2. Từ Hiệp hội đến cộng đồng: Những vấn đề đặt ra do PGS.TS. Nguyễn Sỹ Tuấn là chủ nhiệm (2009-2010) và 3. Những vấn đề cơ bản để hiện thực hóa cộng đồng ASEAN và tác động đến Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Sỹ Tuấn làm chủ nhiệm (2011-2012). Các chương trình nghiên cứu trên không chỉ phân tích cơ sở hình thành, xây dựng, những vấn đề đặt ra mà còn chỉ ra những khó khăn thách thức, khả năng hiện thực hóa của cộng đồng tác động và sự tham gia của Việt Nam. Các công trình không chỉ đánh giá kết quả của các cam kết mà còn đưa ra các kịch bản và mô hình của cộng đồng ASEAN đồng nói chung, các cộng đồng kinh tế, chính trị an ninh, văn hóa xã hội nói riêng. Kết quả của các chương trình trên đã được xuất bản với các cuốn sách: ASEAN: Từ Hiệp hội đến cộng đồng - những vấn đề nổi bật và tác động đến Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng (chủ biên), Nxb.KHXH, H. 2012, Hiện thực hóa cộng đồng chính trị an ninh ASEAN - Vấn đề và triển vọng PGS.TSKH. Trần Khánh (chủ biên), Nxb.KHXH, H. 2013… Đây là những cuốn sách được bạn đọc đánh giá cao.
4. Phân tích và làm rõ thực trạng các vấn đề địa chính trị khu vực, hợp tác của ASEAN với các nước lớn và các vấn đề về phát triển Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, cơ sở lịch sử, văn hóa, chính trị xã hội và pháp lý biên giới Việt Nam - Campuchia… là những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu cụ thể của ASEAN trong bối cảnh đang thay đổi. Đó là kết quả nghiên cứu của 4 đề tài cấp nhà nước mà Viện chủ trì từ 2007 đến 2010: 1. Nghiên cứu cơ sở lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội và pháp lý vùng biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và đề xuất giải pháp ổn định và phát triển vùng biên giới hai nước, do PGS.TS. Nguyễn Sỹ Tuấn chủ nhiệm. 2. Sự biến động địa - chính trị Đông Á trong hai thập niên đầu thế kỷ 21 - Những vấn đề đặt ra và đối sách của Việt Nam, do PGS.TSKH. Trần Khánh làm chủ nhiệm, 3. Quan hệ giữa Nhật Bản với các thành viên mới của ASEAN trong bối cảnh Đông Á thế kỷ 21, do PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh làm chủ nhiệm, 4. Một số vấn đề phát triển và quản lý phát triển xã hội vùng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, do PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng làm chủ nhiệm.
Ngoài những vấn đề nổi bật trên, các công trình nghiên cứu của cán bộ trong Viện đã trực tiếp bàn luận về các vấn đề nóng bỏng trong khu vực: Tranh chấp biển Đông, xung đột biên giới Thái Lan - Campuchia… Đó là công trình cấp Bộ: Quan điểm và chính sách của một số nước Đông Nam Á về biển Đông của TS. Vũ Công Quý, cấp Bộ: Đánh giá thực hiện các cam kết của ASEAN của TS. Nguyễn Huy Hoàng, các bài viết: Phản ứng chính sách của ASEAN trước sự biến động địa chính trị Đông Á trong thập niên đầu thế kỷ 21 của PGS.TSKH. Trần Khánh, Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia trong những năm đầu thập kỷ 21 của TS. Nguyễn Thành Văn, Quan điểm của Ấn Độ về sự trỗi dậy của Trung Quốc của TS. Võ Xuân Vinh…
-
Nghiên cứu các vấn đề nổi bật của nhóm nước và một số quốc gia của ASEAN: Các nước hải đảo, Lào, Campuchia, Thái Lan và Mianma. Có thể nêu lên một số công trình có giá trị như:
+ Công trình Di cư và chuyển đổi lối sống - Trường hợp cộng đồng người Việt ở Lào do PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu chủ trì đã phối hợp với các nhà khoa học Lào hoàn thành vào năm 2008 đã đạt được 3 kết quả nổi bật:
+ Bằng cách tiếp cận của nhân học văn hóa đã khảo sát, phân tích và luận chứng rõ ràng hơn sự di cư và chuyển đổi văn hóa - lối sống của cộng đồng người Việt tại Lào.
+Với những kết quả nghiên cứu đạt được đã giúp cho hai chính phủ, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào hiểu biết đúng các vấn đề liên quan đến người Việt tại Lào để có thái độ ứng xử và các chính sách thích hợp với cộng đồng người này.
+ Với việc hoàn thành công trình đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu theo nhóm về nhân học, văn hóa cho các nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam và Lào cũng như sự hợp tác quốc tế của Viện nghiên cứu Đông Nam Á nói chung, với Lào nói riêng.
+ Công trình Một số vấn đề và xu hướng chính trị kinh tế ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, TS. Trương Duy Hòa chủ biên, Nxb KHXH, H. 2012 và các nghiên cứu được công bố của PGS.TS. Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Hào Hùng… Sách: Việt Nam - Lào - Campuchia: Hợp tác hữu nghị và phát triển do PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng chủ biên, Nxb Thông tin và truyền thông, H. 2012 bằng ba thứ tiếng (Việt Nam, Lào, Campuchia)… đã chỉ ra những biến đổi mạnh mẽ của Lào trong thời gian gần đây và đưa ra nhiều dự báo về sự phát triển sắp tới của Lào.
Công trình nghiên cứu cấp nhà nước của PGS.TS. Nguyễn Sỹ Tuấn, cấp Bộ của Nguyễn Văn Hà Những vấn đề chính trị kinh tế nổi bật của Campuchia giai đoạn 2011-2020 và tác động đến Việt Nam, cấp Bộ của PGS.TS. Phạm Đức Thành Nghiên cứu những khía cạnh dân tộc tôn giáo - văn hóa trong Tam giác phát triển của Campuchia, cấp Bộ do PGS.TS. Nguyễn Sỹ Tuấn Một số vấn đề cơ bản của về người Việt Nam ở Campuchia, các bài viết của Nguyễn Thành Văn…đã phân tích khá toàn diện những biến đổi mới của Campuchia và đưa ra nhiều nhận định đánh giá và gợi ý các kiến nghị có giá trị trong việc phát triển quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Các công trình cấp Bộ của Nguyễn Ngọc Lan Những vấn đề chính trị kinh tế nổi bật của Thái Lan giai đoạn 2011-2020 và tác động đến Việt Nam, các bài viết được công bố của TS. Vũ Quang Thiện, TS. Quang Ngọc Hiền… đã cung cấp các thông tin cũng như đưa ra nhiều đánh giá khách quan giúp nhìn nhận rõ hơn sự biến đổi và phát triển của Thái Lan giai đoạn 1990 đến nay và triển vọng trong thời gian tới của đất nước này.
Các nghiên cứu của TS. Vũ Quang Thiện, nhiệm vụ cấp Bộ của PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng Nghiên cứu, đánh giá nhanh về tình hình kinh tế, chính trị của Mianama hiện nay (2012) đã phân tích các nguyên nhân, diễn biến, kết quả, thuận lợi và khó khăn của Mianma trong tiến trình cải cách của đất nước này và cho rằng: Sự biến đổi ở Mianma là quá trình có sự chuẩn bị, đang tiếp diễn và những người đứng đầu các đảng phái có vai trò hết sức to lớn trong tiến trình này hiện tại và cả trong tương lai.
Dù mảng nghiên cứu về các nước về Singapo, Malaisia, Philipin còn khá khiêm tốn, song các kết quả nghiên cứu của TS. Nguyễn Thanh Hương, TS. Quang Ngọc Huyền, Nguyễn Văn Hà… đã chỉ rõ những biến đổi mới và các kinh nghiệm của các quốc gia này trong việc giải quyết các vấn đề dân sự, xung đột, tài chính tiền tệ…
C. Đào tạo và tư vấn chính sách
Đi đôi với nghiên cứu cơ bản và các vấn đề hiện đại của Đông Nam Á, đóng góp quan trọng của Viện còn thể hiện trong cộng tác đào tạo, tư vấn chính sách. Với gần 10 năm đào tạo Tiến sĩ với hơn 20 Nghiên cứu sinh (trong đó có một số chuyển tiếp sang Học viện Khoa học xã hội) sau khi tốt nghiệp đã trở thành các cán bộ nghiên cứu, giảng viên… đang phát huy tốt khả năng của mình trong các công việc được giao. Hiện tại các cán bộ của Viện đang đóng góp có hiệu quả vào công tác đào tạo trẻ của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và với nhiều Viện, trường đại học trong cả nước.
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cũng là một trong số các cơ quan nghiên cứu được các cơ quan của Đảng và nhà nước mời tham gia các chương trình nghiên cứu triển khai các chính sách và phản biện các đề án về quan hệ quốc tế (nhất là với ASEAN), thẩm định các dự án về giáo dục, hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực KHXH. Những đóng góp của các chuyên gia của Viện trong các lĩnh trên cho thấy sự trưởng thành của Viện và sự tin cậy của bên ngoài không chỉ lý luận mà còn cả các vấn đề thực tiễn. Điều đó cũng khẳng định hướng đi đúng của Viện suốt thời gian qua trong việc kết hợp nghiên cứu “lý luận và thực tiễn”, “lấy bên ngoài phục vụ bên trong”…
D. Đóng góp của Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á
Cùng với việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ nghiên cứu được giao, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á thực sự là diễn đàn khoa học có uy tín với chuyên ngành Đông Nam Á của Việt Nam. Tạp chí ra 1 tháng 1 số và hàng năm có 2 số bằng tiếng Anh đã kịp thời đăng tải các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài Viện. Ngoài việc công bố các bài viết của cá nhân, tạp chí lựa chọn xuất bản các số chuyên đề đáp ứng kịp thời các yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ của Đảng và nhà nước. Tạp chí đang tập trung nâng cao chất lượng nội dung, biên tập, đổi mới hình thức… xứng đáng với vai trò tạp chí nghiên cứu hàng đầu về chuyên ngành về Đông Nam Á của Việt Nam.
Những đóng góp khoa học được nêu ở trên là công sức của các thế hệ cán bộ trong Viện để tạo nên thương hiệu “Viện Đông Nam Á” khó trộn lẫn trong gia đình Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nhìn lại 40 năm qua trong nghiên cứu khoa học của Viện có thể thấy: Nếu như giai đoạn đầu tập trung nghiên cứu các vấn đề cơ bản về lịch sử văn hóa với các kết quả nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực này thì ở giai đoạn 2 (thập niên 1980 đến giữa 1990) Viện đã chú trọng hơn lĩnh vực chính trị - an ninh, hội nhập cũng như các biến đổi ở môt số nước của ASEAN. Còn giai đoạn từ cuối những năm 1990 đến nay các kết quả nghiên cứu về kinh tế, nghiên cứu cộng đồng và các vấn đề về hợp tác nội khối và bên ngoài của ASEAN cũng như tác động đối với Việt Nam lại nổi trội hơn. Rõ ràng, Viện đang dần lập lại sự “cân bằng động” trong các lĩnh vực nghiên cứu của mình ở các lĩnh vực chủ yếu: Lịch sử, kinh tế, chính trị, hội nhập…của cả ASEAN và nhiều quốc gia trong khối. Điều này đã đáp ứng khá tốt các định hướng nghiên cứu cơ bản, hiện đại và tư vấn chính sách của Viện – Những nhiệm vụ cơ bản được xác định và đã được cấp trên giao phó.
Trải qua 40 mươi năm xây dựng và trưởng thành, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu khoa học. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã cho xuất bản trên 100 đầu sách nghiên cứu và hàng ngàn công trình nghiên cứu khác được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Với những thành tựu trên, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (1998), Huân chương Lao động hạng Nhất (2003), Huân chương Độc lập hạng Ba (2013) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
IV. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU ĐÔNG NAM Á ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
1. Quan điểm định hướng phát triển khoa học đến 2020 và tầm nhìn 2030
- Xây dựng các hệ đề tài khoa học được xác định theo đối tượng nghiên cứu chính là Khu vực Đông Nam Á và các nước là đối tác chính, kết gắn với Việt Nam.
- Xây dựng các hệ đề tài khoa học theo hướng kết hợp giữa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về khu vực học, nghiên cứu hiện đại và tư vấn chính sách. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp trên giao và tích cực khai thác các đề tài trong và ngoài nước.
- Xây dựng và phát triển các hệ đề tài khoa học theo hướng dài hạn, cập nhật, chuyên ngành nhằm phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo (ngành học Đông Nam Á và châu Á).
- Xây dựng và phát triển các hệ đề tài khoa học phù hợp với thực tế năng lực, chuyên môn của cán bộ hiện có, của các Trung tâm, phòng nghiên cứu và tính đến 5 đến 10 năm tới.
- Từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu và tích cực xã hội hóa các sản phẩm nghiên cứu và đóng góp nhiều kiến nghị tốt cho Đảng và Nhà nước.
2. Các hướng nghiên cứu cụ thể
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cơ bản đã được xác định, trong thời gian tới Viện tập trung nghiên cứu theo các định hướng sau:
1.Tập trung nghiên cứu các vấn đề cơ bản về lịch sử văn hóa - xã hội Đông Nam Á và một số quốc gia chủ yếu. Trong đó đi sâu phân tích và làm rõ các biến đổi mới, các tiếp biến, các vấn đề biển đảo… và tác động đối với sự phát triển của các nước cũng như của ASEAN. Ngoài các đề tài cấp bộ đi sâu giải quyết các vấn đề chung cơ bản, hệ đề tài cấp Viện sẽ tham gia nghiên cứu một số nội dung cụ thể trong các lĩnh vực trên.
2. Nghiên cứu biến đổi kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực và các quốc gia Đông Nam Á. Theo đó tập trung phân tích các vấn đề về phát triển và quản lý phát triển xã hội, mô hình thể chế chính trị của các nước, nghiên cứu các bài học kinh nghiệm về giải quyết an sinh xã hội, cải cách hệ thống kinh tế, tài chính, chính sách và giải pháp tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của các nước trong khu vực.
3. Đi sâu nghiên cứu hội nhập, hợp tác nội khối đặc biệt là cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa - xã hội và sự tham gia của Việt Nam. Chú trọng đi sâu phân tích mô hình cộng đồng, cách thức triển khai và thực hiện các cam kết, quan hệ giữa cộng đồng và các nước thành viên.
4. Đi sâu nghiên cứu thể chế kinh tế, văn hóa xã hội đối với phát triển và quá trình dân chủ hóa của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
5. Nghiên cứu mối quan hệ giữa ASEAN với một số quốc gia, khu vực, các tổ chức quốc tế, quan hệ của Việt Nam với các nước trong khối. Trên cơ sở đó làm rõ sự tác động và gợi ý chính sách cho Việt Nam.Theo đó tập trung nghiên cứu: Sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn với các quốc gia ASEAN (nhất là với Lào, Campuchia): những biến đổi chính trị của Myanama.
6. Nghiên cứu đánh giá thực trạng nghiên cứu ASEAN của Việt Nam và phối hợp cùng với các Viện, các cơ sở đào tạo (nhất là Học Viện KHXH) xây dựng chuyên ngành Đông Nam Á học.
3. Mục tiêu hướng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030
Với quan điểm và định hướng nghiên cứu nêu trên, mục tiêu phát triển của Viện, tạp chí cũng như các Trung tâm, phòng nghiên cứu, chức năng … sẽ được xây dựng nhằm:
Thứ nhất, phấn đấu giữ vững uy tín của Viện nghiên cứu đầu ngành về Đông Nam Á của Việt Nam và có vị thế trong các tổ chức nghiên cứu của khu vực.
Thứ hai, trở thành Viện nghiên cứu và tư vấn chính sách được tin cậy và được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu tốt về Đông Nam Á để phục vụ cho nghiên cứu của Viện và với bên ngoài.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước và của Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam. Viện đã có quan hệ hợp tác có hiệu quả với các Viện, trường trong nước cũng như các nước trong khu vực, thế giới. Với hơn 50 cán bộ hiện có (17 TS, trong đó có 1 GS, 5 PGS) Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đang tiếp bước các thế hệ, hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu được giao xứng đáng với truyền thống của Viện, sự tin tưởng của lãnh đạo Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN