Viện Sử học: 70 năm đồng hành cùng sự phát triển của khoa học xã hội Việt Nam
  • VASS-70 năm (1953-2023)

Viện Sử học: 70 năm đồng hành cùng sự phát triển của khoa học xã hội Việt Nam

01/12/2023

Viện Sử học mà tiền thân là Tổ Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập ngày 02/12/1953 tại chiến khu Việt Bắc theo Quyết định số 34/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đến nay đã tròn 70 năm xây dựng và phát triển. Nhân dịp này, Cổng thông tin điện tử Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xin trích toàn văn bài viết được đăng trong cuốn sách "Viện Sử học 70 xây dựng và phát triển".

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN SỬ HỌC TRONG SỰ PHÁT TRIẺN CỦA KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM (1953-2023)

Từ thời Trần, Việt Nam đã có cơ quan gọi là Quốc sử viện, biên soạn những bộ sử chính thống, sớm nhất phải kể đến cuốn Đại Việt sử ký của sử gia Lê Văn Hưu hoàn thành năm 1272, sau đó được sử gia Ngô Sĩ Liên hoàn thiện bổ sung trong Đại Việt sử ký toàn thư (hoàn thành năm 1479) và được nhiều sử gia đời sau hiệu chỉnh, bổ sung. Thời nhà Nguyễn lập ra Quốc sử quán biên soạn những bộ sử đồ sộ như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục... Việc soạn thảo lịch sử, đặc biệt lịch sử mới của dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Năm 1942, trên Báo Việt Nam độc lập, số 117 ra ngày 1/2/1942 Bác Hồ đã viết bài “Nên học sử ta” với những câu thơ mở đầu Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Để giúp nhân dân hiểu được lịch sử hào hùng của dân tộc, Bác đã soạn tập thơ Lịch sử nước ta giao cho Việt Minh tuyên truyền bộ in và phát hành. Ngay trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, gian khổ Trung ương Đảng đã bàn thảo về việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử. Tháng 9/1953, ông Trần Huy Liệu đã gửi Bản đề án thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử cho ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Tháng 10/1953, Bản đề án đã được Trung ương Đảng thông qua. Ngày 2/12/1953, Trung ương Đảng ra Quyết định số 34/QĐ/TW về việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học, được gọi tắt là Ban Sử Địa Văn. Có thể thấy, nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử đất nước và tìm hiểu lịch sử thế giới được đặt quan trọng ngang với các nhiệm vụ khác của Đảng, Chính phủ. Ban Sử Địa Văn ra đời trên mảnh đất lịch sử thuộc thôn Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ông Trần Huy Liệu, khi đó là Thường trực Quốc hội được giao nhiệm vụ Trưởng ban, đồng thời là người trực tiếp phụ trách Tổ Lịch sử. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban Sử Địa Văn là phải xây dựng một quan điểm mới, một hệ thống lý luận mới về viết sử; Nghiên cứu lịch sử nhân loại chú trọng đến quy luật phát triển; Nghiên cứu quá trình hình thành nước Việt Nam và quy luật phát triển của nó; Sưu tầm tài liệu; Ra một tập san nghiên cứu. Năm 1954, Tập san Văn Sử Địa ra đời đều đặn mỗi tháng công bố những nghiên cứu mới nhất về lịch sử, văn học của những học giả hàng đầu như Trần Huy Liệu, Trần Đức Thảo, Minh Tranh, Nguyễn Lương Bích, Vũ Ngọc Phan...

Sau khi Thủ đô được giải phóng, Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa chuyển về Hà Nội. Theo yêu cầu phát triển của đất nước và để phù hợp với việc quản lý nhà nước, ngày 4/9/1956 theo Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa từ chỗ là cơ quan của Đảng chuyển về trực thuộc Bộ Giáo dục. Tháng 3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra sắc lệnh thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực thuộc Hội đồng Chính phủ (Ban đầu do đồng chí Trường Chinh, sau là đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Chủ nhiệm). Trong Uỷ ban Khoa học Nhà nước có Ban Khoa học xã hội, ban đầu do các đồng chí Bùi Công Trừng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Quang Huy phụ trách. Ngày 6/2/1960, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 039-TTg chính thức thành lập Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ông Trần Huy Liệu, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Nhà nước làm Viện trưởng Viện Sử học. Năm 1965, Viện Khoa học xã hội thành lập, Viện Sử học là viện thành viên có số lượng cán bộ đông nhất, khoảng 50 người.

Trong giai đoạn 1960 - 1970, nhiều cơ quan mới được thành lập trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam như Viện Dân tộc học, Khảo cổ học, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Đông Nam Á. Viện Sử học đã san sẻ nguồn nhân lực cho những cơ quan nghiên cứu mới, đồng thời bổ sung cán bộ nghiên cứu tốt nghiệp từ các trường đại học trong và ngoài nước.

Năm 1967, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đổi thành Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam[1] do GS. Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ nhiệm; GS. Trần Huy Liệu và GS. Trần Phương làm Phó Chủ nhiệm. Năm 1969, Viện trưởng Viện Sử học, GS.VS. Trần Huy Liệu qua đời, GS. Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội kiêm phụ trách Viện Sử học.

Nhiều thế hệ lãnh đạo của Viện Sử học đồng thời nắm giữ vị trí lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Viện trưởng đầu tiên là VS. Trần Huy Liệu, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội; GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội kiêm Viện trưởng Viện Sử học. GS.TS. Phạm Xuân Nam, Phó Viện trường Viện Sử học từng giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia; PGS.TS. Trần Đức Cường, Viện trưởng Viện Sử học từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam (những tên gọi trước đây của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay). Bên cạnh đó nhiều cán bộ Viện Sử học được điều động giữ cương vị lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Năm 2023, Viện Sử học tiến hành cơ cấu lại một số phòng ban theo Nghị định số 108/2022/NĐ-CP, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ký ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Viện Sử học là nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học lịch sử, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tư vấn khoa học và tham gia đào tạo sau đại học, phát triển tiềm lực khoa học lịch sử của đất nước.

II. ĐÓNG GÓP CỦA VIỆN SỬ HỌC CHO KHOA HỌC CHUYÊN NGÀNH VÀ KHOA HỌC XÃ HỘI

Trong 70 năm qua, các thế hệ cán bộ nghiên cứu của Viện Sử học đã có đóng góp to lớn trong xây dựng nền sử học thời đại Hồ Chí Minh, nền tảng cho sử học Việt Nam hiện đại, đảm bảo tính khoa học, tính dân tộc, tính đại chúng, thể hiện qua các công trình đã được công bố, được giới học giả trong và ngoài nước công nhận và đánh giá cao. Về mặt lý luận, các công trình của Viện Sử học đã góp phần xây dựng nền tảng cho lý thuyết sử học hiện đại, mang tính khoa học, khách quan, toàn diện, về mặt thực tiễn, nghiên cứu của Viện Sử học bám sát tiến trình lịch sử Việt Nam, sự phát triển của đất nước trong nhiều lĩnh vực, qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Lịch sử không còn là “tộc phả của các triều đại quân chủ, của các vua chúa và quan lại” mà là lịch sử của nhân dân, của toàn dân tộc. Viện Sử học đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của khoa học xã hội nước nhà trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, đào tạo, hợp tác quốc tế.

1. Đóng góp trong nghiên cứu cơ bản, xây dựng nền tảng cho sử học hiện đại mang tính khoa học, dân tộc, đại chúng

Là cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Viện Sử học đã khởi đầu các nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc dưới tiếp cận khoa học khách quan, tôn trọng dữ liệu lịch sử. Những chuyên đề đã được thực hiện có đóng góp quan trọng vào thành quả của khoa học xã hội như các vấn đề lịch sử thời đại Hùng Vương và văn hoá - văn minh Việt Nam; các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm; lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc; các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội, đặc biệt là các thể chế nhà nước qua các giai đoạn lịch sử; nghiên cứu về các giai tầng xã hội, chú trọng đến công nhân, nông dân là những đối tượng mà sử học thời kỳ quân chủ không quan tâm đề cập; Viện Sử học cũng tiến thành thực hiện các hệ đề tài có tính chuyên đề xuyên suốt lịch sử như lịch sử giáo dục, lịch sử giao thông - vận tải, lịch sử nông thôn, lịch sử địa phương...

Bên cạnh các vấn đề có tính chuyên khảo, Viện Sử học đã biên soạn các bộ thông sử. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.VS. Trần Huy Liệu và sau này là GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, kiêm Viện trưởng Viện Sử học, một số nhà sử học trong và ngoài Viện đã thực hiện việc biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam gồm 2 tập, tập đầu ra mắt năm 1971 và tập 2 năm 1985. Từ năm 2003, thực hiện Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Sử học, dưới sự chủ trì của Viện Sử học, đã tiến hành nghiên cứu, biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập vào năm 2013-2014 để chào mừng Kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Sừ học (1953 -2013).

Đồng thời với việc xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập, Viện Sử học đã biên soạn và xuất bản bộ sách Lịch sử Việt Nam thường thức từ khởi thủy đến năm 2000 (thuộc chương trình cấp Bộ giai đoạn 2009-2010) gồm 5 tập. Trong bộ Quốc sử 30 tập do Trung ương chỉ đạo thực hiện, Viện Sử học chủ trì 8 tập với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín.

Bên cạnh nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Viện Sử học đã từng bước nghiên cứu và biên soạn lịch sử thế giới; sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố tư liệu lịch sử, biên soạn các bộ sách công cụ; đồng thời tham gia nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử địa phương và chuyên ngành, trong đó có việc bồi dưỡng lý luận, hướng dẫn phương pháp cho các cơ quan và cá nhân làm nghiên cứu ở địa phương, kết nối công tác nghiên cứu khoa học với các ngành

2. Đóng góp trong tư vấn chính sách

Viện Sử học là một trong những cơ quan đi đầu trong việc nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ một số vấn đề về cải cách ruộng đất, về hợp tác hóa nông nghiệp, về các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam, về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, về đấu tranh thống nhất nước nhà, về chính sách xã hội, về vai trò của văn hóa trong việc phát triển đất nước, về xây dựng và phát triển giai cấp công nhân.

Trong việc nghiên cứu về di sản lịch sử và xuất phát điểm của Việt Nam khi đi lên chủ nghĩa xã hội, Viện Sử học được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề Quy luật và đặc điểm lịch sử xã hội Việt Nam - Cái mạnh, cải yếu của Việt Nam do lịch sử để lại khi tiến lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề Những bài học dựng nước, giữ nước đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Đặc biệt, trước các vấn đề cấp bách của đất nước, Viện Sử học đã trực tiếp nghiên cứu, tư vấn khoa học cho Đảng và Nhà nước, dựa trên tiếp cận và kinh nghiệm lịch sử để hiểu rõ hiện tại, từ đó dự báo cho tương lai.

Ngoài các mảng tư vấn nêu trên, từ năm 1990 trở lại đây, Viện Sừ học có mối quan hệ mật thiết với Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh. Viện Sử học là cơ quan nghiên cứu có vai trò quan trọng trong việc đánh giá, xác minh thân thế, sự nghiệp của các nhân vật lịch sử hiện được thờ phụng ở từ đường, ở đình, đền, miếu tại các làng xã trong cả nước. Một trong những cơ sở khoa học để Cục Di sản văn hóa trình Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng cấp quốc gia các di tích kể trên có thờ phụng các danh nhân lịch sử là văn bản do Viện Sử học đánh giá, xác minh nhân vật, sự kiện liên quan đến nhân vật, sự kiện đó. Trong suốt những năm qua, Viện Sử học đã giúp các địa phương nhận xét, đánh giá hàng trăm nhân vật, sự kiện, địa danh lịch sử... gắn với các di tích ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam - Đà Nằng, Long An... giúp cho việc xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố các di tích thờ tự các danh nhân được thuận lợi và đảm bảo sự khách quan, khoa học.

3. Đóng góp trong đào tạo nguồn nhân lực

Sự trưởng thành và những thành tựu của Viện Sử học trong 70 năm qua (1953 - 2023) gắn liền với đóng góp quan trọng của công tác bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực. Ngay từ khi mới thành lập năm 1953, công tác bồi dưỡng lý luận và phương pháp sử học mới được chú trọng nhằm trau dồi cho các nhà nghiên cứu trong Ban Sử Địa Vãn những lý thuyết và tiếp cận sử học hiện đại, đặc biệt là kiến thức lý luận Mác - Lênin, quan điểm duy vật biện chứmg, duy vật lịch sử...

Sang năm 1960, đất nước vừa tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miên Nam. Nhiệm vụ của các ngành khoa học xã hội nói chung, khoa học lịch sử nói riêng là phải đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Chính phủ Việt Nam đã chú trọng tới việc đào tạo cán bộ khoa học, trong đó có có đào tạo nguồn nhân lực cho ngành khoa học xã hội, với những bước đi rất thận trọng.

Từ năm 1962 đến năm 1964, một số cán bộ cốt cán của Viện Sử học đã tham dự lớp đào tạo nghiên cứu sinh ngành khoa học xã hội đầu tiên do Ủy ban Khoa học Nhà nước tổ chức dưới sự hướng dẫn của chuyên gia trong nước và đặc biệt, các nhà khoa học Liên Xô được mời giảng dạy về chuyên ngành lịch sử. Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học xã hội tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, cử một số cán bộ cốt cán học chuyên tu tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung ở các trường đại hoc. Lớp học tiếng Hán Nôm cũng được mở và nhiều cán bộ cốt cán truởng thành từ lớp học đó. Thời gian này, nhiều cán bộ ở Viện Sử hoc có trình độ về các chuyên ngành như: thông tin, dân tộc học, khảo cổ học, lịch sử thế giới… được điều chuyển sang các Viện khác mới thành lập trong Ủy ban Khoa học xã hội như Viện Khảo cổ, Viện Dân tộc học, Viện Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Hán Nôm…

Năm 1978, Viện Sử học được Thủ tướng Chính phủ công nhận là cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh ngành khoa học lịch sử. Do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn và chủ trương thận trọng trong đào tạo trình độ cao, đến năm 1990 Viện mới mở được 2 khóa nghiên cứu sinh chính quy và một số nghiên cứu sinh hệ ngắn hạn. Chỉ có 5 người bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ. Song, cũng trong giai đoạn này, qua 2 đợt phong học hàm vào các năm 1980, 1984, Viện có 3 cán bộ được phong hàm Giáo sư là Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Văn Tạo; có 6 cán bộ được phong hàm Phó Giáo sư là Bùi Đình Thanh, Cao Văn Lượng, Phạm Xuân Nam, Lê Văn Lan, Ngô Văn Hòa, Vũ Huy Phúc. Giai đoạn từ 1991 đến 2013, Viện có 18 cán bộ được phong học hàm Phó Giáo sư. Cũng từ năm 1991, Viện Sử học là một trong những đơn vị đứng đầu trong hoạt động đào tạo nghiên cứu sinh của Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Trong vòng 20 năm từ 1990 đến 2010, Viện Sử học đã đào tạo được 68 Tiến sĩ cho Viện và các cơ quan bên ngoài. Phần lớn nghiên cứu sinh ngoài Viện sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ đều được tín nhiệm giữ những cương vị chủ chốt ở các ngành, các lĩnh vực.

Từ năm 2010, khi thành lập Học viện Khoa học xã hội, Viện Sử học không còn là một cơ sở đào tạo sau đại học độc lập nữa, nhưng các chuyên gia có trình độ cao của Viện vẫn tham gia giảng dạy, đào tạo và hướng dẫn tại Khoa Sử học của Học viện Khoa học xã hội và nhiều cơ sở đào tạo khác tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Với uy tín chuyên môn ngày càng cao, Viện Sử học được nhiều địa phương mời tham gia bồi dưỡng cho cán bộ địa phương, các ngành biên soạn lịch sử. Các cuộc hội thảo khoa học với sự tham gia hướng dẫn của Viện Sử học đã góp phần quan trọng vào việc hình thành một đội ngũ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương và chuyên ngành.

4. Đóng góp trong hợp tác quốc tế

Trước khi Uỷ ban Khoa học Nhà nước được thành lập (1959), Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa gần như là tổ chức nghiên cứu khoa học duy nhất ở Việt Nam, là đối tác chính thức của các Viện Hàn lâm hoặc Ủy ban Khoa học của các nước xã hội chủ nghĩa. Sau khi Ủy ban Khoa học Nhà nước ra đời, Viện Sử học được mang tên gọi chính thức, các mối quan hệ ngày càng đi vào chuyên sâu, thông qua việc trao đổi các đoàn công tác, các buổi toạ đàm, hội thảo khoa học. Thông qua các phương pháp tiếp cận khảo cổ học, dân tộc học, sử học... các học giả nước ngoài mong muốn được hiểu về lịch sử Việt Nam một cách khoa học, thực chứng. Theo nhà sử học Trần Huy Liệu, cán bộ Viện Sử học đã học hỏi được nhiều qua quan sát cách làm việc của học giả quốc tế[2]. Trên các tạp chí chuyên ngành của Viện Hàn lâm Liên Xô xuất hiện các bài viết của cán bộ Viện Sử học và Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử cũng đăng tải nhiều bài viết của học giả nước ngoài. Các nghiên cứu mới về lịch sử Việt Nam được công bố rộng rãi trong giới khoa học quốc tế, chủ yếu khối các nước xã hội chủ nghĩa, bên cạnh đó thêm Nhật Bản và Pháp

Những năm 1970, đặc biệt là sau khi Việt Nam giành thắng lợi trong chiến tranh chống Mỹ, giới học giả Mỹ và phương Tây có mối quan tâm đặc biệt đến lịch sử Việt Nam, tuy nhiên việc mở hướng hợp tác với các sử gia phương Tây còn hạn chế, theo như nhận xét của GS. Văn Tạo sự tiếp xúc quốc tế, tiếp cận chân lý khoa học của thời đại còn có nhiều chỗ yếu kém. Một phần do hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, nhưng cũng một phần do chủ quan, tự mãn về trình độ khoa học xã hội nói chung và về sử học nói riêng của ta... Việc học ngoại ngữ chưa được coi trọng... từ 1975, khi phải đẩy mạnh việc tiếp xúc quốc tế với cả phía xã hội chủ nghĩa, cán bộ sử học của ta đã có thời kỳ lúng túng”[3]. Từ năm 1995, khi Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây, nhiều học giả nước ngoài đã đến Viện Sử học trao đổi khoa học, xuất bản công trình bằng tiếng Việt và đăng bài trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử như Philippe Papin (đăng bài năm 1994), Philippe Le Failler, Philippe Langlet từ Pháp; Yu Insun từ Hàn Quốc; Pierre Asselin từ Mỹ. Tuy nhiên, các nghiên cứu hợp tác có quy mô lớn giữa Viện Sử học và đối tác quốc tế còn hạn chế. Gần đây, trong bối cảnh Việt Nam nâng tầm quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc; cần tăng cường hơn nữa hoạt động trao đổi học thuật, tăng cường công bố quốc tế. Hợp tác trao đổi giữa Viện Sử học và Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á là một ví dụ điển hình cho công tác hợp tác quốc tế trong nghiên cửu khoa học (từ năm 2017 đến năm 2023 Viện Sử học và Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á Hàn Quốc đã tổ chức 4 hội thảo chung, đi vào các vấn đề lịch sử chuyên sâu, trên cơ sở đó hướng tới tiêp cận so sánh những tương đồng và khác biệt trong tiên trình lịch sử của hai quốc gia).

Những đóng góp to lớn của Viện Sử học trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1960-1975), công cuộc Đổi mới đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao. Năm 1980 Viện Sử học vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 1998 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 2000 được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới. Đây không chỉ là vinh dự của Viện Sử học mà còn là vinh dự đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

III. VIỆN SỬ HỌC TRONG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Viện Sử học là đơn vị tham gia góp phần duy trì và củng cố vị trí của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là một trung tâm quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản, tham mưu chính sách cũng như đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp căn cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; có uy tín cao trong nước và quốc tế; có vị thế, vai trò quan trọng trong sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước. Chức năng xuyên suốt của Viện Sử học là tập trung nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của lịch sử, tìm ra được những quy luật của lịch sử, từ đó tổng hợp, phân tích để đưa ra dự báo những vấn đề, xu hướng nảy sinh, phục vụ thiết thực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong định hướng phát triển chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng Viện Sử học thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của đất nước, giải quyết những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức nghiên cứu những vấn đề lý luận và phương pháp luận sử học, từ đó phát hiện những quy luật, đúc kết kinh nghiệm, những di sản lịch sử cần kế thừa góp phần vào việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội hiện tại và những dự án cho tương lai.

Tăng cường công bố quốc tế dựa trên hệ đề tài các cấp; nâng cao uy tín chuyên môn của Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trên các diễn đàn học thuật quốc tế. Trong bối cảnh uy tín của Việt Nam tăng mạnh trên trường quốc tế, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong trao đổi nghiên cứu khoa học, xuất bản các ấn phẩm chung có chất lượng khoa học cao với đối tác quốc tế.

Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học lịch sử có trình độ cao cả về số lượng và chất lượng, góp phần đào tạo cán bộ nghiên cứu lịch sử cho cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành khoa học xã hội nói riêng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế nói chung.

Góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế - xã hội cho các bộ, ngành, địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Sử học.

Tiếp tục nghiên cứu và biên soạn các bộ lịch sử chuyên ngành và lịch sử các địa phương, lịch sử các nước trên thế giới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam.

***

Viện Sử học có mặt ngay từ ngày đầu thành lập tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và trong suốt 70 năm qua luôn là đơn vị góp phần quan trọng cho sự phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; chuyên ngành lịch sử và tiếp cận lịch sử luôn giữ vị trí quan trọng trong khoa học xã hội và nhân văn. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trân trọng ghi nhận những đóng góp quan trọng của Viện Sử học đối với sự phát triển chung của Viện Hàn lâm trong suốt 70 năm qua. Trong thời gian tới, Viện Sử học cần tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí là cơ quan nghiên cứu, đào tạo, tư vấn về chuyên môn lịch sử hàng đầu trong nước, góp phần nâng cao vị thế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong nước và quốc tế.

TS. Phan Chí Hiếu 

Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH VIệt Nam

Nguồn: Viện Sử học 70 năm xây dựng và phát triển

Nxb: Khoa học xã hội


[1] Năm 1993 Viện Khoa học xã hội đổi tên là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia; năm 2004, đồi thành Viện Khoa học xã hội Việt Nam; từ tháng 12/2012 là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

[2] Xem Trân Huy Liệu (1963), “Mấy ý kiến về công tác sử học trong quan hệ quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 52 tr. 1

[3] Văn Tạo, “Viện Sử học Việt Nam 30 năm qua.", Tạp chí, Nghiên cứu Lịch sử, số 252,1990, tr.4.

 

Các tin đã đưa ngày: