Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam
  • VASS-70 năm (1953-2023)

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam

26/10/2023

I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam được thành lập cách đây 5 năm, tháng 8/2008, trong cơ cấu của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) . Tuy nhiên, cũng có thể coi Viện đã có bề dày lịch sử, trải qua các giai đoạn phát triển từ vài chục năm nay.

Năm 1978, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương giao cho Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo ngành xuất bản tổ chức biên soạn “Từ điển bách khoa Việt Nam”. Ngày 20/4/1981, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 37/NQTƯ về “Xúc tiến việc biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam”. Ngày 10/10/1983, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 167/HĐBT về việc thành lập Viện Từ điển bách khoa thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ngày 15/5/1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 163a - CT về việc thành lập Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (nhiệm kỳ 1987 - 1992).

Cuối năm 1995, bản thảo tập I “Từ điển bách khoa Việt Nam” đã hoàn tất và được xuất bản. Đến năm 2003 cả 4 tập Từ điển Bách khoa Việt Nam đã xuất bản. Tuy nhiên, năm 2007 Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam chấm dứt hoạt động. Các viên chức của Văn phòng Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam được chuyển về Văn phòng Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Và, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) được thành lập theo Nghị định số 53/2008/NĐ-CP của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 22/4/2008. Việc thành lập Viện được thể hiện cụ thể trong quyết định số 825/QĐ-KHXH, ký ngày 31/7/2008 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam về “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam”. Về mặt nhân sự, cán bộ của Viện có từ hai nguồn chính, bao gồm cán bộ từ Viện Ngôn ngữ học chuyển sang và cán bộ của nguyên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. PGS.TS. Phạm Hùng Việt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học được bổ nhiệm làm Viện trưởng. Viện còn được bổ sung hai Phó Viện trưởng từ hai cơ quan nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Việt Nam là PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng (Viện Nhà nước và Pháp luật) và PGS.TS. Lại Văn Hùng (Viện Văn học).

Sau 4 năm hoạt động, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận thấy cần chỉnh sửa, bổ sung một số điều khoản nên đã ra Quyết định về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam do Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ký ngày 27 tháng 2 năm 2013. Quyết định này vẫn khẳng định Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam “có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lý luận Từ điển học và Bách khoa thư, tổ chức biên soạn bách khoa toàn thư Việt Nam, từ điển bách khoa, từ điển chuyên ngành và thuật ngữ, từ điển đa ngữ, các loại từ điển tiếng Việt và từ điển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; thực hiện tư vấn và đào tạo về từ điển học và bách khoa thư; tham gia phát triển nguồn nhân lực của cả nước”.

Hiện nay cơ cấu tổ chức của Viện được tổ chức như sau:

  1. Viện trưởng: PGS.TS. Lại Văn Hùng
  2. Phó Viện trưởng: PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng

Các phòng nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học:

  1. Phòng Từ điển ngữ văn
  2. Phòng Từ điển chuyên ngành và thuật ngữ
  3. Phòng Từ điển Bách khoa
  4. Phòng Thư ký - Biên tập Khoa học Xã hội
  5. Phòng Thư ký - Biên tập Khoa học Tự nhiên
  6. Phòng Thư ký - Biên tập Khoa học Công nghệ
  7. Phòng Ứng dụng Công nghệ tin học

Các phòng chức năng, nghiệp vụ:

  1. Phòng Tổ chức - Hành chính
  2. Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế
  3. Phòng Thông tin - Thư viện

Với những khó khăn tất yếu của một cơ quan nghiên cứu mới được thành lập cũng như nhiều những khó khăn khác nảy sinh từ việc chia tách, sáp nhập cơ quan… song Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác. Có được thành tích đó, ngoài sự nỗ lực, nhất trí đồng lòng của toàn thể cán bộ, viên chức, của đội ngũ cán bộ cốt cán, của tập thể Lãnh đạo Viện còn là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng Uỷ và Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, của Văn phòng cũng như của các Ban chức năng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Việc xây dựng một tờ tạp chí của ngành Từ điển học và Bách khoa thư đã được Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam chú ý đến ngay từ thời điểm mới bắt đầu thành lập Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, do vậy, trong Quyết định ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam” ngày 1-8-2008 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng đã đưa Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thành một thành phần trong cơ cấu tổ chức của Viện. Thực hiện Quyết định nói trên của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ngay sau khi củng cố về tổ chức và bước đầu triển khai các hoạt động chuyên môn, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã khẩn trương bắt tay vào việc thành lập Tạp chí. Với sự cố gắng của tiểu ban thành lập Tạp chí, sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của các ban chức năng thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 23/7/2009, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp Giấy phép hoạt động báo chí cho Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư. Và ngày 30/7/ 2009, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã ký quyết định số 1035/QĐ-KHXH thành lập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tạp chí nghiên cứu chuyên ngành mới trong đội ngũ các tạp chí chuyên ngành của Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Sau một năm kể từ ngày thành lập Viện, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư đã ra mắt số đầu tiên.

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHỦ YẾU

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lý luận Từ điển học và Bách khoa thư, tổ chức biên soạn bách khoa toàn thư Việt Nam, từ điển bách khoa, từ điển chuyên ngành và thuật ngữ, từ điển đa ngữ, các loại từ điển tiếng Việt và từ điển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; thực hiện tư vấn và đào tạo về từ điển học và bách khoa thư; tham gia phát triển nguồn nhân lực của cả nước. Sau khi thành lập, Văn phòng và Ban Quản lý Khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã bàn giao cho Viện 16 đề tài Khoa học do Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam trước đây đã và đang thực hiện chuyển sang. Sau khi có sự bàn giao, Lãnh đạo Viện cùng với các ban ngành liên quan của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã dành công sức cho việc xem xét thực tế, kết quả của các đề tài, từ đó đề xuất hướng giải quyết tiếp theo. Kết quả là, có 5 đề tài được Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho tiếp tục được triển khai.

Trong hai năm đầu kể từ ngày thành lập Viện, các cán bộ, viên chức của Viện đã thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ Một số vấn đề về lý luận và phương pháp luận cơ bản về từ điển và bách khoa thư Việt Nam. Năm 2011 là năm kết thúc, nghiệm thu kết quả nghiên cứu Chương trình cấp Bộ năm 2009 - 2010 Những vấn đề cơ bản về lý luận và phương pháp biên soạn các loại Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam. Chương trình gồm 6 đề tài. Tính đến tháng 5-2011, Viện đã hoàn thành việc nghiệm thu chính thức 6 đề tài và báo cáo thường niên năm 2010. Trong số các đề tài thuộc Chương trình 01 đề tài đạt loại xuất sắc, các đề tài còn lại đều đạt loại khá.

 Có thể nói kết quả nghiên cứu của Chương trình cấp Bộ năm 2009-2010 được nghiệm thu đầu năm 2011 rất quan trọng đối với Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Các đề tài trong Chương trình cấp Bộ 2009- 2010 được thực hiện một cách nghiêm túc, có chất lượng. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học thì những vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu biên soạn các loại từ điển và bách khoa thư, bách khoa toàn thư hầu như rất ít các công trình, đặc biệt ở Việt Nam thì hầu như chưa có các công trình nghiên cứu vấn đề này một cách toàn diện như các đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ năm 2009-2010 của Viện. Kết quả nghiên cứu rất thiết thực, cung cấp kiến thức cho các cán bộ của Viện trong việc biên soạn từ điển và nhất là chuẩn bị đề án biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam trong những năm tới.

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đang thực hiện các đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ (giai đoạn 2011-2015) Biên soạn Từ điển tiếng Việt, từ điển chuyên ngành và bách khoa thư Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 với các đề tài: Biên soạn từ điển tiếng Việt cỡ lớn; Biên soạn Từ điển thuật ngữ khoa học xã hội Anh - Việt; Biên soạn Từ điển thuật ngữ khoa học tự nhiên và công nghệ Anh - Việt; Biên soạn Bách khoa thư ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; Biên soạn Từ điển pháp luật phổ thông.

Trong năm 2012-2013 Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thực nhiện nhiệm vụ cấp Bộ trọng điểm “Xây dựng đề án và cơ sở biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (Biên soạn bách khoa thư Việt Nam)”. Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ cấp Bộ trọng điểm này là Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam do Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra Viện cũng thực hiện các đề tài độc lập khác và các đề tài hợp tác với bên ngoài. Đó là đề tài Điền dã thu thập từ vựng các ngôn ngữ tiêu vong: Tiếng Laha và tiếng Nùng Vẻn (thuộc nhóm các ngôn ngữ KaDai ở Việt Nam); đề tài Biên soạn Từ điển thuật ngữ khoa học xã hội Nga -Việt cũng là đề tài nằm trong chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học (với sự tài trợ của Quỹ Khoa học xã hội nhân văn Nga) giữa Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam; đề tài: Nghiên cứu hoàn chỉnh bộ chữ dân tộc Cor, biên soạn sách dạy và học tiếng Cor

Hoạt động khoa học của Viện, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã được chuyển tải trên các số Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư (phát hành 6 số/năm)

Nội dung của tạp chí chủ yếu xoay quanh các vấn đề:

 - Những vấn đề từ điển học: Gồm những bài nghiên cứu trao đổi về lý luận từ điển học, các nguyên lý, nguyên tắc và phương pháp cơ bản trong việc biên soạn và xuất bản các loại hình từ điển phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu của đông đảo bạn đọc, đánh giá các loại hình từ điển trên thế giới và Việt Nam; xu hướng của từ điển học thế giới; vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xây dựng ngân hàng dữ liệu và hỗ trợ biên soạn các loại từ điển, v.v...

 - Những vấn đề bách khoa thư học: Gồm những bài nghiên cứu trao đổi về loại hình từ điển tri thức, các công trình bách khoa (từ điển bách khoa các loại , bách khoa toàn thư,…); lịch sử ra đời và phát triển của bách khoa toàn thư trên thế giới; nhìn lại công việc biên soạn và xuất bản các công trình bách khoa ở Việt Nam; những vấn đề lý luận và phương pháp luận biên soạn các công trình bách khoa; vấn đề tổ chức hệ thống cộng tác viên, các nguyên lí, nguyên tắc và cách thức biên soạn; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xây dựng ngân hàng dữ liệu và hỗ trợ biên soạn Bách khoa toàn thư… Đề xuất các giải pháp cho việc biên soạn và xuất bản từ điển bách khoa, bách khoa toàn thư ở Việt Nam; trước mắt tập trung giới thiệu các vấn đề liên quan đến dự án biên soạn bộ bách khoa toàn thư Việt Nam để lấy ý kiến trao đổi, xây dựng của các nhà khoa học.

 - Thông tin về các hoạt động liên quan: các hoạt động và thành tựu mới của giới Từ điển học và Bách khoa thư học thế giới và Việt Nam; các hoạt động liên ngành; thông tin tư liệu, sách vở, công trình mới; giới thiệu các tri thức bách khoa mang tính thời sự và có ý nghĩa trọng điểm, v.v...

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

Nhìn lại 5 năm qua, có thể khẳng định, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã hoàn thành được nhiệm vụ của một Viện nghiên cứu chuyên ngành về từ điển học và Bách khoa thư; xây dựng được Viện trở thành một tập thể vững mạnh, đoàn kết nhất trí.

Với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020.

1. Tổ chức biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam trong giai đoạn tới là thực hiện nhiệm vụ tổ chức biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.        

Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam có những mục đích sau:

- Giới thiệu những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử, xã hội, văn hoá, khoa học, công nghệ Việt Nam xưa và nay.

- Giới thiệu những tri thức văn hoá, khoa học công nghệ của thế giới, đặc biệt chú trọng những tri thức cần cho độc giả Việt Nam.

- Những tri thức đó góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam và nâng cao trình độ văn hoá, khoa học, kĩ thuật của nhân dân ta. Bách khoa toàn thư Việt Nam dùng cho đông đảo nhân dân, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nghiên cứu và học tập, đồng thời giúp ích cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam.

Việc biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam phải đảm bảo những yêu cầu sau:

- Khoa học, cơ bản, hiện đại, Việt Nam. Các tri thức được phản ánh có căn cứ khoa học, chính xác, đã được tổng kết đánh giá, được xã hội công nhận; lựa chọn những tri thức cơ bản nhất, chú ý những tri thức chính yếu, cập nhật những tri thức hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ văn hoá, khoa học kĩ thuật của cán bộ, mặt bằng dân trí của nhân dân, yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

- Súc tích, chuẩn mực, hấp dẫn. Các tri thức được trình bày có hệ thống, sử dụng ngôn ngữ trong sáng.

- Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phân tích, đánh giá các sự kiện và tư liệu.

2. Biên soạn các loại từ điển và bách khoa thư

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính là tổ chức biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam tiếp tục triển khai các hướng hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Thực hiện các đề tài khoa học, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ

- Hợp tác với các địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biên soạn các công trình Từ điển và bách khoa thư địa phương

- Hợp tác với các Bộ, ngành biên soạn các công trình từ điển và bách khoa thư chuyên ngành, chuyên đề.

3. Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ viên chức chuyên sâu các ngành khoa học

Để đáp ứng đòi hỏi của công việc ngày càng nặng nề, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ viên chức, tuyển dụng cán bộ có tính đa ngành: các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ có trình độ ngoại ngữ tốt, học vị thạc sỹ, tiến sĩ và các chức danh phó giáo sư, giáo sư.

4. Xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu công việc

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có kế hoạch xây dựng Thư viện có các tư liệu phong phú, các bộ từ điển và bách khoa toàn thư của các nước để tra cứu phục vụ cho việc tra cứu. Thư viện Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam phải trở thành nơi có đầy đủ mọi điều kiện để cho các nhà khoa học tham gia biên soạn các công trình từ điển và bách khoa thư, đặc biệt là biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Phòng Ứng dụng công nghệ tin học của Viện tuyển dụng các kỹ sư tin học có trình độ cao, được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại đủ khả năng đáp ứng việc ứng dụng công nghệ tin học vào quá trình biên soạn các công trình từ điển, bách khoa thư, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.

5. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế

Thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trung tâm, các nhà xuất bản của các nước trong khu vực và trên thế giới trong việc đào tạo cán bộ, dịch và biên soạn các công trình từ điển và bách khoa thư.

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Các tin đã đưa ngày: