I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
Viện Nghiên cứu Châu Mỹ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 466/TTg, ngày 13 tháng 9 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khu vực Châu Mỹ, nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách quan hệ quốc tế với các quốc gia thuộc châu lục này. Viện Nghiên cứu Châu Mỹ được tái ghi nhận tại Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Những nhiệm vụ chính của Viện là xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học liên ngành, đa ngành, ngắn hạn và dài hạn về khoa học xã hội và nhân văn khu vực Châu Mỹ đặc biệt là những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, những kinh nghiệm phát triển và quan hệ quốc tế của Châu Mỹ trong đó có quan hệ với Việt Nam, giới thiệu có chọn lọc những khía cạnh của nền văn minh khu vực phục vụ nhu cầu và lợi ích của đất nước; trao đổi và hợp tác với nước ngoài theo các quy định của Nhà nước; phối hợp và hợp tác chặt chẽ với cá viện, cơ quan nghiên cứu chuyên ngành và các cơ quan khác ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học ở các nước trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hội thảo khoa học, tư vấn khoa học, trao đổi học giả, tổ chức dịch vụ tư vấn, tư vấn kinh doanh, quy hoạch, dự báo phát triển, dịch vụ du lịch nghiên cứu và các hoạt động khác; xây dựng hệ thống thông tin tư liệu thư viện và cơ sở vật chất cần thiết cho công tác nghiên cứu về Châu Mỹ.
Cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ gồm có:
- Các phòng nghiên cứu:
1. Phòng Nghiên cứu Kinh tế Châu Mỹ.
2. Phòng Nghiên cứu Chính trị Châu Mỹ.
3. Phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hoá - Xã hội Châu Mỹ.
4. Phòng Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Châu Mỹ.
5. Phòng Nghiên cứu và trao đổi giáo dục quốc tế.
6. Trung tâm Hoa kỳ và Canada.
7. Trung tâm Mỹ Latinh.
8. Phòng Quản lý khoa học.
- Các phòng chức năng:
1. Phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện.
2. Phòng Toà soạn Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay.
3. Phòng Hành chính - Tổng hợp.
- Tạp chí Châu Mỹ ngày nay:
Tạp chí Châu Mỹ ngày nay là cơ quan ngôn luận khoa học của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ. Đồng thời, Tạp chí còn là diễn đàn khoa học của giới Nghiên cứu Mỹ, Châu Mỹ.
- Hội đồng Khoa học:
Viện Nghiên cứu châu Mỹ có Hội đồng Khoa học. Hội đồng có chức năng tư vấn cho Viện trưởng về định hướng phát triển, tổ chức và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ KHOA HỌC
Kể từ khi thành lập đến nay, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đã nhận thực hiện và hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ và đề tài cấp Viện. Các đề tài này được triển khai trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, luật pháp, văn hoá, giáo dục, quan hệ quốc tế… Xin dẫn một số đề tài như:
Đề tài cấp Nhà nước:
+ Các công ty xuyên quốc gia, GS.TS Nguyễn Thiết Sơn chủ nhiệm, 2004.
+ Quan hệ hợp tác kinh tế Việt nam Hoa Kỳ, GS.TS Nguyễn Thiết Sơn chủ nhiệm, 2007-2009.
+ Những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản hiện đại, PGS.TS. Đỗ lộc Diệp chủ nhiệm, 1996-2000.
+ Công nghiệp Việt Nam trong mạng sản xuất khu vực: vị trí, triển vọng và kiến nghị chính sách, TS. Cù Chí Lợi chủ nhiệm, 2009-2010.
Đề tài cấp Bộ:
+ Cấu trúc lại nền kinh tế Mỹ, TS. Vũ Đăng Hinh chủ nhiệm, 2005.
+ Những vấn đề chính trị nổi bật của châu Mỹ giai đoạn 2010-2020 và tác động đến Việt Nam, TS. Cù Chí Lợi chủ nhiệm, 2009-2010.
+ Quan hệ Mỹ - Trung Quốc giai đoạn 2011-2020, TS. Lê Khương Thùy chủ nhiệm, 2008.
+ Một số vấn đề về đảng cầm quyền và đảng đối lập trong đời sống chính trị Hoa Kỳ, ThS.NCVC. Nguyễn Thị Hạnh chủ nhiệm, 2008-2009.
+ Những vấn đề kinh tế nổi bật của châu Mỹ giai đoạn 2010-2020 và tác động đến Việt Nam, ThS. Nguyễn Ngọc Mạnh chủ nhiệm, 2009-2010.
+ Những vấn đề chính trị - kinh tế (trong nước) nổi bật của Hoa Kỳ giai đoạn 2010-2020 và tác động đến Việt Nam, ThS. Nguyễn Tuấn Minh chủ nhiệm, 2009-2010.
+Sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu và khu vực của Hoa kỳ sau khủng hoảng tài chính và tác động đến Việt Nam, TS. Cù Chí Lợi chủ nhiệm, 2011-2012.
+ Sự điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ đối với châu Âu sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và tác động đến việt Nam, TS. Bùi Thị Phương Lan chủ nhiệm, 2011-2012.
+ Sự điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ đối với châu Á sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và tác động đến việt Nam, ThS.NCVC. Nguyễn Thị Hạnh chủ nhiệm, 2011-2012.
+ Sự điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và tác động đến việt Nam, TS. Lê Khương Thùy chủ nhiệm, 2011-2012.
+ Văn hóa trong phát triển một số nước Mỹ latinh, TS. Nguyễn Kim Anh chủ nhiệm, 2011-2013.
Kết quả nghiên cứu của các hệ thống đề tài đã được báo cáo với nhiều cơ quan của Đảng và Nhà nước có liên quan, đồng thời được giới thiệu rộng rãi với các bạn đọc trong nước.
Các đề tài đã xác định được những mâu thuẫn chủ yếu của chủ nghĩa hiện đại, hình thức biểu hiện mới nhất của chúng, xu hướng diễn biến của những mâu thuẫn này và phác hoạ sơ bộ những đường nét chủ yếu của chủ nghĩa tư bản trong thời gian sắp tới. Đây là những công trình đóng góp về mặt lý luận để nhận dạng chủ nghĩa tư bản trong thời đại hiện nay, cơ sở khoa học cho nhận thức xã hội phương Tây và xây dựng chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Các đề tài đã đi sâu nghiên cứu một loại hình tổ chức sản xuất phổ biến của chủ nghĩa tư bản hiện đại, đó là tổ chức công ty kinh doanh trên phạm vi nhiều quốc gia, nhiều lãnh thổ. Các công trình đã chỉ ra rằng hình thức tổ chức kinh doanh phổ biến này là kết quả tất yếu của quá trình tích luỹ tư bản, phát triển của lực lượng sản xuất, của quan hệ sản xuất quốc tế. Đây là hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả hơn, ưu việt hơn và cũng thể hiện tính xã hội hoá cao hơn so với những loại hình tổ chức sản xuất trước đó. Sự mở rộng hoạt động của các tổ chức này trên thế giới đang làm lan toả những tiến bộ về khoa học công nghệ, về quản lý sản xuất và kỹ năng lao động ra nhiều vùng trên thế giới. Như vậy, về nhận thức không những chúng ta cần phải chấp nhận sự hiện đại của loại hình tổ chức sản xuất này, mà còn phải chủ động xây dựng các tổ chức loại này của chúng ta để đảm bảo cho hoạt động sản xuất của chúng ta ngày một hiệu quả. Kết quả nghiên cứu của các đề tài này cũng chỉ ra rằng sự mở rộng hoạt động của loại hình tổ chức kinh doanh tư bản này cũng kéo theo nhiều tác động tới thể chế, tới kinh tế và lối sống… của không ít các quốc gia tiếp nhận chúng. Bởi vậy, các quốc gia trong đó có chúng ta cũng phải thường xuyên theo dõi, kịp thời đưa ra những biện pháp tự vệ và những điều chỉnh thích ứng để khai thác những cái lợi do chúng đem lại, song không để xã hội chịu những tác động xấu do chúng gây ra. Với những kết quả nghiên cứu trên, các công trình góp phần làm rõ những diễn biến chính trong kinh tế quốc tế và nó giúp người đọc không những hiểu rõ thêm về thực thể kinh tế quốc tế mà còn giúp các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp Việt Nam có những chính sách phù hợp để mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế.
Các đề tài đã làm rõ được các thiết chế của hệ thống chính trị Mỹ. Từ nghiên cứu của Hiến pháp của Mỹ đến thực tế xây dựng và thực hiện các đạo luật, đề tài xác định được những nguyên tắc cơ bản hình thành lên toàn bộ thể chế chính trị ở Mỹ. Kết quả nghiên cứu cơ bản này không chỉ tạo điều kiện cho việc mở rộng nghiên cứu toàn diện xã hội Mỹ, mà còn là một ví dụ tốt để nghiên cứu nhiều hệ thống chính trị khác. Điều quan trọng hơn là các tác giả tham gia công trình này không chỉ dừng ở việc xác định những nguyên tắc, mà còn đi sâu tìm hiểu nguồn gốc của chúng hay những điều kiện, nhu cầu; ý tưởng hình thành ra những nguyên tắc chủ yếu ấy. Đặc biệt, các tác giả đã xác định thêm được là những nguyên tắc hình thành Nhà nước Liên bang Mỹ không phải là những gì siêu nhiên mà chính là những thoả thuận xã hội vào thời điểm hình thành Nhà nước Liên bang Mỹ. Những nguyên tắc này hoàn toàn có thể thay đổi ở một giai đoạn lịch sử nào đó của xã hội Mỹ. Dựa trên những nguyên tắc chủ yếu này, các tác giả còn xác định được cấu trúc của thể chế liên bang Mỹ và mối quan hệ gắn bó của những bộ phận cấu thành dựa trên những ý tưởng và nguyên tắc ban đầu xây dựng liên bang. Những bộ phận cấu thành này vừa là những thiết chế chính thức vừa là những thiết chế phi chính thức. Tất cả chúng đều có vai trò quan trọng trong việc xây dựng những thể chế để quản lý xã hội, duy trì các hoạt động xã hội trong một trật tự, trong điều kiện xã hội có nhiều giai tầng có nhiều lợi ích khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Một đóng góp đáng kể nữa là, từ nghiên cứu Mỹ, công trình đã phát hiện ra mục đích sâu xa của hoạt động chính trị trong xã hội loài người là tạo ra thể chế và bộ máy công quyền để quản lý xã hội theo thể chế ấy. Tuy nhiên, trong một xã hội có nhiều giai cấp và tầng lớp, thì bất cứ một quy chế nào ra đời đều mang lại những lợi ích và thiệt hại ở mức độ khác nhau cho mỗi nhóm. Do vậy, để bảo vệ lợi ích cho nhóm của mình, các nhóm dù muốn hay không cũng phải tham gia tích cực vào quá trình xây dựng thể chế và giành chính quyền để chi phối quá trình xây dựng và thực hiện thể chế. Bởi vậy, hoạt động chính trị Mỹ cũng như ở các quốc gia dân chủ khác bao giờ cũng diễn ra rất quyết liệt. Những kết quả nghiên cứu giúp người đọc hiểu dễ dàng hơn về nước Mỹ, một Nhà nước tiêu biểu của thế giới tư bản, giúp người đọc nhiều tri thức để giải thích những hiện tượng chính trị đang diễn ra gay gắt, tính bền vững tương đối của Hiến pháp Mỹ, đồng thời để hiểu tính tự do sáng tạo và hoạt động kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ. Những kết quả nghiên cứu này cũng giúp các nhà hoạt động thực tế hiểu biết sâu sơn về Mỹ để triển khai các quan hệ với Mỹ có hiệu quả.
Các đề tài đã xác định được những nội dung mà Mỹ đã điều chỉnh trong chính sách đối nội, đối ngoại sau chiến tranh lạnh, tìm được câu trả lời cho câu hỏi tại sao Mỹ lại có những điều chỉnh. Kết quả nghiên cứu này giúp những người đọc không những nhận biết được những thuận lợi mà còn cả những khó khăn mà nền kinh tế Mỹ gặp phải ở giai đoạn này. Các đề tài đã tổng kết những giải pháp kinh tế chủ yếu mà chính phủ Clinton đã triển khai vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX để chấn hưng nền kinh tế, tiếp tục khẳng định vị trí kinh tế số 1 của Mỹ trên thế giới. Các tác giả của đề tài đã phát hiện ra rằng chính sách kinh tế của Mỹ trong thời kỳ này là một tập hợp những giải pháp dính kết mà chính phủ Mỹ đưa ra để tác động đến nhiều yếu tố khác nhau của cả quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra của quá trình này, chứ không chỉ là một vài giải pháp tình thế rời rạc. Điều đáng kể hơn là trong khi nhận ra được tính đa chiều và dính kết của những giải pháp, các tác giả vẫn xác định được nhóm giải pháp mở đường cho một thời kỳ phát triển kinh tế mới của nền kinh tế Mỹ, đó là giải pháp phát triển khoa học công nghệ mũi nhọn – một lĩnh vực Mỹ có tiềm năng nhất thế giới, trên cơ sở đó xây dựng những ngành công nghiệp vượt trước, đưa nền kinh tế Mỹ đi tiên phong vào nền kinh tế tri thức. Những biện pháp mà chính phủ Mỹ áp dụng trong lĩnh vực này không phải là những việc làm thay thế cho khu vực tư nhân, mà chủ yếu là những biện pháp kích thích sự sáng tạo và hợp tác của khu vực kinh tế tư nhân. Bởi vậy, với những kích thích này những hoạt động sáng tạo đã tăng gấp bội. Phát hiện này có thể đưa tới một nhận định là bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào và ở bất kể một trình độ phát triển nào cũng cần có sự tác động khôn ngoan của Nhà nước để phát triển. Những phân tích toàn diện và lý giải của đề tài góp phần giải thích cho một thời kỳ phát triển rất thành công của nền kinh tế Mỹ sau một thời kỳ dài trì trệ và bị giảm mất lòng tin của dân chúng. Kết quả nghiên cứu của đề tài gợi ý nhiều cho các nhà hoạch định chính sách của chúng ta.
Ngoài những đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ nêu trên. Viện Nghiên cứu Châu Mỹ còn triển khai nhiều đề tài cấp Viện như những vấn đề chính trị và xã hội của nước Mỹ trong thời gian hiện tại, quan hệ Mỹ với các khu vực, nền văn hoá Mỹ, kinh tế Canađa, quan hệ đối ngoại Canađa, kinh nghiệm hội nhập quốc tế của khu vực Mỹ latinh… Các đề tài này đều cung cấp được những thông tin khái quát nhất về từng lĩnh vực giúp bạn đọc nhanh chóng nắm bắt được thông tin khi cần thiết và hiểu biết nhiều mặt của đời sống xã hội Mỹ.
Từ những kết quả nghiên cứu của mình, Viện nghiên cứu Châu Mỹ đã đưa ra nhiều kiến nghị về những nhận thức mới về chủ nghĩa tư bản hiện đại, kiến nghị về đối sách và khả năng khai thác các công ty xuyên quốc gia, kiến nghị về các giải pháp phát triển quan hệ Mỹ - Việt.
Cũng trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu Nhà nước, cấp Bộ và cấp Viện và sự hợp tác nghiên cứu với các nhà học giả khác, Viện nghiên cứu Châu Mỹ đã xuất bản được một số cuốn sách và giới thiệu rộng rãi với bạn đọc. Viện cũng đã nhận được nhiều lời cổ vũ từ bạn đọc về những ấn phẩm này. Xin dẫn một số ấn phẩm:
1. Đỗ Lộc Diệp (cb): Chủ nghĩa tư bản ngày nay: mâu thuẫn nội tại, xu thế, triển vọng (2002);
2. Nguyễn Thiết Sơn (cb): Quan hệ Kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ: Vấn đề chính sách và xu hướng (2011);
3. Đỗ Lộc Diệp (cb): Hoa Kỳ - Những xu hướng thay đổi chiến lược kinh tế sau Chiến tranh Lạnh (1998);
4.Vũ Đăng Hinh (cb): Đặc điểm hệ thống chính trị Mỹ (2001);
5. Đỗ Lộc Diệp (cb): Mỹ - Âu - Nhật: Văn hóa và phát triển (2003);
6. Vũ Đăng Hinh (cb): Cấu trúc lại nền kinh tế Mỹ (2005);
7. Cù Chí Lợi (cb): Mạng sản xuất toàn cầu và sự tham gia của các ngành công nghiệp Việt Nam (2012);
8. Lê Khương Thùy (cb): Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đầu thế kỷ 21 (2012);
9. Nguyễn Thị Hạnh (cb): Một số vấn đề về Đảng cầm quyền và đối lập trong đời sống chính trị Hoa Kỳ (2012);
10. Bùi Phương Lan (tg): Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 1994-2010 (2011).
Bên cạnh những sách xuất bản. Viện Nghiên cứu Châu Mỹ còn có tạp chí nghiên cứu xuất bản định kỳ hành tháng mang tên gọi Châu Mỹ ngày nay. Nhiều bài Nghiên cứu về nền kinh tế mới ở Mỹ, chính sách đối ngoại, đảng phái chính trị ở Mỹ, các cơ quan công quyền Mỹ, nền văn hoá Mỹ, kinh tế Canađa, tình hình kinh tế chính trị xã hội Mỹ latinh, khủng hoảng kinh tế ở Mỹ Latinh… cung cấp kịp thời rất nhiều thông tin đã được nghiên cứu, đánh giá về những lĩnh vực này cho bạn đọc.
- Để công tác nghiên cứu thêm sâu sắc và đạt độ tin cậy cao, Viện nghiên cứu Châu Mỹ còn tổ chức các cuộc trao đổi khoa học với nhiều học giả trong và ngoài nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật bản… về nhiều vấn đề khoa học mang tính thời sự ở từng thời điểm như: ưu tiên của Mỹ sau chiến tranh lạnh, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngân sách ở Mỹ, việc thành lập NAFTA và vai trò của nó đối với việc phát triển của các nước thành viên, chính sách an ninh của Mỹ và quan hệ quốc tế. Những vấn đề sau trao đổi đã được làm rõ đều có những thông báo khoa học ở mức cần thiết. Ngoài những cuộc trao đổi khoa học như trên, Viện còn kết hợp cùng Sứ quán Mỹ, Canađa tổ chức hội thảo khoa học về quan hệ trong hiện tại và tương lai nhằm đánh giá và phát hiện những khả năng mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai bên.
- Cùng với công tác chủ yếu nghiên cứu, nhiều cán bộ của Viện đã tham gia giảng dạy - đào tạo đại học và sau đại học tại các trường: Học viện KHXH, Đại học kinh tế Quốc dân, Đại học KHXH&NV, Đại học Ngoại thương, Học viện CTQG HCM và một số cơ sở đào tạo khác. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh đã hoàn thành luận văn, luận án với sự hướng dẫn khoa học của các cán bộ đầu đàn trong Viện.
Do cán bộ của Viện được đào tạo từ nhiều nguồn với nhiều chuyên ngành khác nhau, nên bên cạnh những hoạt động đào tạo ở bên ngoài, Viện còn mở các lớp đào tạo kiến thức bổ sung cho những cán bộ mới nhập viện nhằm tạo điều kiện cho cán bộ mới có vốn kiến thức cần thiết về đất nước học phục vụ cho nghiên cứu của mình tốt hơn.
- Để phục vụ lâu dài cho công tác nghiên cứu, trong phạm vi kinh phí được cấp, Viện đã cố gắng lựa chọn và xây dựng một bộ tư liệu toàn diện về các lĩnh vực khoa học xã hội của khu vực Châu Mỹ. Do vậy, Thư viện của Viện đã bước đầu phục vụ khá tốt các cán bộ nghiên cứu trong Viện và cả các cán bộ ngoài Viện.
Ngoài những kết quả đã đạt được trên, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ còn xây dựng xong kế hoạch nghiên cứu các nước trong khu vực châu Mỹ từ nay đến 2020. Nhiều mặt của đời sống xã hội của những nước trong khu vực sẽ được làm rõ và giới thiệu dần trong tương lai.
III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ GIAI ĐOẠN 2012-2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
1.Thực trạng phát triển của Viện giai đoạn trước năm 2013
Trong giai đoạn trước 2013, nhìn chung Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cơ bản đã hoàn thành mọi nhiệm vụ đề ra. Phần lớn các đề tài đều triển khai đúng tiến độ. Các bài viết đăng tạp chí có chất lượng tốt, số lượng đạt yêu cầu. Công việc tại các phòng, trung tâm đêu được hoàn thành đúng theo mục đích, yêu cầu. Các phòng ban phục vụ nghiên cứu hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho hoạt động nghiên cứu. Nhiều hoạt động khoa học như tổ chức các hội thảo, tọa đàm đã thúc đẩy sự tham gia nhiệt tình của các cán bộ, tạo bầu không khí hứng khởi, say mê với công việc.
Công tác tổ chức kỷ luật có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù nguồn kinh phí có hạn nhưng việc tổ chức hội thảo, các chuyến đi công tác nước ngoài trao đổi khoa học, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Viện.
Những nhiệm vụ chính của Viện là xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học liên ngành, đa ngành, ngắn hạn và dài hạn về khoa học xã hội và nhân văn khu vực Châu Mỹ đặc biệt là những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, những kinh nghiệm phát triển và quan hệ quốc tế của Châu Mỹ trong đó có quan hệ với Việt Nam, giới thiệu có chọn lọc những khía cạnh của nền văn minh khu vực phù hợp với nhu cầu và lợi ích của đất nước; trao đổi và hợp tác với nước ngoài theo các quy định của Nhà nước; phối hợp và hợp tác chặt chẽ với cá viện, cơ quan nghiên cứu chuyên ngành và các cơ quan khác ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học ở các nước trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hội thảo khoa học, tư vấn khoa học, trao đổi học giả, tổ chức dịch vụ tư vấn , tư vấn kinh doanh, quy hoạch, dự báo phát triển, dịch vụ du lịch nghiên cứu và các hoạt động khác; xây dựng hệ thống thông tin tư liệu thư viện và cơ sở vật chất cần thiết cho công tác nghiên cứu về Châu Mỹ.
Ngoài những đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ nêu trên. Viện Nghiên cứu Châu Mỹ còn triển khai nhiều đề tài cấp Viện như những vấn đề chính trị và xã hội của nước Mỹ trong thời gian hiện tại, quan hệ Mỹ với các khu vực, nền văn hoá Mỹ, kinh tế Canađa, quan hệ đối ngoại Canađa, kinh nghiệm hội nhập quốc tế của khu vực Mỹ latinh… Các đề tài này đều cung cấp được những thông tin khái quát nhất về từng lĩnh vực giúp bạn đọc nhanh chóng nắm bắt được thông tin khi cần thiết và hiểu biết nhiều mặt của đời sống xã hội Mỹ.
- Từ những kết quả nghiên cứu của mình, Viện nghiên cứu Châu Mỹ đã đưa ra nhiều kiến nghị về những nhận thức mới về chủ nghĩa tư bản hiện đại, kiến nghị về đối sách và khả năng khai thác các công ty xuyên quốc gia, kiến nghị về các giải pháp phát triển quan hệ Mỹ - Việt.
Cũng trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu Nhà nước, cấp Bộ và cấp Viện và sự hợp tác nghiên cứu với các nhà học giả khác, Viện nghiên cứu Châu Mỹ đã xuất bản được một số cuốn sách và giới thiệu rộng rãi với bạn đọc. Viện cũng đã nhận được nhiều lời cổ vũ từ bạn đọc về những ấn phẩm này.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Viện vẫn còn một số mặt hạn chế như chất lượng công tác nghiên cứu, uy tín về khoa học của Viện chưa thật sự đạt được như mong muốn. Công tác hợp tác nghiên cứu với các tổ chức nước ngoài còn nhiều hạn chế, chưa mở rộng. Trình độ nghiên cứu, ngoại ngữ của các cán bộ vẫn còn ít nhiều hạn chế, cần có thêm nhiều cơ hội để nâng cao. Mặc dù chế độ trực và làm việc ở cơ quan đã có những cải thiện đáng kể, một số cán bộ trong cơ quan vẫn chưa thật sự tôn trọng các quy định của cơ quan thể hiện ở chỗ việc đến làm việc ở cơ quan không thường xuyên, và ít có đóng góp vào các hoạt động chung của cơ quan.
Nguyên nhân của các mặt trên bao gồm:
- Công tác tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học chưa thực sự thu hút đầy đủ các cán bộ của Viện cùng tham gia. Vì vậy một mặt cần phải có biện pháp thu hút các cán bộ trẻ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, và mặt khác cũng cần phải có chế độ quản lý bắt buộc đối với cán bộ trẻ trong một số công tác như tổng thuật tài liệu, nâng cao trình độ ngoại ngữ.
- Tính hấp dẫn của hoạt động nghiên cứu là chưa cao: Thực sự nguồn thu nhập từ hoạt động nghiên cứu khoa học chưa bảo đảm cho các cán bộ có thể hoàn toàn chuyên tâm vào hoạt động này, và vì vậy còn nhiều cán bộ phải thực hiện cơ chế “trong - ngoài” và vì vậy thời gian giành cho hoạt động nghiên cứu là chưa thật sự tương xứng.
- Kỷ luật hoạt động khoa học chưa thật sự mạnh mẽ. Công tác sinh hoạt khoa học của các đề tài vẫn còn mang nặng tính hành chính và các sinh hoạt khoa học chưa thật sự sâu sắc, đặc biệt là các vấn đề có tính học thuật cao, hoặc các vấn đề có hàm ý chính sách lớn. Vì vậy, công tác này cần phải được củng cố và gia tăng tính kỷ luật hơn.
2. Quan điểm, mục tiêu phát triển của Viện đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Những nhiệm vụ chính của Viện là xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học liên ngành, đa ngành, ngắn hạn và dài hạn về khoa học xã hội và nhân văn khu vực Châu Mỹ đặc biệt là những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, những kinh nghiệm phát triển và quan hệ quốc tế của Châu Mỹ trong đó có quan hệ với Việt Nam, giới thiệu có chọn lọc những khía cạnh của nền văn minh khu vực phù hợp với nhu cầu và lợi ích của đất nước; trao đổi và hợp tác với nước ngoài theo các quy định của Nhà nước; phối hợp và hợp tác chặt chẽ với cá viện, cơ quan nghiên cứu chuyên ngành và các cơ quan khác ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học ở các nước trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hội thảo khoa học, tư vấn khoa học, trao đổi học giả, tổ chức dịch vụ tư vấn, tư vấn kinh doanh, quy hoạch, dự báo phát triển, dịch vụ du lịch nghiên cứu và các hoạt động khác; xây dựng hệ thống thông tin tư liệu thư viện và cơ sở vật chất cần thiết cho công tác nghiên cứu về Châu Mỹ.
Mục tiêu bao trùm đặt ra cho hoạt động của Viện là tạo một bước chuyển mạnh về chất lượng nghiên cứu, thể hiện trên tất cả các mặt: chất lượng khoa học (trình độ lý luận), mức độ đóng góp thực tiễn, số lượng công trình được công bố, tạo cơ sở để nâng cấp chất lượng nghiên cứu, tạo sức hấp dẫn của hoạt động nghiên cứu tập thể, v.v…
Để đạt được mục tiêu đó, cần tập trung giải quyết ba vấn đề lớn:
- Tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đó nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu và gia tăng uy tín khoa học của cơ quan.
- Kết hợp một cách đúng đắn giữa hoạt động nghiên cứu cơ bản và các hoạt động nghiên cứu triển khai nhằm khai thác tối đa các cơ hội có thể hợp tác với các đối tác trong và ngoài Viện, trong và ngoài nước. Cần từng bước nâng cao năng lực nghiên cứ và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, mạnh dạn đưa ra các đề suất nghiên cứu với các tổ chức quốc tế.
- Gia tăng trách nhiệm của các cán bộ, nhất là các cán bộ chủ chốt trong việc khai thác các đề tài, đăng ký, đấu thầu bảo đảm khai thác nhiều hơn các đề tài ngoài kênh chính thức theo chương trình nghiên cứu của Viện KHXHVN.
Viện cần đẩy mạnh các sinh hoạt khoa học tập thể hơn nữa để tạo không khí học thuật sôi nổi. Các Phòng tổ chức sinh hoạt khoa học tập thể thường kỳ (hàng tháng) dưới hình thức seminar, có sự tham gia của lãnh đạo Viện và phòng Khoa học. Phòng Khoa học Viện hoạt động thường xuyên, theo định kỳ hàng quý, có nội dung cụ thể, thiết thực, bám sát các đề tài mà Viện đang triển khai hoặc thảo luận các vấn đề kinh tế nổi bật, nâng cao vai trò và hiệu lực tư vấn cho Viện trưởng trong việc chỉ đạo, tổ chức hoạt động nghiên cứu của Viện.
Viện phối hợp chặt chẽ với các Phòng và các cán bộ của Viện để khai thác các nguồn đề tài dự án phù hợp với chức năng nghiên cứu và năng lực cán bộ. Viện vừa đặt yêu cầu, vừa khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các Phòng và cá nhân chủ động tìm kiếm đề tài dự án thông qua kênh đấu thầu của Bộ khoa học - công nghệ, từ các địa phương và từ nguồn nước ngoài.
Các hoạt động cụ thể bao gồm :
+ Công tác nghiên cứu:
- Tiến hành tham gia đấu thầu các đề tài khoa học cấp Nhà nước, các đề tài thuộc quỹ khoa học.
- Tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình và các đề tài cấp Bộ, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Kiên quyết không để các đề tài quá hạn.
- Tăng cường các hoạt động sinh hoạt khoa học, hợp tác nghiên cứu, giảng dạy với các cơ quan trong, ngoài nước.
- Phối hợp với các tổ chức, cơ quan để tổ chức hội thảo quốc tế về các vấn đề mang tính thời sự, được giới khoa học quan tâm.
- Các cán bộ nghiên cứu viết bài cho tạp chí theo kế hoạch đã đề ra.
+ Công tác đào tạo:
- Các cán bộ tiếp tục tham gia các khóa học đào tạo chuyên môn, chuyên ngành, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức.
- Tạo mọi điều kiện để cán bộ trẻ nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ.
+ Hợp tác quốc tế:
- Tham gia, hợp tác, trao đổi khoa học với các học giả nước ngoài.
- Tổ chức một Hội thảo Quốc tế.
- Tạo điều kiện để một số cán bộ trẻ tham gia lớp học tiếng Anh nâng cao
- Tiếp tục kết nối giữa các trường Đại học ở Hoa Kỳ và Học viện KHXH.
- Đẩy mạnh quan hệ trong nghiên cứu với Hoa Kỳ, Nhật, Hàn quốc...
+ Công tác tạp chí, thư viện, hành chính:
- Tiếp tục nâng cao chương trình tin học hóa, khai thác thông tin trên mạng.
- Nâng cao chất lượng tạp chí.
- Bổ sung, cập nhật website.
+ Các hoạt động khác:
- Duy trì sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả các tổ chức trong viện như Chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên.
- Tổ chức tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích và tạo một bầu không khí làm việc tích cực, hiệu quả trong Viện.
Ngoài các biện pháp tổ chức, quản lý hoạt động thông thường, Viện tập trung thực hiện thêm hai nhóm giải pháp sau.
- Tăng cường kỷ luật làm việc bằng các biện pháp giám sát, kiểm tra thời gian làm việc của cán bộ, viên chức thông qua sự phối hợp hoạt động giữa Viện, Công đoàn và Đoàn Thanh niên.
- Viện kết hợp với Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức các sinh hoạt học thuật để tăng cường không khí sôi động, tranh luận và cởi mở khoa học, nâng cao chất lượng chuyên môn.
Viện cũng khuyến khích các sáng kiến và tinh thần chủ động của cán bộ viên chức trong toàn viện, đóng góp vào các hoạt động tập thể nhằm tạo nên một tinh thần và khí thế hoạt động mới.
(*) Ban Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Châu Mỹ viết.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN