Chia sẻ về quá trình trưởng thành và phát triển của đội ngũ cán bộ trẻ Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên

17:00 20/11/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Hòa chung không khí chào mừng 70 năm kỷ niệm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2/12/1953-2/12/2023), chúng tôi có đôi dòng chia sẻ về những kỷ niệm, tâm tư tình cảm và quá trình trưởng thành của cán bộ trẻ trong thời gian gắn bó với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên nói riêng và cơ quan chủ quản Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói chung.
Ban Lãnh đạo cùng tập thể cán bộ trẻ Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên những ngày đầu tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên tiền thân là Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên; đến năm 2008 được tách 02 viện độc lập, trong đó có Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Viện chuyển trụ sở từ Hà Nội vào đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và bắt đầu giai đoạn phát triển mới. Thời gian này, lực lượng cán bộ nghiên cứu công tác tại Viện trong giai đoạn trước hầu hết đều chuyển công tác hoặc về hưu, nên có sự xáo trộn trong lực lượng cán bộ nghiên cứu.

Trong hơn 11 năm gắn bó và trưởng thành từ mái nhà chung của Viện, các cán bộ nghiên cứu trẻ đã cùng nhau tiến bộ, chất lượng các sản phẩm khoa học ngày một nâng cao. Đội ngũ viên chức nghiên cứu có trình độ từ tiến sĩ trở lên ngày càng tăng, hình thành các nhóm nghiên cứu, các trung tâm chuyên môn có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và tư vấn chính sách. Vị thế của Viện Tây Nguyên được khẳng định và không ngừng lớn mạnh, là tổ chức nghiên cứu khoa học có uy tín, là địa chỉ đáng tin cậy cho các đối tác trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo nhân lực chất lượng cao vùng Tây Nguyên.

Cách đây 11 năm, ngày 01 tháng 10 năm 2012, mới buổi đầu chúng tôi là các chàng trai, cô gái sinh viên mới rời ghế nhà trường còn bỡ ngỡ trước cuộc sống đầy hối hả, từ mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống, đến từ một vùng quê khác nhau để rồi gặp nhau và về chung một mái nhà đó là Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, nay là Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.

Chặng đường đó nhìn lại như thể một cái “chớp mắt”, nhưng những ai trải qua mới thấu hiểu, mới cảm nhận được những gian nan, vất vả, nhất là những năm tháng đầu, khi khái niệm “nghề nghiên cứu” còn hết sức mơ hồ đối với mỗi người, khi cơ sở vật chất của Viện còn rất khó khăn, vị trí của Viện chưa được biết đến... Làm nghiên cứu khoa học, bước đầu phải đương đầu với những khó khăn của cuộc sống, những đòi hỏi khắt khe từ nghề, các đồng chí đã từng bước ổn định đời sống cá nhân, không ngừng học tập, phấn đấu và đạt được những thành quả nhất định.

Các thế hệ Đoàn Thanh niên Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên tham dự  Lễ kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Những năm đầu, khi nói đến Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, người ta thậm chí còn lầm tưởng đây là một bộ phận thuộc Trường Đại học Tây Nguyên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Viện KHXH vùng Tây Nguyên đã có chỗ đứng trong nghiên cứu khoa học, trong tư vấn chính sách và trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Tây Nguyên. Bằng sự nỗ lực không ngừng từng ngày, những cán bộ nghiên cứu trẻ đã nhận được những trái ngọt xứng đáng; khi tên tuổi, uy tín của Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên ngày càng được khẳng định. Và chúng tôi - những người làm công tác nghiên cứu đã dần có được sự tin tưởng từ các cơ quan địa phương, từ đồng nghiệp trong và ngoài Viện.  

Tây Nguyên là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên thực tiễn phát triển và quản lý phát triển của vùng Tây Nguyên đã và đang đặt ra những vấn đề mới cần tháo gỡ trên cơ sở các luận cứ, luận điểm, kiến nghị khoa học. Đây là cơ hội cũng như thách thức đối với cán bộ nghiên cứu trẻ Viện Tây Nguyên trong việc thể hiện vai trò nhà khoa học và vị thế của Viện đối với sự phát triển của vùng Tây Nguyên trong giai đoạn 2023-2030.

Trong không khí chào mừng 70 năm kỷ niệm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (1953 - 2023), biết bao kỷ niệm gắn bó với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên lại ùa về và bao tâm tư tình cảm lại trào dâng. Chúng tôi đã coi Viện chính là gia đình, là ngôi nhà thứ hai của mình. Nơi đó chúng tôi hầu như gặp nhau mỗi ngày với những công việc, sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu khoa học, những đợt khảo sát thực địa, những hoạt động phong trào cùng với Chi đoàn. Đối với nhiều người 11 năm, đó có thể là một khoảng thời gian khá dài nhưng đối với chúng tôi ngay lúc này dường như mới ngày hôm qua. Xác định gắn bó và đồng hành cùng với sự phát triển của Viện để xây dựng mái nhà chung Viện Tây Nguyên trở thành một thương hiệu có uy tín hơn nữa về nghiên cứu của Vùng, đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ xác định: thứ nhất, cần chú trọng xây dựng thêm các nhóm nghiên cứu nhằm tập hợp các cá nhân có trình độ chuyên môn mạnh, uy tín khoa học trên các lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn của vùng Tây Nguyên, có năng lực tư vấn, phản biện chính sách. Thứ hai, xác định hướng phát triển nghiên cứu ưu tiên công trình khoa học có tính ứng dụng cao, được công bố rộng rãi trong nước và quốc tế dưới nhiều hình thức. Thứ ba, việc xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ cần gắn kết với việc hình thành mạng lưới nhà khoa học liên kết chặt chẽ, hiệu quả với sự tham gia của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương vùng Tây Nguyên, các tổ chức giáo dục, các Viện nghiên cứu và các nhà khoa học đầu ngành cùng tham gia thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển chất lượng nhân lực. 

Hơn 10 năm qua, Viện trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, nhiều người đến, không ít người rời đi, có những tình thế tưởng chừng như tên của Viện sẽ bị xóa khỏi danh sách Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhưng dưới sự chèo lái khéo léo của các cấp Lãnh đạo Viện, đương đầu với bao khó khăn, thách thức, trấn an, khích lệ tinh thần của viên chức, nỗ lực tạo cho chúng tôi sự tin tưởng, yên tâm công tác.

Chúng tôi thật sự xúc động khi nói về những cảm nhận của mình khi được làm việc ở Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên. Đó là một sự may mắn và là cầu nối giúp những cán bộ trẻ của Viện ngày càng trưởng thành hơn, đóng góp một phần công sức của mình cho sự phát triển của Viện và của đất nước. Một khi vẫn còn gắn bó với Viện, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức sống trọn vẹn và vun đắp cho Viện ngày càng phát triển. Chúng tôi tin rằng, tập thể Viện sẽ tiếp tục phát triển cao hơn và xa hơn nữa để chúng tôi có cơ hội gắn bó và đóng góp lâu dài hơn cho đến 20 năm, 30 năm...và hơn thế nữa/.

Chi đoàn cơ sở Viện KHXH Vùng Tây Nguyên

Thông tin liên hệ của nhóm tác giả:

Phan Quang Trung-Số điện thoại: 0393 824 198

 

In trang Chia sẻ

Tin khác