TS. Nguyễn Huy Bỉnh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn học phát biểu tại Tọa đàm
Trong các thi sĩ Việt Nam của Thế kỷ 20, Nhà thơ Hoàng Trung Thông là người có học vấn uyên bác. Thơ ca của Ông giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lý tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người. Thơ Ông đề cao tinh thần lao động trong những năm tháng khó khăn của đất nước, được đưa vào sách giáo khoa và được nhiều thế hệ người Việt Nam thuộc lòng. Hai câu thơ nổi tiếng: "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" (Bài ca vỡ đất) đã phần nào thể hiện tinh thần nghệ thuật thơ ca trong sáng tác của Ông.
Toàn cảnh Tọa đàm
Tọa đàm được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhà thơ Hoàng Trung Thông, một gương mặt tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam thế kỷ 20 đồng thời là gương mặt thơ tiêu biểu cho nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Hoàng Trung Thông sâu sắc đậm chất nhân văn với hình ảnh người lính, quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Một số bài thơ của Ông đã được phổ nhạc, lưu dấu ấn cùng thời gian. Không chỉ là một nhà thơ, Hoàng Trung Thông còn là một nhà quản lý văn hóa, nhà phê bình có uy tín trong giới văn học, nghệ thuật. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Báo Văn nghệ, Nhà Xuất bản Văn học. Đặc biệt, Ông là nguyên Viện trưởng Viện Văn học (từ năm 1976-1985), nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học (từ năm 1976-1985), Ông được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm 2001 và giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2022.
Trên cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu phê bình, Ông đều có những đóng góp to lớn, góp phần định hình và phát triển tư duy lý luận phê bình văn học Việt Nam hiện đại. 100 năm trôi qua, những đóng góp quan trọng của Ông trong lĩnh vực văn học vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, Tọa đàm là dịp để thế hệ hiện tại nhìn lại hành trình sáng tạo của Ông, một nhà thơ - chiến sĩ, một trí thức - nghệ sĩ, một nhà quản lý, nhà phê bình văn học, nghệ thuật tận tâm luôn gắn bó máu thịt với nghệ thuật, sáng tạo, phê bình văn học với vận mệnh của dân tộc. Đồng thời Tọa đàm còn là cơ hội để những người đang trực tiếp công tác tại Viện Văn học tiếp tục lan tỏa những giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật trong thơ Ông đến với đông đảo công chúng.
GS.TS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học chia sẻ kỷ niệm về Nhà thơ Hoàng Trung Thông tại Tọa đàm
Chia sẻ những thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nhà thơ Hoàng Trung Thông, TS. Nguyễn Huy Bỉnh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn học cho biết: Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh ngày 5 tháng 5 năm 1925 tại Nghệ An trong một gia đình Nho học trung lưu, Ông không chỉ là nhà thơ lớn của dân tộc, mà còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học của nước ta những năm nửa cuối thế kỷ XX.
Năm 1945 ông thoát ly gia đình, công tác tại các cơ quan của tỉnh Nghệ An; Năm 1948, ông được đi học lớp văn hoá kháng chiến của Khu Bốn. Đến năm 1949, Đại hội văn nghệ Khu Bốn được tổ chức và chi hội văn nghệ Liên Khu Bốn được thành lập và ông được bầu vào Ban Thường vụ. Từ đây, Ông thôi làm công tác tuyên huấn ở Tỉnh uỷ và chuyển sang công tác bên ngành văn nghệ. Cuối năm 1952 Ông được điều ra Việt Bắc. Năm 1954, giải phóng thủ đô, Ông trở về Hà Nội và được phân công cùng nhà thơ Xuân Diệu phụ trách tạp chí Văn nghệ.
Năm 1977, khi đang công tác tại Vụ Văn nghệ, Ông được điều về làm Viện trưởng Viện Văn học trong tình hình Viện có những khó khăn nhất định. Tại đây, Ông đã củng cố tổ chức của Viện và đào tạo cán bộ. Các ban chuyên môn chính thức được thành lập. Kể từ đó, Ông đã cho triển khai các công trình khoa học lớn như: Thơ văn Lý – Trần, Văn học Kháng chiến chống Pháp, Văn học Kháng chiến chống Mỹ, Tác giả văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nhà thơ Việt Nam hiện đại, Tác gia lý luận phê bình ,…
PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học phát biểu tại Tọa đàm
Trong sự nghiệp của nhà thơ Hoàng Trung Thông, bên cạnh việc sáng tác thơ ca, phê bình, nghiên cứu và dịch văn học, Ông còn được Trung ương giao trách nhiệm quản lý văn nghệ. Ông đã từng giữ các trọng trách: Tỉnh ủy viên Nghệ An, Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ và Tổng biên tập Tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), Viện trưởng Viện Văn học và Tổng biên tập Tạp chí Văn học (nay là Tạp chí Nghiên cứu Văn học).
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, tiêu biểu như: Quê hương chiến đấu (thơ, 1955); Đường chúng ta đi (thơ, 1960); Những cánh buồm (thơ, 1964); Đầu sóng (thơ, 1968); Trong gió lửa (thơ, 1971); Ô kê cuốn gói (thơ đả kích, 1973); Như đi trong mơ (thơ, 1977); Hương mùa thơ (thơ, 1984); Tiếng thơ không dứt (thơ, 1989); Mời trăng (thơ, 1992).
Bên cạnh các sáng tác thơ ca là chủ yếu, ông còn viết văn xuôi với tác phẩm Những ngày thuở Liên Xô (ký, 1983), ông viết phê bình văn học với tập Chặng đường mới của văn học chúng ta (tiểu luận phê bình, 1961); Cuộc sống thơ, thơ cuộc sống (tiểu luận phê bình, 1979). Ngoài ra, Ông cũng là người dịch, giới thiệu văn học nước ngoài, đặc biệt về thơ: Đỗ Phủ, Lục Du, Ađam Míckiêvích, Henrích Hainơ, Pêtôphi, Pútxkin, Maiacốpxki, Thơ Liên Xô...
TS. Đỗ Hải Ninh, Phó Trưởng phòng, Phòng Văn học Việt Nam cận hiện đại phát biểu tại Tọa đàm
Nhà thơ Hoàng Trung thông cũng viết nhiều bài phê bình tiểu luận mà tập Cuộc sống thơ, thơ cuộc sống là một tập hợp nhỏ. Có thể nói, Ông là người đã tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống văn học với một tâm tình nồng nhiệt với cuộc sống, với Đảng và với nhân dân. Thế hệ của Ông là thế hệ của những người làm thơ viết văn sau cách mạng, không chỉ tìm đường hướng của văn học mà còn phải tìm hướng đi của chính mình, hòa cái tôi vào cái ta rộng lớn. Bài thơ đánh dấu sự nghiệp sáng tác của ông là bài “Bài ca vỡ đất và Bao giờ trở lại”. Thơ Ông đề cao tinh thần lao động trong những năm tháng khó khăn của đất nước, được đưa vào sách giáo khoa, được nhiều thế hệ người Việt Nam thuộc lòng. Hai câu thơ nổi tiếng: "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" (Bài ca vỡ đất) đã phần nào thể hiện tinh thần nghệ thuật thơ ca trong sáng tác của Ông.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Nhà thơ Hoàng Trung Thông được trưng bày tại Tọa đàm
Trong suốt quá trình hoạt động, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã có nhiều thành tựu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Ông được nhận giải Ba văn học dịch với tác phẩm Vương Quý và Lý Hương Hương của Lý Quý, Trung Quốc (1954). Giải thưởng thơ Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954-1955. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật lần thứ 6, năm 2002.
Tọa đàm diễn ra không chỉ là nơi để các cán bộ nghiên cứu hiện tại của Viện Văn học có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng sáng tác của Hoàng Trung Thông, mà còn là dịp để các cán bộ lão thành, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật các thời kỳ có dịp chia sẻ về những kỷ niệm, dấn ấn có liên quan tới Hoàng Trung Thông. Với họ, Ông không những là đồng nghiệp, là lãnh đạo, là người thầy, người cha, người anh đầy tâm huyết mà còn là người có ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy lý luận, tư tưởng nghệ thuật và những định hướng sự nghiệp. Với mỗi cá nhân, với mỗi thế hệ, kỷ niệm với Hoàng Trung Thông trở về hết sức bình dị, đời thường với đầy tình yêu thương và ngưỡng mộ. Ví như nguyên Viện Trưởng Viện Văn học, GS. Phong Lê đã dành tới 15 phút để chia sẻ những kỷ niệm về Ông, về quan hệ giữa Hoàng Trung Thông với Nhà thơ Chế Lan Viên; nhấn mạnh tác phong giản dị gần gũi của Hoàng Trung Thông trên vai trò là một Viện trưởng nhưng rất gần gũi và sự phóng khoáng. Bởi thế ở Hoàng Trung Thông người ta có thể dễ dàng nhận thấy cái cốt cách thoải mái như của người nghệ sĩ, nên các lớp cán bộ trẻ rất dễ gần. Ông ghé vào đâu, anh em có thể thoải mái nói chuyện hàng giờ với Ông ở đó.
Bà Hoàng Bích Liên con gái Nhà thơ Hoàng Trung Thông cảm ơn BTC tại Tọa đàm
Đánh giá về phong cách phê bình văn học của Ông, nhiều nhà phê bình cho rằng: Đối với các tác giả văn học Việt Nam hiện đại, những bài chân dung tiểu luận của Hoàng Trung Thông mang một sắc thái riêng mà không phải nhà phê bình nào cũng có được. Hầu hết ở đó đều bộc lộ sự hòa trộn giữa khả năng phân tích nghiên cứu với sự cảm thông đồng điệu. Đây cũng là lý do mà Hoàng Trung Thông được nhiều nhà phê bình văn học cho rằng Ông là người rất tích cực làm cầu nối thiết lập mối quan hệ giữa những người nghiên cứu phê bình với người sáng tác khi Ông về làm Viện trưởng Viện Văn.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm
Có thể nhận thấy, với những góc nhìn rất đời, từ cảm nhận của những đồng nghiệp, từ các chuyên gia, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, họ đều là các thế hệ đi sau nhưng những ý kiến chia sẻ đều cho thấy một Hoàng Trung Thông hiện hữu sống hết mình cho đời, cho thơ và cho tình yêu. Những gì ông đã làm được cho cuộc đời thật đáng kể, cho dù trong một bài thơ tặng vợ Ông khiêm tốn nói rằng: “Đời anh rong chơi/ Anh sống như anh viết". Các thế hệ văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại mỗi khi nhắc đến ông đều nghiêng mình ngưỡng mộ - một tượng đài thơ cách mạng, đi qua năm tháng vẫn bám trụ vững vàng trong tâm hồn những người yêu thơ Việt vì tính đời, tính chiến đấu, tính thơ,…