Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam; các trường đại học trong cả nước: Học viện Khoa học xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Vinh, Đại học Huế, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng, Đại học Công đoàn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội…
GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Giám đốc Dự án “Diễn đàn giáo dục quyền con người” phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo. GS.TS. Võ Khánh Vinh nêu rõ, xây dựng mạng lưới quốc gia về giáo dục quyền con người là một cấu phần quan trọng của Dự án “Diễn đàn giáo dục quyền con người” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện theo Hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Đan Mạch. Trong 4 năm qua, cùng với việc thực hiện Dự án ở giai đoạn I (2008 – 2011) thì mạng lưới về giáo dục quyền con người đã được xây dựng và không ngừng mở rộng và phát triển, mạng lưới đã kết hợp được các trường đại học với nhà khoa học, các giảng viên với các chuyên gia nghiên cứu về quyền con người trong nước và quốc tế.
Tháng 5 năm 2012, Chính phủ nước Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch đã ký kết Hiệp định giữa hai chính phủ về Chương trình Quản trị Công và Cải cách hành chính giai đoạn II (2012-2015), điều này đã khẳng định tính phù hợp và các kết quả đạt được trong giai đoạn I rất tốt, có tác động tích cực (trong đó có hoạt động mạng lưới quốc gia về giáo dục quyền con người). Theo đó, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục được tham gia và thực hiện một phần công việc và nhiệm vụ của Hiệp định này. Việc thúc đẩy công việc nghiên cứu giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo của Việt Nam sẽ được Viện Khoa học xã hội Việt Nam quan tâm, thúc đẩy nhiều hơn nữa. Giai đoạn này là giai đoạn đi sâu vào sự hợp tác, tiếp tục nghiên cứu về quyền con người theo cả chiều sâu lẫn chiều rộng, xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ về quyền con người, mở rộng chương trình đào tạo về quyền con người cho các nhà quản lý các cấp, xây dựng mạng lưới trong nước kết nối với mạng lưới quốc tế…
Hội thảo góp phần tìm hiểu tình hình và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người ở một số trường đại học trong cả nước. Tại đây, các đại biều tham dự được nghe 08 tham luận của các đại biểu là giảng viên các trường đại học trong cả nước và hàng chục phát biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi xung quanh chủ đề của Hội thảo.
Giám đốc Dự án “Diễn đàn giáo dục quyền con người” đã tặng các xuất bản phẩm là kết quả nghiên cứu trong 4 năm qua của giai đoạn I về quyền con người cho các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu trong cả nước.
Nguyễn Thu Hà