Chủ tọa Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tham dự Hội thảo có các thành viên Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính – Ngân sách; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia quản lý, nhà khoa học đến từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược phát triển, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, nhiều chuyên gia nguyên là cán bộ quản lý cấp cao của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam và một số ngân hàng thương mại, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Với 21 bài tham luận, các bình luận khoa học và các ý kiến tại hội thảo tập trung vào 2 chủ đề chính: (1) Tổng quan kinh tế Việt Nam: Điều hành chính sách vĩ mô năm 2012 và kiến nghị năm 2013, với các nội dung về đánh giá, nhận định tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng 2013, vấn đề chính sách tài khóa, giải quyết nợ xấu, chính sách thương mại và vấn đề nhập siêu, giải pháp cho các khó khăn của doanh nghiệp, vấn đề nổi bật trong sản xuất nông nghiệp... ; (2) Tổng quan về cải cách thể chế và phân cấp, với các nội dung về phân cấp kinh tế, phân cấp trong quy hoạch và kế hoạch, phân cấp quản lý FDI, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý doanh nghiệp nhà nước, phân quyền của nhà nước đối với quản lý đất đai...
Tại phiên họp thứ nhất bàn về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng năm 2013, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu đánh giá tình hình với tầm nhìn ngắn hạn, có thể thấy sự cải thiện tích cực theo từng quý, với quý sau tốt hơn quý trước. Nhưng xét tổng thể, kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012 vẫn tiếp tục bất ổn và nhiều thách thức. PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành, được cho là nguyên nhân dẫn đến khó khăn, bất ổn, đó là tình trạng lãng phí đầu tư công, dàn trải nguồn lực quốc gia dẫn đến không kiểm soát được tình hình... Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng lo lắng về tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo, mua bán và thâu tóm lẫn nhau không minh bạch trong hệ thống ngân hàng; con số doanh nghiệp đình trệ, phá sản, tình hình sản xuất, kinh doanh tốt - xấu của các doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa nắm được chắc. Bất ổn kinh tế vĩ mô có thể dịu đi nhưng không căn bản, có khả năng tiếp diễn chu kỳ bất ổn mới. Nhiều đại biểu nhận định, nếu không quyết liệt tái cơ cấu một cách thực chất, đạt một bước quan trọng, thì không thể thực hiện được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững. Tại diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, năm 2013, nguy cơ bất ổn và lạm phát của kinh tế Việt Nam vẫn tiềm tàng, do đó không nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao, mà cần tập trung nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế.
Tại phiên họp thứ hai bàn về chủ đề cải cách thể chế và phân cấp, theo PGS.TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, việc phân cấp đã tạo cho địa phương chủ động, sáng tạo hơn trong điều hành, nhưng ngược lại cũng tạo ra tình trạng cát cứ, cạnh tranh hạn chế lẫn nhau và sự lạm dụng quyền lực tại địa phương. TS. Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, phân cấp ở nước ta còn nhiều hạn chế như đồng loạt và đại trà, chưa đồng bộ, cơ chế giám sát, phối hợp còn yếu và thiếu. Điều này dẫn tới tình trạng chia cắt thể chế, chính quyền địa phương phải làm kinh tế, đầu tư dàn trải... TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong phân cấp trước hết phải phân định rõ quyền lực quốc gia và quyền lợi địa phương, đây là điều cốt lõi để phân cấp, phân quyền. Theo các chuyên gia, việc phân cấp phải dựa trên nguyên tắc, việc nào, cấp nào làm hiệu quả nhất thì để cấp đó làm và phải có cơ chế, quy định rõ ràng vì dễ sinh tranh giành hoặc đùn đẩy việc. Đồng thời phải phân cấp cụ thể, theo từng giai đoạn khác nhau và phải minh định rõ trách nhiệm khi được phân cấp.
Phát biểu tại Diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh cần tập trung thảo luận làm rõ gốc của vấn đề phân cấp quản lý nhà nước: thứ nhất, phân cấp quản lý nhà nước là để phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các chủ thể quản lý, của các cấp quản lý trong phát triển kinh tế; thứ hai, phải xác định cấp sở hữu tài sản và cấp quản lý trực tiếp, đã là tài sản của quốc gia thì việc quản lý đó phải thuộc về nhà nước trung ương, nếu địa phương được giao thì đó là sự ủy quyền của phân cấp quản lý; thứ ba, phải dựa trên quan hệ lợi ích để thực hiện sự phân cấp, bởi vì bản chất phân cấp là giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước trung ương mang tính chất tổng thể với quan hệ lợi ích vùng với tư cách lợi ích cục bộ; với lợi ích địa phương trên tư cách là lợi ích chuyên biệt; thứ tư, cần bàn kỹ phân cấp và giao quyền cho các địa phương đến mức độ nào và giao cái gì. Cái gì thuộc về quốc gia, lợi ích tổng thể là phải chú ý, không thể trao quyền lung tung được, và cái gì thuộc về địa phương thì địa phương phải tự chủ. Chẳng hạn, đối với những vấn đề của địa phương nhưng lại có hiệu ứng lan tỏa và vượt ra khỏi phạm vi địa phương, như vấn đề môi trường, không thể cắt khúc, giao quyền quản lý cho địa phương.
Kỷ yếu của Diễn đàn sẽ được gửi đến các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII.
TS. Vũ Hùng Cường