Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương; đồng chí Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa. Tham dự Hội thảo còn có đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía các nhà khoa học, đến tham dự Hội thảo có GS.VS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các Viện, trung tâm nghiên cứu trung ương và các trường đại học trong cả nước. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) có sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện; PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện cùng lãnh đạo các cơ quan giúp việc chủ tịch và các nhà khoa học của Viện. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đ/c Trần Hồng Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ niềm vui mừng và ghi nhận việc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã chủ động, sáng tạo phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An để tổ chức được hội thảo này. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa khoa học và chính trị sâu sắc, góp phần đánh giá toàn diện, có hệ thống và đúng tầm vị trí cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cũng như vai trò của Mai Thúc Loan trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đồng chí cũng đánh giá rất cao thái độ làm việc nghiêm túc và tâm huyết của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu về lịch sử của dân tộc nói chung và sự kiện lịch sử khởi nghĩa Hoan Châu gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Vua Mai Thúc Loan nói riêng.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo nêu rõ, năm 2013 là năm kỷ niệm 1.300 năm cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa đã thu hút được sự tham gia của nhân dân ta ở các vùng then chốt lúc bấy giờ của đất nước, như: vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh với quy mô hàng chục vạn người tham gia. Sức mạnh của ý chí độc lập tự chủ của nhân dân ta là nguyên nhân chính dẫn đến bến chuyển quan trọng trong lịch sử: lật đổ ách thống trị của nhà Đường trên đất nước ta, thành lập chính quyền độc lập, tự chủ trong gần một thập kỷ và người thủ lĩnh khởi nghĩa Mai Thúc Loan lên ngôi Hoàng đế, xây dựng thành Vạn An làm Quốc đô. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu không chỉ thu hút được sự tham gia của nhân dân Hoan Châu, Diễn Châu, Ái Châu, Giao Châu, Phong Châu… mà còn có sự phối hợp với nhân dân các quốc gia láng giềng Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là các thế lực bành trướng phương Bắc…
Là một phong trào yêu nước chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc với quy mô lớn từ Hoan Châu mở rộng ra gần khắp cả nước, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi vang dội, chiếm được phủ thành An Nam, giải phóng đất nước với việc Mai Thúc Loan xưng Đế lấy danh hiệu là Mai Hắc Đế, xây thành Vạn An làm Quốc đô, Nhà nước độc lập tồn tại gần 10 năm (713-722). Có thế nói, khởi nghĩa Mai Thúc Loan là một thành công rất lớn, một sự nghiệp vang dội trong lịch sử dân tộc.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng hội thảo, khẳng định: Hội thảo này là sự tiếp nối hội thảo năm 2008, với tất cả tấm lòng kính trọng và tri ân sâu sắc, tinh thần khoa học, trách nhiệm cao của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đại biểu, hy vọng rằng hội thảo lần này sẽ có thêm nhiều tư liệu mới có giá trị, nhiều ý kiến đóng góp quý báu trong việc nghiên cứu, đánh giá, khẳng định tầm vóc và vị thế của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò của Mai Thúc Loan, qua đó nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả những di sản mà vua Mai Hắc Đế để lại, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước với 24 tham luận được gửi đến. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã khẳng định lại mốc khởi đầu (713) và mốc kết thúc (722) của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Đồng thời, các vấn đề như: bối cảnh lịch sử, nguyên nhân, diễn biến và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa; vị thế của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam; những dấu tích lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu; truyền thuyết, di tích và việc thờ cúng Mai Hắc Đế theo dòng thời gian... đã được đặt ra trong các tham luận với những tư liệu mới và các cách tiếp cận mới.
Thông qua các tham luận của các nhà khoa học, hội thảo đã làm rõ hơn một bước và đặt vấn đề cần tìm hiểu thêm những vấn đề như: quá trình chuẩn bị, diễn biến của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu; chính quyền độc lập tự chủ được lập nên sau khi lật đổ ách thống trị của ngoại bang với sự tồn tại của triều đại Mai Hắc Đế ở thế kỷ thứ VIII; về sự liên kết với các nước lân bang Lâm Âp, Chân Lạp và Kim Lân; về tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò của Mai Thúc Loan trong lịch sử dân tộc...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS. Phan Huy Lê nêu rõ: các tham luận Hội thảo đã công bố nhiều tư liệu mới, có nhiều cách tiếp cận mới và đã làm sáng tỏ một số vấn đề cơ bản như năm khởi đầu và năm kết thúc của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, bản chất của cuộc khởi nghĩa, xuất thân của thủ lĩnh Mai Thúc Loan, vai trò và nghệ thuật chỉ huy quân sự của Mai Thúc Loan trong cuộc khởi nghĩa…. Đồng thời, GS. Phan Huy Lê cũng đề nghị các nhà khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu, tập hợp tư liệu về Mai Thúc Loan, đặc biệt cần có những cuộc khai quật khảo cổ học để nghiên cứu về thành Vạn An, mối liên hệ giữa Mai Thuc Loan với các nước láng giềng Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân mà bộ sử của nhà Đường (Trung Quốc) đã nhắc đến. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng đề nghị các nhà quản lý cần mở rộng phổ biến kiến thức cho nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, phát biểu kết luận Hội thảo, khẳng định, sau khi Hội thảo kết thúc, Ban tổ chức Hội thảo sẽ có báo cáo kết quả Hội thảo gửi lên Ban Bí thư và sẽ kiến nghị triển khai hoạt động nghiên cứu, tiến hành khai quật một số địa điểm ở Nam Đàn để làm rõ hơn vị trí của thành Vạn An cũng như các di tích khác liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hoan Châu; sưu tập thêm tư liệu để có cơ sở khoa học làm rõ thêm những vấn đề chưa rõ về cuộc khởi nghĩa và về người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan./.
Nguyễn Vũ