PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN; bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Trung ương Hội LHPNVN đồng chủ trì Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe 3 tham luận với các nội dung: “Một số bất cập đối với việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ từ 7-36 tháng tuổi” do ThS. Hà Thị Minh Khương (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) trình bày; “Các biện pháp Hội LHPNVN thực hiện nhằm cải thiện dinh dưỡng bổ sung cho trẻ nhỏ” - ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương (Ban Gia đình – Xã hội, Hội LHPNVN); “Đề xuất chính sách hỗ trợ bà mẹ chọn lựa dinh dưỡng bổ sung tốt và phù hợp nhất cho trẻ nhỏ tại Việt Nam” - ThS. Nguyễn Thị Tuyết Mai (Ban Gia đình – Xã hội, Hội LHPNVN). Nội dung các tham luận đều tập trung vào vấn đề thực hành dinh dưỡng bổ sung cho trẻ từ 7- 36 tháng tuổi, đây là giai đoạn được các chuyên gia khuyến cáo là thời kỳ trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất. Các tham luận nhấn mạnh: Việc lựa chọn dinh dưỡng bổ sung tốt và phù hợp cho trẻ giai đoạn 7-36 tháng phải được xem là quyền và trách nhiệm cao nhất thuộc về người mẹ. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tăng cường vai trò của Hội LHPNVN cũng như của các cơ quan nghiên cứu mà đại diện là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thì vấn đề truyền thông để nâng cao nhận thức cần phải được nhìn nhận một cách tích cực hơn trên diện rộng, đồng thời nhà nước cần phải có các chính sách bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dinh dưỡng bổ sung một cách đầy đủ và thuận tiện nhất cho các bà mẹ.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng được cung cấp nhiều thông tin liên quan đến những vấn đề cốt lõi mà các tham luận tập trung nêu bật trong Báo cáo Đề xuất chính sách. Một trong những phát hiện đáng lưu ý mà Tọa đàm nhấn mạnh đó là: nhìn chung việc lựa chọn các loại hình thức ăn bổ sung chưa được thực hiện đúng cách và chưa được các bà mẹ nhìn nhận và chú trọng. Thực tế đã cho thấy cả chính sách và thực hiện chính sách còn rất nhiều thiếu sót, có sự khác biệt rất lớn giữa nhận thức của các bà mẹ giữa các vùng, miền, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, miền núi và dân tộc thiểu số. Trên thực tế, hiểu biết của các bà mẹ về các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung chủ yếu được hình thành từ các quan niệm và thói quen truyền thống, thông qua gia đình (mẹ chồng, mẹ đẻ), qua bạn bè, người thân…
ThS. Hà Thị Minh Khương nêu rõ, bằng việc nghiên cứu và khảo sát trên 1200 bà mẹ có độ tuổi từ 18-40, ở 3 vùng Bắc, Trung, Nam, theo khu vực thành thị (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) và nông thôn (Thái Bình, Nghệ An, Đồng Nai), nghiên cứu nhận thấy tính đến năm 2010, Việt Nam vẫn là một trong 16 quốc gia có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thể thấp còi cao nhất trên phạm vi toàn cầu. Đây là một số liệu rất đáng lo ngại cho thể trạng giống nòi trẻ em Việt Nam.
Thông qua thảo luận, nhiều đại biểu đã có những đóng góp rất cụ thể về các biện pháp giúp các bà mẹ lựa chọn dinh dưỡng bổ sung tốt và phù hợp cho con mình. Qua đó, khẳng định, Nhà nước cần nhiều hơn nữa các chính sách đầu tư cho công tác chống suy dinh dưỡng; đảm bảo tiếp cận phù hợp về giáo dục sức khỏe và dinh dưỡng chất lượng cao cho các bà mẹ từ khi mang thai cho đến khi trẻ được 2 năm tuổi; xây dựng các mô hình phòng chống suy dinh dưỡng trọng điểm và nhân rộng; hoàn thiện chính sách, pháp luật hỗ trợ bà mẹ mang thai, sau sinh, trợ cấp sinh đẻ cho phụ nữ nông thôn và các đối tượng thuộc: phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc ở các vùng sâu, vùng cao, vùng xa khi họ sinh con thứ nhất và thứ hai…
Tán thành quan điểm và các đề xuất tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh: Chúng ta cần phải có nhiều hơn nữa sự phối hợp hành động của các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội, tập thể và cá nhân các bà mẹ và các thành viên trong gia đình trong việc đấu tranh chống suy dinh dưỡng tại Việt Nam. Vấn đề nâng cao vị trí của người mẹ trong vai trò là nhân tố quyết định chính trong việc chọn lựa sản phẩm dinh dưỡng tốt và phù hợp cho trẻ là việc cần làm ngay. Chính sách của Nhà nước, mà trong đó vấn đề cần đẩy mạnh và đảm bảo quyền được thông tin đầy đủ về truyền thông dinh dưỡng là việc làm hết sức cấp bách. Đây sẽ là một trong những động thái bước đầu tích cực giúp các bà mẹ cũng như các thành viên trong gia đình được nâng cao nhận thức về vai trò của người phụ nữ. Các đề xuất chính sách khả thi sẽ là người đồng hành và bảo vệ người phụ nữ thực hiện quyền nuôi con, thực hiện tốt được quyền lựa chọn dinh dưỡng tốt và phù hợp nhất cho con của mình.
Phạm Vĩnh Hà