Hội thảo thuộc khuôn khổ chương trình FP7, thực hiện trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/4/2012, trên cơ sở hợp tác giữa 20 đối tác từ 7 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), 2 nước Châu Á, 4 nước Châu Phi và 4 nước Mỹ Latinh.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
|
|
Với vai trò là cơ quan điều phối (Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện), Viện Hàn lâm đã thực hiện tốt vai trò là đối tác thực hiện dự án tại Việt Nam. Với sự tham gia trực tiếp của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp – IRD, Dự án Nopoor có trách nhiệm thực hiện các mục tiêu nghiên cứu hướng tới tăng cường kiến thức về bản chất và mức độ nghèo đói ở các nước đang phát triển nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một cách nhìn rộng hơn về nghèo đói, vận dụng hàng loạt các cách tiếp cận (kinh tế lượng, kinh tế chính trị, xã hội học…) và các phương pháp (điều tra, phân tích kinh tế lượng, nghiên cứu trường hợp điển hình…) để xác định các cơ chế quan trọng dẫn đến sự tồn tại dai dẳng và trầm trọng của nghèo đói tại các nước đang phát triển và các nước mới nổi.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã chủ trì nhiều hoạt động nghiên cứu và phân tích chính sách nhằm tăng cường sự hiểu biết khoa học cũng như cung cấp các bằng chứng thực tiễn phục vụ cho công tác tư vấn cho Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội. Nổi bật là các hoạt động phối hợp để hỗ trợ quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; Đánh giá nghèo ở Việt Nam qua các giai đoạn. Những kết quả phân tích được thực hiện trong khuôn khổ của Dự án Nopoor đã được tổng hợp trong các báo cáo gửi các cấp lãnh đạo, các Bộ, ngành và các địa phương, phổ biến rộng rãi đến cộng đồng các nhà nghiên cứu, nhà tài trợ và đăng trênWebsite của Viện Hàn lâm. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm cũng đã thiết lập mối quan hệ chính thức và hiệu quả với Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp (IRD) thông qua các hoạt động phối hợp nghiên cứu về những thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; tổ chức khóa học mùa hè đào tạo phương pháp nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội… Qua đó giúp nâng cao năng lực của các cán bộ nghiên cứu, đặc biệt là các cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Chủ tịch Viện Hàn lâm hy vọng Hội thảo sẽ tập trung được nhiều ý kiến trao đổi của các nhà khoa học trong và ngoài nước về những vấn đề mà Dự án Nopoor đang hướng tới, đặc biệt là về vấn đề nâng cao nhận thức để hiểu biết hơn về những chính sách mới chống nghèo đói ở các nước đang phát triển và mới nổi nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Hội thảo đã nghe các tham luận: Tổng quan về Dự án Nopoor (TS. Vavier Oudin, Điều phối viên Dự án); Động thái nghèo (Vũ Hoàng Đạt – Trung tâm Phân tích và Dự báo); Tiếp cận dịch vụ giáo dục và sự dịch chuyển xã hội (Trần Ngô Thị Minh Tâm – Trung tâm Phân tích và Dự báo); Thị trường lao động, khu vực phi chính thức và mạng lưới xã hội (Nguyễn Thị Thu Hương – Trung tâm Phân tích và Dự báo); Cải cách hành chính và tác động của chính sách công tới nghèo đói (La Hải Anh – Trung tâm Phân tích và Dự báo). Các báo cáo đều tập trung làm rõ một hoặc nhiều khía cạnh liên quan đến: Những bài học rút ra từ quá khứ; Những vấn đề cần làm ngay trong việc cải thiện phương pháp đo lường đa chiều; Xác định mối quan hệ giữa nghèo đói và chính sách; Dự báo chiều hướng chính và vai trò của công nghệ mới; Đánh giá tác động của toàn cầu hóa và viện trợ tới nghèo đói và khuyến nghị, phổ biến các kết quả nghiên cứu, các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức.
Có thể khẳng định rằng, các nội dung mà Hội thảo bàn luận đã cho thấy Dự án Nopoor luôn nhìn nhận sự ổn định chính trị, xã hội có vai trò then chốt trong quá trình giảm nghèo. Trong thời gian tới, Nopoor sẽ dành nguồn lực đáng kể cho việc xây dựng kiến thức mới từ các cuộc điều tra ban đầu, xây dựng cơ sở dữ liệu và nghiên cứu định tính. Đồng thời cũng sẽ chú trọng đến phân tích dự báo các kịch bản tương lai. Kết quả nghiên cứu sẽ được triển khai theo hướng phục vụ chính sách, thực hiện công bố các kết quả nghiên cứu, tập huấn nâng cao năng lực, trong đó tập trung đào tạo các cán bộ trẻ và triển khai mạng lưới liên kết lâu dài với các viện nghiên cứu và các viện Thống kê Quốc gia tại các nước đối tác của Dự án.
Phạm Vĩnh Hà