Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động thuộc dự án “Diễn đàn giáo dục Quyền con người” do hai đơn vị cùng phối hợp thực hiện đã thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều vị khách quý là các học giả, các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Azerbaizan, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Nauy, Nam Phi…, đại diện các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, trường đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam. Hội thảo do GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và GS.TS. Bard Andressen, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Nauy, Đại học Olso đồng chủ trì.
Phát biểu tại phiên khai mạc, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: trong thời gian qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Trung tâm Nhân quyền Nauy đã hợp tác chặt chẽ trong việc nghiên cứu các vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và quyền con người. Tổ chức thành công nhiều hội thảo có liên quan đến vấn đề quyền con người tại Việt Nam. Hội thảo được tổ chức lần này là sự tiếp nối của các hoạt động thuộc dự án liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Qua đó cho thấy vấn đề quyền con người hiện đang được các quốc gia đặc biệt coi trọng, nhất là đối với Việt Nam, đất nước đang chuyển mình đi lên trong tiến trình hội nhập quốc tế, việc bảo đảm quyền con người trong mối quan hệ với trách nhiệm của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng để tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân.
Giáo sư Phó chủ tịch Viện kỳ vọng được lắng nghe các học giả, các nhà khoa học tọa đàm sâu rộng về vấn đề này, không chỉ là những vấn đề có tính phân tích định hướng, các bài học kinh nghiệm, sự chia sẻ của nhiều cơ quan nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn mà còn bao gồm cả thực trạng mối quan hệ giữa kinh doanh và quyền con người ở các quốc gia cụ thể, đi sâu làm rõ và tạo ra được những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp bằng các thảo luận có tính định hướng để thu hút các doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức xã hội khác quan tâm, nâng cao nhận thức và tham gia nhiều hơn vào việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể của doanh nghiệp đối với quyền lợi của người lao động.
Khẳng định tinh thần này, tại Phiên toàn thể, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện Trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã mở đầu với tham luận “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Một số vấn đề lý luận”, trong đó nêu rõ: thuật ngữ “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (Corporate Scocial Responsibility – CSR) chính thức xuất hiện cách đây hơn 50 năm, nhằm mục đích tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn những thiệt hại do các doanh nghiệp gây ra cho xã hội. Trong bối cảnh đó, các cuộc tranh luận đã nổ ra theo hai chiều hướng: phản đối và ủng hộ chủ trương xác lập trách nhiệm xã hội mà cụ thể là trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với các vấn đề thuộc quyền con người. Cho đến thời đại ngày nay, CSR đã trở thành một hiện tượng mới và nhân văn trong đời sống kinh tế hiện đại. Hòa nhập vào phong trào đó, Việt Nam cũng đã biết đến và đang thảo luận sôi nổi, cũng như tiến hành áp dụng CSR trong nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy có nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận và làm rõ để CSR ngày càng trở thành một khái niệm, một nguyên tắc không thể bỏ qua cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Hội thảo chia 3 phiên làm việc theo 3 nhóm vấn đề: Những vấn đề chung, Kinh nghiệm của các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Myanma, các quốc gia Châu Á, Châu Mỹ… và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và quyền con người ở Việt Nam. Hội thảo đã lắng nghe 23 tham luận với nhiều cách tiếp cận đa chiều của các chuyên gia, các nhà khoa học và của những người đang làm công tác thực tế. Với hơn 100 lượt câu hỏi thảo luận do đại biểu tham dự đặt ra trong 2 ngày Hội thảo đã cho thấy vấn đề kinh doanh và quyền con người đang ngày càng trở thành lĩnh vực nghiên cứu nóng bỏng, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã bày tỏ sự vui mừng về những kết quả mà Hội thảo thu nhận được và nhấn mạnh: Chủ đề nghiên cứu kinh doanh và quyền con người là một chủ đề nghiên cứu mới đối với Việt Nam trong những năm gần đây, là chủ đề nghiên cứu có tính liên ngành và đa ngành, ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội và công luận. Các trao đổi đã cho thấy thực trạng và cả thách thức đang đặt ra đối với các doanh nghiệp, là bài toán khó không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho nhà nước, cho các tổ chức xã hội và cho cả những ai quan tâm. Tuy nhiên, trên hết, Hội thảo ghi nhận rằng, khi có vi phạm, gây tổn hại cho người lao động, các doanh nghiệp thấu hiểu CRS đã tham gia bảo vệ, tôn trọng và làm mọi cách để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Đây là xu hướng chung mà các doanh nghiệp tại các quốc gia áp dụng CSR đều phải thực hiện. Ngoài ra Hội thảo cũng thống nhất rằng: kinh doanh vì quyền con người là kinh doanh có tính ổn định nhất, bền vững nhất. Doanh nghiệp nào có nhận thức như vậy, có được cách tổ chức và vận hành doanh nghiệp trong thực tế như vậy thì doanh nghiệp đó đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Hội thảo đi đến một nhận thức kinh doanh vì quyền con người là vấn đề nhân quyền, để thực hiện tốt nhất vấn đề này, chúng ta cần có sự chung tay của nhiều tổ chức xã hội như công luận mà đại diện là các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan lập pháp, hành pháp… và phải được đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau. Ở Việt Nam, trong thời gian sắp tới, chủ đề và lĩnh vực nghiên cứu này sẽ được đưa vào đào tạo tại Học viện Khoa học xã hội như là một môn học thuộc mã ngành đào tạo thạc sĩ về Quyền con người và các chương trình đào tạo ngắn hạn khác dành cho các đối tượng như: doanh nhân, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách…
Phạm Vĩnh Hà