Ngày 09 tháng 8 năm 2013, Học viện Khoa học xã hội tổ chức sinh hoạt khoa học với chủ đề: “Đánh giá chính sách công tại Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do TS. Đỗ Phú Hải – Phó Trưởng khoa Khoa Chính sách công – Học viện Khoa học xã hội thuyết trình, với sự tham dự của các cán bộ, công chức, viên chức của Học viện, các học viên cao học và nghiên cứu sinh tại Học viện.
Tại buổi sinh hoạt khoa học, TS. Đỗ Phú Hải đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về đánh giá chính sách công và tầm quan trọng của công tác này trong nghiên cứu khoa học. từ phân tích 2 nghiên cứu trường hợp về chính sách giảm nghèo và chính sách môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, TS. Đỗ Phú Hảiđưa ra nhận định về những trở ngại khó khăn trong đánh giá chính sách công, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác đánh giá chính sách công ở Việt Nam hiện nay.
Dựa trên khung lý thuyết về: mối quan hệ đánh giá, xây dựng và thực hiện chính sách công; các bên tham gia đánh giá chính sách công; chính trị, hành chính và thể chế đánh giá chính sách công; cách tiếp cận đánh giá chính sách công; phương pháp đánh giá chính sách công; phân loại đánh giá chính sách công; kết quả đánh giá chính sách công; các mô hình đánh giá chính sách công... TS. Đỗ Phú Hải cho rằng: hiện nay có 7 trở ngại trong việc thực hiện đánh giá chính sách công ở nước ta, đó là: Thứ nhất, nhận thức về đánh giá chính sách còn đơn giản; Thứ hai, các cơ quan chức năng thường không quan tâm tổ chức đánh giá chính sách; Thứ ba, việc xem xét lại chính sách đôi khi chỉ được thực hiện khi xuất hiện “vấn đề”; Thứ tư, thiếu các tiêu chí để đánh giá chính sách một cách khoa học; Thứ năm, đánh giá chính sách đôi khi mang tính một chiều, chỉ phản ánh nhận xét của các cơ quan nhà nước mà không quan tâm đủ mức đến sự phản hồi từ xã hội, từ những đối tượng mà chính sách hướng vào; Thứ sáu, thiếu kinh phí dành cho việc đánh giá chính sách; Thứ bảy, chịu sự chi phối của nước ngoài và các nhà tài trợ.
Với các trường hợp nghiên cứu cụ thể, TS. Đỗ Phú Hải cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường đánh giá chính sách công của nước ta hiện nay: Việt Nam cần đưa việc đánh giá chính sách thành một nội dung bắt buộc đối với một số chính sách quan trọng của Nhà nước; Xây dựng các tiêu chí đánh giá chính sách công một cách đầy đủ và đúng đắn, dựa trên các tiêu chí như: tính phù hợp, tính hiệu lực của chính sách, tính hiệu quả của chính sách, tính công bằng của chính sách, tác động của chính sách, mức độ giải quyết vấn đề chính sách; Quan tâm đến dư luận xã hội, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để thấy được các bất cập trong hoạch định và quá trình thực thi chính sách; Tổ chức nhóm đánh giá độc lập, gồm các thành viên hoạt động với tư cách chuyên gia đánh giá, có thể từ cơ quan nhà nước hoặc ngoài nhà nước, song tất cả các thành viên sẽ thực hiện việc đánh giá một cách độc lập, khách quan theo mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của nhóm; Dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho việc đánh giá chính sách; Đào tạo chuyên gia đánh giá chính sách công và có thể xem đây là nhiệm vụ đào tạo sau đại học của Học viện.
Buổi sinh hoạt khoa học đã thu hút được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự.
Phạm Vĩnh Hà
(Nguồn Học viện KHXH)