Hội thảo khoa học: “Tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm người nghèo vùng Bắc Bộ Việt Nam – quan điểm và các giải pháp giảm thiểu”

03:36 13/09/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong hai ngày 12-13/9/2013, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học khởi đầu của Đề tài cấp Nhà nước “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm người nghèo ở Bắc Bộ Việt Nam và đề xuất các giải pháp giảm thiểu”, thuộc Chương trình KHCN-BĐKH/11-15. Đề tài do TS. Lương Thị Thu Hằng làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng là cơ quan chủ trì thực hiện.

TS. Lê Anh Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, và TS. Lương Thị Thu Hằng, chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có hơn 40 nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Khoa học Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Thủy lợi, Đại học Kinh tế và QTKD (Đại học Thái Nguyên), Hội Dân tộc học Việt Nam, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (tỉnh Quảng Ninh), Đài truyền hình VTC và Truyền hình tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Lê Anh Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng nêu rõ tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học cũng như thực tiễn của đề tài, đồng thời nhấn mạnh: hội thảo nhằm lấy ý kiến tham vấn các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và nhà quản lý để nhóm nghiên cứu của đề tài hoàn thiện khung phân tích, đồng thời tiếp thu những gợi mở vấn đề nghiên cứu. Dựa trên các cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là các đề xuất chính sách, đề xuất mô hình sinh kế bền vững, định hướng công nghệ và tăng cường năng lực cho nhóm người nghèo bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thuộc vùng Bắc Bộ nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm nghèo trong phát triển bền vững Việt Nam hiện nay.

Thay mặt cho nhóm nghiên cứu, TS. Lương Thị Thu Hằng, chủ nhiệm đề tài giới thiệu về đề tài, phương pháp nghiên cứu và khung phân tích của đề tài. Mục tiêu tổng quát của đề tài nhằm đánh giá những tác động trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu đến nhóm nghèo ở Bắc Bộ Việt Nam, đề xuất các giải pháp giảm thiểu, góp phần giảm nghèo bền vững vùng Bắc Bộ Việt Nam. Để đạt được mục tiêu tổng quát, đề tài tập trung giải quyết một số mục tiêu cụ thể: i) nghiên cứu, tổng quan, phân tích hệ thống lý thuyết, phương pháp luận, phương pháp đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm người nghèo ở Bắc Bộ Việt Nam; ii) nghiên cứu, đánh giá các trường hợp điển hình (đại diện cho các nhóm nghèo chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng thuộc Bắc Bộ: đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Đông Bắc, ven biển và hải đảo Bắc Bộ) về thực trạng tác động của biến đối khí hậu đến nhóm nghèo ở Bắc Bộ Việt Nam; iii) đánh giá hệ thống quan điểm, định hướng, giải pháp đã có nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhóm người nghèo vùng Bắc Bộ; đánh giá chính sách, chương trình, dự án về giảm thiểu tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu đến các nhóm cư dân (gồm cả nhóm nghèo) đã và đang được thực hiện tại vùng Bắc Bộ (thực trạng, thuận lợi, cản trở và thách thức) của cấp Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, trong nước; iv) đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm nghèo: chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực cho nhóm người nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai; chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực thể chế xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai; đề xuất mô hình sinh kế bền vững, chính sách hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế bền vững cho nhóm người nghèo tại các khu vực chịu tác động tổn thương do biến đổi khí hậu; đề xuất các giải pháp, định hướng khoa học công nghệ cho mô hình sinh kế bền vững phù hợp với nhóm nghèo Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (cải tạo đất, nguồn nước, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chiến lược và định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,…).

Hội thảo đã nghe các tham luận: i) Góp bàn về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và nghèo đói trong phát triển bền vững (do PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trình bày); ii) Cơ sở lý luận và phương pháp luận đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm người nghèo (PGS.TS. Mai Trọng Thông, Viện Địa lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); iii) Tác động của biến đổi khí hậu tới nghề cá và nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển Việt Nam và các giải pháp thích ứng (TS. Bùi Thế Anh, Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); iv) Tác động của biến đổi khí hậu và những mô hình sinh kế bền vững cho nhóm người nghèo tại vùng Bắc Bộ Việt Nam (ThS. Bùi Hải Nam, Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Hội thảo đã đi sâu thảo luận, làm rõ tiêu chí phân vùng và chọn điểm nghiên cứu, khung phân tích, cách tiếp cận, phương pháp đánh giá, những thông tin cần thu thập để phục vụ cho đánh giá; nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu với nhóm người nghèo; các yếu tố khí hậu nào tác động đến nhóm nghèo, cơ chế tác động và tác động như thế nào; các hệ lụy mà biến đổi khí hậu tác động đến nhóm nghèo (trên cơ sở phân loại, nhận biết các nhóm nghèo); cơ chế, chính sách giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm nghèo; vai trò của các tổ chức dân sự xã hội, vốn xã hội trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến nhóm nghèo; giải pháp nâng cao năng lực chống chịu của nhóm nghèo đối với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh hoạt động thảo luận tại hội thảo, các đại biểu tham dự hội thảo được Ban tổ chức hội thảo và chính quyền Phường Hùng Thắng, Thành phố Hạ Long bố trí đi tham quan thực tế mô hình sinh kế Làng chài Cửa Vạn – địa bàn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu./.

TS. Vũ Hùng Cường

In trang Chia sẻ

Tin khác