GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo |
|
Chủ trì hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Huỳnh Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu. Về phía khách mời ngoài tỉnh Lâm Đồng có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Đại học Kinh tế TPHCM.
Về phía tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Huỳnh Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng; các đại biểu đến từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh Lâm Đồng, các Sở Ngành của tỉnh Lâm Đồng, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, các thành phố và huyện trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt.
|
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm tìm ra cơ chế đặc thù để phát triển nhanh, đột phá cho các khu kinh tế đặc biệt ở các địa phương có lợi thế đặc biệt. Hội thảo cần làm rõ các giá trị đặc thù, khác biệt của Đà Lạt; thảo luận kỹ về việc mở rộng không gian của Đà Lạt, xây dựng mô hình thành phố Đà Lạt xanh, hiện đại, thông minh; xác định rõ các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của Đà Lạt, sự gắn kết các sản phẩm chủ lực, trên cơ sở phát huy các giá trị đặc thù riêng có của Đà Lạt. Cần thảo luận và đề xuất cụ thể về cách tiếp cận và cơ chế đặc thù cho Đà Lạt sao cho phát huy được các giá trị khác biệt, đặc biệt là phải dựa trên tư duy kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cần suy nghĩ và thảo luận kỹ về xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho Đà Lạt với các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội, sao cho có sự tự chủ cao nhất về hành chính, tự do về kinh tế trong khuôn khổ quy định của pháp luật Nhà nước.
Trong tổng số 16 bài tham luận gửi tới hội thảo, có 12 bài tham luận trình bày và 30 lượt ý kiến phát biểu tại hội thảo, tập trung vào đánh giá tiềm năng, thế mạnh và lợi thế đặc thù của Đà Lạt, đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong quá trình phát triển Đà Lạt giai đoạn vừa qua; trên cơ sở luận giải cơ hội và thách thức, quan điểm phát triển bứt phá và đặc thù cho Đà Lạt, đề xuất định hướng mô hình phát triển thành phố Đà Lạt và đề xuất cơ chế, giải pháp nhằm đạt được định hướng phát triển đó. Các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo hết sức sôi nổi, thẳng thắn, khách quan, là những luận cứ khoa học và thực tiễn hết sức quý giá để định hướng xây dựng mô hình phát triển của thành phố Đà Lạt theo hướng bứt phá dựa trên cơ sở phát huy các giá trị khác biệt, tư duy theo kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đồng thời là những tài liệu đầu vào hết sức quan trọng đóng góp cho Đề án Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Lạt đến năm 2030 – tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự hội thảo |
|
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Huỳnh Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá cao những kết quả thảo luận tại hội thảo, đặc biệt là sự thống nhất trong đánh giá về các tiềm năng và lợi thế nổi bật, riêng có của Đà Lạt; về những đánh giá khách quan của các nhà khoa học, chuyên gia về những thành tựu, cũng như đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong giai đoạn phát triển vừa qua của Đà Lạt; về thống nhất cao đối với lựa chọn du lịch và nông nghiệp công nghệ cao là các ngành kinh tế chủ lực của Đà Lạt, định hướng xây dựng Đà Lạt theo mô hình thành phố xanh, hiện đại, thông minh, đẳng cấp cao. Đồng chí Bí thư tỉnh ủy nhấn mạnh: Trung ương thấy Đà Lạt có tiềm năng, lợi thế phát triển đặc biệt nên đã đồng ý để Đà Lạt đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. Vấn đề quan trọng là tỉnh Lâm Đồng cần trình Trung ương cơ chế, chính sách đặc thù như thế nào cho Đà Lạt để có tính khả thi cao, để thực sự có những ưu đãi vượt trội, từ đó thu hút được sự quan tâm và nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài có tầm cỡ quốc tế. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, với tầm quan trọng của cách đặt vấn đề phát triển thành phố Đà Lạt đặc thù, đột phá và bền vững, nhiều vấn đề về phát triển của Đà Lạt liên quan đến nhiều Bộ, Ngành, với phạm vi vấn đề được trao đổi và thảo luận rất rộng, hội thảo có thể chưa trả lời được tất cả các câu hỏi đặt ra. Nhiều vấn đề còn cần làm rõ thêm, cần có thảo luận, nghiên cứu, cần sự đóng góp sâu hơn của các nhà khoa học, các chuyên gia để Đề án đề xuất cơ chế chính sách đặc thù của Đà Lạt sớm được Trung ương phê duyệt và đi vào cuộc sống.
Bên cạnh hoạt động thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã được Ban Tổ chức hội thảo bố trí đi khảo sát một số điểm du lịch nổi tiếng, đặc thù của Đà Lạt, một số cơ sở sản xuất sản phẩm hoa và rau của Đà Lạt./.
TS. Vũ Hùng Cường