Tham dự Hội thảo, về phía khách quốc tế có các đại biểu: GS. Hiroi Yoshinori, Đại học Chiba, Nhật Bản; Ông Nakamura Shintaro, Chuyên gia về An sinh xã hội của JICA, Nhật Bản; Ông Hayashi Eiichiro, điều phối viên của Dự án VASS-JICA tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Takeshi Kasai, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Ông Hayashida Takayuki, đại diện JICA Việt Nam; Bà Kumiko Kasajaro, đại diện JICA Việt Nam; Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có các đại biểu: PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học; TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội; Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế; các chuyên gia, nhà quản lý, và các nhà nghiên cứu đến từ các Trung tâm nghiên cứu, Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế phát biểu khai mạc hội thảo
|
|
PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Hội thảo khoa học “An sinh xã hội: Kinh nghiệm Nhật Bản và gợi mở cho Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong không khí kỷ niệm 40 quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Quan hệ hai nước ngày càng mở rộng và phát triển trên nhiều lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Chưa bao giờ An sinh xã hội (ASXH) và các vấn đề về ASXH được nhắc đến nhiều như hiện nay, cả ở Việt Nam và thế giới, không chỉ trên các phương tiện truyền thông, mà còn cả trong các văn bản, trong các chính sách thực tiễn của các quốc gia. ASXH có vai trò rất lớn trong kinh tế thị trường nói chung và trong những giai đoạn khủng hoảng nói riêng, vừa là mục tiêu hướng tới của các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, vừa là những nội dung, những định hướng, những hoạt động cụ thể của các chính sách này.
An sinh xã hội là chính sách cốt lõi quyết định sự phát triển ổn định và bền vững ở mọi quốc gia, góp phần giảm bất bình đẳng, hạn chế sự tổn thương của người dân, gia đình và cộng đồng trước những rủi ro, bất trắc trong cuộc sống. Ở Việt Nam, an sinh xã hội là một trong những trụ cột cơ bản trong hệ thống chính sách xã hội được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng. Trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam, vấn đề cơ bản nhất là làm sao có thể kết hợp hài hòa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, mà Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ Việt Nam đã đề ra.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Việt Nam còn thấp, mức độ sử dụng bảo hiểm không cao. Người dân chưa thực sự mặn mà với bảo hiểm y tế do chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm còn nhiều hạn chế. Mức độ tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, quỹ lương hưu bị mất cân bằng và đang đứng trước nguy cơ vỡ quỹ trong 10 năm tới, trong khi Việt Nam đã bước sang giai đoạn già hóa dân số. Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Các tham luận được trình bày tại Hội thảo: “Bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội Nhật Bản” (GS. Hiroi Yoshinori, Đại học Chiba, Nhật Bản), “Bảo hiểm y tế Việt Nam: Vấn đề và định hướng sắp tới” (TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội), “Chính sách bảo hiểm y tế và thực tiễn ở Việt Nam” (ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam), “Những chính sách đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi” (ông Nakamura Shintaro, chuyên gia về an sinh xã hội của JICA, Nhật Bản), “Thực trạng và thách thức của Bảo hiểm xã hội của Việt Nam” (TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội).
Các tham luận tập trung xem xét hai vấn đề trụ cột của an sinh xã hội, đó là Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội, nhằm phân tích những điểm tương đồng và khác biệt trong mô hình an sinh xã hội và thực tiễn phát triển của hai nước. Đây là diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội giữa Việt Nam và Nhật bản. Qua tìm hiểu kinh nghiệm Nhật Bản, thực tiễn Việt Nam đề xuất, gợi mở cho Việt Nam.
Nguyễn Thu Hà