Tham dự Hội nghị Thông báo có: PGS.TS. Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học và các cán bộ nghiên cứu Viện Khảo cổ học; các đại biểu đến từ: Viện Khảo cổ học Verera Lensch, Cộng hòa Liên bang Đức; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hội Bảo vệ Di sản Văn hóa Việt Nam, các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Trong Báo cáo tổng hợp về hoạt động của ngành khảo cổ học năm 2013, TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: Ban tổ chức đã nhận được 436 bài thông báo của các tác giả trong và ngoài nước,trong đó, Khảo cổ học Thời đại đá có 57 bài. Các hoạt động tiêu biểu Khảo cổ học Thời đại đá là sự phối hợp giữa Viện Khảo cổ học với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn và các chuyên gia Pháp, Úc khai quật di chỉ hang Cốc Mười (hang Bãi Đá); phối hợp với Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk khai quật hang Con Moong và hang Mang Chiêng, phát hiện mới Hang Diêm; cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Nông tiến hành khai quật lần thứ hai di chỉ Thôn Tám; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Đại học Quốc gia Úc, Đại học Y khoa Sapporo – Nhật Bản và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khai quật lần thứ hai địa điểm cồn Cổ Ngựa… Những kết quả điều tra, phát hiện mới đã bổ sung nhiều tư liệu mới cho khảo cổ học Thời đại đá.
Khảo cổ học Thời đại kim khí có 48 bài, trong đó có các cuộc khai quật: Khoa Sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khai quật di chỉ Vườn Chuối lần thứ VI; Khoa Sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai quật địa điểm Đồng Đậu lần thứ VII; Bộ môn Khảo cổ học và Bảo tàng Nhân học phối hợp với Bảo tàng Hà Nội và Viện Khảo cổ học khai quật thám sát di tích Thành Dền lần thứ VIII; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khai quật di tích Bãi Cọi (Hà Tĩnh) lần thứ III…
Khảo cổ học Lịch sử có 289 bài, trong đó có các hoạt động tiêu biểu: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát, khai quật thăm dò khu vực trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh khai quật di tích Chùa Dạm; Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang khai quật di tích chùa Bảo Ninh Sùng Phúc lần thứ nhất… Ngoài ra, tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử còn nhận được 54 thông báo về các phát hiện mới tại các địa phương: Hải Phòng, Bắc Ninh…
Khảo cổ học Chăm Pa – Óc Eo nhận được 38 bài. Trong đó có các hoạt động tiêu biểu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng tiến hành khai quật tháp Cẩm Mít; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khảo sát các địa điểm Liêm Thuận, Liêm An (Bình Thuận), kiến trúc và cư trú Óc Eo ở Đồng Tháp và Long An…
Những hoạt động khảo cổ học năm 2013 trên toàn quốc rất sôi nổi và phong phú, các cuộc khai quật, điều tra, thăm dò, thám sát cùng các phát hiện, nghiên cứu về di tích di vật đã bám sát các mục tiêu nghiên cứu, có nghiên cứu chuyên sâu, cũng có những hoạt động phục vụ việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới như Con Moong, Tràng An…; cũng có nội dung phục vụ công tác bảo tồn lâu dài và phát huy di tích, di sản như Điện Kính thiên (Hà Nội), Chùa Dạm (Bắc Ninh), Hội Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh)…
Sau phiên khai mạc và phiên thảo luận những vấn đề chung, Hội nghị Thông báo Khảo cổ năm 2013 chia ra thảo luận ở 4 tiểu ban: Khảo cổ học Thời đại đá, Khảo cổ học Thời đại kim khí, Khảo cổ học Lịch sử, Khảo cổ học Chăm Pa – Óc Eo.
Nguyễn Thu Hà