Sáng ngày 3/10/2013, tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: Cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình phát triển và quản lý phát triển xã hội. Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học của đề tài “Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở các nước Đông Nam Á – kinh nghiệm cho Việt Nam trong tham gia xây dựng cộng đồng ASEAN” do PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng làm chủ nhiệm, thuộc chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.02/11-15 “Nghiên cứu khoa học phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam đến năm 2020”do PGS.TS. Trần Đức Cường làm chủ nhiệm chương trình.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng cho biết: Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội là một chủ đề đã được bàn luận khá sôi nổi ở Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên đến nay vẫn thiếu vắng các nghiên cứu cơ bản về nội dung này dẫn đến những lý giải và kiến nghị chưa có đủ độ thuyết phục, chưa đúng và trúng vấn đề. Điều này ít nhiều đã dẫn đến sự thiếu hụt về cơ sở lý luận cơ bản, và trở thành vấn đề rất được quan tâm hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào khu vực và quốc tế. Theo lộ trình đến năm 2015, cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng văn hóa – xã hội sẽ ra đời. Do vậy, việc nghiên cứu sự phát triển và quản lý phát triển xã hội các nước ASEAN là rất cần thiết. Đó cũng là lý do mà đề tài “Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở các nước Đông Nam Á – kinh nghiệm cho Việt Nam trong tham gia xây dựng cộng đồng ASEAN” đã được phê duyệt. Mục tiêu của đề tài là làm rõ thực trạng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở các nước Đông Nam Á trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam khi tham gia xây dựng cộng đồng ASEAN.
PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng đề nghị Hội thảo tập trung bàn luận sâu về các vấn đề như phân tích sâu hơn về những thành công và hạn chế của việc giải quyết các vấn đề xã hội của một số nước và so sánh với mô hình của Đông Nam Á; cách thức giải quyết các vấn đề xã hội của một số nước ASEAN, những vấn đề đang và sẽ đặt ra trong tiến trình hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN nói chung, cộng đồng văn hóa xã hội nói riêng; từ thực tế giải quyết các vấn đề xã hội của các nước, rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc tham gia xây dựng cộng đồng ASEAN.
Trong tổng số gần 20 tham luận của các thành viên đề tài, các nhà khoa học trong và ngoài Viện gửi đến Hội thảo,có 6 tham luận được Ban tổ chức lựa chọn trình bày tại Hội thảo: (1) Một số vấn đề lý thuyết về phát triển xã hội và tham chiếu các mô hình Châu Âu (do PGS.TS. Bùi Nhật Quang trình bày); (2) Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội – Hướng tới một xã hội mang tính thống nhất có điều tiết – Kinh nghiệm từ EU (TS. Trần Phương Hoa); (3) Một số vấn đề xã hội và các chính sách quản lý xã hội ở các nước ASEAN hiện nay (TS. Trần Lan Hương); (4) Một số đánh giá về phát triển xã hội ở Philippine trong những năm đầu thế kỷ 21 (TS. Nguyễn Huy Hoàng); (5) Các chính sách phát triển xã hội của Indonesia sau khủng hoảng 1997-1998 (ThS. Nguyễn Văn Hà); (6) Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Malaysia từ năm 2010 đến nay (TS. Lê Thanh Hương).
Các bài tham luận cũng như các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đi sâu thảo luận các vấn đề mang tính khái niệm, các cách tiếp cận, tập trung phân tích các vấn đề xã hội của các quốc gia trên thế giới, nhất là của các quốc gia ASEAN và rút ra những kinh nghiệm tham chiếu cho Việt Nam. Từ kết quả thảo luận tại Hội thảo, có thể thấy rằng, hầu hết các quốc gia đều gặp phải khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề về nghèo khổ, bất bình đẳng, dân số, chính sách xã hội, môi trường… Hiện nay, các quốc gia vùng Bắc Âu được đánh giá là đạt được nhiều thành tựu về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, tuy nhiên điều đó chỉ mang nghĩa tương đối về mặt mô hình tham chiếu, trong thực tế vẫn là một hiện tượng hiếm hoi./.
Phạm Vĩnh Hà