GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu khai mạc Tọa đàm
|
|
Đến dự Tọa đàm, về phía quốc tế có TS. Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam; GS. Dani Rodrik, Đại học Princeton; và các chuyên gia của WB, các tổ chức quốc tế.
Về phía Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đ/c Mai Văn Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa; các nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các chuyên gia đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân và các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm. Tọa đàm do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng và TS. Victoria Kwakwa đồng chủ trì.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: để có thể nắm được những cơ hội to lớn mà những lợi thế về địa kinh tế và địa chính trị của Việt Nam mang lại, qua đó bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và bắt kịp với các nước đi trước, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực thể chế như được nêu ra trong Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Để cụ thể hóa và thực thi hiệu quả định hướng chiến lược quan trọng và hết sức đúng đắn đó, Việt Nam rất cần những phân tích khoa học, trong đó có những tư vấn của các tổ chức và chuyên gia quốc tế hàng đầu. Viện Hàn lâm và WB đã có nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả, nổi bật là thông qua chương trình nghiên cứu hỗ trợ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, thực hiện Đánh giá Nghèo… Đây cũng là thời điểm thích hợp để hai bên tiếp tục hợp tác nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chính sách trong giai đoạn phát triển quan trọng tới đây của Việt Nam.
|
|
|
TS. Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát biểu chào mừng Tọa đàm
|
|
GS. Dani Rodrik, Đại học Princeton, báo cáo tham luận tại Tòa đàm
|
Phát biểu chào mừng Tọa đàm, TS. Victoria Kwakwa cho biết, tọa đàm này nằm trong chuỗi các hoạt động của “Diễn đàn Tri thức Việt Nam” của WB. Việt Nam hiện nay đã trở thành một nước có thu nhập trung bình nên vai trò của WB sẽ dần chuyển sang chủ yếu cung cấp tri thức, ý kiến tư vấn, bài học quốc tế cho Việt Nam. Vì vậy WB bắt đầu quá trình này bằng cách tạo diễn đàn tri thức để trao đổi ý kiến với các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và học giả Việt Nam về những vấn đề hết sức quan trọng mà Việt Nam đang cần giải quyết.
Tọa đàm được nghe GS. Dani Rodrik đến từ Đại học Princeton (Mỹ) - chuyên gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực về toàn cầu hóa, thể chế và phát triển - trình bày tham luận với nhan đề “Chiến lược tăng trưởng của Việt Nam tiếp theo sẽ là gì?”. Trong báo cáo, GS. Dani Rodrik đã giới thiệu chung về kinh tế học tăng trưởng ở các nền kinh tế hai khu vực/lưỡng hợp; tầm quan trọng của việc thay đổi cấu trúc/cơ chế nhằm tạo động lực tăng trưởng; triển vọng cho công nghiệp hóa trong tương lai; tăng trưởng dựa vào dịch vụ; hàm ý tổng thể đối với chiến lược tăng trưởng; vấn đề cơ cấu trong trung hạn đến dài hạn; quản lý kinh tế vĩ mô… Tham luận nêu rõ các ý tưởng xây dựng khung chính sách và những vấn đề cần quan tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, tạo đột phá phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu quốc tế
|
|
Sau khi nghe báo cáo tham luận của GS. Dani Rodrik, các đại biểu tham dự đã sôi nổi thảo luận xung quanh các nội dung: Khung phân tích nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam; Những yếu tố chính tác động đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong một môi trường có những biến động bên ngoài và những chuyển đổi bên trong; Các vấn đề về cơ chế và ý nghĩa của nó đối với năng lực cạnh tranh của Việt Nam; Tiếp tục hội nhập toàn cầu và tự do hóa thương mại (TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, RCEP): cơ hội và thách thức; Việt Nam hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và chính sách ngành/công nghiệp; Các vấn đề về nguồn nhân lực trong nâng cao năng lực cạnh tranh; Các đặc khu kinh tế; Gợi ý chính sách và khung chính sách...
Kết luận Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Tọa đàm tạo cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước trao đổi với GS. Rodrik về các vấn đề chính sách quan trọng liên quan đến thể chế, hội nhập và phát triển, qua đó đề xuất những đột phá về thể chế giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững, nhanh chóng bước lên mức cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và bắt kịp với các nước đi trước ở trong khu vực và trên thế giới.
Nguyễn Thu Hà