Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Syafruddin Temenggung, nguyên Chủ tịch Cơ quan Tái cơ cấu Ngân hàng Indonesia (IBRA); Ngài Laksamana Sukardi, nguyên Bộ trưởng Bộ Các doanh nghiệp nhà nước Indonesia; TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; các đại biểu đến từ UNDP, các trường đại học, các bộ ngành ở Hà Nội và các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết, tiếp sau hội thảo về “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, nằm trong chương trình hợp tác giữa UNDP với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trân trọng mời hai vị khách quan trọng - chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng - là TS. Syafruddin Temenggung và Ngài Laksamana Sukardi tham dự Hội thảo này.
Khi bàn về cải cách kinh tế, cải cách thể chế thì nội dung hết sức quan trọng là cải cách hệ thống ngân hàng, bởi đó là mạch máu của toàn bộ nền kinh tế. Hiện nay, các vấn đề mà hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đối mặt như: tính không hiệu quả của các ngân hàng, tình trạng nợ xấu, các trở ngại liên quan đến huy động và phân bổ nguồn lực mà trong đó đặc biệt là nguồn lực liên quan đến doanh nghiệp nhà nước… Bên cạnh đó, vấn đề trở ngại của cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước chính là vấn đề sở hữu chéo được biểu hiện rõ trong hệ thống tài khoản của ngân hàng. Do vậy, Hội thảo này góp phần giúp chúng ta nhìn nhận, tìm kiếm giải pháp huy động nguồn lực để có thể chế mang tính đột phá cho sự thay đổi và phát triển của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự được nghe 2 tham luận. Tham luận thứ nhất “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Indonesia: Thách thức và giải pháp” do TS. Syafruddin Temenggungtrình bày, đề cập tới các vấn đề như: Khủng hoảng kinh tế và sự thành lập Cơ quan Tái cơ cấu Ngân hàng Indonesia: cuộc khủng hoảng kinh tế, ngân hàng và nền kinh tế quốc gia Indonesia; các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế quốc gia Indonesia và sự thành lập của IBRA; các chức năng và nhiệm vụ của IBRA. Việc tái cấu trúc ngân hàng phụ thuộc vào Ngân hàng Trung ương Indonesia: Tái cấu trúc vốn ngân hàng; sáp nhập và hợp nhất ngân hàng; thoái vốn ngân hàng. Vấn đề giải quyết các tài sản ngân hàng: chuyển giao tài sản tín dụng và phi tín dụng cho IBRA; chính sách tái cơ cấu và kết quả; chính sách thanh lý tài sản; thu hồi vốn và hỗ trợ tài chính. Hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của IBRA: xem xét việc hoàn thành các nhiệm vụ của IBRA; chuyển giao chức năng làm việc của IBRA; công ty quản lý tài sản nhà nước; chương trình bảo lãnh của Chính phủ.
Tham luận thứ hai “Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam: Kết quả và những vấn đề cần tiếp tục triển khai” do TS. Vũ Viết Ngoạn trình bày, đề cập tới các vấn đề như:Chương trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng: Giải pháp tình thế ngăn chặn lan truyền của bất ổn tài chính, ổn định lòng tin của công chúng; khu biệt và kiểm soát các ngân hàng thương mại yếu kém; xử lý nợ xấu bằng nguồn DPRR (Quỹ dự phòng rủi ro) và thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC); nâng cao chuẩn mực an toàn tài chính; tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch thông tin; thay đổi chính sách. Kết quả của tái cơ cấu là thanh khoản thị trường ngân hàng được đảm bảo, chất lượng tài sản được cải thiện. Những việc cần phải tiếp tục triển khai: tăng cường chuẩn mực an toàn, tăng cường khuôn khổ pháp lý và thực thi pháp luật, tăng cường năng lực của hệ thống giám sát tài chính; phát triển thị trường vốn, thị trường bảo hiểm đảm bảo thị trường tài chính phát triển hài hòa, cân bằng; cải cách thể chế.
Sau khi nghe 2 báo cáo tham luận, các đại biểu tham dự sôi nổi trao đổi, thảo luận về những vấn đề mà hai diễn giả đề cập; nhiều câu hỏi được nêu lên đã được hai diễn giả phúc đáp tại chỗ một cách thấu đáo.
Nguyễn Thu Hà