Hội thảo: “Kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước của Indonesia và bài học với Việt Nam”

12:00 28/03/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 27 tháng 3 năm 2014, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước của Indonesia và bài học với Việt Nam”.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo này nằm trong chuỗi các sự kiện hội thảo “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” hội thảo “Kinh nghiệm cải cách hệ thống ngân hàng Indonesia và bài học với Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ngài Laksamana Sukardi, nguyên Bộ trưởng Bộ Các doanh nghiệp nhà nước Indonesia; TS. Syafruddin Temenggung, nguyên Chủ tịch Cơ quan Tái cơ cấu Ngân hàng Indonesia (IBRA); TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương; các đại biểu đến từ UNDP, các trường đại học, các bộ ngành ở Hà Nội và các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: tiếp theo hội thảo “Kinh nghiệm cải cách hệ thống ngân hàng Indonesia và bài học với Việt Nam” diễn ra vào ngày 26/3/2014, thì Kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước của Indonesia và bài học đối với Việt Nam là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Khu vực doanh nghiệp nhà nước của Indonesia vào thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng 1997 có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Indonesia đã có nhiều biện pháp quan trọng để giải quyết tốt các vấn đề sau khủng hoảng, trong đó có việc thành lập Bộ Các doanh nghiệp nhà nước - tạo tiền đề và điều kiện cho bước phát triển mới của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, báo cáo của Ngài Laksamana Sukardi, Bộ trưởng Bộ Các doanh nghiệp nhà nước Indonesia thời gian đó và báo cáo của TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, sẽ giúp các đại biểu hiểu hơn về các doanh nghiệp của Indonesia và Việt Nam, lam cơ sở tham chiếu và so  sánh giúp tìm ra điểm tương đồng và khác biệt, có những điểm gần gũi có thể học tập, áp dụng cho Việt Nam.

Các đại biểu tham dự được nghe 2 tham luận. Tham luận thứ nhất: “Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Indonesia” do Ông Laksamana Sakardi, trình bày. Báo cáo nêu rõ, sau cuộc khủng hoảng 1997 xảy ra ở Thái Lan rồi lan ra khắp Châu Á và ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trong khu vực, nền kinh tế Indonesia bị tàn phá một cách khủng khiếp, khu vực doanh nghiệp nhà nước vì cách quản trị yếu kém nên có những khoản nợ lớn được vay bằng ngoại hối; tiếp đó là sự bất ổn trong các ngân hàng quốc doanh nên không đủ điều kiện để hoạt động bền vững và hiệu quả. Tại thời điểm này, Indonesia phải đương đầu với nền kinh tế thị trường mở, nhưng lại thiếu cơ chế quản trị thị trường tốt, hệ thống tư pháp hoạt động kém hiệu quả, thiếu các văn bản pháp lý cần thiết, Chính phủ không có nguồn thu để bổ sung cho chi tiêu ngân sách.

Bởi vậy, muốn vực nền kinh tế cần phải cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ Indonesia cho thành lập Cơ quan Tái cơ cấu Ngân hàng Indonesia (IBRA), tài sản của các công ty không có khả năng thanh toán đã tập trung vào IBRA, chuyển giao tài sản tín dụng và phi tín dụng cho IBRA. Phân loại các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Cải cách theo hướng để có thể tạo được sự hấp dẫn, lựa chọn ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước có khả năng phát triển tốt để phục hồi nền kinh tế cho Indonesia.

Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả

 

Tham luận thứ hai “Các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Đình Cung trình bày. Báo cáo đề cập tới các vấn đề như doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam, hiện nay khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 37% nguồn vốn kinh doanh trong khối doanh nghiệp, 44% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế, 20% giá trị sản xuất công nghiệp; chiếm tỷ trọng nhỏ trong lĩnh vực thương mại nội địa, nông thủy sản... Tổng quan về cải cách các doanh nghiệp, các hình thức cải cách doanh nghiệp nhà nước Việt Nam có sự tương đồng với quốc tế, phương pháp tiếp cận nhìn chung là tiến hành từng bước, điều chỉnh theo bối cảnh thực tế, không thực hiện tư nhân hóa ồ ạt doanh nghiệp nhà nước như các nước Đông Âu đã làm. Các chính sách cải cách tập trung vào khung khổ pháp lý và thể chế; điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thực hiện giao, bán, giải thể, phá sản doanh nghiệp nhà nước; cải thiện quản trị công trong các doanh nghiệp nhà nước. Các chính sách cải cách trong thời gian tới chú trọng vào điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ngoài ngành; Chính phủ có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế mới phù hợp, khả thi để giao, bán, giải thể, phá sản 22 doanh nghiệp nhà nước…

Các đại biểu tham dự Hội thảo sôi nổi trao đổi, thảo luận về những vấn đề mà hai diễn giả đề cập; nhiều câu hỏi được nêu lên đã được hai diễn giả phúc đáp tại chỗ một cách hợp lý đầy thuyết phục.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, phát biểu kết luận Hội thảo nêu rõ, hai tham luận rất ấn tượng, các thảo luận đi vào trọng tâm, những kinh nghiệm của Indonesia gợi mở cho Việt Nam rất nhiều, bởi chúng ta mới tiếp cận đến vấn đề này và trên thực tế chưa có những giải pháp thật sự đích đáng để xử lý.

Một số chủ đề sâu hơn đã được Giáo sư Chủ tịch đề nghị sẽ thảo luận trong một hội thảo khác, tập trung vào 3 vấn đề: 1) Sự hình thành quỹ quốc gia, nguồn huy động vốn và vai trò của các cổ đông, nguyên tắc vận hành, quản lý… để đảm bảo tính hiệu quả. 2) Về sự cần thiết phải thành lập bộ về doanh nghiệp nhà nước, hay bộ cải cách doanh nghiệp nhà nước hay một tổ chức nào đó để quản trị quá trình này. 3) Cụ thể hóa lộ trình nhiều bước, quyền hạn của các tổ công tác chịu trách nhiệm xử lý nhiệm vụ này cũng như việc giải quyết mối quan hệ quản lý tài sản với doanh nghiệp nhà nước. Đây là 3 vấn đề cốt lõi để tái cơ cấu, giúp doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, làm cho doanh nghiệp nhà nước ít đi nhưng đóng góp cho xã hội nhiều hơn, nhà nước chỉ nắm vai trò quản trị. Tất cả những vấn đề này sẽ được thảo luận trong những hội thảo tiếp theo./.

Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác