Hội thảo: Liên minh Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức

12:00 25/04/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 24 tháng 4 năm 2014, tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phối hợp với Đại sứ quán Mexico, Đại sứ quán Peru, Đại sứ quán Colombia và Đại sứ quán Chile tổ chức hội thảo với chủ đề“Liên minh Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức”.

PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các trường đại học ở Hà Nội, các công ty có các hoạt động kinh doanh với thành viên của Liên minh Thái Bình Dương và các Đại sứ quán Mexico, Peru, Colombia và Chile.

Chính thức thành lập và ra mắt vào tháng 6 năm 2012, Liên minh Thái Bình Dương là một cơ chế tại khu vực Mỹ Latinh dựa trên hội nhập kinh tế và thương mại tự do gồm bốn quốc gia thành viên ban đầu là: Chile, Colombia, Mexico và Peru. Mục tiêu của khối nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa bốn quốc gia Mỹ Latinh và các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, Liên minh Thái Bình Dương đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới và hiện tại có khoảng 30 nước quan sát viên bao gồm cả Mỹ, Canada, Úc, Nhậi Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Pháp…Rõ ràng Liên Minh Thái Bình Dương là một thể chế có sức hấp dẫn đặc biệt.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Liên minh Thái Bình Dương ở Cartagena, Colombia, ngày 10 tháng 2 vừa qua, các nước thành viên của Liên minh đã ký Hiệp định khung nhằm tạo thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ, theo đó 92% các sản phẩm trao đổi nội khối sẽ được miễn thuế ngay sau khi được quốc hội các nước thông qua; 8% các sản phẩm còn lại - là những sản phẩm nông sản “nhạy cảm” đối với một số nước – sẽ được bãi bỏ thuế quan trong vòng 17 năm.

Với việc thực hiện Hiệp định này, Liên minh Thái Bình Dương thực sự trở thành một thị trường rộng lớn với khoảng 212 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 2.000 tỷ USD, chiếm 36% GDP của Mỹ Latinh và chiếm khoảng 50% kim ngạch thương mại của khu vực Mỹ Latinh. Đây thực sự là một sự kiện quan trọng trong tiến trình hội nhập nội khối và thúc đẩy quan hệ với các nước Châu Á - Thái Bình Dương.

 

Đại diện các Đại sứ quán tham dự Hội thảo   Toàn cảnh Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, cho biết: Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của nhiều thể chế kinh tế hội nhập song phương và khu vực. Tiến trình này vẫn còn đang trên đà phát triển với những thể chế đầy hứa hẹn sắp được ra đời như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương, Sáng kiến kinh tế mở rộng Hoa Kỳ - ASEAN, và nhiều thể chế khác.

Mỹ Latinh là một khu vực hội nhập đầy sôi động, nơi đây có một sự đan xen dày đặc các thể chế kinh tế khu vực như Khối Thị trường chung Trung Mỹ (SIECA), Hiệp hội thương mại tự do Mỹ Latinh (ALALC), Cộng đồng Andean (CAN), Liên minh Boliva các quốc gia Châu Mỹ (ALBA), Hiệp Hội các nước Caribe (ACS), Mercosur, Unasur, và nhiều thể chế khác. Gần đây chúng ta lại chứng kiến sự ra đời của một thể chế thương mại mới tại khu vực đó là Liên Minh Thái Bình Dương bao gồm 4 nước nằm dọc bờ biển Thái Bình Dương: Chile, Colombia, Mexico và Peru.

Với tuyên bố Lima, Liên minh Thái Bình Dương đã chính thức ra đời và đã trở thành một thể chế kinh tế thương mại đầy hứa hẹn tại khu vực Nam Mỹ. Nếu xem Liên Minh này là một quốc gia, Liên minh sẽ là một nền kinh tế lớn thứ tám thế giới về GDP và đứng thứ 7 về giá trị xuất khẩu.

Hội thảo được nghe các tham luận: “Liên minh Thái Bình Dương: cơ hội và thách thức” do Ngài LuisTsuboyama, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Peru tại Việt Nam trình bày; “Liên minh Thái Bình Dương: thách thức và cơ hội” (Ngài Gilberto Limon Enriquez, Đại sứ Mexico);“Liên minh Thái Bình Dương” (Ngài Carlos Alíonso Alban Franco, Đại biện Đại sứ quán Colombia);“Liên minh Thái Bình Dương” (Ngài Fernando Urrutia, Đại sứ Chile);“Liên minh Thái Bình Dương-Động cơ của sự lựa chọn hội nhập” (TS. Bùi Thành Nam, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn); và “Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam với các nước Liên minh Thái Bình Dương” (TS. Nguyễn Ngọc Mạnh, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ).

Hội thảo đã tập trung thảo luận các nội dung hợp tác, những cơ hội và thách thức của Liên minh Thái Bình Dương trong bối cảnh hiện nay, như: Động cơ nào để bốn nước đi đến thành lập một thể chế kinh tế mới này; Mục tiêu của việc thành lập liên minh là gì; Liên minh này có ảnh hưởng như thế nào tới các nước thuộc bờ Tây Thái Bình Dương như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác.

  Hội thảo nhận được sự quan tâm, góp ý, trao đổi và thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự./.

 

Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác