Hội thảo khoa học quốc tế: “Kinh tế thị trường hiện đại và sự hội nhập của Việt Nam”

12:00 08/05/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong hai ngày 6-7/5/2014, tại Hòa Lạc, Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Văn phòng đại diện Viện Fiedrich-Ebert-Stiftung, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (Văn phòng Viện FES) đã đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Kinh tế thị trường hiện đại và sự hội nhập của Việt Nam”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu quốc tế đến từ Đức, Nhật, Trung Quốc, Lào, Singgapore và đại diện một số tổ chức, ban, ngành khác trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo và cho rằng, chủ đề của hội thảo là một nội dung rất quan trọng góp phần vào nhiệm vụ tổng kết 30 đổi mới tại Việt Nam. Trong điều kiện thế giới đang thay đổi nhanh chóng, việc nghiên cứu, đánh giá để làm rõ những đặc trưng và những vấn đề mới của nền kinh tế thị trường Việt Nam trong giai đoạn mới là việc cần làm ngay. Giáo sư, Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng đề nghị Hội thảo tập trung làm rõ các đặc trưng, tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại mà Việt Nam (đi theo con đường xã hội chủ nghĩa) cần phải tuân thủ, phải tôn trọng và phải phát huy cho sự phát triển; Cấu trúc của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đang đứng trước những nội dung gì và yêu cầu gì phải giải quyết? Mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường?...

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Erwin Schweisshelm, giám đốc Văn phòng FES chia sẻ: Viện Fiedrich-Ebert-Stiftung là một quỹ tài trợ chính trị có mối liên hệ mật thiết với đảng Dân chủ Xã hội của Cộng hòa Liên bang đức, một trong hai chính đảng cầm quyền tại Đức hiện nay. Với tư cách là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, FES đã có văn phòng tại Hà Nội từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Hội thảo diễn ra lần này là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự hợp tác giữa FES và Viện Triết học nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam cùng thảo luận về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và dân chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là một trong những dự án nghiên cứu mới mà Viện Triết học đang tiến hành nhằm góp ý kiến vào quá trình chuẩn bị cho các tài liệu, văn kiện trình Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2016.

 

Ông Erwin Schweisshelm, giám đốc Văn phòng FES phát biểu chào mừng Hội thảo  

PGS.TS. Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học nhận định: Hiện nay trên thế giới đang tồn tại nhiều mô hình kinh tế thị trường như kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường hỗn hợp, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đang xây dựng mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, trong số những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển đất nước, việc nghiên cứu các mô hình kinh tế thị trường hiện đại trong mối quan hệ tác động qua lại với việc phát huy dân chủ trong xã hội là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt. Phó giáo sư, Viện trưởng hy vọng Hội thảo sẽ trở thành diễn đàn sôi nổi để các học giả trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới xây dựng nền kinh tế thị trường và phát huy dân chủ trong xã hội. Qua đó, có những đóng góp nhất định với tiến trình xây dựng chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo “Kinh tế thị trường hiện đại và sự hội nhập của Việt Nam”

 

 

Hội thảo đã được chia thành 3 phiên làm việc, Phiên 1: Kinh tế thị trường và dân chủ trong 30 năm đổi mới ở Việt Nam: Kinh nghiệm và những thách thức đặt ra; Phiên 2: Kinh tế thị trường và dân chủ: Kinh nghiệm quốc tế; Phiên 3: Giới thiệu và định hướng về chương trình World Café: Những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Theo đó, đã có 9 tham luận được trình bày tại Hội thảo, đề cập đến các vấn đề như: Quá trình đổi mới nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam; Dân chủ và kinh tế thị trường: Một cách tiếp cận từ quan điểm dân chủ xã hội của Đức; Những thách thức cho bảo trợ xã hội và giải phóng chính trị tại Singapore; Những thuận lợi và khó khăn của chiến lược thay đổi từng bước của Trung Quốc; “20 năm tìm đường” và những khó khăn trong quá trình thay đổi cơ chế tại Nhật Bản; Phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Lào; Luận giải về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam...

Hội thảo đã diễn ra đặc biệt sôi nổi ở phiên thảo luận World Café, đây là hình thức tọa đàm tương tác, được Viện Triết học mạnh dạn triển khai nhằm nâng cao tính tương tác giữa các cá nhân trong thảo luận và làm việc làm nhóm. Tại phiên làm việc này, các đại biểu được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm sẽ cùng nhau trao đổi ngắn các vấn đề liên quan đến mô hình kinh tế của quốc gia, triển vọng thực tế và bối cảnh dân chủ của mô hình đó, sau đó, lần lượt các đại biểu ở nhóm này sẽ di chuyển sang nhóm khác và được chủ bàn (Table host) giới thiệu chủ đề và phần thảo luận trước đó tại bàn mới của họ. Với cách làm này, Hội thảo đã rất lôi cuốn các đại biểu tham gia thảo luận và đem lại sự hứng thú cho tranh luận trực tiếp giữa các đại biểu, nhất là khi bàn về các vấn đề phát triển tiếp theo của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các bài học kinh nghiệm, nét đặc trưng nổi bật và những điểm còn hạn chế trong việc thực thi dân chủ và các mô hình kinh tế khác nhau trên thế giới.

 

Đại biểu tham gia thảo luận nhóm theo mô hình World Café tại Hội thảo  

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo và cán bộ viện Triết học

 

Trên quan điểm trao đổi thẳng thắn, các nhà khoa học đã cùng nhau thống nhất nhiều quan điểm liên quan đến phát triển kinh tế và dân chủ. Đó là lấy con người làm trọng tâm của sự phát triển toàn diện, giúp con người hoàn thiện và đạt tới tự do là nguyên tắc quan trọng của dân chủ và đảm bảo sự công bằng xã hội; Xây dựng khuôn khổ pháp lý để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các thành phần kinh tế. Khẳng định một nền kinh tế thị trường đầy đủ có nghĩa là sẽ đạt đến một trạng thái tự do kinh tế cao, mức độ can thiệp của Chính phủ vào cơ chế vận hành của nền kinh tế là tối thiểu trong các vấn đề phân bổ nguồn lực và can thiệp vào hoạt động kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Hơn nữa, kinh tế thị trường cũng đòi hỏi Chính phủ phải có hệ thống pháp lý và cơ quan thực thi hiệu quả các quyền về sở hữu và tạo hành lang pháp lý hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp…

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức cho rằng các ý kiến tham luận đã làm rõ hơn cơ sở thực tiễn và lý luận cho những vấn đề mà chủ đề của Hội thảo hướng đến, qua đó góp phần mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc chuẩn bị cho các tài liệu, văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016 cũng như góp phần quan trọng vào việc xây dựng các chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác