GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
|
Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý văn nghệ, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội…
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh: Hội thảo “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế” nằm trong Chương trình tổng kết thực tiễn ba mươi năm đổi mới mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang tiến hành. Hội thảo khoa học có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá thực tiễn văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới và đề xuất các kiến nghị, giải pháp phát triển văn học Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, góp phần luận giải và cung cấp các luận cứ khoa học thuyết phục để tiếp tục phát triển nền văn học Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh sâu sắc sự nghiệp đổi mới của đất nước ta do Đảng khởi xướng.
Cùng với sự đổi mới trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong ba mươi năm qua, văn học Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, chính sự đổi mới về tư duy và quan niệm nghệ thuật, về cách khám phá hiện thực, về thi pháp, giọng điệu, ngôn ngữ… đã làm cho văn học thời kỳ đổi mới trở nên đặc biệt phong phú và sôi động. Đời sống lý luận phê bình cũng khởi sắc hơn nhờ tinh thần dân chủ được mở rộng, ý thức vận dụng hợp lý những tri thức, phương pháp nghiên cứu hiện đại để soi tỏ những vấn đề thực tiễn, phát hiện nhiều giá trị mới trong văn học dân tộc. Có thể khẳng định, với tinh thần đổi mới và sự say mê sáng tạo, đội ngũ các nhà văn, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình đã có những nỗ lực để đưa văn học Việt Nam từng bước hội nhập sâu hơn với trình độ nghệ thuật hiện đại của thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đó, đời sống văn học ba mươi năm qua còn nhiều bất cập, hạn chế, như tình trạng thương mại hóa, đề cao chức năng giải trí, lãng quên hoặc thờ ơ trước những vấn đề trọng đại, nóng bỏng của đất nước.
PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, đọc báo cáo đề dẫn tại Hội thảo |
|
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, cho biết: Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, văn học Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên con đường hiện đại hóa và hội nhập với văn học thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, văn học thời kỳ đổi mới còn nhiều hạn chế, bất cập. Tại sao đã ba mươi năm trôi qua kể từ khi công cuộc đổi mới được chính thức phát động, chúng ta vẫn chưa có những kết tinh nghệ thuật tầm cỡ và những công trình khoa học xã hội và nhân văn bề thế, sâu sắc ? Đến nay, câu hỏi bao giờ chúng ta sẽ có những đỉnh cao nghệ thuật không chỉ là trăn trở đối với giới cầm bút mà còn là một mong mỏi chính đáng của người đọc. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiến hành tổng kết thực tiễn văn học đổi mới, phân tích, đánh giá những thành công, hạn chế của văn học ba mươi năm qua, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp tiếp theo.
Ngoài phiên Khai mạc và Bế mạc, Hội thảo chia làm 2 tiểu ban và 3 phiên. Phiên khai mạc do: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học; TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Trường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; và Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đồng chủ trì. Ngoài phát biểu khai mạc Hội thảo của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, phát biểu đề dẫn của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, phiên này có 4 báo cáo tham luận.
Tiểu ban thứ nhất với chủ đề: “Đổi mới lý luận và nghiên cứu văn học”, được chia thành 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có 6 tham luận, phiên thứ hai có 9 tham luận. Tiểu ban thứ hai với chủ đề “Thực tiễn sáng tác và tiếp nhận văn học”, được chia thành 3 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có 6 tham luận, phiên thứ hai có 6 tham luận, phiên thứ ba có 9 tham luận.
Hội thảo tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, đi sâu phân tích những nhân tố tác động đến đời sống văn học, như: ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường; tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật và sự bùng nổ của truyền thông hiện đại; tác động của văn hóa và giáo dục đến văn học; sự thay đổi về tâm lý, thị hiếu của công chúng trong tiếp nhận văn học; dịch thuật, giao lưu văn hóa và quảng bá văn học; hệ thống chính sách và quản lý văn học trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và đổi mới văn học…
Thứ hai, chỉ ra những thành tựu và hạn chế của tất cả lĩnh vực: thực tiễn sáng tác văn học; nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học; đi sâu phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những thành tựu và hạn chế của văn học thời kỳ đổi mới…
Thứ ba, trên cơ sở phân tích, luận giải thực tiễn văn học đổi mới, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của văn học trong giai đoạn mới.
Gần ba mươi năm qua, văn học Việt Nam đã đổi mới trên nhiều phương diện, đa dạng hơn về quan niệm văn học, phương pháp, giọng điệu; cởi mở hơn trong phong cách tiếp cận và lý giải hiện thực; cấu trúc, thể loại nào cũng có những đổi mới đáng chú ý; văn học dịch ngày càng chiếm ưu thế so với văn học trong nước, và đang tác động sâu sắc đến các giá trị văn học truyền thống; biên giới sáng tạo không còn bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà mở ra tầm quốc tế; vấn đề quảng bá và giao lưu quốc tế trong văn học trở thành một nhu cầu bức thiết của đời sống. Bên cạnh nhiều thành tựu, đời sống văn học cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, nảy sinh không ít vấn đề, hiện tượng mới phức tạp, đòi hỏi sự tham gia thảo luận cởi mở, khách quan và giàu bản lĩnh của nhiều chủ thể khác nhau. Nhìn chung, bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi để nâng cao vị thế văn học Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nảy sinh không ít thách thức, khó khăn đối với sự phát triển lĩnh vực này.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, tổng kết Hội thảo, nêu rõ: trên cơ sở các tham luận đã trình bày cũng như nội dung của tất cả 82 tham luận đã gửi đến Hội thảo, ban tổ chức đã sơ kết thành 5 nhóm vấn đề - thực sự có “tính vấn đề” - được đặt ra tại Hội thảo này. Thứ nhất, những vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, gắn liền với nhiệm vụ tổng kết một chặng đường văn học Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và những vấn đề đang đặt ra trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, trong đó tập trung nhận diện và hướng đến đề xuất giải quyết bản chất mối quan hệ giữa thành tựu đã đạt được và thách thức phía trước, tức là nhằm chỉ ra các xu thế của quá trình phát triển của văn học Việt Nam đương đại trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Nhóm tham luận này thiên về gợi mở nhận thức, đặt vấn đề ở tầm vĩ mô, khái quát, định hướng chiến lược và gắn với tên tuổi các nhà nghiên cứu giàu bản lĩnh, từng trải trường văn trận bút, vừa hướng đến tổng kết, chỉ ra thực chất tương quan đặc điểm và giá trị, kể cả việc lên tiếng phản biện, xác định những rào cản của quá trình nhận thức, hội nhập và phát triển nền văn học Việt Nam đương đại.
Thứ hai, nhóm tham luận thiên về tổng kết, nhận định, phân tích, đánh giá, xác định diện mạo, thành tựu, xu thế và ý nghĩa “cái mới” của văn học giai đoạn Đổi mới chiếm số lượng lớn, làm nên sự phong phú, sinh động, đan kết nhiều phương diện khác nhau, qua đó tạo nên dòng chủ lưu, tính chất hướng tâm và “tính vấn đề” của toàn bộ Hội thảo. Rõ ràng khi đã nói đến cái mới tất phải đặt trong tương quan so sánh với cái cũ, sự lên ngôi của những đặc điểm một thời và những giá trị nhân văn hằng xuyên, sự tiếp nối của truyền thống và con đường hiện đại hóa, sự kế thừa, phát huy, bồi đắp của quá khứ làm nên hiện tại và tương lai văn học. Trên thực tế, con đường Đổi mới văn học vừa xác lập những tiêu chí mới và cũng để lại sau nó những bãi rác thải công nghiệp không nhỏ. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang vừa tìm lại vừa hướng đến, bổ sung, dung nạp, mở đường cho cái mới phát triển thì cũng rất cần đến tư duy phân tích, phản tư đúng mức những phương diện bảo thủ, hạn chế, tác động tiêu cực đến quá trình vận động của đời sống văn học đương đại.
Thứ ba, nhóm những tham luận thiên về lý giải bản chất và dự báo con đường phát triển của nền văn học quốc gia Việt Nam đa dân tộc; trong đó một mặt gắn với những chỉ dẫn về diện mạo và bản sắc của từng thành phần văn học dân tộc (Tày, Mường, vấn đề thơ song ngữ, văn học các dân tộc thiểu số nói chung và vùng Trường Sơn – Tây Nguyên nói riêng), mặt khác nhấn mạnh các cấp độ, khả năng, xu thế hội nhập của nền văn học Việt Nam vào khu vực và thế giới gắn với các bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cũng như các hệ hình văn học phương Tây và nhân loại. Nhóm tham luận này tập trung lý giải mối quan hệ và tác động qua lại giữa đặc tính từng thành phần văn học dân tộc thiểu số và hương sắc nền văn học quốc gia đa dân tộc, bao quát từ truyền thống đến hiện đại, đương đại và nhấn mạnh các khả năng, xu thế, thách thức của thời kỳ hội nhập, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghệ hóa và văn học mạng.
Thứ tư, nhóm tham luận hướng đến thực chứng, minh chứng, tường minh bức tranh lịch sử của quá trình phát triển văn học Việt Nam đương đại trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế qua các hiện tượng, sự kiện tác gia – tác phẩm cụ thể. Nhóm tham luận thiên về luận bình này tạo một dòng chảy riêng, vừa đi sâu khai thác, lý giải vừa trực diện trao đổi, tranh luận, hướng đến khẳng định chân dung những tác gia dấn thân, nhập cuộc và làm nên công cuộc đổi mới như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp (hai tham luận), Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Chu Lai… Có thể nói những các ý kiến bàn về từng hiện tượng tác giả – tác phẩm chưa dễ đi đến thống nhất nhưng rõ ràng loại đề tài triển khai theo hướng minh chứng cụ thể này là hết sức cần thiết, tạo lập được nền tảng nhận thức, qua đó đánh giá đúng mức vai trò tiên phong, mở đường và hiện thân vị thế tinh thần các tác giả trong tiến trình văn học Đổi mới, hội nhập và phát triển ba mươi năm qua.
Thứ năm, nhóm tham luận hướng đến khảo sát, nghiên cứu những vấn đề khoa học văn học cơ bản, chuyên sâu, truyền thống nhưng được lập trình, lý giải, soi rọi bằng hệ thống cứ liệu mới, điểm nhìn cơ sở căn rễ văn hóa – lịch sử mới, hệ hình lý luận mới và theo đó là cách cảm nhận, tiếp nhận, đánh giá mới mẻ hơn theo tinh thần mới và Đổi mới. Hệ đề tài tham luận trên có thể thích dụng với nhiều hội thảo khác nữa cho thấy tính chất mở, động, khả năng hấp dẫn, quy nạp, hướng tâm, liên ngành của Hội thảo lần này, góp phần thúc đẩy tinh thần “hồi cố”, “tri tân”, thức tỉnh tiềm năng các giá trị truyền thống dự nhập vào đời sống thực tại, kể từ văn hóa – văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học trung đại đến cận – hiện đại và đương đại, cả về lý luận, nghiên cứu và phê bình, cả trong văn học Việt Nam và thế giới…
Nguyễn Thu Hà