GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội thảo
|
|
Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; đại diện các tổ chức đoàn thể; các Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập và các cán bộ đang công tác tại các tạp chí của Viện Hàn lâm.
Về phía khách mời có đoàn cán bộ thuộc Viện Khoa học quốc gia Lào do ông Khammanh Siphanhxay - Phó Viện trưởng Viện Xã hội học làm trưởng đoàn; TS. Đoàn Thị Yến Oanh, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ ; ThS. Lê Thị Hoa, Trưởng phòng Biên tập, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, Quản trị Website Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến (www.vjol.info.vn), Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đại biểu tham dự Hội thảo và nhấn mạnh: trong bối cảnh hội nhập với khu vực và thế giới hiện nay, vai trò đi trước một bước của khoa học nói chung và khoa học xã hội nói riêng đặt ra những yêu cầu mới đối với các tạp chí khoa học xã hội. Hiện nay, Viện Hàn lâm có khoảng 34 tạp chí (trong đó có 32 tạp chí tiếng Việt, 02 tạp chí tiếng Anh). Mặc dù, các tạp chí khoa học thuộc Viện Hàn lâm đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động, đạt được nhiều thành công và tạo dựng được uy tín trong giới khoa học xã hội Việt Nam nhưng việc giới thiệu các thành tựu khoa học xã hội ra khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế. Do vậy, Hội thảo này, với sự tham gia đông đủ các lãnh đạo các Viện, lãnh đạo các Tạp chí và đặc biệt là sự có mặt của các biên tập viên, những người đang trực tiếp làm công tác Tạp chí tại các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm là dịp quan trọng để thảo luận, trao đổi nhằm xây dựng hệ thống tạp chí thuộc Viện Hàn lâm theo tiêu chuẩn quốc tế. Giáo sư, Chủ tịch Viện đề nghị Hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung quan trọng như : (1) Các tiêu chí và căn cứ đánh giá mức độ chuẩn quốc tế của tạp chí khoa học;(2) Mối quan hệ giữa khoa học (đặc biệt là khoa học xã hội) và chính trị trong chính sách của tạp chí;(3) Vấn đề quản lý, đào tạo, sử dụng… nguồn nhân lực của tạp chí (lãnh đạo, quản lý, nhất là đội ngũ biên tập viên trẻ,...);(4) Vấn đề xã hội hóa nguồn lực cho các Tạp chí khoa học xã hội trong giai đoạn hiện nay hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, v.v...
Các tham luận trình bày và ý kiến trao đổi tại Hội thảo tập trung vào 2 vấn đề chính sau:
1/ Tìm hiểu các tiêu chuẩn quốc tế và giải pháp vận dụng đối với tạp chí khoa học xã hội: Các tham luận đã tìm hiểu một số tạp chí khoa học có uy tín, chuẩn quốc tế nổi tiếng trên thế giới; các tiêu chuẩn tạp chí khoa học theo hệ thống của Viện Thông tin Khoa học Mỹ (ISI) và hệ thống Scopus; kinh nghiệm tiến hành các bước hướng đến chuẩn quốc tế của một số tạp chí như Triết học, Nghiên cứu Kinh tế, Khoa học xã hội Việt Nam,..; kinh nghiệm viết bài đăng tạp chí khoa học quốc tế,...
2/ Về xuất bản điện tử các tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế: Đây là một trong số nhiều yếu tố được các hệ thống như ISI hay Scopus dùng để đánh giá vị trí quốc tế của tạp chí khoa học. Các tham luận đã khái quát về những ưu điểm và một số thách thức trong xuất bản tạp chí khoa học điện tử; giới thiệu về CSDL tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (www.vjol.info.vn) - một địa chỉ xuất bản điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế với gần 50 tạp chí khoa học Việt Nam tham gia.
TS. Đặng Thị Phương Hoa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế trình bày tham luận tại Hội thảo
|
|
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đều thống nhất khẳng định sự cần thiết của việc các tạp chí khoa học xã hội cần phải hướng đến tiêu chuẩn quốc tế. Điều này phải được thể hiện ở việc xây dựng hệ tiêu chuẩn chung về nội dung và hình thức của tạp chí. "Chuẩn nội dung" là yếu tố quan trọng nhất và cần được cụ thể hóa trong tôn chỉ, mục đích, chính sách của tạp chí, vai trò của Hội đồng biên tập và người phản biện, năng lực và tính chuyên nghiệp của lãnh đạo, quản lý tạp chí và đặc biệt là của đội ngũ biên tập viên. Các tiêu chí nội dung này cần được xây dựng thống nhất và phải có sự tuân thủ chặt chẽ.Với các tiêu chí rõ ràng, mang tính định lượng cao, "chuẩn hình thức" được đề cập nhiều tại Hội thảo. Có thể kể đến như: quy định số lượng chữ tối thiểu/ tối đa của tên bài, nội dung bài, quy cách trình bày tài liệu trích dẫn, tài liệu tham khảo, viết tóm tắt,...
Về xuất bản điện tử, nhiều ý kiến chia sẻ những kết quả và thành công của việc xuất bản tại CSDL Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến tại địa chỉ www.vjol.info.vn. Thông qua CSDL này, nhiều tạp chí thuộc Viện Hàn lâm đã giới thiệu, quảng bá các bài báo khoa học, thu hút hàng ngàn lượt bạn đọc trên thế giới. Đây là kênh xuất bản trên Internet hữu hiệu giúp các tạp chí tiết kiệm được thời gian, chi phí, nguồn lực… và đưa được các thành tựu nghiên cứu ra thế giới một cách nhanh chóng.
PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Con người phát biểu thảo luận tại Hội thảo
|
|
Tổng kết Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Việc xây dựng các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm theo chuẩn quốc tế không chỉ là trăn trở của các cấp lãnh đạo mà còn là mong muốn chung của tất cả các cán bộ làm công tác tạp chí. Các tạp chí cần phải chung tay vào cuộc để tìm ra cho được cách thức thực hiện một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh phát huy những thế mạnh đạt được, các tạp chí cần tìm giải pháp tháo gỡ những điểm còn tồn tại để tìm hướng phát triển phù hợp. Trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng về cả nội dung và hình thức theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đặt ra; các chính sách của từng tạp chí cần phải được tuân thủ chặt chẽ; chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Hội đồng biên tập cần phải được nhìn nhận, đánh giá toàn diện và đầy đủ; các tạp chí đang phát triển tốt cần hướng đến xuất bản điện tử (xuất phát từ chính những nội dung đã xuất bản); nâng cao chất lượng các bài tạp chí (bản tiếng Việt và tiếng Anh) theo hướng chuẩn quốc tế. Quan trọng hơn cả là sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, phát triển tạp chí giữa viện trưởng, tổng biên tập cũng như trách nhiệm của toàn bộ tạp chí và những bộ phận có liên quan.
Phạm Vĩnh Hà