|
|
|
Toàn cảnh Hội thảo |
|
TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm phát biểu chúc mừng và khai mạc Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên đến từ các chi đoàn cơ sở trực thuộc Đoàn Viện Hàn lâm, cùng nhiều khách mời đến từ các ban chức năng, đoàn thể của Viện Hàn lâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm đã nhiệt liệt chào mừng Hội thảo và nhận định: Trong vài năm trở lại đây, vấn đề đào tạo và học tập môn Lịch sử trở thành mối quan tâm lớn của dư luận xã hội. Điều này được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự quay lưng của học sinh với môn Lịch sử, thể hiện ở con số báo động về việc ít học sinh đăng ký thi môn Lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học (thậm chí có những hội đồng thi chỉ có duy nhất 1 thí sinh đăng ký thi...)
Trong bối cảnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang có rất nhiều nhà nghiên cứu về Lịch sử hoặc được đào tạo về Lịch sử, trong đó có không ít nhà nghiên cứu trẻ. Họ không chỉ nghiên cứu, công bố các công trình nghiên cứu mà còn tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trong cả nước. Vậy, họ - những nhà nghiên cứu trẻ của Viện Hàn lâm nhìn nhận về vấn đề sử học nước nhà như thế nào?
|
|
|
ThS. Phan Đăng Thuận, Chi đoàn Viện Sử học trình bày tham luận "Sử học với học sử" tại Hội thảo |
|
Các bạn đoàn viên, thanh niên chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Xuất phát từ lý do như vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Hàn lâm cùng nhau trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan đến Sử học hiện nay. Hội thảo cũng là cơ hội để các cán bộ trẻ trình bày các kết quả đạt được trong nghiên cứu lịch sử; Giao lưu học thuật và nâng cao kỹ năng trình bày hội thảo nhằm giúp các bạn trẻ mạnh dạn hơn trong việc nêu ra các quan điểm cá nhân…
Có 6/29 tham luận được trình bày liên quan đến một số vấn đề như: Sử học với sự phát triển của tư duy từ góc nhìn của người nghiên cứu khoa học xã hội; Gia đình với việc giáo dục lịch sử cho thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay; Những đóng góp mới trong nhận thức lịch sử; Chính sách an ninh - phòng thủ vùng duyên hải của triều Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX (1802-1858); Vấn đề tranh chấp biển Đông...
Bàn về nguyên nhân học sinh hiện nay không thích môn Lịch sử, có nhiều ý kiến được đưa ra, song hầu hết đều cho rằng lý do tập trung vào ba nguyên nhân chính đó là: Những hạn chế còn tồn tại trong sách giáo khoa, thái độ coi nhẹ môn Lịch sử và chất lượng giáo viên. Mặc dù trong những năm qua, ngành giáo dục đã bắt đầu thay đổi nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa, song các nội dung vẫn trình bày theo kiểu biên niên sự kiện, nặng về kiến thức tổng hợp và các con số, nhiều câu trong sách Lịch sử lặp đi lặp lại nhiều lần theo một motip, làm cho bài học khô khan, khó nhớ, khiến cho học sinh không thích thú với bài học và dần dần, làm học sinh ngại học Lịch sử, chán học Lịch sử. Bên cạnh đó ở các trường phổ thông, môn Lịch sử còn bị coi là môn phụ, ít được quan tâm. Giáo viên dạy Lịch sử vẫn áp dụng rập khuôn, máy móc phương pháp dạy kiểu “thầy đọc - trò chép”, đến cuối kỳ học sinh học thuộc bài học trong sách để đi thi, còn bản chất của sự kiện, vấn đề lịch sử nào đó có tính điển hình của mỗi giai đoạn, hay việc nắm bắt các kiến thức lịch sử có tính hệ thống và logic… thì rất ít học sinh nắm vững.
Qua trao đổi, thảo luận, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, môn Lịch sử tại nhà trường cần coi trọng phương pháp giảng dạy tư duy hơn là truyền đạt các sự kiện; cần chú trọng truyền giảng yếu tố logic, cắt nghĩa, lý giải bản chất của sự kiện dưới ánh sáng khoa học hiện đại; cần thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống bằng cách kết nối các bài học lịch sử với hiện tại bằng nhiều kỹ năng mềm và thủ pháp công nghệ. Qua đó nhấn mạnh hơn nữa vào những bài học mà các sai lầm lịch sử mang lại. Giáo viên phải coi trọng phương pháp tranh luận, phản biện từ người học đối với các sự kiện lịch sử, sử dụng phương pháp chuyên gia, nhân chứng để truyền tải thông điệp lịch sử, để nâng cao năng lực thực hành các biện pháp giảng dạy lịch sử, thu hút sự quan tâm, chú ý của giới trẻ đối với môn học này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vấn đề giáo dục lịch sử cần được nhìn nhận dưới góc độ xã hội nhân văn hơn, không nên chỉ chú trọng vào tính “hàn lâm” của vấn đề, nghĩa là chỉ xem xét nó dưới góc độ và hiệu quả đạt được của ngành giáo dục mà cần xã hội hóa nó qua các kênh giáo dục khác như gia đình, câu lạc bộ, các khóa học tương tác… nhằm đem lại tình yêu và hiểu biết lịch sử theo cách tự nhiên, hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của mỗi người, mỗi nhóm cộng đồng.
Phạm Vĩnh Hà