Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe các diễn giả 2 nước trình bày các tham luận tập trung vào 2 vấn đề chính sau:
- Những tác động của bối cảnh mới và các yếu tố nội bộ về chính sách hướng Đông của Ấn Độ(*). Theo đó, Việt Nam là trụ cột quan trọng của chính sách hướng Đông trong bối cảnh Việt Nam- Ấn Độ nâng tầm quan hệ thành “Quan hệ đối tác chiến lược”. Vì vậy, tăng cường kết nối khu vực là một nội dung quan trọng trong điều chỉnh chính sách hướng Đông (tham luận của diễn giả: TS. Nguyễn Thị Ngọc, Viện Nghiên cứu Châu Âu, VASS; TS. Srinivasan Mani, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, Đại học Madras, Ấn Độ).
- Phạm vi ảnh hưởng và vai trò của chính sách hướng Đông đối với khu vực và thế giới. Cho đến nay, chính sách hướng Đông đã được triển khai trên hầu hết các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng, mở rộng từ khu vực Nam Á sang Đông Nam Á, Đông Á, Châu Á- Thái Bình Dương, Trung Quốc, Ấn Độ Dương, qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Ấn Độ đối với các tổ chức, diễn đàn kinh tế, chính trị, an ninh trong khu vực, thúc đẩy nền hòa bình, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới (tham luận của các diễn giả: Ông Krishnan Srinivasan, Cựu thư ký, Bộ Ngoại giao Ấn Độ; PGS.TS. Alka Acharya & TS. Jabin T.Jacob, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, New Delhi, Ấn Độ; TS. G. Jayachandra Reddy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateshwara, Tirupati, Ấn Độ; PGS.TS. Đỗ Đức Định, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; TS. Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; ThS. Huỳnh Thanh Loan,Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á).
|
Hội thảo nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Phát biểu kết luận, PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng lẫn nhau về địa chính trị trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và tầm quan trọng của chính sách hướng Đông của Ấn Độ. PGS.TS. Ngô Xuân Bình nhấn mạnh: Sự liên kết về giao thương (đường bộ, đường biển, hàng không) đóng vai trò chiến lược quan trọng trong việc kết nối Ấn Độ với các nước Đông Nam Á, Đông Á nhằm tăng cường giao lưu hàng hải, hàng không, thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực. Các tham luận của diễn giả hai nước trình bày về chính sách hướng Đông của Ấn Độ trong bối cảnh mới sẽ cung cấp thông tin nghiên cứu hữu ích, có giá trị cho giới khoa học và nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao Việt Nam- Ấn Độ ngày càng củng cố, mở rộng trong tương lai.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á và Bà Shrimati Preeti Saran, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đã ra mắt cuốn sách "Nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam năm 2013", được thực hiện trong năm 2014 với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. Cuốn sách là bộ sưu tập các nghiên cứu của các học giả Việt Nam trong năm 2013, tập trung vào 4 chủ đề chính: (1) Hội nhập nền kinh tế của Ấn Độ; (2) Chính trị và an ninh; (3) Văn hóa- xã hội: (4) Mối quan hệ giữa Ấn Độ- Việt Nam và các nước khác. Đây là một trong nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu về Ấn Độ tại Việt Nam./.
Nguyễn Thu Trang
Chú thích:
(*) Chính sách hướng Đông của Ấn Độ được chính phủ Ấn Độ thực hiện từ những năm 1990 của thế kỷ trước nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị của nước này đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong đó khu vực Đông Nam Á giữ vị trí cốt lõi.