GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm trình bày
báo cáo tại Hội thảo |
|
Hội thảo này nằm trong chuỗi hai hội thảo của Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” mã số KX.04.15/11-15 thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015” mã số KX.04/11-15 do GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm.
Tham dự Hội thảo tổ chức tại Hà Nội có các nhà khoa học đến từ Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; một số trường đại học, bộ, ngành ở Hà Nội và khu vực phía Bắc. GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, GS.TS. Phạm Xuân Nam và GS.TS. Hồ Sĩ Quý đồng chủ trì Hội thảo.
Ban tổ chức của hai hội thảo đã nhận được 54 báo cáo từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý làm việc tại các trường/ viện ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước. Mục tiêu của các hội thảo này là lấy ý kiến phản biện, góp ý của các học giả về những kết quả chính mà đề tài đã thu được. Từ 54 bài viết này, Ban nội dung đã tuyển chọn được 35 bài có giá trị. Hội thảo thứ nhất đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24-01-2015. Các bài viết này đã được in thành sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
Những người tham gia hội thảo đã nghe GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm thay mặt ban chủ nhiệm đề tài trình bày những cơ sở lý luận về giá trị, hệ giá trị, giá trị định hướng, những kinh nghiệm nghiên cứu và xây dựng hệ giá trị của các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Trên cơ sở đó, tác giả đã trình bày về hệ giá trị Việt Nam và thực trạng biến động của hệ giá trị này dưới tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Đề tài đã tiến hành một đợt khảo sát với gần 6.000 phiếu, trong đó không chỉ điều tra về các giá trị mà còn chú trọng tìm hiểu các phi giá trị, các thói hư tật xấu phổ biến của người Việt hiện nay và những phẩm chất cần bổ sung, thay thế. Từ đó, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất một hệ giá trị định hướng cốt lõi gồm 36 giá trị, trong đó chọn ra một tiểu hệ thống gồm 9 giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm cần tập trung xây dựng trong giai đoạn trước mắt, gồm những giá trị xã hội như Pháp trị, Dân chủ, Công bằng, và những giá trị cá nhân như Trung thực, Bản lĩnh, Trách nhiệm, Hợp tác, Khoa học, Chuyên nghiệp…
|
Ban tổ chức Hội thảo đã mời GS.TS. Phạm Xuân Nam và GS.TS. Dương Phú Hiệp (Viện Hàn lâm) nghiên cứu trước và trình bày những bình luận của mình về các kết quả này. Tiếp theo, Hội thảo đã nghe 11 ý kiến thảo luận của GS.TSKH. Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Lê Văn Toan (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), PGS.TS. Phạm Ngọc Trung (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), GS.TS. Đỗ Tiến Sâm (Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm), PGS.TS. Trần Quốc Toản (Hội đồng Lý luận Trung ương), TSKH. Lương Văn Kế (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS. Mai Ngọc Chừ (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Phạm Duy Đức (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), PGS.TS. Lê Thị Lan (Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm), TS. Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm), PGS.TSKH. Lương Đình Hải (Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm).
Ý kiến bình luận của cả hai nhà nghiên cứu hàng đầu cũng như ý kiến thảo luận của các học giả đều đánh giá cao tính khoa học chặt chẽ trong cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu hệ giá trị do Đề tài xây dựng, độ tin cậy của cơ sở dữ liệu mà Đề tài đã thu thập, và trên nền tảng đó là mô hình hệ giá trị mà Đề tài đề xuất. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý nhóm thực hiện mở rộng phạm vi tư liệu và các chiều kích nghiên cứu đối với các giá trị truyền thống, luận giải kỹ hơn nguồn gốc các thói hư tật xấu và gia tăng luận cứ khoa học cho các giá trị tinh hoa nhân loại cần bổ sung.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo không chỉ góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện các kết quả nghiên cứu của Đề tài mà, cùng với những kết quả nghiên cứu của Đề tài, còn góp phần gợi mở những đường hướng phục vụ cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng văn hóa con người của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI cũng như tham gia xây dựng những nội dung liên quan đến văn hóa và con người trong các văn kiện sắp tới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII./.
Nguyễn Vũ