Tọa đàm khoa học “Hướng tiếp cận thiết thực của EU với ASEAN: Lộ trình cho mối quan hệ đồng minh chiến lược?”

17:00 28/05/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 28/5/2015, tại hội trường 3C, số 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Dự án Tiếp cận và Ngoại giao Công chúng của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Hướng tiếp cận thiết thực của EU với ASEAN: Lộ trình cho mối quan hệ đồng minh chiến lược?”, với mục đích trao đổi, thảo luận góp phần thúc đẩy hợp tác để tăng cường kết nối giữa hai khu vực EU và ASEAN, nỗ lực hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược. Tham gia Tọa đàm có: PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; Bà Delphine Malard, Trưởng ban Ban Chính trị, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; TS. Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chính trị Đông Nam Á và những vấn đề chính trị - hội nhập khu vực, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp; cán bộ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Ba Lan, Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Pháp và Tổ chức KAS cùng các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm.
PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm <br> phát biểu tại Tọa đàm

Trong phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Văn Đức đã điểm lại một số dấu mốc quan trọng đối với ASEAN; nhấn mạnh đến việc Cộng đồng ASEAN (dựa trên 3 trụ cột Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng Chính trị an ninh và Cộng đồng văn hóa xã hội) sẽ trở thành hiện thực vào cuối năm 2015 cũng như vai trò quan trọng của Cộng đồng ASEAN trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu. Với đặc điểm là thị trường hơn 600 triệu người, cũng như vị trí chiến lược giữa 2 đại dương, là cửa ngõ thông thương giữa hai châu lục và thế giới, ASEAN có tầm quan trọng đặc biệt trong việc cân bằng quyền lực toàn cầu cũng như tăng cường hợp tác của các cường quốc trên thế giới trong đó có Liên minh Châu Âu (EU). Ngược lại, EU cũng là đối tác rất quan trọng của ASEAN. Thương mại hai chiều EU - ASEAN tăng trung bình 7% mỗi năm trong giai đoạn 1993-2013. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ASEAN và cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho ASEAN trong những năm gần đây.

Là một Tổ chức liên kết khu vực đạt tới trình độ phát triển rất cao, EU sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là trong những lĩnh vực mà ASEAN ưu tiên như thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực bộ máy điều hành. Với Việt Nam, Liên minh Châu Âu là một đối tác hết sức quan trọng, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU đang phát triển ngày càng năng động với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn bảy lần, từ mức 4,5 tỷ USD năm 2001 lên 33,7 tỷ USD năm 2013. Cùng với việc kí kết Hiệp ước hợp tác đối tác toàn diện PCA, hai bên cũng đang nỗ lực hoàn tất đàm phán và kí kết Hiệp định FTA Việt Nam - EU.

  Toàn cảnh Tọa đàm Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về việc EU có thể đóng góp hữu ích mà không áp đặt mô hình của mình đối với ASEAN bằng cách đưa các vấn đề mang tính chiến lược vào chương trình nghị sự khi làm việc với các bên liên quan. EU tập trung các đề xuất hỗ trợ vào một số lĩnh vực có thế mạnh và uy tín đã được khẳng định. Tạo ra sự khác biệt ở những lĩnh vực mình có thế mạnh như cải cách lĩnh vực an ninh, viện trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột. Để duy trì động lực, EU tăng cường cam kết, đối thoại đa dạng và có chiều sâu, đảm bảo rằng những biện pháp này tạo ra tác động thực chất trên thực tế. Một vai trò an ninh mềm của Châu Âu ở Châu Á là khả thi và cần thiết. EU tránh khuếch trương tiềm năng của mình ở một khu vực còn khá dè dặt với các tác động từ sức mạnh của Châu Âu.

Bên cạnh đó, vấn đề cơ chế hợp tác của hai khu vực này dựa trên ba yếu tố cốt lõi để tạo nên mối quan hệ song phương vững chắc gồm cuộc họp cấp bộ trưởng, là cơ sở để đưa ra các quyết định liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu liên khu vực cũng được trao đổi, thảo luận sôi nổi. Ủy ban hợp tác chung, thành phần là các quan chức của hai khu vực, có nhiệm vụ hỗ trợ các tổ chức ở cấp bộ, được họp ít nhất một lần mỗi năm. Các tiểu ban hoặc các nhóm được các Bộ hoặc Ủy ban hợp tác chung lập ra, gồm những người hoạt động thương mại và những người khác chịu trách nhiệm về các vấn đề cụ thể trong quan hệ hai bên.

Kết luận buổi Tọa đàm, các đại học nhất trí khẳng định, năm 2015 là năm kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và EU, đây cũng là năm được kỳ vọng sẽ có những bước tiến mới trong quan hệ giữa hai bên và mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa giữa Việt Nam và EU nói chung và giữa các cơ quan nghiên cứu, các học giả của Việt Nam với các cơ quan nghiên cứu, các học giả của EU nói riêng./.

 

Nguyễn Thu Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác