Tham dự hội thảo, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Các đại biểu đến từ các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương của Việt Nam gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các đại biểu đến từ tỉnh Lâm Đồng có: Ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Lâm Đồng; Ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng; và đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành tỉnh Lâm Đồng.
Các đại biểu đến từ các địa phương có: Ông Triệu Xuân Hòa, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Ông Y Dhăm Ê Nuôl, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk; Ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận; và đại diện lãnh đạo các Vụ, Sở, Ban, Ngành của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tỉnh Đăk Nông, Gia Lai.
Về phía Campuchia có 21 đại biểu: VS.TS. Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; VS. Sum Chhum Bun, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; VS. Tech Samnang, Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) và một số Bộ của Campuchia.
Về phía Lào có 16 đại biểu: GS.TS. Chaleune Yiapaoheu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; TS. Sila Mounthalavong, Phó Chủ tịch Viện; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào (LASS) và một số Bộ của Lào.
Chủ trì phiên khai mạc hội thảo có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; GS.TS. Chaleune Yiapaoheu, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; VS.TS. Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia.
|
|
|
|
Hội thảo đã nghe các bài phát biểu chào mừng của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Trong bài phát biểu chào mừng hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc chính thức hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Để các quốc gia trong khu vực có thể chủ động tham gia và hưởng lợi từ mô hình Cộng đồng Kinh tế ASEAN và để cụ thể hóa mô hình hợp tác kinh tế này, bên cạnh việc mỗi quốc gia đều phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm vượt qua những thách thức, tận dụng các cơ hội để hội nhập chủ động và đầy đủ vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cần phát triển có hiệu quả các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, đa phương giữa các quốc gia trong khu vực. Với đặc thù có yếu tố địa lý chung biên giới, có sự chia sẻ về giá trị lịch sử, có sự đan xen về lợi ích, có sự phụ thuộc lẫn nhau một cách mạnh mẽ do yếu tố địa lý và kinh tế chi phối, có chung mục tiêu hành động trong tương lai, ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào có những nền tảng quan trọng để phát triển mô hình hợp tác kinh tế xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam - Campuchia - Lào.
Thực tế quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam - Campuchia - Lào thời gian qua cho thấy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu ba nước đề ra. Đồng thời, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cụ thể cần giải quyết trên các phương diện: i) về thể chế, đã từng bước hình thành được một khung khổ thể chế đối với hoạt động đầu tư và hoạt động thương mại khu vực tam giác phát triển cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại khu vực tam giác phát triển giữa ba nước. Tuy nhiên, về cơ bản, hệ thống các văn bản mang tính pháp lý còn thiếu và chưa cụ thể, chủ yếu vẫn dựa trên các văn bản hợp tác song phương và đa phương giữa ba nước; ii) hình thức đầu tư trực tiếp đã bước đầu hình thành, nhưng chủ yếu là của các doanh nghiệp Việt Nam tại các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Lào và Campuchia tại khu vực Đông Dương hầu như không có hoặc không đáng kể; iii) hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa còn kém sôi động do kinh tế hàng hóa chưa phát triển ở các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, do cơ cấu kinh tế và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong khu vực tam giác phát triển lại khá tương đồng; iv) hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại gồm các khu kinh tế, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, hạ tầng dịch vụ hậu cần, hải quan đã được quan tâm đầu tư hơn nhưng về cơ bản chưa đáp ứng và chưa thực sự phù hợp, còn thiếu đồng bộ giữa ba nước, cần tính toán qui hoạch lại trên cơ sở nhu cầu và khả năng giao thương hàng hóa.
Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị ba nước cần tập trung nghiên cứu, đưa ra các đề xuất về nội dung hợp tác, về cải cách thể chế, về hoàn thiện cơ sở hạ tầng,… để tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư và thương mại xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam - Campuchia - Lào. Cần xây dựng khung khổ thể chế hiệu quả và cụ thể, tìm ra phương thức, cơ chế hợp tác và các giải pháp phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, của vùng tam giác phát triển, tăng cường các liên kết kinh tế nội vùng, liên vùng và xuyên quốc gia, hình thành các khu kinh tế cửa khẩu được hưởng cơ chế đặc biệt, để quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào thực sự đem lại lợi ích kinh tế cho mỗi quốc gia, đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết gắn bó giữa ba nước Đông Dương.
Sau phiên khai mạc, hội thảo chia ra 3 phiên thảo luận:
Phiên thứ 1: Ảnh hưởng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, gồm 3 tham luận: 1) Đánh giá thực trạng và thách thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới Lào - Việt Nam - Campuchia (TS. Sitthiroth Rasphone, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lào); 2) Hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hợp tác kinh tế Việt Nam - Campuchia - Lào (TS. Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, VASS); 3) Quan hệ láng giềng tốt và phát triển: Một số vấn đề và thách thức (TS. Sok Touch, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, RAC).
Phiên thứ 2: Đánh giá thực trạng và các vấn đề đặt ra của hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam, Campuchia, Lào, do TS. Sila Mounthalavong, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào chủ trì, gồm 3 tham luận: 1) Hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa Campuchia, Việt Nam và Lào: Thực tiễn và các vấn đề đặt ra (TS. Prom Tevy, Trưởng ban Ban Xuất bản, RAC); 2) Thực trạng phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia trong những năm đầu thế kỷ 21 (TS. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, Việt Nam); 3) Tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến hợp tác kinh tế xuyên biên giới Campuchia - Lào - Việt Nam (Ông Leksay Keoyasan, Bộ Công nghiệp và Thương mại, Lào).
Phiên thứ 3: Triển vọng hợp tác Việt Nam - Campuchia - Lào trong thúc đẩy quan hệ kinh tế xuyên biên giới, do VS. Sum Chhum Bun, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia chủ trì, gồm 3 tham luận: 1) Triển vọng hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia sau hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (TS. Onechanh Chanthongsy, Phó Chánh văn phòng, LASS); 2) Những vấn đề đặt ra trong hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào (PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, VASS); 3) Triển vọng quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa Việt Nam - Campuchia - Lào (TS. Chheng Vannarith và TS. Som Somuny, Viện Khoa học xã hội và nhân văn, RAC).
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi trên tinh thần thẳng thắn, khoa học.
Phát biểu tại phiên bế mạc hội thảo, VS.TS. Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đánh giá cao nỗ lực của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng trong tổ chức hội thảo thành công, đánh giá cao chất lượng khoa học của các bài tham luận và các ý kiến thảo luận tại hội thảo. Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia bày tỏ tin tưởng kết quả của hội thảo lần này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác xuyên biên giới ba nước Campuchia – Việt Nam – Lào, bày tỏ sự đồng tình và tin tưởng về tầm quan trọng của chủ đề hội thảo thường niên lần thứ năm do Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào tổ chức, đồng thời cam kết đoàn đại biểu của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia sẽ tham gia với trách nhiệm cao để đóng góp vào thành công của các hội thảo tiếp theo cũng như góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác giữa ba viện khoa học xã hội của ba nước Đông Dương.
Trong bài phát biểu bế mạc, GS.TS. Chaleune Yiapaoheu, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào nhấn mạnh: thành công của hội thảo lần này là đã cung cấp được cơ sở dữ liệu, luận cứ khoa học cho Chính phủ mỗi nước để đề ra cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh tế xuyên biên giới ba nước ngày càng phù hợp, hiệu quả hơn trong bối cảnh hội nhập của khu vực. Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào bày tỏ ấn tượng về tính chuyên nghiệp trong tổ chức hội thảo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, về những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đặc thù của tỉnh Lâm Đồng, đó là những kinh nghiệm quý báu đoàn đại biểu Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào thu lượm được bên cạnh những kết quả thảo luận tại hội thảo. Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào đã nhận đăng cai tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ năm vào năm 2016 tại Lào về chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội ba nước Lào – Việt Nam – Campuchia đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững”.
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ: hội thảo đã thu nhận được các bài tham luận có chất lượng khoa học, các ý kiến phát biểu thảo luận tại hội thảo thẳng thắn, sôi nổi, có chất lượng. Mặc dù chủ đề của hội thảo không mới nhưng điểm mới của hội thảo là nhấn mạnh đến bối cảnh hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, các thay đổi qua thực tế gần đây, và tác động đến quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam – Campuchia – Lào cũng như phát triển của vùng tam giác phát triển, thẳng thắn nhận diện đặc điểm cơ bản của quan hệ hợp tác kinh tế ba nước là quan hệ yếu - yếu, chúng ta thuộc nhóm các quốc gia kém phát triển trong ASEAN, đều đang chịu áp lực phát triển mạnh. Đặc điểm này qui định năng lực tiếp nhận cơ hội và rủi ro qua thách thức cho ba nước trong phát triển hợp tác kinh tế xuyên biên giới ba nước.
Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra một số thành tựu chính cũng như một số hạn chế cơ bản trong quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới ba nước thời gian qua, từ đó đề nghị ba nước phải đặt ưu tiên cao cho lợi ích chung của Tiểu vùng sông Mê Kông trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng lợi ích của nhau, phải giải quyết hài hòa nhiều mối quan hệ hết sức phức tạp, đặc biệt là quan hệ giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, phải giải quyết vấn đề thiếu đồng bộ và thống nhất về thể chế, về hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong thời gian trước mắt, ba nước cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ quan trọng như: i) chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chính xác, thống nhất và đồng bộ để có thể so sánh giữa các quốc gia; ii) tập trung nghiên cứu sâu hơn để xác định cấu trúc phát triển, hành lang phát triển, các tuyến phát triển trong quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, đặt trong không gian và liên kết với các tuyến hành lang kinh tế trong khu vực; iii) tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về cụ thể hóa nội dung hợp tác kinh tế xuyên biên giới; về cải cách thể chế theo hướng thống nhất, đồng bộ, đặt trong khuôn khổ cam kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương; và cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư, thương mại, về thủ tục hải quan,… giữa 3 quốc gia để tăng cường sự tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào bởi doanh nghiệp là chủ thể chính thúc đẩy hợp tác kinh tế và hội nhập cả về số lượng và chất lượng; về hoàn thiện hạ tầng giao thông và hạ tầng thương mại đồng bộ và liên thông, đặc biệt là vùng tam giác phát triển và khu vực biên giới chung 3 quốc gia,… để tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư và thương mại xuyên biên giới vùng tam giác phát triển.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, khắc phục các hạn chế đã chỉ ra ở trên, để ba quốc gia Lào, Campuchia và Việt Nam không tiếp tục bị coi là vùng trũng về phát triển của khu vực Đông Nam Á, không bị coi là nhóm yếu thế khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong giai đoạn tới, chúng ta cần ưu tiên nghiên cứu, đề xuất được các giải pháp đột phá, tập trung vào xây dựng được các kết nối về: i) cơ sở hạ tầng, đặc biệt về hạ tầng giao thông và thương mại; ii) doanh nghiệp; iii) nguồn nhân lực; iv) thể chế, cơ chế chính sách, trong khuôn khổ các cam kết và chuẩn mực của cộng đồng quốc tế.
Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, các giải pháp đề xuất tại hội thảo còn khiêm tốn. Để nâng cao tính khả thi và hiệu quả của quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội giữa ba viện, ba viện cần tích cực tìm kiếm nguồn tài chính trong nước và quốc tế, cần tính đến phương án thành lập nhóm nghiên cứu chung, cùng tiến hành khảo sát, nghiên cứu về các vấn đề chung của ba nước để đề xuất các giải pháp về thể chế, cơ chế, chính sách đồng bộ, có tính khả thi./
TS. Vũ Hùng Cường