Hội thảo quốc tế: “Thúc đẩy phát triển nông thôn tại Tiểu vùng Mêkông dựa trên nông nghiệp công nghệ cao và du lịch bền vững”

17:00 29/07/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 28/7/2015, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Môi trường Hàn Quốc, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia và tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo quốc tế “Thúc đẩy phát triển nông thôn tại Tiểu vùng Mêkông dựa trên nông nghiệp công nghệ cao và du lịch bền vững”. Đây là lần thứ tư Viện Môi trường Hàn Quốc cùng với ba Viện Hàn lâm của Việt Nam, Lào và Campuchia tổ chức hội thảo với chủ đề liên quan đến lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tham dự hội thảo, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; cùng các nhà khoa học đến từ các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu của tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên như: Kỷ lục gia, Tiến sỹ Phạm S, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng, Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Ông Y Dhăm Ê Nuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk; Ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; và đại diện các Vụ, Sở, Ban, Ngành của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đăk Nông, Gia Lai...Ngoài ra, tham dự Hội thảo còn có đại diện của một số Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương của Việt Nam như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Về phía khách quốc tế, Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu Campuchia, gồm: Viện sỹ. TS. Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC); Viện sỹ Sum Chhum Bun, Phó Chủ tịch RAC; Viện sỹ Tech Samnang, Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia; các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu thuộc RAC và một số bộ của Campuchia. Các đại biểu Lào tham dự Hội thảo có TS. Sila Mounthalavong, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Lào (LASS), các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu thuộc LASS và một số bộ của Lào. Đoàn đại biểu Hàn Quốc tham dự hội thảo có TS. Kwang Kook Park, Chủ tịch Viện môi trường Hàn Quốc (KEI) cùng các chuyên gia nghiên cứu của KEI và các giáo sư của nhiều trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc.  

Hội thảo đã nghe 13 tham luận cùng với nhiều ý kiến trao đổi trong 3 phiên họp với chủ đề: 1) Thúc đẩy phát triển nông thôn dựa trên nông nghiệp công nghệ cao và du lịch bền vững tại Tiểu vùng Mêkông: Khung khổ khái niệm; 2) Đánh giá chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển nông thôn dựa trên nông nghiệp công nghệ cao và du lịch bền vững tại Tiểu vùng Mêkông; và 3) Triển vọng hợp tác quốc tế tại Tiểu vùng Mêkông nhằm thúc đẩy phát triển nông thôn dựa trên nông nghiệp công nghệ cao và du lịch bền vững.  

Các bài tham luận và ý kiến trong hội thảo đã tập trung làm rõ những quan niệm, cách tiếp cận đối với nông nghiệp thông minh và du lịch bền vững, coi đây là những trụ cột quan trọng của phát triển nông thôn; chính sách và thực tiễn triển khai chính sách cũng như các kết quả bước đầu đạt được trong lĩnh vực này ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hội thảo đã cho thấy việc gắn kết du lịch với nông nghiệp giúp tạo ra những mô hình phát triển sáng tạo và bền vững, đem lại giá trị gia tăng lớn hơn cho các sản phẩm của hai lĩnh vực này. Ở Việt Nam, Lào và Campuchia đã có những mô hình kết hợp du lịch bền vững với nông nghiệp thông minh với nền tảng là công nghệ cao khá thành công tuy số lượng này vẫn chưa nhiều. Một số ý kiến trong hội thảo cũng cho rằng, cần làm rõ hơn cách hiểu trên thực tế, thực tiễn sản xuất và lợi ích của cộng đồng địa phương gắn với những lĩnh vực còn khá mới mẻ này.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn là vấn đề hết sức hệ trọng của Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong những năm qua, phát triển nông nghiệp và nông thôn đã được chính phủ Việt Nam, Lào và Campuchia quan tâm sâu sắc, thể hiện trong nhiều chiến lược và chính sách phát triển. Với việc chuyển đổi sang cơ chế thị trường và bước đầu áp dụng công nghệ hiện đại, mô hình sản xuất tiên tiến, sản xuất nông nghiệp của ba nước đã từng bước khai thác được lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; một số sản phẩm nông nghiệp đã có vị thế cao trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung nền nông nghiệp của Việt Nam, Lào và Campuchia vẫn là nền nông nghiệp của các nước đi sau và kém phát triển. Phương thức và tổ chức sản xuất nông nghiệp lạc hậu, chủ yếu dựa vào hộ gia đình; mức độ gắn kết của khu vực nông nghiệp với các ngành công nghiệp và dịch vụ thấp. Chất lượng của đa số sản phẩm nông nghiệp chưa cao, chưa thâm nhập được vào các thị trường “khó tính” của các nước phát triển. Sức ép cạnh tranh của tiến trình hội nhập quốc tế sâu, rộng và thách thức của biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận mới, tạo ra sự thay đổi trong sự phát triển của khu vực nông nghiệp và nông thôn ba nước.  

Toàn cảnh Hội thảo       Toàn cảnh Hội thảo

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, “nông nghiệp thông minh” đã mở ra một hướng phát triển mới, rút ngắn cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong thời gian tới cần làm rõ hơn những cách tiếp cận cụ thể đối với khái niệm này, nhất là khi cách hiểu ở những nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế phát triển còn khác nhau. Ngoài ra, phát triển nông nghiệp thông minh cũng cần một lộ trình cụ thể và các nguồn lực phù hợp. Việc gắn kết dịch vụ du lịch với sản xuất nông nghiệp là một hướng tiếp cận đúng đắn, vừa giúp gia tăng giá trị tổng thể của nông nghiệp, vừa tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, thu hút du khách.

Từ các ý kiến của Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nêu ra sự cần thiết phải đổi mới mô hình và phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống theo hướng hiện đại, từng bước chuyển sang nền nông nghiệp “thông minh”. Thứ nhất, cần thay đổi cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ chỗ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, từ đó chuyển hướng sang phát triển một nền nông nghiệp thông minh với các đặc tính như xanh, có năng suất cao, dựa vào công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần chú trọng vai trò của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ xanh và công nghệ sạch, trong việc nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Thứ hai, cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình sang mô hình sản xuất nông nghiệp dựa vào trang trại và doanh nghiệp. Khu vực nông nghiệp của Việt Nam, Lào và Campuchia cần hình thành các doanh nghiệp lớn để tham gia được vào được chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là thâm nhập được vào thị trường của các nền kinh tế phát triển, giải quyết vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và tư vấn với người nông dân để giúp nông dân tháo gỡ, xử lý những khó khăn mà tự người nông dân khó làm được. Thứ ba, cần quan tâm phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Ở cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, các ngành dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp còn chậm phát triển. Điều này khiến cho giá trị gia tăng và chất lượng của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp; nhiều đầu vào của sản xuất nông nghiệp phải nhập khẩu từ bên ngoài; một số sản phẩm xuất khẩu còn phải sử dụng thương hiệu của nước ngoài. Các ngành dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp có thể giúp khẳng định thương hiệu, làm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của ba nước trên thị trường quốc tế.                

Các nhà lãnh đạo ba viện Hàn lâm và Chủ tịch KEI đã trao đổi và thống nhất hội thảo bốn bên lần thứ năm sẽ diễn tại thủ đô Viên Chăn của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với chủ đề liên quan đến việc triển khai và thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia./.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

In trang Chia sẻ

Tin khác