Bộ luật Hình sự (BLHS) được Quốc hội thông qua năm 1999 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật hình sự Việt Nam, thành tựu của pháp luật hình sự năm 1995, đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997. Sau 14 năm thi hành, BLHS đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của đất nước và sự phức tạp của tình hình tội phạm đã cho thấy nhiều bất cập của BLHS hiện hành và sự sửa đổi BLHS đã trở nên rất cần thiết.
Dự thảo BLHS sửa đổi bao gồm 443 điều, tăng 99 điều so với BLHS cũ, trong đó có 68 điều được bổ sung mới. Dự thảo BLHS sửa đổi lần này được đánh giá đã đưa ra 6 điểm mới, đó là những nội dung sửa đổi bổ sung BLHS, góp phần bảo vệ và thực hiện, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa, tính hướng thiện cho việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và đảm bảo thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận; thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở trách nhiệm hình sự đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong đấu tranh phòng chống tội phạm; nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm; tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng đồng thời thể hiện chính sách xử lý đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội…
|
|
Tọa đàm được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào các vấn đề chính sau:
Trong phiên 1: Các đại biểu được nghe báo cáo về 06 định hướng cơ bản cho việc sửa đổi BLHS 1999 và những vấn đề lý luận và thực tiễn về nguồn của luật hình sự; trách nhiệm hình sự pháp nhân dưới góc độ nghiên cứu so sánh, đó là: (1) Lịch sử phát triển chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; (2) Cơ sở pháp lý xác lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Từ đó, đưa ra góp ý vào Dự thảo BLHS, cụ thể là rà soát lại các loại tội phạm của pháp nhân theo Điều 76 của Dự thảo về 32 tội danh; Giảm hình phạt tử hình trong BLHS (các diễn giả: TS. Nguyễn Thị Thoa, Bộ Tư pháp, Ban biên tập; PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội; GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày).
Phiên 2: Các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật (ThS. Đinh Thế Hưng, ThS. Lê Hồng Xuân, ThS. Nguyễn Ngọc Mai) cùng nhau thảo luận và đưa ra những ý kiến góp ý đối với các tội: Xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, kinh doanh trái phép, tội đầu cơ, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng); Xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình (vi phạm chế độ 1 vợ, 1 chồng, tảo hôn, việc hình sự hóa hành vi cưỡng ép ly hôn và cản trở ly hôn); Các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội.
Tọa đàm nhận được nhiều trao đổi thảo luận của các đại biểu tham dự. Các ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, báo cáo viên sẽ giúp Viện Nhà nước và Pháp luật hoàn thiện báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với Dự thảo BLHS cũng như gợi mở nhiều thông tin hữu ích cho các cơ quan soạn thảo BLHS trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung BLHS ở những giai đoạn tiếp theo.
Nguyễn Thu Trang