Hội thảo khoa học quốc tế: “Ngôn ngữ học Việt Nam 30 năm đổi mới và phát triển”

17:00 23/08/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 23-8-2015, Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam 30 năm đổi mới và phát triển” đã chính thức khai mạc tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Hà Nội. Đây là hội thảo ngôn ngữ học quốc tế lần thứ hai, tiếp nối hội thảo lần thứ nhất, tổ chức cách đây 2 năm (2013), đã được Viện Ngôn ngữ học khẩn trương chuẩn bị (vì thời gian phát động Hội thảo không dài, từ tháng 4-2015).
Toàn cảnh Hội thảo

Đến dự, có GS TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện các cơ quan Trung ương, các ban chức năng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các nhà khoa học ở các tổ chức, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước: Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Nội vụ Hà Nội,... Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư, Viện Thông tin KHXH, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam…

Hội thảo cũng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều nhà khoa học trên thế giới, đến từ các nước: Mĩ, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia... Trong tổng số 277 báo cáo, đã có 39 báo cáo của các học giả nước ngoài gửi đến.

 Sau bài phát biểu khai mạc của GS TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - Trưởng ban Tổ chức Hội thảo, GS TS Nguyễn Xuân Thắng, thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo. Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm khẳng định: “Trong 30 năm qua, thực hiện chủ trương đổi mới để phát triển, chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Việt Nam đã có những bước phát triển hết sức ấn tượng… Trong bối cảnh chung đó, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã nhanh chóng có được sự hòa nhập với các trào lưu, các lí thuyết hiện đại của thế giới và đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận, cả lí thuyết lẫn thực tiễn”. “Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học “Việt Nam 30 năm đổi mới và phát triển” là sự kiện quan trọng không chỉ đối với các nhà khoa học của Viện Ngôn ngữ học mà còn của các nhà ngôn ngữ học trong nước và quốc tế”. Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh “một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngôn ngữ học Việt Nam là phải giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời phải tạo điều kiện cho tiếng Việt phát triển, và đặc biệt phải quan tâm một cách thích đáng đến sự đa dạng của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và quyền của người dân tộc thiểu số được sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình, như đã được hiến định trong Hiến pháp”. Chủ tịch Nguyễn Xuân Thắng “hi vọng và tin tưởng rằng, với mong muốn góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước và con người Việt Nam, với tinh thần trao đổi học thuật đầy tính xây dựng, thực sự khoa học và với sự hợp tác thân ái, cởi mở giữa các nhà ngôn ngữ học quốc tế và trong nước, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới và đạt được những nhận thức mới trong lĩnh vực khoa học chuyên ngành… Đây thực sự là dịp để chúng ta thảo luận những vấn đề cơ bản và thời sự của Ngôn ngữ học Việt Nam trong 30 năm qua, cũng như xác định những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cho chặng đường sắp tới”.

      Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo

Tiếp đó, tại phiên toàn thể, Hội thảo đã nghe 3 báo cáo chính:

  1. GS TS J. Martin (Trường Đại học Sydney, Australia): Ngôn ngữ học Chức năng hệ thống: Ngôn ngữ như một kí hiệu xã hội.
  2. PGS TS Bùi Mạnh Hùng (Trường Đại học Sư phạm TP HCM): Ngôn ngữ học Chức năng hệ thống: Ứng dụng xây dựng chương trình Ngữ văn (kinh nghiệm của Australia và những gợi ý cho Việt Nam)
  3. GS TS G. Diffloth (Siem Reap, Cambodia): Tổng quan về lịch sử ngữ hệ Nam Á.

Sau đó, trong thời gian còn lại buổi sáng và toàn bộ buổi chiều, Hội thảo đã chia thành 5 tiểu ban:

Tiểu ban 1: Những vấn đề cơ bản và thời sự về ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp (đã có 10/69 báo cáo được trình bày);

Tiểu ban 2: Những vấn đề cơ bản và thời sự về Phương ngữ học, Lịch sử tiếng Việt, Mối quan hệ giữa Ngôn ngữ và Văn hóa (16/55 báo cáo được trình bày);

Tiểu ban 3: Những vấn đề cơ bản và thời sự về Ngôn ngữ các Dân tộc thiểu số ở Việt Nam (9/39 báo cáo được trình bày);

Tiểu ban 4: Những vấn đề cơ bản và thời sự về Ngôn ngữ học xã hội (13/58 báo cáo được trình bày);

Tiểu ban 5: Những vấn đề cơ bản và thời sự về Ngôn ngữ học ứng dụng (15/53 báo cáo được trình bày).

Hội thảo đã thu hút được rất đông các cử tọa tham dự (gồm đại biểu, báo cáo viên và các nhà khoa học quan tâm) và đã diễn ra trong một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi (bắt đầu từ 8h sáng đến 18h chiều). Có thể nói, đây là Hội thảo quốc tế lớn nhất của ngành Ngôn ngữ học tổ chức từ trước đến nay. Ban Tổ chức dự định sẽ tập hợp, biên tập và xuất bản tập Kỉ yếu trong thời gian sớm nhất.

PGS.TS. Phạm Văn Tình

In trang Chia sẻ

Tin khác