GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ toạ Hội thảo. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Chủ tịch nhấn mạnh: “Việc tổ chức Hội thảo lần này tại Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đối với lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm của Việt Nam nói riêng, cũng như đối với ngành nghiên cứu văn tự ở khu vực Đông Á nói chung. Hội thảo này là chính tiếng nói từ góc độ văn tự học của các chuyên gia hàng đầu ở Đông Á trong việc nghiên cứu giá trị của các loại hình văn tự đã và đang được sử dụng ở khu vực này. Đây còn là một cơ hội tốt nhằm trao đổi chuyên sâu về các vấn đề văn tự cổ trong khu vực, từ đó tạo thành mạng lưới làm việc (network) gắn kết các nhà văn tự học”.
Ngoài phiên khai mạc và phiên toàn thể, Hội thảo được chia thành 11 phiên thảo luận để các nhà khoa học trình bày 45 tham luận liên quan tới các nhóm chủ đề: Giáo dục văn tự, Văn tự khai quật, Văn tự với xã hội, Văn tự với ngôn ngữ, Văn tự với hiện tại, Văn tự với văn khắc, Cấu trúc và phiên dịch văn tự, Tự thư (tức tự điển, từ điển, bách khoa thư…), Giao lưu văn tự (2 phiên), Giải đọc văn tự. Các tham luận đề cập đến nhiều vấn đề thú vị, từ quá khứ đến hiện tại, từ tài liệu thư tịch đến tư liệu hiện vật (văn bia, giáp cốt, đồ kim khí…), với nhiều lý giải mang tính liên ngành, làm nổi bật vai trò của văn tự trong văn hóa Đông Á. Hội thảo tập trung thảo luận các giá trị văn hóa và lịch sử của các loại văn tự ở Đông Á, xem xét mối quan hệ của văn tự với văn hiến Đông Á, văn tự với truyền thống và đương đại Đông Á, đặc biệt là vai trò của văn tự đối với việc truyền tải các thông điệp văn hóa thông qua các văn bản cổ.
Bên lề của Hội thảo là các hoạt động khảo sát văn hóa và giao lưu trình diễn thư pháp.
Xem chi tiết Chương trình hội thảo ở link sau:
http://hannom.org.vn/images_upload/pdf_2437.pdf
Bài: TS. Nguyễn Tuấn Cường
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
Ảnh: Dương Văn Hoàn, Nguyễn Quang Thắng