Hội nghị tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức hội nhập quốc tế

17:00 10/12/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế được ban hành tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ; căn cứ Công văn số 3817/BNV-ĐT ngày 20/8/2015 của Bộ Nội vụ về việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm tại Tờ trình ngày 16/11/2015 của Ban Tổ chức - Cán bộ, sáng ngày 11/12/2015, tại Hội trường tầng 2 số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức hội nhập quốc tế.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, <br>Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội nghị

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm. Tham dự lớp tập huấn gồm có các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; tổng biên tập và phó tổng biên tập các tạp chí của Viện Hàn lâm; Ban Hợp tác Quốc tế Viện Hàn lâm, cùng các viên chức là trưởng phòng, phó trưởng phòng phụ trách công tác hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nêu rõ, tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức hội nhập quốc tế là nhiệm vụ chung được Chính phủ chỉ đạo triển khai đến tất cả các bộ, ngành và tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là chủ đề được quan tâm nghiên cứu tại Viện Hàn lâm cũng như có nhiều nhà khoa học trực tiếp tham gia tư vấn chính sách nói chung và về hội nhập quốc tế cho Đảng và Chính phủ. Do đó, hội nghị tập huấn này bổ sung thêm một số vấn đề nổi bật và mang tính hệ thống trong hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Có hai báo cáo được trình bày tại Hội nghị, đó là: “Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay” và “Cộng đồng kinh tế ASEAN, những vấn đề đặt ra cho Việt Nam và các nền kinh tế thành viên kém phát triển hơn”.

Trong báo cáo “Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay”, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã đề cập tới 4 nội dung chủ yếu: Bối cảnh quốc tế và khu vực cho tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam; các chủ trương lớn của Đảng về hội nhập quốc tế; một số kết quả đạt được về hội nhập kinh tế quốc tế; một số giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hội nhập mới. Theo đó, các chủ trương lớn của Đảng về hội nhập quốc tế được đề ra tại các Đại hội Đảng toàn quốc:

       

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu <br>Châu Phi và Trung Đông trình bày báo cáo tại Hội nghị

Đại hội lần thứ IX (2001) đã đề ra chủ trương“Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”. Đại hội X (2006) tiếp tục tư tưởng: “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước từ nay đến 2010 và tầm nhìn đến 2020“. Đại hội XI (2011), Đảng tiếp tục xác định: “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”,“chủ động và tích cực hội nhập quốc tế“. Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng chủ trương: thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Với 4 quan điểm: 1) Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; 2) Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; 3) Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; 4) Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Và, 3 mục tiêu đối ngoại và hội nhập quốc tế là: 1) Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. 2) Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và àn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. 3) Nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

     

Toàn cảnh Hội nghị

Trong báo cáo “Cộng đồng kinh tế ASEAN, những vấn đề đặt ra cho Việt Nam và các nền kinh tế thành viên kém phát triển hơn”, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đã nêu lên đặc trưng của AEC; đánh giá các trụ cột của AEC: thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, khu vực kinh tế cạnh tranh, khu vực phát triển kinh tế đồng đều, và khu vực hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu; và một số vấn đề liên quan đến Việt Nam.

Hội nghị đã nhận được một số ý kiến trao đổi, thảo luận xung quanh các nội dung mà các diễn giả báo cáo./.

Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác