Tham dự Tọa đàm về phía LASS có: GS.TS. Soukkongseng Saignaleuth, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch LASS; TS. Amphayvanh Khamseng Sivilay, Phó Chủ tịch LASS; cùng các cán bộ cấp cao của LASS; và ông Phengphanh Leuangmani, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Hà Nội. Về phía VASS có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch VASS; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch VASS; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch VASS; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS; cùng cùng toàn thể đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, Văn phòng Viện Hàn lâm, Văn phòng Đảng - Đoàn thể VASS, đại diện lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu thuộc các cơ quan khối nghiên cứu quốc tế, khối khoa học xã hội và nhân văn của VASS. Về phía khách mời, có sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng Đoàn lãnh đạo cấp cao của LASS do GS.TS. Soukkongseng Saignaleuth, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch LASS dẫn đầu, khẳng định những kết quả hợp tác trên nhiều phương diện giữa hai Viện về nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Tọa đàm khoa học quan trọng này cũng là một trong nhiều hình thức nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai bên.
Tại Tọa đàm, GS.TS. Soukkongseng Saignaleuth đã trình bày chuyên đề về tư tưởng, lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn – Người sáng lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân Lào và cũng là Người đưa ra tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân Lào tiến lên chủ nghĩa xã hội, tập trung vào 4 nội dung chủ yếu:
1) Lý do Lào phải tiến hành đổi mới: Sau khi đất nước Lào được giải phóng (1975), Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã tiến hành sự nghiệp lãnh đạo toàn dân khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và bảo vệ chế độ mới (giai đoạn 1975-1985). Ở giai đoạn này, nền kinh tế yếu kém, sản xuất không phát triển; đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân gặp rất nhiều khó khăn; mất an ninh trật tự, quản lý nhà nước còn yếu kém, năng lực còn hạn chế, trong khi đó kẻ thù bên ngoài kết hợp với kẻ thù trong nước luôn tìm cách gây rối, phá hoại chế độ mới. Chính trong thời điểm này, Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã lựa chọn con đường đổi mới, lãnh đạo toàn dân thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đưa đất nước Lào thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế. Khởi xướng đổi mới bắt đầu từ Đại hội lần thứ III đến Đại hội lần thứ IV sự nghiệp đổi mới đã được tiến hành trên toàn đất nước Lào.
2) Đổi mới nguồn nhân lực: muốn phát triển đất nước phải có nguồn lực chất lượng cao, muốn vậy phải tập trung vào lĩnh vực giáo dục và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Bởi vậy, Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn chỉ đạo phải đưa giáo dục đi trước một bước, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu cùng với đó là phát triển văn hóa – xã hội và khoa học kỹ thuật. Giáo dục là chìa khóa mở đường cho các ngành khác, giúp cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được nhanh và vững chắc. Trong giáo dục cần chú trọng ai là người học, học cái gì và học để làm gì.
Toàn cảnh Tọa đàm
3) Đổi mới kinh tế - xã hội: phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề quan trọng quyết định sự tồn vong của đất nước, do vậy việc phát triển kinh tế - xã hội phải có tư duy mới; tổ chức, định hướng phát triển kinh tế và đặc biệt phải quan tâm thúc đẩy và khuyến khích sản xuất hàng hóa, lưu thông hàng hóa, nếu khuyến khích thương mại tốt thì giúp phát triển sản xuất, đời sống nhân dân ngày một tốt hơn, nâng cao đời sống nhân dân cũng là góp phần xây dựng sự tiến bộ xã hội. Muốn phát triển tốt xã hội thì sự quản lý vi mô về kinh tế - xã hội nhất thiết phải có sự đổi mới, trong đó Nhà nước có vai trò quan trọng để đề ra và sử dụng các chính sách kinh tế, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, khuyến khích sự phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế gia đình, đồng thời hạn chế sự độc quyền trong thương mại. Với phương hướng phát triển kinh tế của đất nước, Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn đã dựa trên cơ sở lý luận vững chắc và thực tiễn để tổ chức hệ thống thương mại và dịch vụ, nhấn mạnh doanh nhân phải làm chủ trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh. Từng bước xóa dần sự chênh lệch giàu - nghèo, thành thị - nông thôn, coi trọng hoạt động phúc lợi xã hội. Công cuộc Đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện do vậy đã giúp Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hoàn thành 2 nhiệm vụ chiến lược của mình.
|
4) Hợp tác toàn diện và tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam: mối quan hệ này ngày càng được thắt chặt hơn kể từ năm 1930, Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn và Hoàng thân Xuphanuvông tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt này. Đây là mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở tình yêu nước nồng nàn của nhân dân hai nước anh em, là sự giúp đỡ gắn bó keo sơn giữa hai đảng, hai nhà nước suốt chiều dài lịch sử, là nền tảng quan trọng để Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn và các thế hệ lãnh đạo của hai nước tiếp tục vun đắp, giữ gìn. Và hai nước tiếp tục tăng cường và đưa sự hợp tác toàn diện, tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam lên tầm cao mới, quan tâm giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ tương lai hiểu và thấm nhuần truyền thống hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc.
GS.TS. Soukkongseng Saignaleuth nhấn mạnh, hai nước luôn kề vai sát cánh để cùng nhau phát triển theo khả năng của mình, do vậy trách nhiệm của LASS và VASS là tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc ngày càng đơm hoa kết trái. GS.TS. Soukkongseng Saignaleuth nguyện cùng GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn làm hết sức mình để tăng cường sự hợp tác giữa hai cơ quan để sự hợp tác trong thời gian tới đạt kết quả và chất lượng ngày càng cao, góp phần bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ hai cơ quan nói riêng và thế hệ trẻ hai nước nói chung biết về mối quan hệ đặc biệt của hai nước.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS nhấn mạnh, trong không khí hữu nghị và thắm tình đoàn kết của hai cơ quan, bài thuyết trình của GS Chủ tịch LASS đã cho thấy nhiều vấn đề mới cần tiếp tục nghiên cứu về tư tưởng, lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn. Do hạn chế về thời gian nhưng các ký kiến tại Tọa đàm đã làm rõ được những yếu tố cơ bản về mặt tư tưởng, lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn, nhất là tầm nhìn xa của Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn về vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Phó Chủ tịch VASS mong rằng trong hội thảo 3 bên vào tháng 10/2017, vấn đề phát triển nguồn nhân lực sẽ được hai Viện và các nhà khoa học hai bên phân tích sâu hơn, cụ thể hóa hơn nữa trong bối cảnh phát triển chung của hai nước và đặc biệt là của mảng khoa học xã hội.
Quan hệ hữu nghị giữa hai nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn đã xây dựng là mối quan hệ đặc biệt cần có sự chăm sóc, vun đắp và có sự tham gia của nhiều bộ, ngành trong đó có VASS và LASS, mong rằng năm 2017 cũng là dấu mốc son của quan hệ hai nước nhân kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao hai nước Việt – Lào thì quan hệ giữa bốn cơ quan VASS, LASS, Học viện Hành chính Lào và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần được gắn kết chặt chẽ, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu mối quan hệ hợp tác toàn diện và tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam.
Tọa đàm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn, đồng thời là diễn đàn hữu ích để các nhà nghiên cứu, học giả cùng trao đổi, đưa ra các ý kiến đóng góp nhằm hiểu rõ hơn về tư tưởng, lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn, qua đó tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác toàn diện, tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam lên tầm cao mới./.
Nguyễn Thu Hà