Tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có lãnh đạo Viện Nghiên cứu Trung Quốc gồm các Phó Viện trưởng - TS. Nguyễn Xuân Cường và TS. Hoàng Thế Anh, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện VCCI, các Hiệp hội ngành nghề Việt Nam. Về phía Trung Quốc, có GS.TS. Hoàng Hưng Cầu, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Công nghiệp Chiết Giang; Ông Cố Triều Khánh, Chủ tịch Thương hội Trung Quốc tại Việt Nam; Ông Trần Chí Biêu, Trưởng chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc tại Việt Nam; Ông Lý Vệ, Chủ tịch phân hội Hải Phòng Thương hội Trung Quốc tại Việt Nam và hơn 20 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, đại diện của tập đoàn Mitsubishi Corporation tại Việt Nam và Đài Loan.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có những biến đổi khó lường, trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng số - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của công nghệ thông tin vô cùng quan trọng, bối cảnh này sẽ thay đổi mô hình quan hệ kinh tế giữa các quốc gia như hiện nay.
Hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, việc hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt tới đây, hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể cả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ được thông qua, tạo ra thêm nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong quan hệ thương mại và đầu tư với các nước, trong đó có cả Trung Quốc. Ở Trung Quốc, sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc đã đưa ra nhiều sáng kiến liên kết kinh tế ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, thúc đẩy chiến lược “Một vành đai, một con đường”, nâng cấp, chuyển dịch ngành nghề ra bên ngoài, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước…Điều này tạo ra cơ hội và thách thức cho quan hệ kinh tế hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
|
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Hoàng Thế Anh cho biết, thực trạng quan hệ kinh tế Việt – Trung hiện nay, theo các chuyên gia đã phân tích trong hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: 25 năm bình thường hóa và triển vọng”, Việt Nam nhập siêu nhiều từ Trung Quốc, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam còn nhỏ lẻ, một số dự án thầu do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam còn chậm tiến độ…Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa chưa được gia công, nguyên liệu thô, giá trị thấp, lợi nhuận mang lại không nhiều; đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5 được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp, đại diện các tổ chức hiệp hội ngành nghề, chuyên gia, học giả hai nước Việt – Trung cùng nhau trao đổi, thảo luận về 03 nội dung sau:
Thứ nhất, thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước, thực sự có hiệu quả, cùng có lợi, đặc biệt là xây dựng được những thương hiệu hàng hóa của hai nước Việt - Trung.
Thứ hai, nghiên cứu tìm hiểu những ý tưởng, mô hình hợp tác mới, có sự hợp tác đa quốc gia, có cơ hội để doanh nghiệp Trung Quốc - Nhật Bản - Việt Nam cùng chia sẻ ý tưởng hợp tác của mình.
Thứ ba, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề thông qua Viện Hàn lâm, Đại học Công nghiệp Chiết Giang có những kiến nghị với Đảng, Chính phủ trung ương và địa phương, doanh nghiệp hai nước những kiến nghị, sáng kiến phát triển quan hệ kinh tế hai nước lành mạnh, hiệu quả, bền vững và cùng có lợi.
Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi từ các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội ngành nghề Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc, tập đoàn Mitsubishi Corporation về thực trạng triển khai các thỏa thuận cũng như là thực tiễn triển khai hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực; thực trạng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam; đưa ra một số kiến nghị nhằm xây dựng niềm tin của các doanh nghiệp, các thương hiệu hàng hóa của Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay; vận động, tuyên truyền cho các doanh nghiệp hai nước làm ăn một cách chính quy, chuyên nghiệp…
|
|
|
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến chia sẻ, thảo luận của các đại biểu, phát biểu tổng kết diễn đàn, GS.TS. Hoàng Hưng Cầu khẳng định, trải qua 5 lần tổ chức, Diễn đàn đã đạt được những thành quả, thể hiện qua các nhận thức chung: (1) cần xây dựng thương hiệu và cách nhìn mới khi quan hệ thương mại Việt – Trung bước vào giai đoạn mới; (2) nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng niềm tin hai nước không chỉ trong doanh nghiệp mà còn trên lĩnh vực chính trị, tìm ra biện pháp nhằm nâng cao lòng tin lẫn nhau (công bố các thông tin chính xác giữa hai bên, tăng cường giao lưu qua các diễn đàn); (3) cần thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc và thương mại (đề xuất chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, nỗ lực trong việc thực thi các hiệp định cũng như cam kết giữa lãnh đạo hai nước, thu hút nhiều kênh đến từ doanh nghiệp và địa phương nhằm thúc đẩy đầu tư một cách chính quy, hạn chế hiện tượng buôn lậu và hàng kém chất lượng từ biên giới…).
Diễn đàn là dịp để các chuyên gia, học giả và doanh nghiệp hai nước có cơ hội giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Trung. Qua đó thúc đẩy quan hệ song phương Việt – Trung phát triển toàn diện, có những đóng góp thiết thực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Trung lên tầm cao mới.
Nguyễn Thu Trang