Hội thảo quốc tế 2016 KEI-SEI-LASS-RAC-VASS “Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tại Tiểu vùng Mekong: kết hợp phát triển nông nghiệp thông minh với tăng cường vai trò của phụ nữ”

17:00 20/10/2016
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 20/10/2016, tại thành phố Viêng Chăn, Lào, Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào (LASS) phối hợp với Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI), Viện Môi trường Stockholm (SEI, Thụy Điển), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) tổ chức hội thảo quốc tế 2016 KEI-SEI-LASS-RAC-VASS với chủ đề “Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tại Tiểu vùng Mekong: kết hợp phát triển nông nghiệp thông minh với tăng cường vai trò của phụ nữ”.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu chào mừng hội thảo       Đoàn đại biểu Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các đoàn

Tham dự hội thảo, về phía khách mời có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Kikeo Kaikhamphitoun, Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học quốc gia Lào; PGS.TS. Thongsalit Mangnomek, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Lào; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; đại diện Đại sứ quán Campuchia tại Lào; đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Lào; các nhà nghiên cứu đến từ các tổ chức SEI, UNEP, UNCDF, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào, Đại học quốc gia Lào và một số viện nghiên cứu của Lào.

Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, kiêm Giám đốc Học viện Khoa học xã hội; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, kiêm Viện trưởng Viện Xã hội học; các nhà quản lý, các nhà khoa học đại diện các ban chức năng, các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Về phía Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia có: VS.TS. Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia.

Về phía Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào có: GS.TS. Soukkongseng Saingaleuth, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào; TS. Amphayvanh Khamsengsivilay, Phó Chủ tịch Viện; các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào.

Chủ tọa, diễn giả và chuyên gia bình luận Phiên thứ 1       Chủ tọa, diễn giả và chuyên gia bình luận Phiên thứ 2

Về phía Hàn Quốc có GS. Cae One Kim, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu quốc gia của Hàn Quốc về kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn; TS. Kwang Kook Park, Chủ tịch Viện Môi trường Hàn Quốc và các nhà nghiên cứu đến từ Viện Môi trường Hàn Quốc, Đại học quốc gia Seoul và một số viện nghiên cứu.

Các đại biểu đã nghe phát biểu chào mừng, khai mạc hội thảo của TS. Kwang Kook Park, Chủ tịch Viện Môi trường Hàn Quốc; GS.TS. Kikeo Kaikhamphitoun, Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học quốc gia Lào; GS.TS. Soukkongseng Saingaleuth, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; VS.TS. Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; GS. Cae One Kim, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu quốc gia của Hàn Quốc về kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn.

Trong bài phát biểu chào mừng hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước, đã tích cực tham gia các Hội nghị nói trên và cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030. Việt Nam đã là một trong những quốc gia tích cực triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 và Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Việt Nam còn được đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và do đó đã tạo ra những thay đổi to lớn trong sự nghiệp giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân. Phát triển nông nghiệp thông minh gắn với tăng cường vai trò của phụ nữ để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới là một nội dung quan trọng của SDG. Nông nghiệp thông minh là một hướng đi rất phù hợp dưới tác động của biến đổi khí hậu và làn sóng phát triển khoa học công nghệ lần thứ tư. Trước những thách thức lớn về đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo an ninh nguồn nước và môi trường, yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững và tăng trưởng xanh, nông nghiệp thông minh cần và sẽ phải giữ vai trò trụ cột trong tương lai cho sự phát triển của khu vực Đông Nam Á nói chung và ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia nói riêng. Bên cạnh đó, vấn đề lồng ghép giới trong phát triển nông nghiệp được xuất phát chính từ các mục tiêu phát triển toàn diện con người, coi phát triển con người là trung tâm và là một mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030. Các hạn chế và khiếm khuyết trong kết nối bình đẳng giới và phát triển bền vững nói chung và phát triển nông nghiệp thông minh nói riêng cho thấy có nhiều khoảng trống cần được nghiên cứu, phân tích tìm hiểu. Cần phải tạo ra được chính sách và môi trường để phụ nữ được phát huy vai trò đầy đủ và thực chất. Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu và chia sẻ, trao đổi không chỉ tại hội thảo này mà còn ở các diễn đàn của khu vực.

Chủ tọa, diễn giả và chuyên gia bình luận Phiên thứ 3       Chủ tọa, diễn giả và chuyên gia bình luận Phiên thứ 4

Sau phiên khai mạc, hội thảo đã nghe các bài tham luận trình bày tại 4 phiên:

Phiên thứ 1: Triển khai Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Tiểu vùng Mekong: bắt đầu từ đâu.

Phiên thứ 2: Các nghiên cứu trường hợp quốc gia về khu vực nông nghiệp.

Phiên thứ 3: Nông nghiệp thông minh và nỗ lực hợp tác quốc tế.

Phiên thứ 4: Nông nghiệp thông minh lồng ghép giới.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến bình luận, thảo luận, trao đổi nhằm làm rõ và thống nhất về khái niệm nông nghiệp thông minh, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm triển khai các hành động, dự án phát triển gắn với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững ở các quốc gia Tiểu vùng Mekong, đặc biệt chú trọng đến phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng hạn chế về công nghệ và vốn tại các quốc gia này, hướng tới lồng ghép giới trong phát triển nông nghiệp thông minh và các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Trong bài phát biểu bế mạc, GS.TS. Soukkongseng Saingaleuth, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào nhấn mạnh, hội thảo quốc tế nâng cao năng lực của 5 tổ chức KEI-SEI-LASS-RAC-VASS đã thành công tốt đẹp. Mặc dù thời gian thảo luận có hạn nhưng các đại biểu đã tham gia với trách nhiệm cao, trao đổi, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp thông minh và lồng ghép giới trong phát triển nông nghiệp thông minh và các Mục tiêu Phát triển bền vững. Sự thành công trong phối hợp tổ chức hội thảo lần này mở ra cơ hội và triển vọng hợp tác 5 bên trong thực hiện các dự án chung về nông nghiệp thông minh. Trân trọng cảm ơn Lãnh đạo và các nhà nghiên cứu của 5 tổ chức đã góp phần quan trọng cho sự thành công của hội thảo.

Phát biểu bế mạc hội thảo và thông báo về kế hoạch hội thảo năm 2017, VS.TS. Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào với tư cách chủ nhà đã tổ chức thành công hội thảo, đánh giá cao chất lượng của các tham luận, thảo luận tại hội thảo, đồng thời tin tưởng rằng việc tổ chức các hội thảo phối hợp giữa 5 tổ chức sẽ góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu và sự phát triển của ba Viện Hàn lâm nói riêng và phát triển của các quốc gia trong Tiểu vùng Mekong nói chung. Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia trân trọng thông báo chủ đề hội thảo năm 2017 tổ chức tại Campuchia sẽ về vấn đề an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và quản lý nguồn nước Tiểu vùng Mekong./.

PGS.TS. Vũ Hùng Cường

In trang Chia sẻ

Tin khác