Đề tài “Tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển vùng Tây Nam Bộ trên quan điểm phát triển bền vững” tổ chức hội thảo khoa học

17:00 29/10/2016
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 28/10/2016, tại thành phố Cần Thơ, trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” (Chương trình Tây Nam Bộ) do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì, Đề tài “Tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển vùng Tây Nam Bộ trên quan điểm phát triển bền vững” do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng là chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn phát triển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là tổ chức chủ trì đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới”.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia <br>Hồ Chí Minh, đồng Chủ nhiệm Chương trình Tây Nam Bộ, <br>chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đồng Chủ nhiệm Chương trình Tây Nam Bộ, chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có 60 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Sở, Ngành của 13 tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ, Học viện Chính trị Khu vực IV, Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp ở Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, và các thành viên chính của đề tài.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh sự cần thiết phải tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển của vùng, trong đó phải đặc biệt chú ý đến những điểm chung của cả nước và điểm đặc thù của vùng Tây Nam Bộ, phải phân tích, đánh giá dưới góc độ phát triển bền vững. Giáo sư chủ nhiệm đề tài đề nghị hội thảo tập trung vào thảo luận một số nội dung chính: i) Tổng kết, đánh giá về cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành chủ lực, sản phẩm chủ lực, trong đó cần lưu ý làm rõ và chuẩn xác lại khái niệm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp thông minh, từ đó cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận về lựa chọn cơ cấu kinh tế, ngành chủ lực, sản phẩm chủ lực dựa trên lợi thế và đặc thù của vùng. Nếu lựa chọn nông nghiệp là trọng tâm thì cần phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp và ngành dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, cần chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa, tích tụ đất đai để sản xuất lớn và thuận lợi trong áp dụng khoa học kỹ thuật, phải dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường; ii) Tổng kết, đánh giá về vấn đề liên kết nội vùng và liên vùng, trong đó tập trung vào đánh giá liên kết trong phát triển hạ tầng để tạo ra tính đồng bộ trong sự kết nối trong vùng; vấn đề phát triển các doanh nghiệp thực sự lớn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để là đầu tàu kết nối các doanh nghiệp; liên kết trong sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; iii) Tổng kết, đánh giá về chính sách phát triển của vùng, trong đó đặc biệt chú ý đến tính kết nối chính sách trong nước và ngoài nước, trong vùng và với các vùng lân cận. Cần rà soát chính sách để chỉ ra được những hạn chế, bất cập; iv) Tổng kết, đánh giá về vấn đề thể chế và các vấn đề xã hội, về mô hình quản lý cấp vùng.

      Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo đã nhận được 15 bài tham luận và nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo, trong đó bên cạnh tổng kết những thành tựu đạt được sau 30 năm đổi mới và phát triển, các ý kiến tham luận và thảo luận đã đi sâu chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn phát triển vừa qua, những thách thức đối với phát triển nhanh và bền vững vùng Tây Nam Bộ trong điều kiện hội nhập ngày càng phát triển sâu rộng, với những thay đổi nhanh và khó lường của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng trong khu vực Tiểu vùng Mekong, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng.

Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu tại hội thảo đã gợi mở nhiều ý tưởng để tiếp tục triển khai đề tài cũng như tổ chức các hội thảo chuyên đề. Đồng thời Giáo sư cũng đề nghị các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia của vùng Tây Nam Bộ tích cực tham gia, đóng góp nhiều hơn nữa trong các đề tài, hội thảo của Chương trình Tây Nam Bộ cũng như đề xuất các đề tài nghiên cứu trong thời gian tới./.

PGS.TS. Vũ Hùng Cường

In trang Chia sẻ

Tin khác