Đến dự Hội thảo, về phía Ban Chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm Chương trình, các Chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ, có GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và một số nhà khoa học là chủ nhiệm các đề tài thuộc chương trình: GS.TS. Trịnh Duy Luân, TS. Trần Thị Minh Thi, TS. Nguyễn Quốc Tuấn,…
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và bình đẳng giới có: ThS. Phạm Quốc Nhật, Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ThS. Nguyễn Thị Nga, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Về phía các nhà khoa học đại diện cho các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học, có: TS. Nguyễn Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em; PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà, Trưởng khoa Nhân học-Dân tộc học, Học viện Khoa học xã hội; TS. Dương Kim Anh, Trưởng khoa Nghiên cứu Giới và Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Về phía Đề tài, có sự tham dự của TS. Đặng Thị Hoa, Chủ nhiệm Đề tài và đông đủ thành viên tham gia Đề tài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Phó chủ nhiệm Chương trình, đại diện cơ quan chủ trì đề tài, cho biết: Hội thảo này là một trong những hoạt động nằm trong Chương trình cấp bộ để chuẩn bị cho các khảo sát sắp tới. Có thể nói rằng trong những năm vừa qua, đặc biệt là những năm gần đây, vấn đề về bạo lực gia đình rất được quan tâm nghiên cứu, tuy nhiên, xét về đại thể đến nay vấn đề này cũng chưa được nhìn nhận một cách hệ thống, các nghiên cứu còn mang tính chất nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu vào bạo lực của chồng đối với vợ; trong khi thực tế, bạo lực gia đình nảy sinh từ rất nhiều mối quan hệ khác nhau như mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái, vợ-chồng, con cái đã xây dựng gia đình với người cao tuổi…Bên cạnh đó, tính hệ thống trong lý luận và phương pháp luận còn thiếu, vì vậy chưa được phản ánh đầy đủ trong các phương pháp đo lường cũng như cách tiếp cận. Đó cũng chính là những lý do - xuất phát từ nhu cầu bức thiết của xã hội - mà Chính phủ đã đồng ý để cho Viện Hàn lâm thực hiện đề tài về vấn đề này nằm trong chương trình nghiên cứu về gia đình. GS.TS. Nguyễn Hữu Minh mong các nhà khoa học thảo luận, đóng góp ý kiến về: cách tiếp cận đúng đắn trong nghiên cứu vấn đề bạo lực gia đình (sử dụng cách tiếp cận chung đối với vấn đề bạo lực gia đình hay sử dụng các cách tiếp cận riêng đối với mỗi mối quan hệ); phương pháp đo lường phù hợp để có thể phản ánh được thực trạng về bạo lực gia đình hiện nay và các yếu tố tác động đến nó, từ đó có cơ sở khoa học để đưa ra giải pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa, triệt tiêu bạo lực gia đình hiện nay ở Việt Nam.
|
|
|
|
|
Phát biểu đề dẫn Hội thảo,TS. Đặng Thị Hoa, thay mặt cho Ban chủ nhiệm Đề tài giới thiệu vắn tắt một số thông tin chính của Đề tài, nêu rõ: nghiên cứu về bạo lực gia đình là một chủ đề được nhiều nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội quan tâm trong những năm gần đây. Tình trạng bạo lực gia đình diễn ra không phụ thuộc vào vùng địa lý, tộc người hay trình độ phát triển của xã hội mà xuất hiện ở nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Các loại hình bạo lực gia đình cũng hết sức đa dạng và phức tạp. Ở Việt Nam, vấn đề bạo lực gia đình đang trở thành một vấn nạn xã hội, hành vi bạo lực là rõ ràng, nhưng những yếu tố nào dẫn tới các hành vi bạo lực đang là vấn đề cần được làm rõ. Tính chất nghiêm trọng của bạo lực gia đình vẫn có xu hướng gia tăng và phạm vi mở rộng đến nhiều đối tượng và ngày càng phức tạp hơn.
Đã có hàng chục công trình nghiên cứu về bạo lực gia đình. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có một nguyên nhân đơn lẻ nào đủ giải thích cho hiện tượng bạo lực gia đình. Ở Việt Nam cũng như các nước phương Đông, bạo lực gia đình xuất phát từ những sự thay đổi, thậm chí là suy giảm của những chuẩn mực, giá trị, niềm tin của một xã hội mà nam giới có địa vị cao hơn so với nữ giới và phụ nữ lại chấp nhận quan niệm đó. Tuy nhiên, trong xu thế biến đổi của gia đình hiện nay, ngoài các yếu tố truyền thống, còn có rất nhiều yếu tố hiện đại đã và đang ảnh hưởng tới các hành vi bạo lực gia đình.
Mục tiêu của Hội thảo là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề bạo lực gia đình hiện nay ở Việt Nam, xác định rõ hướng tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và đo lường thực trạng bạo lực gia đình và các yếu tố tác động đến bạo lực gia đình.
Sau báo cáo của TS. Đặng Thị Hoa, Chủ nhiệm Đề tài, Hội thảo được nghe các các tham luận: (1) “Những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay” do TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày; (2) “Bạo lực gia đình từ các góc nhìn văn hoá, cấu trúc và hành động xã hội” - PGS.TS. Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm; (3) “Một số lý thuyết áp dụng trong nghiên cứu về bạo lực gia đình” - ThS. Đặng Bích Thuỷ, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm; (4) “Một số cách tiếp cận nghiên cứu về bạo lực gia đình trên thế giới” - TS. Dương Kim Anh, Học viện Phụ nữ Việt Nam; (5) “Một số lưu ý về khung phân tích và đo lường trong nghiên cứu bạo lực gia đình” - GS. TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm.
Hội thảo nhận được nhiều trao đổi bổ ích và sôi nổi về những gợi mở, định hướng trọng tâm nghiên cứu, khung phân tích, sử dụng các lý thuyết nghiên cứu các hành vi bạo lực gia đình trong bối cảnh xã hội chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học có cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lý luận và phương pháp luận nghiên cứu giá trị gia đình ở Việt Nam và trên thế giới. Kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Nguyễn Thu Hà