|
Đến dự Hội thảo, về phía Ban Chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm Chương trình, các Chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ, có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên chủ nhiệm chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, Chủ nhiệm đề tài; GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và một số nhà khoa học là chủ nhiệm các đề tài thuộc chương trình: PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, TS. Trần Thị Minh Thi, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TS. Nguyễn Chiến Thắng, TS. Đặng Thị Hoa, cùng đại diện một số đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ. Các nhà khoa học đại diện cho các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học quan tâm đến nghiên cứu vấn đề gia đình cũng đến dự, như: GS.TS. Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; GS.TS. Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển; GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); PGS.TS. Mai Văn Hai, Viện Xã hội học; PGS.TS. Nguyễn Xuân Mai, Viện Xã hội học; PGS.TS.Vũ Tuấn Huy, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; PGS.TS. Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); …
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Trong những năm gần đây, tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta đã được thúc đẩy với bước đi khá vững chắc và đạt được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế với hàng loạt quốc gia và khu vực, trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế, thương mại chủ chốt, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó quá trình hội nhập văn hóa cũng diễn ra sôi động với khả năng giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng. Tất cả những yếu tố đó có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân nói chung và quan hệ trong gia đình nói riêng. Những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống gia đình từ tác động của hội nhập quốc tế và quá trình công nghiệp hóa đã được khá nhiều nghiên cứu quan tâm trong thời gian qua.Tuy nhiên, những nghiên cứu này phần lớn có quy mô không lớn, thiếu tính hệ thống. Những kết quả nghiên cứu hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu đối với vấn đề hoạch định chính sách có hiệu quả xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, nếu tính từ khi có cuộc Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 cho đến nay thì không có một cuộc điều tra nào ở cấp quốc gia về những vấn đề chung của gia đình, vì vậy khó có thể nói đến một bức tranh chung về sự biến đổi đặc điểm gia đình Việt Nam trong thập niên qua và xu hướng trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã được Chính phủ giao thực hiện Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” trong đó có đề tài “Xu hướng biến đổi của đặc điểm gia đình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”.
|
|
|
|
|
Thừa ủy quyền của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, phát biểu đề dẫn Hội thảo GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Phó chủ nhiệm Chương trình đã giới thiệu một số mục tiêu nghiên cứu chủ yếu của Đề tài là: (1) tập trung phân tích thực trạng và sự biến đổi một số đặc điểm nhân khầu-xã hội của gia đình qua các giai đoạn lịch sử từ năm 1986 đến năm 2015; (2) Phân tích thực trạng và sự biến đổi đặc điểm mối quan hệ vợ-chồng qua các giai đoạn lịch sử từ năm 1986 đến năm 2015 và dự báo mô hình mối quan hệ vợ-chồng trong gia đình Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay với tầm nhìn đến năm 2030; (3) Phân tích thực trạng và sự biển đổi đặc điểm mối quan hệ cha mẹ- con cái qua các giai đoạn lịch sử từ năm 1986 đến năm 2015 và dự báo mô hình mối quan hệ cha mẹ-con cái trong gia đình Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay với tầm nhìn đến năm 2030; (4) Phân tích thực trạng và sự biến đổi đặc điểm văn hóa ứng xử trong gia đình qua các giai đoạn lịch sử từ năm 1986 đến năm 2015 và dự báo mô hình văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay với tầm nhìn đến năm 2030; (5) Phân tích thực trạng và sự biến đổi đặc điểm phúc lợi gia đình qua các giai đoạn lịch sử từ năm 1986 đến năm 2015; (6) Phân tích quá trình triển khai các chính sách về gia đình nhằm thực hiện chức năng gia đình và củng cố mối quan hệ gia đình ở Việt Nam; (7) Làm rõ các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, tác động đến các đặc điểm gia đình Việt Nam hiện nay; (8) Xây dựng các đề xuất, kiến nghị về mặt chính sách dành cho gia đình nhằm phục vụ công tác xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Nội dung chủ yếu của Đề tài là nghiên cứu và làm rõ: Biến đổi đặc điểm nhân khẩu-xã hội của gia đình; Biến đổi mối quan hệ giữa vợ và chồng trong gia đình; Biến đổi mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái vị thành niên; Biến đổi mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái đã xây dựng gia đình riêng; Biến đổi về văn hóa ứng xử trong gia đình; Biến đổi đời sống kinh tế/phúc lợi gia đình của gia đình.
|
Sau báo cáo của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Hội thảo được nghe các tham luận: (1) “Phương pháp luận tiếp cận nghiên cứu gia đình Việt Nam truyền thống trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do GS.TS. Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển trình bày; (2) “Một số vấn đề phương pháp từ kinh nghiệm nghiên cứu biến đổi gia đình Việt Nam” - PGS.TS. Vũ Tuấn Huy, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng; (3) “Vận dụng lý thuyết hiện đại hóa trong nghiên cứu sự biến đổi của gia đình” - PGS.TS. Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; (4) “Lý thuyết hệ thống nghiên cứu quan hệ tâm lý - tình cảm trong gia đình” - PGS.TS. Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học.
Các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận xung quanh những vấn đề về vận dụng các lý thuyết để giải thích tốt nhất xu hướng biến đổi gia đình ở Việt Nam (lý thuyết vai trò, lý thuyết cơ cấu-chức năng, lý thuyết giới...) cũng như các phương pháp thu thập thông tin và phân tích thông tin thích hợp.
Hội thảo nhận được nhiều trao đổi bổ ích và sôi nổi về những gợi mở, định hướng trọng tâm nghiên cứu, khung phân tích, sử dụng các lý thuyết nghiên cứu, những khía cạnh khác nhau cần quan tâm từ góc độ lý thuyết và phương pháp luận phân tích sự biến đổi gia đình Việt Nam. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lý luận và phương pháp luận nghiên cứu về gia đình và sự biến đối của gia đình Việt Nam. Kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, qua đó sẽ đề xuất hệ thống giải pháp và chính sách nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay./.
Nguyễn Thu Hà